Đại tá Lưu Huy Chao (phải) mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 90 tuổi (25-8-2001).

Ông có cái tên khá đặc biệt như gợi nhắc cuộc đời người lính không quân oai hùng với ước mơ “chao liệng” trên bầu trời diệt máy bay địch. Ông còn có kỷ niệm đặc biệt về Thủ đô vẫn đậm sâu trong trái tim người Anh hùng phi công gần 50 năm tuổi Đảng,24 năm lái máy bay, 6 lần được tặng Huy hiệu Bác Hồ, hai lần được gặp Bác. Thành tích, chiến công của người lính được chắp cánh từ một ước mơ giản dị của thời trai trẻ: Về Thủ đô, gặp Bác Hồ...

“Ai giỏi nhất mới được về Hà Nội”

Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng Mười, ông Lưu Huy Chao lại bồi hồi nhớ về những ngày tiếp quản Thủ đô năm ấy. Năm nay, khi tôi tìm đến nhà số 35 Tô Vĩnh Diện (Hà Nội) cũng vừa lúc ông đang miệt mài lau bụi trên khung ảnh, rồi đứng lặng ngắm hồi lâu. Một lúc sau, ông như mới sực tỉnh khi biết nhà có khách:

- Cứ tháng Mười về, lại nhớ…

Tuổi hai mươi của ông Chao là những tháng năm kháng chiến, nếm mật nằm gai của những chàng trai “áo vải chân không, đi lùng giặc đánh” trên khắp chiến trường. Trong ngàn lẻ một tâm trạng của cánh lính “nhà quê” năm ấy, có một ước mơ đúng như một câu thơ của Quang Dũng: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Họ mơ được về Hà Nội, Thủ đô yêu dấu.

Ước mơ ấy từng thôi thúc cả tiểu đoàn ông, đơn vị 2, trung đoàn 53, đại đoàn 350 phấn đấu lập công. Khi ấy là năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày tiếp quản Thủ đô đã đến gần. Chỉ huy đại đội “treo giải”: Sẽ chọn 12 người tiêu biểu nhất để tham gia hành quân về tiếp quản Thủ đô.

Sau những ngày miệt mài phấn đấu, cuối cùng, cái tên Lưu Huy Chao cũng lọt vào “tốp 12 chiến sĩ tiêu biểu nhất”. Từ Thanh Hóa, Chao cùng 11 chiến sĩ hòa cùng đoàn quân tiến về Hà Nội. “Chúng tôi đi bộ từ Thanh Hóa, ngày 9-10-1954 thì đến ga Đồng Văn (Duy Tiên-Hà Nam). Ai nấy đều vui sướng, tự hào xen lẫn nỗi lo lắng, hồi hộp, bâng khuâng khó tả ...” - ông Chao xúc động kể lại. Ông chưa một lần ra Hà Nội, cái cảm xúc lần đầu đặt chân về Thủ đô trong tâm thế người lính chiến thắng, người dân của đất nước hoà bình, độc lập. Ôi hạnh phúc làm sao!

Khoảng 10 giờ ngày 10-10-1954, Trung đoàn ông tiếp quản sân bay Bạch Mai. Nhiệm vụ của đơn vị ông là canh gác, bảo vệ tài sản sân bay và giữ bình yên cho Hà Nội những ngày đầu giải phóng. “Tôi sống ở quê, chưa một lần biết đến điện, với tôi lúc đó điện là một thứ khiến tôi và các đồng đội rất tò mò. Mọi người cầm tay nhau gí vào điện cho giật văng ra, thấy rất thích thú và lạ lắm... Trước khi tiếp quản chúng tôi được học công tác dân vận, cách ứng xử với dân và cảnh giác với quân thù, còn những thứ nhỏ nhặt ấy thì chưa bao giờ được nghe phổ biến” - ông Chao vừa kể vừa cười.

