40 năm trước, trên chiến trường Trị Thiên rực lửa, có dũng sĩ đã nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Người dũng sĩ ngày ấy nay là Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự (BTLSQS) Việt Nam. Gần 10 năm qua, ông đã cùng các cộng sự của mình mang hết sức lực và trí tuệ làm cho pho sử sống quân sự nước nhà in đậm trong trái tim người Việt Nam và bè bạn năm châu.

Phòng làm việc của Thiếu tướng Lê Mã Lương nằm đầu hồi phía tây nam một ngôi nhà cổ. Căn phòng khá rộng và sang trọng bởi sự bài trí của chủ nhân vốn là người kỹ tính, có khiếu thẩm mỹ. Ông rất khỏe, mặc dù đã 3 lần bị thương, bỏ lại con mắt trái nơi chiến trường. Gặp tôi, ông chia sẻ:

- Tôi vừa đi Điện Biên về. Sáng nay lại làm việc với đoàn nhà văn, nhiếp ảnh Vương quốc Anh.

NẶNG LÒNG VỚI LỊCH SỬ

PV: Người trợ lý của ông cho tôi biết, giám đốc lúc nào cũng bận, ít khi có mặt tại cơ quan. Vấn đề gì ở ngoài bảo tàng làm ông quan tâm đến thế?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Vẫn chỉ xoay quanh việc bảo tồn, tôn tạo di tích nhằm gìn giữ và tôn vinh chiến công giữ nước của ông cha ta.

- Đoàn nhà văn, nhiếp ảnh Vương quốc Anh quan tâm điều gì ở BTLSQS Việt Nam?

- Họ sang Việt Nam lần này nhằm thu thập tư liệu để viết cuốn sách: “Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường dẫn tới tự do”. Tôi được mời làm việc với tư cách nhân chứng lịch sử. Vấn đề họ quan tâm chính là con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Gần 3 giờ đồng hồ, nhà văn, tiến sĩ Viếc-ghi-ni-a Mo-rơ và nhà nhiếp ảnh Clai-vơ Hiu chỉ hỏi chúng tôi về đường mòn Hồ Chí Minh, về người chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam hành quân trên tuyến đường ấy. Tôi kể cho họ nghe về tuyến đường giao liên Đông Trường Sơn-Tây Trường Sơn, về các anh, các chị giao liên mặc quần áo bà ba, đội mũ tai bèo, chân đi dép cao su, vai khoác súng AK đi thoăn thoắt, đưa chiến sĩ vào mặt trận, vào vùng giáp ranh, len lỏi trong vùng địch kiểm soát. Tôi cũng nói khái quát về con đường Hồ Chí Minh trên biển để họ hiểu thêm về những chiến công thần kỳ của dân tộc Việt Nam. Nghe tôi kể, thỉnh thoảng họ lại ồ lên ngạc nhiên rồi thích thú, cảm phục.

- Các cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã đi vào quá khứ, những gì tiêu biểu của lịch sử đã được các nhà bảo tàng đưa vào “bộ nhớ”. Chừng ấy chưa đủ hay sao mà ông vẫn đi riết vào Quảng Trị?

- Người làm bảo tàng có tâm huyết không bao giờ bằng lòng với cái mình đã có. Với tôi có lẽ như một nghiệp chướng rồi. Gần đây tôi nghĩ nhiều đến khái niệm “bảo tàng mở”. Nói cụ thể hơn là BTLSQS Việt Nam phải tham gia quản lý di tích lịch sử quân sự đang nằm rải rác ở các địa phương trong cả nước, với hàng nghìn di tích được phục hồi, tôn tạo và cũng không ít các di tích đã rơi vào phế tích.

- Những năm gần đây, người ta hay nhắc tới cụm từ “xã hội hóa”, trong bảo tồn bảo tàng có chuyện đó không?

- Chúng tôi phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin 64 tỉnh, thành phố trong cả nước để bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử. Trong số hàng nghìn sự kiện, tôi quan tâm nhiều nhất đến di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng Giang, Đông Khê, Thất Khê, Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh... Chúng tôi đã kết hợp với các nhà khoa học khảo sát, đánh giá từng di tích, chú trọng vào những di tích lớn có tầm cỡ quốc gia. Ba năm qua, chúng tôi được tháp tùng đoàn Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm hai lần đi thực địa, cho ý kiến chỉ đạo về tôn tạo di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, Khe Sanh, cầu Hiền Lương, một số điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh…

Đến nơi nào trên đất nước Việt Nam cũng gặp di tích lịch sử. Ông cha mình đánh giặc giữ nước thông minh và tài tình lắm!

