 |
Đồng chí Nam Long (bên phải) và nhà báo Nguyễn Bá Khoản tại chiến trường Tây Nguyên, tháng 12-1945. |
Những trận chiến đấu ngoan cường chống quân Anh, Nhật và Pháp
Đại tá Nguyễn Tiệp kể tiếp:
“Sau trận chiến đấu ở Phan Thiết, ngày 15-11, chúng tôi chia làm hai hướng, hành quân ra tăng viện cho Phan Rang: một hướng đi tàu, một hướng đi ô tô tải theo đường số 1. Quân Nhật ở đây có khoảng một đại đội và ta đã nhiều lần thương thuyết, nhưng không thành. Lực lượng của ta có 4 phân đội, bao gồm nhiều tự vệ, thanh niên các phường của thị xã và một số xã miền biển, ngoài ra còn có sự tham gia của một trung đội tự vệ dân tộc Chăm và một trung đội tự vệ dân tộc Giơ-rai. Cuộc tiến công của quân dân Phan Rang diễn ra từ ngày 11-11 nhưng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Nhật.
Sau khi chúng tôi tăng viện, quân Nhật rút về cố thủ tại 4 vị trí: Dinh công sứ; Trường Tiểu học; Nhà thương Phan Rang; Khu chợ và Lò Lợn. Chúng tôi được lệnh phối hợp với lực lượng địa phương tấn công quân Nhật tại trường tiểu học. Sau khi chiếm xong trường tiểu học, trung đội tôi được lệnh rút ra, tăng viện cho bộ phận đánh khu nhà thương và sau đó buộc chúng phải rút về dinh công sứ để cố thủ.
Tại dinh công sứ, bọn Nhật đào hào và dùng trung liên kiểm soát các ngả đường vào dinh. Trên nóc nhà và các tầng nhà, lính Nhật bố trí lính thiện xạ để bắn tỉa. Ta tổ chức bao vây dinh công sứ và lên kế hoạch tấn công. Trong ngày bao vây cuối cùng, Lê Văn Lân (Thuận Lân), một chiến sĩ của trung đội tôi, đang bắn kìm địch thì được tiểu đội trưởng Lê Văn Cử phái đi dỡ hai cọc rào có chằng dây thép gai, để chuẩn bị cho đơn vị có đường xuất kích. Bọn Nhật từ trên cao phát hiện và bắn một tràng liên thanh làm Thuận Lân bị thương. Nhanh như cắt, Lê Chân, một chiến sĩ cùng tổ đã xông ra vác anh Lân lên vai, chạy ẩn vào mép tường. Mấy phút sau, anh Cử vào thay vị trí bắn của Thuận Lân, mới bắn được một phát thì bị bọn Nhật từ trên cao bắn trúng mắt và đưa vào bệnh viện thì hy sinh. Cả trung đội vô cùng thương xót người tiểu đội trưởng, người bạn thân thiết từ thời mới cắp sách đến trường cho đến khi học hết bậc thành chung. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt ngày đêm cho đến hôm sau, nhưng không một mũi tiến công nào của chúng tôi tiến lên được vì bọn Nhật bắn rất mạnh. Bọn Nhật bị tiêu hao nhiều, lại thấy có nguy cơ bị tiêu diệt, nên sau khi dựng lên một số hình nộm nghi binh, từ đêm ngày 23 đến sáng 24-11, chúng bí mật rút theo giao thông hào, vượt sông Dinh lên hướng Vườn Xoài, Đá Trắng chạy về Phú Nộm-Liên Khương (Đà Lạt). Sáng 24-11, chúng tôi xông vào dinh công sứ, thấy hỏa lực của chúng giảm hẳn và bắt sống được một tên lính Nhật. Sau khi khai thác tù binh mới biết bọn Nhật đã bí mật rút đi từ đêm trước. Ta tổ chức truy đuổi nhưng không có kết quả.
Tin chiến thắng lan nhanh, nhân dân khắp nơi đổ về thị xã reo hò, ăn mừng chiến thắng. Chúng tôi tổ chức trọng thể lễ an táng các đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đây là lần đầu tiên trong đời người lính, chúng tôi hàng ngũ chỉnh tề, bắn ba loạt súng chỉ thiên rồi bồng súng chào vĩnh biệt các đồng chí thân thương. Sau này, gia đình và đồng đội đã đưa hài cốt về an táng tại nghĩa trang quê nhà (Sóc Sơn-Hà Nội).
