A.Pát-ty (bên trái) và đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1945.

A.Pát-ty, thiếu tá OSS (tiền thân CIA của Mỹ) được phái đến Hà Nội ngày 22-8-1945, chứng kiến những ngày sục sôi Tổng khởi nghĩa và có mặt trong ngày lễ Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập (2-9) tại Quảng trường Ba Đình. Trong hồi ký “Tại sao Việt Nam” của mình, Pát-ty đã ca ngợi sự nghiệp đấu tranh giành và giữ nền độc lập của Việt Nam là sự nghiệp chính nghĩa:

Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức

A.Pát-ty viết: “Cuộc cách mạng Tháng Tám là sự kiện long trời lở đất tạo bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Giành lại độc lập sau 80 năm bị đô hộ, đất nước Việt Nam đã lần đầu tiên ghi tên mình trên bản đồ thế giới, để rồi hôm nay trở thành một cái tên gợi niềm tự hào, sự mến phục trong lòng bạn bè quốc tế...”.

Pát-ty kể lại không khí sục sôi những ngày khởi nghĩa, đã trích dẫn mô tả của viên tướng người Anh P.M.Đô-nan: “... Cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi và trong vòng 10 ngày chế độ thực dân cùng tàn dư phong kiến đã chấm dứt. Cuộc cách mạng bùng lên như một cơn lốc. Chỉ trong mấy ngày, sự nhục nhã và nỗi khổ đau của kiếp nô lệ đã bị cuốn sạch... Cách mạng thực sự là ngày hội cho những người bị áp bức”.

A.Pát-ty viết tiếp: “Cụ Hồ đã giành lại được nước Việt Nam và thành lập chính quyền đầu tiên”. Sau ngày Tuyên bố độc lập, “Cụ Hồ đã quyết định thành lập Bộ tổng tham mưu gồm những sĩ quan tinh hoa để nắm quân đội. Đó là một đội quân “thống nhất, bí mật, nhanh nhạy, chính xác, chớp nhoáng để đánh bại mọi kẻ thù”. Ngày 8-9, cơ quan giáo dục quần chúng quốc gia được hình thành như một ưu tiên thứ hai để bảo đảm giáo dục tổng hợp, đồng thời như một công cụ để thu phục nhân tâm trên toàn quốc. Trong vài tháng sau đó, Chính phủ của Cụ Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện luật pháp, xây dựng lực lượng cảnh sát, thực hiện công bằng xã hội và đặt cơ sở cho việc phát triển quân đội; thống nhất tất cả các thành phần xã hội...”.

Việt Nam đã giành được độc lập từ tay phát xít Nhật và khẩn trương xây dựng chế độ mới, nhưng trong thời gian đó thực dân Pháp ráo riết thực hiện dã tâm trở lại xâm lược Đông Dương, được Anh đồng lõa: “Ngay từ ngày 16-8 (1945), trong khi Cụ Hồ còn bận bịu với Quốc dân đại hội ở Tân Trào, Sác-lơ Đờ Gôn đã bổ nhiệm tướng G.P.Hô-te-lốc (bí danh là Lơ Cléc) giữ chức Tổng tư lệnh các lực lượng Pháp tại Viễn Đông và ra lệnh cho ông ta triển khai một số đơn vị vào Việt Nam. Đờ Gôn còn bổ nhiệm đô đốc G.Đắc-giăng-li-ơ giữ chức cao ủy Đông Dương... Giăng Xanh-tơ-ny từ phái bộ Pháp ở Côn Minh đã nhảy dù xuống Việt Nam... Và đến đầu tháng 10, hai tiểu đoàn bộ binh Pháp, một đơn vị com-măng-đô và một trung đoàn thiết giáp đã đến Sài Gòn dưới sự chỉ huy của Lơ Cléc. Vài ngày sau, chính phủ Anh quyết định chính quyền Pháp phải lên thay càng nhanh càng tốt...”.

Sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc Việt Nam

Tháng 10-1945, phải rời Hà Nội, trước khi về nước, Pát-ty được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Bắc Bộ phủ. Pát-ty kể lại: “... Sau bữa cơm, khi chỉ còn ông Hồ và tôi, ông Hồ hỏi ngay có phải Mỹ đang cho phép Pháp trở lại Việt Nam? Ông không bàn luận mà chỉ muốn qua tôi để biết một cách không chính thức điều mà tôi nghĩ, hoặc biết về chính sách Mỹ đối với những ý đồ quá hiển nhiên của Pháp...”.

Pát-ty nói rằng, chính sách của Mỹ khi ông ta nhận nhiệm vụ là một chính sách “tránh khỏi” Đông Dương... nhưng đó thực ra chỉ là những điều phỏng đoán. “Ông Hồ lắng nghe một cách chăm chú, rồi lắc đầu nói với tôi rằng, ông không thể hòa giải được lập trường của Mỹ ở Oa-sinh-tơn... với thái độ thụ động của nước này trước tình hình khẩn cấp đang xảy ra ở Sài Gòn. Ông không thể nào hiểu được rằng Mỹ, một nước lên tiếng chống chủ nghĩa thực dân mà lại làm ngơ và cho phép Anh và thậm chí cả Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch) giúp Pháp trong mưu đồ nhằm áp đặt lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam và nói: “Chẳng ai mù để mà không thấy được sự thật hiển nhiên là quân đội Pháp được Mỹ trang bị và tiếp tế, sớm muộn sẽ xâm chiếm cả Lào, Cam-pu-chia, Trung kỳ và cả Bắc kỳ nữa”. Ông lập luận rằng: nếu Mỹ chỉ dùng ảnh hưởng của mình để tác động đến Đờ Gôn thôi thì cũng có thể đạt tới một cuộc ngừng bắn ở Việt Nam trong đó không chỉ riêng Pháp, mà tất cả các nước bạn bè, đều có lợi vì nền độc lập của Việt Nam... Ông đưa ra những nguyên tắc chung mà Ru-dơ-ven và Sớc-sin đã nêu trong Hiến chương Đại Tây Dương... rồi nói: “Cả Mỹ và Anh đã nhiều lần tuyên bố công nhận quyền của các dân tộc tự lựa chọn lấy hình thức chính quyền mà họ muốn, và người Việt Nam muốn được hưởng đặc quyền đó... Tại sao điều đó lại không được áp dụng cho Việt Nam? Nếu đó thực sự là những nguyên tắc cao siêu mà Mỹ và Anh đã phấn đấu trong chiến tranh thế giới thứ hai, thì tại sao trong bước khởi đầu thời kỳ sau chiến tranh, họ đã từ bỏ và đặc biệt là đã chối từ không áp dụng cho Việt Nam? Đúng là Mỹ đã có giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh của Việt Nam trước đây... Tại sao nay Mỹ lại tỏ ra nhu nhược trong khi Pháp vi phạm các nguyên tắc Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Liên hợp quốc?”.

A.Pát-ty cho rằng “... Cả ông Giáp và ông Hồ đều biết rằng họ chỉ có thể chờ đợi tôi nhiều nhất là một sự thông cảm và mối cảm tình. Nhưng tôi thấy được họ đã nhân cơ hội của buổi gặp gỡ cuối cùng này để làm sáng tỏ chính bản thân họ và sự nghiệp chính nghĩa của họ một cách tốt nhất...”. A.Pát-ty kết luận: Ý đồ của người Pháp là muốn thấy Việt Minh bị vô hiệu hóa và họ dựa vào những người theo chủ nghĩa quốc gia thân Trung Quốc (quân Tưởng) để làm việc này... Cuộc điều đình (của Pháp với Tưởng) đã làm cho tướng Tiêu Văn và Quốc dân đảng (Trung Quốc) hài lòng vì cái mà họ sợ nhất chính là Hồ Chí Minh... Việt Minh “có xu hướng cộng sản ghê gớm” và sự nghiệp của dân tộc Việt Nam là chính nghĩa.

A.Pát-ty