Sự gần gũi và rất đời thường trong con người của Bác tạo thành trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Không từ trên trời rơi xuống, hào quang Hồ Chí Minh phát khởi từ nền móng đạo đức của Người.
Cặp kính lão dày cộp thường trực trên gương mặt phúc hậu, nguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Liên khu IV từ năm 1951, nguyên Phó “quan đốc học” Nghệ An rồi Nghệ Tĩnh với dáng vẻ ung dung, thâm uyên dí dỏm của một đồ Nghệ nói với tôi:
- Hưởng à, thầy vừa thể hiện xong bài đầu và bài cuối tập thơ Ngục trung nhật ký của Bác bằng chữ Nho, sẽ dành tặng cho con một bản.
Trong niềm xúc động của người ngoài độ bát tuần, cụ Lữ kể cho tôi nghe chuyện sau ngày giải phóng Điện Biên được Bác Hồ mời dự tiệc chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch.
*
* *
Trước đó Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã rời “thủ đô gió ngàn” trở về Thủ đô Hà Nội, đến ngày 1-1-1955 mới làm lễ ra mắt. Bấy giờ anh Cao Thế Lữ là thành viên Đoàn chiến sĩ thi đua công nghiệp Liên khu IV.
 |
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân viên tỉnh Nghệ An năm 1957. Ảnh tư liệu |
Đoàn gồm có 5 người: Hoàng Hanh, Anh hùng Lao động nông nghiệp; Nguyễn Văn Hòa, Kỹ sư nông nghiệp, Giám đốc nghiên cứu cây trồng Bắc Trung Bộ; anh Cao Viết Bảo ngành quân giới; chị Nguyễn Thị Nhàn công nhân ngành dệt, Cao Thế Lữ, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Liên khu IV. Đoàn còn có mẹ của Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót. Bà cụ lưng đã còng, vận áo màu trắng, váy thô bố nhuộm nâu ngâm bùn, điển hình của phụ nữ thôn quê xứ Nghệ nghèo khó lam lũ. Đã quá lâu nên cụ Lữ không còn nhớ tên bà.
Đoàn được đón tiếp tại trụ sở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phía trước ga Hàng Cỏ (hồi đó chưa có khách sạn). Tình cờ người ta bố trí anh Lữ nghỉ chung một phòng với Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Chiến sĩ thi đua ngành công nghiệp Việt Bắc. Hai anh em nằm trên hai chiếc giường một gỗ tạp. Sau 9 năm kháng Pháp, đúng dịp Tết dương lịch đầu tiên lại được về Thủ đô Hà Nội chuẩn bị gặp Bác Hồ, mọi người rất vui. Chẳng thấy ai nói về thành tích của ngành, của bản thân mình, tất cả nóng lòng chờ giây phút được gặp Người.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 1-1-1955, tất cả các đoàn đều được báo thức sớm, chừng 5 giờ đã có mặt trên khán đài vườn hoa Ba Đình. Mờ sáng, sương mai còn đọng trên bục xi măng, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ và anh Lữ phải dùng báo cũ lót làm chỗ ngồi, nhìn xuống đã thấy hàng vạn người tập trung thành hàng chăm chú hướng lên khán đài. Lát sau Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quân đội… tiến ra lễ đài. Anh Lữ không nhớ lúc ấy là mấy giờ nữa, chỉ biết lâng lâng vui sướng khi thấy Người hồng hào khỏe mạnh, phong thái nhanh nhẹn ung dung. Bác đọc diễn văn rất ngắn, đại thể nêu ý nghĩa của việc Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội. Bác vừa dứt lời cả biển người dậy tiếng vỗ tay. Ngay sau đó xuất hiện hai chiếc xe mui trần, bánh xe quét sơn trắng từ từ lăn qua lễ đài. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng chỉ huy cuộc duyệt binh. Anh Lữ tranh thủ trời đã sáng ngắm nhìn tấm thiếp mời dự tiệc của Bác Hồ, do Ban tổ chức đưa đến trước 5 giờ sáng. Thiếp in trên giấy dày tráng nhũ: Kính gửi đồng chí Cao Thế Lữ-Chiến sĩ thi đua công nghiệp Liên khu IV, bên dưới có chữ ký của Bác Hồ. Nội dung là đến dự tiệc tại Phủ Chủ tịch vào lúc 14 giờ chiều ngày 1-1-1955.
