 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Nguyễn Xiển, Phó chủ tịch Tôn Đức Thắng trên Đoàn Chủ tịch một kỳ họp Quốc hội. Ảnh tư liệu |
Trong chuyến công tác “
về nguồn” cuối tháng 7 vừa qua, tôi được đến thăm Tiểu khu Trọng Con, một căn cứ địa do đồng chí Lê Quảng Ba thừa lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng tại xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tại Nhà truyền thống Tiểu khu Trọng Con còn lưu giữ một số bằng khen của Ủy ban hành chính cách mạng Bắc Bộ, tặng cho một số cá nhân ở địa phương vì đã có công lao tham gia chiến đấu và ủng hộ kháng chiến. Các bằng khen đều cấp vào “năm dân chủ cộng hòa thứ ba” (1947) do Chủ tịch Nguyễn Xiển ký. Tôi đặc biệt ấn tượng đối với những hiện vật này, vì đây là những hiện vật gốc, được các chủ nhân và con cháu của họ lưu giữ như “gia bảo” ngót sáu chục năm qua. Và ấn tượng còn vì chữ ký “Nguyễn Xiển” bằng mực tàu, sau sáu mươi năm vẫn còn rất rõ ràng, nét chữ tài hoa nghiêm ngắn.
Có một sự trùng hợp thật thú vị: Hôm ấy là ngày 27-7-2007, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Giáo sư Nguyễn Xiển. Một sự tình cờ ngẫu nhiên hay là “cơ duyên” ngụ ý gì chăng? Bởi vậy, mấy hôm sau về Hà Nội, tôi đã tìm đọc một số tài liệu về Giáo sư Nguyễn Xiển. Ông, một bậc trí giả Việt Nam ở thế kỷ hai mươi, thuộc thế hệ “Tây học” đầu tiên của nước ta, nhà khoa học khí tượng hàng đầu của Việt Nam… Ông, một chính khách tên tuổi, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Chủ tịch Ủy ban hành chính cách mạng Bắc Bộ, Tổng thư ký đảng Xã hội Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Những thông tin ấy nhiều người đã biết, nhưng có hai mẩu chuyện về ông liên quan đến công tác giáo dục, khiến tôi đặc biệt chú ý.
Chuyện thứ nhất: Năm 1932, trở về Tổ quốc với ba tấm bằng cử nhân ưu tú tại những trường đại học danh tiếng hàng đầu nước Pháp là: Tu-lu-dơ, Xoóc-bon và Poăng-ca-rê, được bổ làm quan ở Huế nhưng ông đã khước từ để chọn nghề dạy học. Ông trở thành thầy giáo của các trường Gia Long, Thăng Long, Hồng Bàng, trường Bưởi; cùng các bạn học cũ là Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám… góp sức truyền bá và xây dựng nền tân học của nước nhà. Sự lựa chọn lần này của ông hoàn toàn nhất quán với quan niệm xử thế của ông từ thuở thiếu niên: “Muốn đánh giặc cứu nước phải có khoa học, có công nghệ”. Bởi vậy, tuy đỗ đầu tú tài Tây ở trường Bưởi, có thể đi làm công chức kiếm sống được ngay, hoặc tham gia phong trào yêu nước của thanh niên-học sinh lúc bấy giờ. Nhưng, như sau này ông kể lại: Ông đã chọn con đường học vấn để “mong có ngày mang tài năng cống hiến cho cách mạng” (Theo báo Nhân dân, số ra ngày 15-7-1997). Chính vì vậy, sau ngày cách mạng thành công, ông đã nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia chính quyền để được đem tri thức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Tại chiến khu Việt Bắc khó khăn thiếu thốn, ông đã dựa vào những kiến thức tiếp thu được từ các nhà khoa học hàng đầu nước Pháp để biên soạn hai giáo trình bậc đại học bằng tiếng Việt đầu tiên về Toán học đại cương và Cơ học thuần lý để phục vụ cho công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật trong kháng chiến. Khi Chính phủ ta được sự giúp đỡ của nước bạn, thành lập trường đại học đặt ở Nam Ninh (Trung Quốc) để đào tạo nhân lực cho sự nghiệp kháng chiến-kiến quốc, ông là một trong những người được giao nhiệm vụ xây dựng trường và trực tiếp giảng dạy các môn khoa học cơ bản. Ông là thế hệ thầy giáo đầu tiên của nền đại học cách mạng Việt Nam.
 |
GS Nguyễn Xiển (1907-1997) |
Chuyện thứ hai: Chỉ vài ngày sau cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) sáng 2-9-1945, với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố với toàn thế giới, ông Nguyễn Xiển với tư cách là Chủ tịch Ủy ban hành chính cách mạng Bắc Bộ, đã trực tiếp đề nghị Chính phủ cử một đoàn đại biểu đến bái yết các bậc tiên Thánh, tiên Hiền ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tán thành và cử ngay cụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn đại biểu của Chính phủ, trong đó có các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa… vào dâng hương bái yết ở Văn Miếu là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi ghi tạc các thế hệ danh nhân khoa bảng của đất nước cùng lời huấn giáo của Đức Khổng Tử: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Trong hoàn cảnh Nhà nước cách mạng còn non trẻ; bao công việc đối nội, đối ngoại khẩn trương, dồn dập; kẻ thù rình rập khiêu khích, phá hoại… mà vẫn nghĩ đến một nghi lễ như vậy thì chỉ có ở những bậc trí giả uyên bác, hết sức đề cao đạo học, nhận thức sâu sắc vai trò của giáo dục đối với tương lai đất nước. Bản thân Giáo sư Nguyễn Xiển lúc trẻ từng đề cao sự học đối với công cuộc đánh đuổi ngoại bang, giành độc lập dân tộc. Trở thành một nhân sĩ-chính khách, ông càng ý thức hơn nghĩa vụ của mình trong việc tham gia truyền bá tri thức cho đồng bào, trước hết là thế hệ thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Ông là một trong những người có công đầu trong việc chuyển nền giáo dục phổ thông của nước ta từ tiếng Pháp sang tiếng Việt-tiếng mẹ đẻ-để xây dựng một nền giáo dục của nước Việt Nam mới.
Trong không khí của ngày khai giảng năm học mới, năm học tiếp tục những nỗ lực chấn hưng sự nghiệp giáo dục nước nhà trong xu thế hội nhập và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhắc lại hai mẩu chuyện liên quan đến hoạt động giáo dục của Giáo sư Nguyễn Xiển, càng thêm cảm phục tư tưởng, nhân cách của một nhà giáo lớn-một trí thức cách mạng ưu tú!
TUYÊN HÓA