Ông Ngô Quang Nam
Những năm 60 của thế kỷ trước, xuất hiện tác giả Bút Tre với một loại thơ lạ lùng được ưa thích nhưng cũng gây nhiều tranh cãi khiến ông phải khốn khổ vì búa rìu dư luận. Song lạ thay, kiểu thơ Bút Tre vẫn không ngừng phát triển như tre già măng mọc. 20 năm kể từ ngày Bút Tre đi gặp các cụ Tú Xương, Tú Mỡ..., có một người vẫn miệt mài nghiên cứu, lý giải “hiện tượng Bút Tre” và được mệnh danh như một nhà “Bút Tre học”. Ông là họa sĩ Ngô Quang Nam...

Đọc thơ của cụ thấy “sương” trong “bùng”

Được biết, nhà “Bút Tre học” Ngô Quang Nam không chỉ viết hơn 10 tập sách về Bút Tre mà còn chính là một “hậu duệ Bút Tre” với bút danh Bút Nứa nên sau khi mời ông cộng tác với trang Câu lạc bộ chiến sĩ của báo Quân đội nhân dân cuối tuần, tôi đánh bạo tặng ông mấy vần thơ nôm na học đòi theo thể Bút Tre:

Hoan hô đồng chí Ngô QuangNam đang họa sĩ chuyển sang nghiên cừu (cứu)

Từ Vụ Mỹ thuật về hưu

Cớ sao xuất bản khá nhiều… Bút Tre?

Như chạm đúng “gu”, họa sĩ Ngô Quang Nam sôi nổi kể:

- Tôi đang chuẩn bị tái bản lần thứ 7 cho cuốn sách Bút Tre - thơ và giai thoại. Năm 2003, cuốn sách này được NXB Văn hóa-Thông tin tái bản lần thứ 5, số lượng 5.000 bản, bán hết veo. Năm 2004, Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ lại tái bản lần thứ 6, in 2.000 cuốn, các quầy lưu niệm tại lễ hội đền Hùng cũng bán đắt như tôm tươi. Thời buổi sách báo nhiều như hiện nay, số lượng ấy đủ nói lên sự hấp dẫn của thơ Bút Tre. Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Đọc thơ cụ vẫn thấy sương (sướng) trong bùng (bụng)!

PV: Có phải lúc Bút Tre còn sống, ông là “đệ tử” khá thân cận nên sau này mới đi sâu nghiên cứu về cụ?

Ông Ngô Quang Nam: Không! Tôi hoàn toàn không phải là “đệ tử” thân thiết của Bút Tre như có tờ báo viết. Tôi sinh năm 1941, quê ở Thái Bình. Còn Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng sinh ngày 23-8-1911, tại xã Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ. Trước năm 1945, cụ dạy học ở Tuyên Quang. Năm 1956, làm thư ký cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm; năm 1962, làm Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ; năm 1968, làm Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ. Năm 1973, sau khi đi học ở nước ngoài về, tôi làm ở Ty Văn hóa Phú Thọ thì cụ Đăng đã nghỉ hưu. Song chúng tôi thường xuyên đến thăm, hàn huyên với cụ. Chính vì yêu mến chất thơ và lối sống đẹp như thơ của cụ mà từ năm 1987, sau khi Bút Tre “đi xa”, tôi đã bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu về cụ!

- Thơ Bút Tre đã xuất hiện như thế nào trong những năm chiến tranh ác liệt, thưa ông?

- Từ năm 1962, làm Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ, cụ Đăng có thói quen ứng khẩu thành thơ, sáng tác những bài thơ kiểu ngồ ngộ và ký tên Bút Tre. Năm 1963, cụ cho in các tác phẩm Phú Thọ quê ta, Rừng cọ đồi chè… Nhưng không phải để “bán thơ” như bây giờ đâu mà chỉ chủ yếu để lưu hành nội bộ trong ty và tặng thân hữu. Hầu hết thơ trong tập này là những bài hoặc ca ngợi lãnh đạo, hoặc cổ động cho chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thơ ông có nhiều câu mà niêm luật cũng tùy tiện, luộm thuộm như lối sinh hoạt của ông, có những câu đã khiến người đọc phải phì cười như: Cuối cùng xin nhắc một câu/Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta… Dần dần, kiểu thơ Bút Tre ngày càng phát triển và trở thành một phong trào thơ độc đáo, một hiện tượng lý thú của văn học Việt Nam!

“Tớ còn oan hơn Thị Kính”

PV: Cái hay của thơ Bút Tre là dễ đi vào quần chúng. Nhưng có nhiều câu không ổn như: Chị em mặc váy đánh cầu/Lông bay phần phật trên đầu các anh… và còn nhiều câu không tiện dẫn ra đây?