Trước 14 giờ, anh Lữ đến cổng Phủ Chủ tịch đã thấy ô tô đậu thành hàng ngoài sân. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ bảo, tòa nhà này nguyên là Phủ toàn quyền Đông Dương, Bác Hồ đã từ chối không ở. Bên trong khách đã đến rất đông, tất cả đang nóng lòng chờ Bác. Giữa căn phòng rộng ấy, bàn tiệc được bố trí theo hình chữ T. Một dãy bàn dài không có ghế chạy giữa căn phòng. Dãy bàn phía trong làm thành nét ngang của chữ T đặt 3 chiếc ghế. Lần đầu trong đời anh Lữ được dự tiệc đứng, được vào Phủ Chủ tịch. Bỗng Bác xuất hiện. Bác ngồi ghế giữa, một bên là Đại sứ Trung Quốc, một bên là Đại sứ Liên Xô. Bác nói đại ý, hôm nay ngày vui mừng chiến thắng Điện Biên, mừng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Hà Nội, Bác mời mọi người có mặt cùng nâng cốc. Trong khi tay nâng cốc, mắt mọi người đều chăm chăm hướng về phía Bác. Bác Hồ đứng đó, nói cười, vẫy tay với mọi người. Bác là nhân vật huyền thoại, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
 |
“Đồ Nghệ” Cao Thế Lữ. Ảnh: G.H |
Tiệc đứng nên ai muốn đứng chỗ nào thì đứng, ai muốn ăn thì tự lấy. Gọi là tiệc song bày biện chỉ 3 món, mỗi người một cái đùi gà, một miếng chả rán bọc bột và một món nữa anh Lữ không biết là món gì. Anh Lữ lấy thức ăn bỏ vào đĩa đặt vào tay mẹ của Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót. Cả đời, bà cũng như anh, chưa bao giờ được ăn tiệc đứng nên cứ lóng nga lóng ngóng. Bỗng nghe Bác nói:
- Bây giờ văn nghệ, chú nào xung phong?
Lát sau thấy ông Lê Văn Hiến giơ tay. Bác bảo:
- Chú Hiến!
Ông Hiến cất mấy câu hò Huế, nhưng vì hò không hay nên vừa hò vừa cười, Bác bảo:
- Chú Hiến làm gì đấy?
Nói rồi Bác cầm quả hồng trên bàn tiến đến chỗ ông Hiến:
- Chú Hiến hò không hay nhưng Bác vẫn tặng quả hồng!
Cả hội trường vỗ tay ào ào trước tình cảm gần gũi chan hòa của Bác. Hình ảnh ấy mãi giúp anh Lữ mở rộng tầm quảng bá xã giao suốt chặng đường công tác sau này.
Từ giây phút ấy anh Lữ không chú ý văn nghệ nữa mà tập trung nghĩ ra cớ để được lại gần Bác hơn. Anh Lữ nói nhỏ vào tai mẹ Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót:
- Bây giờ con đưa mẹ lên gặp Bác Hồ!
- Ừ, mẹ đang rất muốn đến gần để được nhìn rõ Bác, nhưng đông người ra ri, đi mần răng được?
- Con đi trước, mẹ cầm lấy tay. Con đi đến đâu mẹ cứ theo đến đó!
Thế là anh Lữ cầm tay mẹ vừa đi vừa rẽ đám đông:
- Đề nghị các đồng chí nhường lối cho mẹ của đồng chí Phan Đình Giót lên gặp Bác Hồ!
Khi anh đưa mẹ lên tới nơi thì thấy Bác đang nói chuyện với Đại sứ Trung Quốc. Chờ một lát anh Lữ lên tiếng:
- Dạ thưa Bác!
Bác liền ngoảnh lại. Người đặt một tay lên vai anh, tay kia đặt lên vai mẹ của Anh hùng Phan Đình Giót. Lúc ấy anh Lữ cảm thấy như đang bay trên mây:
- Thưa Bác, đây là mẹ của Anh hùng Phan Đình Giót.
Bác trìu mến hỏi:
- Bà dạo này có khỏe không? Bà đi đường từ trong Nghệ ra có mệt không?
Nghe bà cụ trả lời, Người quay sang nói với anh Lữ:
- Bác rất bận không có thời gian săn sóc bà, các chú bố trí nơi ăn chốn nghỉ cho chu đáo, phải có trách nhiệm săn sóc bà từ khi đi cho đến khi về. Chú làm công tác gì?
- Dạ, cháu làm giáo dục ạ!
Bác nói tiếp:
- Phải dạy cho tốt !
Về sau anh em trong đoàn Chiến sĩ thi đua công nghiệp Liên khu IV trầm trồ: “Ông Lữ khôn thật, nghĩ ra cách để được suất “ăn theo” bà mẹ Anh hùng”.
Đêm ấy trở về phòng nghỉ với tâm trạng lâng lâng phút giây được gần Bác, anh Lữ hỏi Bác sĩ Đặng Văn Ngữ:
- Cảm giác của anh thế nào khi được gặp Bác?
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ cười:
- Ai mà nói hết được cảm giác khi được gặp Cụ Hồ!
Tết dương lịch đặc biệt ấy đến nay đã xa hơn nửa thế kỷ, vậy mà ngỡ như chuyện mới hôm qua. Hình ảnh Bác với ánh mắt nụ cười, với phong thái ung dung tự tại, rất gần gũi, rất đời thường mãi hóa thạch trong tim cụ già ngoài tuổi bát tuần. Tiễn tôi ra cổng, “đồ Nghệ” Cao Thế Lữ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh Nghệ An tiếp tục mạch suy tưởng: Chính sự quan tâm, yêu thương mọi người đến độ “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”* của Bác đã tạo thành trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Không từ trên trời rơi xuống, hào quang Hồ Chí Minh phát khởi từ đạo đức của Người.
* Thơ Tố Hữu
GIAO HƯỞNG