LO CHO NGƯỜI NGÃ XUỐNG

PV: Vài năm trước, ông có bài viết trên báo Quân đội nhân dân nhắc nhiều đến mảnh đất, con người Quảng Trị với tình cảm thiêng liêng, sâu nặng. Hình như ông còn lắm yêu thương với mảnh đất ấy?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Từ cuối năm 1967 cho đến hết năm 1973, nghĩa là vào thời điểm chiến trường Quảng Trị ác liệt nhất, tôi đã có mặt ở đó. Những địa danh như Cồn Tiên, Dốc Miếu, Gio Linh, Khe Sanh, Động Toàn, Động Tri, động Ông Do, cầu Quảng Trị, sông Mỹ Chánh, cảng Cửa Việt… đã gắn bó máu thịt với tôi suốt 6 năm trận mạc. Sự hy sinh của bộ đội ta thật lớn lao. Có đơn vị sau trận chiến đấu, tên tuổi của cán bộ, chiến sĩ chỉ còn trên danh sách. Trung đội của Anh hùng Mai Quốc Ca là một ví dụ. Những địa danh, con người ấy phải được xây tượng đài để lưu truyền cho đời sau. Khi làm Giám đốc BTLSQS Việt Nam, tôi nghĩ phải mang hết sức lực của mình để tôn vinh những chiến công anh hùng của đồng bào, chiến sĩ ta trên dải đất hẹp Quảng Trị ác liệt vào loại bậc nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

- Ông vừa nhắc đến cầu Quảng Trị, trung đội Anh hùng Mai Quốc Ca và tượng đài. Để có một tượng đài tôn vinh chiến công và sự hy sinh cao cả ấy, trở ngại lớn nhất là gì ?

- Trong chiến dịch Quảng Trị mùa hè năm 1972, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 giao nhiệm vụ cho trung đội Mai Quốc Ca chỉ có 20 người, làm nhiệm vụ chốt chặn chiến dịch, không cho địch đưa quân tăng viện vượt sông Thạch Hãn ra Đông Hà, Cam Lộ. Sau nhiều trận đánh ác liệt, không cân sức, 19 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, một người bị thương, rơi vào tay giặc.

Việc nâng cấp, bổ sung xây dựng tượng đài Trung đội Mai Quốc Ca là của Sư đoàn 304 nhưng đơn vị gặp khó khăn về lực lượng, kinh phí, kinh nghiệm tổ chức. Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 304 đề nghị BTLSQS Việt Nam vào cuộc. Công văn của Sư đoàn và Ban liên lạc cựu chiến binh được Tổng cục Chính trị phê duyệt giao cho BTLSQS Việt Nam thực hiện. Gọi là chủ đầu tư nhưng không được cấp kinh phí, chúng tôi phải “tay không bắt giặc”. Khi cơ chế mở ra, chúng tôi tìm gặp những doanh nghiệp có cựu chiến binh Sư đoàn 304 hoặc những đơn vị chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị năm 1972. Nghe chúng tôi trình bày, các giám đốc doanh nghiệp đều vui vẻ nhận lời.

- Như vậy, tượng đài là sự kết hợp tình cảm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào cùng với lòng tri ân của lớp người hôm nay?

- Chúng tôi đã huy động được gần đủ số tiền cho công trình. Nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ với số tiền lớn. Ông Hồ Huy, Tổng giám đốc Công ty Mai Linh ủng hộ 100 triệu đồng; Nhà máy đường Lam Sơn đóng góp 50 triệu đồng, một công ty ở Hà Nội góp 50 triệu đồng, tỉnh Thái Bình tặng công trình 30 triệu đồng. Về cá nhân, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu ủng hộ 5 triệu đồng, tôi cùng một số tướng lĩnh từng chiến đấu ở Quảng Trị ủng hộ mỗi người từ 2 đến 3 triệu đồng. Công trình đang được tiến hành khẩn trương kịp hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2007).

PHẢI VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

PV: Bảo tàng Quân đội hôm qua, BTLSQS Việt Nam hôm nay vị thế có gì khác nhau, thưa giám đốc?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước, chống giặc ngoại xâm từ thời các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ, một lịch sử suốt mấy ngàn năm hào hùng tại sao lại lấy tên là Bảo tàng Quân đội? Có lần một đoàn khách nước ngoài vào bảo tàng, xem xong gian trưng bày kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, họ đặt câu hỏi với tôi: Lịch sử xa xưa của Việt Nam anh hùng, quật cường như thế tại sao không trưng bày? Đó là một thiệt thòi, là thiếu công bằng.

Từ Bảo tàng Quân đội đến BTLSQS Việt Nam là bước phát triển về chất. Đúng như tên gọi, BTLSQS Việt Nam có độ xuyên lùi của lịch sử. Không gian trưng bày lớn, phong phú hơn, bao gồm toàn bộ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, nhưng cũng là một thách thức lớn đối với chúng tôi.

- Tôi nghe nói việc đổi tên Bảo tàng Quân đội thành BTLSQS Việt Nam lúc đầu chưa được “xuôi chèo mát mái”?

- Việc đổi tên bảo tàng là ý chí, tình cảm và quyết tâm của chúng tôi và cũng là của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ, các tướng lĩnh quân đội. Tôi tự hứa phải làm được một cái gì đó cho bảo tàng, dẫu phải gặp khó khăn, trở ngại. Hễ có cơ hội là tôi đưa ý tưởng của mình trình bày với các tướng lĩnh. Một lần làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi trình bày lý do đổi tên, Đại tướng nói: “Hay quá, tại sao từ trước tới nay không ai nghĩ ra”. Sau đó tôi tranh thủ ý kiến của Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết. Các thủ trưởng đều đồng tình với đề án do tôi trình bày. Khi bảo vệ đề án với cơ quan cấp trên không ngờ bị phản đối gay gắt. Trong một cuộc họp, có thủ trưởng nói: “Tôi cấm đồng chí Lê Mã Lương từ nay không được nhắc đến tên Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam nữa”. Anh biết không, gặp rắc rối về việc đổi tên bảo tàng, nhưng tôi không dừng bước chỉ bởi một niềm tin lớn lao.