Chiến thắng giải phóng Phan Rang góp phần buộc quân Nhật sau đó phải rút khỏi Phan Thiết và đã làm thất bại âm mưu của quân Anh sử dụng binh lính Nhật tiếp tay cho Pháp nhanh chóng chiếm đóng các tỉnh Nam Trung Bộ.
Qua 4 trận chiến đấu trong vòng một tháng rưỡi, phải cơ động gần 500km, chủ yếu là đi bộ đã gây cho chi đội một số thương vong và giảm sức chiến đấu. Riêng trung đội tôi, khi đi có 31 người, đến nay đã mất 16 đồng chí do bị thương, bị địch bắt, bị mất tích và hy sinh. Tôi xin với đồng chí Nam Long cho ra Bắc để bổ sung thêm quân. Ngày 27-11-1945, sau khi được chỉ định làm Khu phó Khu 6, đồng chí Nam Long đưa đội hình chi đội hành quân ra Nha Trang bằng xe lửa, cùng các đơn vị bạn hình thành thế trận bao vây quân địch tại Nha Trang. Tôi và một số anh em “học sinh” Hà Nội còn lại lên tàu ra Bắc”.
 |
Đồng đội thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Lê Văn Cử, hy sinh tại trận Phan Rang, ngày 23-11-1945 (từ trái qua phải: Việt Phương, Thái Vĩnh, Thái Mỹ, Lê Chân, Nguyễn Tiệp). |
Trung đội “học sinh” Hà Nội 2 “Nam tiến”
Đại tá Thái Vĩnh, nguyên Chính trị viên trung đội “Hà Nội”, hiện ở tại phòng 101, nhà A8, khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội, kể:
“Tôi và anh Việt Phương ra Hà Nội theo lệnh của đồng chí Nam Long xin gặp Bác Hồ. Tại Bắc Bộ phủ, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch tiếp chúng tôi và nói Bác rất bận và đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt tiếp chúng tôi. Sau khi nghe chúng tôi trình bày ý kiến, nếu cứ đánh như thế này thì chỉ mất đất và thua, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khen ngợi và bảo chúng tôi cứ về đơn vị, Trung ương, đồng chí sẽ báo cáo với Bác.
Chúng tôi chuẩn bị vào Nam thì gặp anh Nguyễn Tiệp vừa ra. Ba chúng tôi cùng lên Bộ Quốc phòng báo cáo tình hình và xin tuyển thêm quân. Được đồng chí Hoàng Văn Thái cho phép, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã tập hợp được 42 bạn chiến đấu trước đây cùng hoạt động trong Thanh niên cứu quốc, hiện đang tham gia đấu tranh chống bọn Việt Quốc, Việt Cách. Nghe chúng tôi trao đổi tình hình chiến sự trong miền Nam, anh em đều tình nguyện xin “Nam tiến”.
Ngày 25-12-1945, Bộ Quốc phòng tổ chức cuộc họp mặt thân mật tiễn chúng tôi hành quân “Nam tiến” và hẹn sẽ có ngày gặp nhau tại Sài Gòn. Vậy là Hà Nội có thêm một trung đội giải phóng quân thứ 2 mà thành phần chủ yếu vẫn là cánh tự vệ “học sinh” đi “Nam tiến”. Số anh em cũ chỉ còn có 6 người, vì một số đồng chí sau khi ra Hà Nội đã được điều đi nhận công tác khác. Lần ra đi này, chúng tôi được nhân dân Hà Nội tổ chức tiễn đưa rất chu đáo, cờ hoa, khẩu hiệu căng đầy đường phố, thể hiện tinh thần tất cả vì miền Nam thân yêu.
Ngày 2-1-1946, chúng tôi đến Ninh Hòa và gặp đội hình của chi đội. Sau vài ngày vừa tập luyện quân sự, vừa giúp đỡ, bảo vệ ngày Tổng tuyển cử (6-1-1946), chúng tôi được lệnh sẵn sàng đi tăng viện cho Buôn Ma Thuột. Tại Buôn Ma Thuột lúc đó ta và quân Pháp đang ở thế giằng co, một bên muốn đánh rộng ra, một bên muốn chặn lại. Cuối tháng 12-1945, ta đã đánh thị xã, chiếm lĩnh một số vị trí, nhưng địch dùng xe bọc thép phản công chiếm lại và đẩy dần quân ta ra ngoại ô. Sở chỉ huy của chi đội lùi dần từ cây số 8 về cây số 13, 22, 45, rồi 47 (đường 21 từ Ninh Hòa đi Buôn Ma Thuột).