Từ những lần gặp Bác

Từ chàng trai “không biết gì về điện”, ông được huấn luyện thành phi công, từng tham gia hai trận đánh trên quê hương Bác Hồ. Sau đó, ngày 14 - 6 - 1968, biên đội của ông lại bắn rơi 2 chiếc F - 4B tại Cầu Bùng, Cầu Cấm - Nghệ An. Ông kể: “Máy bay của biên đội tôi cất cánh tại sân bay Gia Lâm, rồi được lệnh hạ cánh ở sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) vào lúc 8 giờ. Khoảng 10 giờ cùng ngày, Sở chỉ huy cho biết địch di chuyển từ biển vào, chuẩn bị đánh Cầu Bùng, Cầu Cấm... Trên lệnh cho biên đội tôi vào cấp 1, dùng tín hiệu ra lệnh cho máy bay nổ máy, cất cánh. Vì sử dụng vô tuyến điện liên lạc lúc ấy sẽ bị lộ, máy bay của ta buộc phải di chuyển đến khu vực định vị trước (Yên Thành, Nghệ An) đang bay ở độ cao 200 mét thì được lệnh tăng lực, vứt thùng dầu phụ, lấy độ cao hướng về mục tiêu. Khi đạt độ cao 4.500 mét, tôi phát hiện có 4 chiếc F-4B từ biển vào, tôi lập tức bắn ba loạt đạn liền kề, một chiếc bốc cháy, ba chiếc còn lại đuổi theo chúng tôi”.

Chiến công nối tiếp chiến công. Ông Chao còn tham gia nhiều trận đánh và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân sau khi 6 lần bắn hạ máy bay Mỹ, được Bác Hồ tặng 6 huy hiệu của Người. Ông còn là một trong những phi công có số lần xuất kích nhiều nhất (105 lần), trong đó 30 lần gặp địch, chỉ huy và yểm hộ đồng đội đánh 19 trận, nổ súng 7 lần bắn rơi 6 máy bay các loại của Mỹ...

Ước mơ “về thủ đô” thì ông đã được toại nguyện từ ngày còn là lính “binh nhì”. Còn ước mơ “gặp Bác Hồ” thì về sau ông không những toại nguyện, mà còn được gặp Người những hai lần. Lần thứ nhất tại Phủ Chủ tịch, ông được vinh dự cùng đoàn đại biểu các phi công của Quân chủng Phòng không - Không quân vào gặp Bác Hồ. Lần đó, ông đã có thành tích bắn rơi 4 máy bay địch. Thế nhưng, ai dè đúng hôm đi gặp Bác, ông lại bị ốm. Niềm vui được gặp Bác khiến ông quên mệt mỏi. Ấy vậy mà Người vẫn… nhận ra. Ông kể: "Bác Hồ ân cần gọi tên, động viên từng phi công. Đến lượt tôi, Bác chỉ tay về phía tôi hỏi:

- Chú tên gì?

- Kính thưa Bác, cháu tên là Lưu Huy Chao.

- Chú bắn rơi mấy máy bay?

- Thưa Bác, cháu bắn rơi 4 máy bay ạ.

- Tại sao chú gầy và xanh thế?

- Thưa Bác! Cháu bị ốm phải nằm viện.

- Thế thì chú phải ăn nhiều chuối và kẹo đi để bảo đảm sức khỏe còn chiến đấu..."

Sau những năm tháng đánh giặc, ông về lại quê hương xứ Thanh để chăm sóc mẹ già. Cho đến đầu thập niên 1980, ông đưa vợ con ra Hà Nội với mong muốn có điều kiện cho các con học tập tốt hơn. Dịp “tiến về Hà Nội” lần này với ông vẫn là một “nhiệm vụ” mới - tằn tiện nuôi lợn, trồng rau để lo cho các con ăn học. Bốn người con của ông lần lượt vào đại học và tiến bộ, nên người. Thời gian khó đã xa, ông Chao lại tiếp tục những chặng “hành quân” mới. Ông tìm đến nhiều gia đình bạn chiến đấu, thăm hỏi, tặng quà đồng đội năm xưa. Ông còn đi tìm mộ đồng đội. Mắt ông hoe đỏ: “Cháu biết không? Đồng đội của ông, nhiều người ngã xuống mà chưa một lần được về Hà Nội...”.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Thuỷ