Tôi đọc đi đọc lại những dòng chữ này khắc trên Đài Cảm tử ở ngay trước cửa chợ Đồng Xuân. Nó gợi cho tôi nhớ về trận đánh quyết tử 60 ngày đêm của quân và dân ta tại mặt trận Đồng Xuân mà tôi từng được nghe Đại tá Vũ Tâm, nguyên Chánh văn phòng Binh đoàn Quân tình nguyện 678 giúp Lào, nguyên Trung đội trưởng Trung đội tự vệ giữ chợ Đồng Xuân, Liên khu I kể lại.

leftcenterrightdel
Đại tá Vũ Tâm ôn lại trận đánh ở chợ Đồng Xuân với phóng viên. 
Tôi sinh ra khi những ngày đêm khói lửa ấy đã lùi xa, nhưng qua lời kể của Đại tá Vũ Tâm, người trực tiếp tham gia chiến đấu tại chợ Đồng Xuân, tôi cũng phần nào cảm nhận được sự ác liệt của trận đánh tiêu biểu cho tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Ngay sau khi hiệu lệnh từ Pháo đài Láng bắn vào thành Hà Nội báo hiệu Toàn quốc kháng chiến, cũng là lúc trận chiến tại chợ Đồng Xuân bắt đầu. Trong những ngày tiếp theo, lực lượng tại chợ Đồng Xuân nhận được mệnh lệnh đào hầm, hào, hố cá nhân dưới gầm các phản thịt, làm ụ súng, lô cốt để chuẩn bị cho trận đánh lớn ngày 14-2-1947. Đây được coi là trận đánh ác liệt nhất trong suốt 60 ngày đêm kìm chân địch tại Hà Nội.

Mờ sáng ngày 14-2, máy bay địch ném bom, pháo binh, súng cối bắn phá liên tiếp vào chợ Đồng Xuân và các khu phố xung quanh. Khi xe tăng địch tiến vào trong chợ, quân ta từ các quầy hàng lừa cho xe địch đi qua, bộ binh địch vừa tới thì xông ra đánh giáp lá cà, quần thảo với địch. Phút chốc, trong chợ đã diễn ra những cuộc vật lộn vô cùng ác liệt. Trong ngày hôm ấy, quân Pháp phải tiến công ba đợt mới chiếm được chợ Đồng Xuân. Nhưng cũng ngay trong đêm, Tiểu đoàn 101 được bổ sung thêm lực lượng đã tổ chức phản công. Đến gần 1 giờ, quân Pháp phải rút khỏi chợ Đồng Xuân và nhiều khu phố khác thuộc Liên khu 1. Trận đánh tại chợ Đồng Xuân lúc bấy giờ là chiến thắng quan trọng, ta giữ vững được vị trí, làm hành lang an toàn cho cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ Đô đêm 17-2-1947.

Đại tá Vũ Tâm cho biết: “Chợ Đồng Xuân được coi là nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất và là trận đánh lớn của quân, dân Hà Nội trong 60 ngày đêm là vì có 5 cái nhất đó là: Địch sử dụng lực lượng đông nhất; sử dụng hỏa lực mạnh nhất; thời gian trận đánh dài nhất; cả địch và ta thương vong lớn nhất; thắng lợi chợ Đồng Xuân là lớn nhất”. Trận chiến bảo vệ từng mét vuông chợ, từng quầy hàng ở chợ Đồng Xuân là sự quả cảm trong những ngày chiến đấu kìm chân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

Giờ đây, cùng với sự đổi thay của Hà Nội, chợ Đồng Xuân như khoác trên mình một tấm áo mới, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ và dấu ấn của trận chiến Hà Nội mùa đông năm 1946. Những ngày này, khi cả nước đang hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, chợ Đồng Xuân như gợi nhắc mỗi chúng ta nhớ về những chiến công trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội thân yêu, trong đó có trận chợ Đồng Xuân.

Bài và ảnh: THU TRANG