Ngày 21-1-1946, chúng tôi được ô tô chở từ Ninh Hòa lên chiếm lĩnh trận địa tại cây số 47. Ngày 25-1, định tập trung một số lớn quân tăng viện mở đợt tấn công qua cây số 24 rồi đến cây số 47. Địch tập trung lực lượng mạnh, có xe thiết giáp dẫn đường và có máy bay yểm trợ. Quân ta bám công sự, chiến đấu ngoan cường, tiêu hao được nhiều sinh lực địch, nhưng do vũ khí thô sơ, không có súng chống tăng nên sau một ngày chiến đấu, nhiều bộ phận bị địch đánh bật ra xa đường cái.
Chúng tôi rút dần về Ninh Hòa. Đến ngày 31-1-1946 (ngày 29 Tết Nguyên đán) toàn đơn vị đã rút lui về thị trấn Đồng Bò.
Trung tuần tháng 2-1946, đồng chí Nguyễn Sơn, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam đến Đồng Bò, tổ chức mít tinh động viên và huấn thị về củng cố và tổ chức lại theo Sắc lệnh 71/SL, quy định đổi tên Vệ Quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Đồng chí Nam Long được lệnh tập trung số anh em Nam tiến chúng tôi, khoảng trên dưới 200 người rút về sông Cầu ở Bình Định và được chuyển thành trung đoàn 95, trong Đại đoàn 23. Nhiều học sinh “Hà Nội” trong đội hình trung đội được điều đi làm nòng cốt xây dựng đơn vị mới. Tôi được điều làm Chính trị viên tiểu đoàn, anh Nguyễn Tiệp làm tiểu đoàn phó và anh Việt Phương lên làm Chủ nhiệm chính trị trung đoàn…”.
Thay cho lời kết
Chi đội Nam Long là chi đội quân giải phóng được tổ chức và trang bị tương đối đầy đủ, từ miền Bắc vào chi viện sớm nhất cho miền Nam, kịp thời và vào đến cửa ngõ Sài Gòn, cùng đồng bào miền Nam chiến đấu ngay sau những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Chi đội đã góp phần cùng các đơn vị bạn và nhân dân miền Nam đánh bại âm mưu “lấy Nam Kỳ trong 18 ngày” và “đánh chiếm vĩ tuyến 16 trong năm 1945” của thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 30-4-1975, bốn cán bộ của chi đội 3 “Nam tiến” năm xưa: Nam Long, Thái Vĩnh, Khiếu Anh Lân và Nguyễn Tiệp không hẹn mà gặp nhau tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Họ đã mất 30 năm mới đi trọn đoạn đường 12km từ cầu Bình Lợi đến dinh Độc Lập, thực hiện được lời hứa năm xưa “giải phóng Sài Gòn”. Trong ngày vui đại thắng của dân tộc và cho đến tận hôm nay, mỗi khi có dịp gặp lại nhau, những chiến sĩ “Nam tiến” của chi đội Nam Long năm xưa lại trào nước mắt khi nhắc về những kỷ niệm không quên, về những đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất thân thương của miền Nam thành đồng Tổ quốc. Trong thư gửi Ban liên lạc Chi đội 3 “Nam tiến” nhân dịp xuất bản cuốn sách “Chi đội 3 giải phóng quân Nam Tiến”, ngày 29-8-1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ý nghĩa lớn lao của Chi đội 3 xung phong Nam tiến là quyết tâm chi viện Nam Bộ của Bác, của Đảng, là tinh thần ruột thịt Nam-Bắc của giải phóng quân, có mặt trên mặt trận Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến”. Còn đồng chí Trần Văn Giàu, nguyên Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ viết: “Đồng bào và chiến sĩ miền Nam phấn khởi lớn, quyết tâm mạnh hồi cuối năm 1945 lịch sử ấy, chủ yếu không mong rằng Bắc, Trung chi viện thêm quân, thêm người chiến đấu. Cái đang thiếu là vũ khí hiện đại. Nhưng đồng bào và chiến sĩ miền Nam cũng không mong Bắc, Trung đưa nhiều vũ khí hiện đại vào vì cả ba miền đều đang thiếu. Ngoài đó cũng cần để chống địch tại chỗ. Vậy thì phấn khởi, phấn khích đến tột bậc là vì sao?-Vì cái sức mạnh của sự đoàn kết, đại đoàn kết! Miền Nam gọi, gọi bằng tiếng súng kháng địch, thì Bắc, Trung trả lời ngay. Bắc, Trung, Nam đồng lòng thì nước biển Đông cũng tát cạn được”.
NGUYỄN ĐĂNG KHOA
(Ghi theo lời kể của các Đại tá Nguyễn Lữ, Nguyễn Tiệp và Thái Vĩnh)