 |
Nhà văn Nguyễn Đình Thi |
Ông là một tên tuổi lớn không chỉ của văn học mà là của văn hóa Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Nói đến ông, nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003), người ta nhớ tới các bài hát: “Diệt phát-xít”, “Người Hà Nội”… và các vở kịch: “Con nai đen”; “Rừng trúc”; “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”… cùng các tiểu thuyết: “Xung kích”; “Vỡ bờ”; “Vào lửa”; “Mặt trận trên cao”… rồi các bài thơ: “Đất nước”, “Bài thơ Hắc Hải”; “Nhớ”; “Chia tay trong đêm Hà Nội”; “Lá đỏ”… Ngoài ra, ông còn là tác giả của các tác phẩm tiểu luận-phê bình văn học: “Sức sống của dân Việt Nam qua ca dao, cổ tích”; “Nhận đường”; ”Mấy vấn đề văn học”; “Công việc của người viết tiểu thuyết”… Trong số này có những tác phẩm đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật (đợt 1 năm 1996).
Nguyễn Đình Thi quê ở Hà Nội, tuổi Bính Tý (1924). Năm 1941, mới 17 tuổi, ông đã tham gia những hoạt động yêu nước như viết báo, in sách văn nghệ, triết học tiến bộ. Mười chín tuổi, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc cùng các nhà văn Tô Hoài, Nam Cao, Học Phi, Như Phong… Tháng 8 năm 1945, mới 21 tuổi, ông đã trở thành đại biểu tham dự Quốc dân đại hội Tân Trào và được cử vào Ủy ban Giải phóng dân tộc.
Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày mồng 6 tháng giêng năm 1946, lúc mới 22 tuổi, Nguyễn Đình Thi đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I, khóa Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bấy giờ ở đơn vị bầu cử Hải Phòng chỉ có ba người trúng cử là nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà, ông Trương Trung Phụng và nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Trong Quốc hội khóa đầu tiên, tên tuổi Nguyễn Đình Thi được xếp bên cạnh những tên tuổi lớn như “vua Mèo” Vương Chí Sình (sau được Bác Hồ đổi lại là Vương Chí Thành), nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, danh họa Nguyễn Đỗ Cung, linh mục Phạm Bá Trực, “hoàng đế cuối cùng” Nguyễn Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại), bác sĩ Y ngông Niếc Đăm, nhà sử học Trần Huy Liệu, đồng chí Phạm Văn Đồng, cụ Tôn Đức Thắng… Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, Nguyễn Đình Thi được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường vụ Quốc hội rồi làm thư ký Ban thường trực.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa đầu tiên, ngày 2 tháng 3 năm 1946, “ông nghị” mới 22 tuổi Nguyễn Đình Thi thay mặt Quốc hội đã đọc một đáp từ vang dội. Đáp từ có đoạn: “Quốc dân đại hội, thay mặt toàn thể Quốc dân Việt Nam trong phiên họp ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngỏ lời cám ơn Chính phủ Nhân dân lâm thời… Chính quyền vừa giành được, nền dân chủ cộng hòa đã xây đắp ngay. Chế độ phổ thông đầu phiếu được thi hành và cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng giêng năm 1946 đã lập nên Quốc hội của nước Việt Nam. Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ sức ủng hộ và lòng hy sinh của toàn thể Quốc dân, Chính phủ lâm thời đã làm được nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc trong tình thế rất nghiêm trọng của nước nhà. Thay mặt toàn thể quốc dân, Quốc hội Việt Nam trịnh trọng cám ơn Chính phủ lâm thời và tuyên bố Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng với Tổ quốc!”.
Đáp từ do nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết và đọc trước Quốc hội từ hơn 60 năm trước hiện còn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và đã được in trong tập Văn kiện Quốc hội (tập I) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia vừa xuất bản. Cũng theo cuốn sách này, thì tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, vị đại biểu trẻ tuổi nhất còn lên diễn đàn trịnh trọng đọc Lời chào mừng Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, sau khi Bác Hồ đọc xong báo cáo về Việc thành lập Chính phủ Kháng chiến do Người làm Chủ tịch cùng các ông: Nguyễn Hải Thần-Phó chủ tịch; Vĩnh Thụy (Bảo Đại)-Cố vấn Tối cao; Võ Nguyên Giáp-Kháng chiến Ủy viên Chủ tịch; Vũ Hồng Khanh-Kháng chiến Ủy viên Phó chủ tịch cùng 10 vị bộ trưởng…
Nguyễn Đình Thi cũng là người ký tên mình trong bản Tuyên ngôn lịch sử của Quốc hội nước Việt Nam ngày 2 tháng 3 năm 1946. Nhà văn Nguyễn Đình Thi là như thế, ông không chỉ là một nghệ sĩ mà ông còn là một chính khách, một tài năng từ khi tuổi còn rất trẻ. Ông, một tài năng không đợi tuổi.
Ngô Vĩnh Bình