- Tôi đã đến một số bảo tàng quân khu, quân binh chủng. Cảm giác chung là vắng lặng vì rất ít khách tham quan...

- Quân đội ta đã có chặng đường hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành. Mỗi quân khu, quân đoàn, quân binh chủng đều có sự đóng góp xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc. Việc bảo tồn, gìn giữ những tài liệu, hiện vật về chiến công là rất nên làm. Tuy nhiên, sự vắng khách đến tham quan như anh nói là có thật. Một thực tế đáng buồn là 25 bảo tàng trong toàn quân chỉ có 1/3 là hoạt động có hiệu quả. Số lượng bảo tàng lớn, nhưng hiệu quả hoạt động thấp, chưa tương xứng với sự đầu tư. Đã đến lúc phải xem xét lại, có nhất thiết phải duy trì từng ấy bảo tàng? Nên chăng dự án khi đã được xây dựng ở vị trí mới sẽ dành diện tích, không gian trưng bày cho một số bảo tàng trong hệ thống bảo tàng quân đội.

- Mỗi năm BTLSQS Việt Nam đón hàng vạn lượt khách, trong đó chiếm một nửa là khách nước ngoài. Con số ấy nói lên điều gì?

- Tính hiệu quả của mỗi bảo tàng được đo bằng số lượng khách đến tham quan, học tập. Khách nước ngoài đến BTLSQS Việt Nam là người của 155 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều ấy chưa làm chúng tôi vui. Làm gì và làm như thế nào để thu hút người Việt Nam đến với bảo tàng như đến với đình, chùa, lễ hội. Đó chính là thách thức rất lớn đối với các bảo tàng. Trước hết, người làm bảo tàng phải vượt lên chính mình.

Những năm gần đây, BTLSQS Việt Nam đã có đổi mới, các hoạt động hướng tới công chúng nhiều hơn. Kết quả ấy rất đáng mừng nhưng chưa đủ. Phải tạo được các hoạt động cả trong và ngoài bảo tàng phong phú, đa dạng. Trưng bày của bảo tàng phải tận dụng được công nghệ mới để tạo ra sức hấp dẫn với khách trong và ngoài nước. Mỗi lẫn đến bảo tàng, khách được tạo điều kiện thuận lợi, cảm tưởng như đang vào công viên, vào nơi đình chùa trang nghiêm, thấy linh thiêng và được tôn trọng.

- Như vậy, cốt lõi của sự thu hút khách chính là nghệ thuật trưng bày?

- Trưng bày là một khoa học - nghệ thuật tổng hợp. Từ ý tưởng hay phải tạo được điểm nhấn trưng bày trong từng gian, từng phòng. Mỗi hiện vật, hình ảnh, sa bàn… qua bàn tay, khối óc sáng tạo của người trưng bày phải bắt mắt, có sức thu hút, dễ hiểu, tôn vinh hiện vật. Làm cho mỗi người Việt Nam khi đến BTLSQS Việt Nam đều thấy bóng dáng của người thân, của quê hương mình trong đó. Họ tự hào về chiếc cối giã trầu của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, về khẩu súng của cha ông.

Người làm bảo tàng phải cả nghĩ. Phải đo được mình trong công việc. Làm bảo tàng mà thờ ơ, không chịu tìm tòi, học hỏi là có tội với cha ông, với lịch sử. Số lượng khách đến tham quan còn là thước đo năng lực của người làm bảo tàng. Nếu khách hôm nay đến ít hơn hôm qua là phải xem xét lại bản thân mình.

- Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển BTLSQS Việt Nam đến địa điểm mới. Khi không còn ở “dưới chân cột cờ”, xa quần thể văn hóa - lịch sử Ba Đình, liệu BTLSQS Việt Nam có còn giữ được sự yêu mến của khách tham quan?

- Tôi chưa biết tới đây BTLSQS Việt Nam tọa lạc ở đâu. Dù diện tích có lớn hơn và được gắn với trung tâm kinh tế, văn hóa hay khu dân cư đông đúc, nhưng chắc chắn sẽ không có được sự thuận lợi như bây giờ. Đó chính là thách thức mới đối với mỗi cán bộ, nhân viên BTLSQS Việt Nam. Nhưng tin chắc là chúng tôi sẽ vượt qua. Cuộc sống là thế, lịch sử là một dòng chảy. Chắc chắn rằng, pho sử sống của lịch sử quân sự Việt Nam sẽ mãi toả sáng, là niềm tự hào, kiêu hãnh của người Việt Nam và sự cảm phục của bạn bè trên thế giới.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Nguyễn Đình Phượng (thực hiện)