Ông Ngô Quang Nam: (Lắc đầu): Anh nhầm to rồi! Đó không phải là những câu thơ của Bút Tre. Tôi đố anh tìm thấy trong các tập thơ mà Bút Tre viết có một câu nào tục tĩu, “không ổn”. Chỉ có điều, từ chỗ nắm vững “luật thơ” Bút Tre, dân gian đã sáng tác ra nhiều câu có cấp độ trào lộng “trầm trọng” hơn, thành ra oan cho ông. Ví dụ từ câu: Hoan hô đồng chí Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về, dân gian sáng tác ra hàng loạt câu như: Hoan hô đồng chí Hà Đăng/ Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa; Hoan hô đồng chí Trần Hoàn/ Mới lên bộ trưởng chiếu toàn phim hay…

Chính vì thế mà Bút Tre đã phải gánh một nỗi oan trong những năm tháng cuối đời. Cuối thập niên 1960, trên báo Văn Nghệ có bài phê phán Bút Tre, rồi một số văn nghệ sĩ công kích, cho rằng thơ Bút Tre lủng củng, ngô nghê, tục tĩu... Có người còn quy kết ông lợi dụng chức Trưởng ty Văn hóa để tự ý cho in những tập thơ “quái quỷ”. Tình hình căng đến mức, dư luận ở Vĩnh Phú lúc bấy giờ có hai vấn đề nổi lên: về kinh tế là chuyện ông Kim Ngọc “khoán chui”, còn về văn hóa là chuyện thơ Bút Tre làm vấy bẩn đời sống văn hóa thời chiến…

- Nhưng thời gian là liều thuốc thử công bằng đã cho thấy, thơ Bút Tre đã không làm vấy bẩn đời sống văn hóa của chúng ta ngày ấy?

- Đúng vậy! Bị hiểu lầm, Bút Tre rất buồn, có lần ông nói với chúng tôi: “Oan tớ hơn oan Thị Kính!”. Nhưng điều tôi kính phục nhất ở ông là chính trong cơn bĩ cực này, ông càng tỏ rõ nhân cách một kẻ sĩ, một người cách mạng chân chính. Ông không hề sa vào tiêu cực mà vẫn miệt mài làm việc, vẫn vui vẻ với anh em. Thậm chí ông còn viết nhiều hơn, không chỉ viết thơ mà còn nghiên cứu về văn hóa, lịch sử. Bút Tre tự hào vì lối thơ của mình đã được dân gian thừa nhận. Ông viết: Khi khuya sáng, lúc hoàng hôn/Bà con kể lại, xóm thôn vọng lời/Năm năm dân dã lắng nghe/Một Bút Tre thành vạn Bút Tre các làng…

Bút Tre - tầm nhìn văn hóa

PV: Cái hồn vía, tinh túy tạo nên sức hấp dẫn của thơ Bút Tre, cần cắt nghĩa thế nào cho thỏa đáng, thưa ông?

Ông Ngô Quang Nam: Chúng ta nên trở về với những bài học mà Bác Hồ đã căn dặn trong công tác tuyên truyền. Nói, viết cho ai; nói, viết để làm gì và nói, viết như thế nào? Nếu tìm hiểu kỹ về “hiện tượng Bút Tre” thì phải lý giải thơ Bút Tre gắn liền với phong cách làm việc của một cán bộ văn hóa. Ông hoàn toàn không phải là một lãnh đạo yêu văn nghệ nửa mùa theo kiểu trà dư tửu hậu, lấy ngân sách in thơ bừa bãi. Những cán bộ sống với ông đều kể, ông là người tâm huyết với công việc của ngành văn hóa. Thơ ca chỉ là công cụ cho công việc, được ông đọc lên trong lúc làm việc và viết lúc rảnh rỗi. Có lần ông đã tâm sự: “Tớ chẳng có thời gian tuyên truyền kiểu hàn lâm. Phải tạo cái gì đó ấn tượng thì nhân dân mới nhớ được. Chính sách của ta nhiều cái cứ na ná nhau, rất khổ cho việc phổ biến...”.

- Ông còn nhớ kỷ niệm lần đầu được “diện kiến” Bút Tre?

Đồng chí Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú: Đó là một cán bộ lãnh đạo văn hóa tâm huyết, yêu đời, với những bài thơ dân dã và suy nghĩ nung nấu về quê hương. Cũng đã có sự ngần ngại về thơ của Bút Tre. Nhưng nghiên cứu của đồng chí Ngô Quang Nam là một công trình toàn diện về một gương mặt văn nghệ tâm huyết, một “hiện tượng thơ”.

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh: Bút Tre có sáng kiến đặt ra một lối ca dao, thơ độc đáo, rất ngang, gây cười mà vẫn rất hợp lý, quen thuộc với đông đảo cán bộ và nhân dân. Từ điển Văn hóa Việt Nam: Ca dao Bút Tre đã tạo được sự vui nhộn trong sinh hoạt văn hoá quần chúng, gây tiếng cười hồn nhiên, nhiều khi không kém phần ý vị.

- Ngày ấy tôi còn là một cán bộ trẻ ở Ty Văn hóa Vĩnh Phúc. Một bữa, thấy có ông lão cưỡi xe đạp tồng tộc, bánh xe buộc lốp loang lổ như rắn cạp nong vào cơ quan chơi. Bút Tre đấy! Không phải ông từ Phú Thọ sang mà vừa từ chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Trị về. Ông thân mật, gần gũi, vào rít thuốc lào sòng sọc và nói như súng liên thanh kể chuyện chuyến đi tuyến lửa trở về. Ông oang oang bảo: Thật là vĩ đại, vĩ đại! Không đi không thấy hết cái vĩ đại của dân tộc mình. Ai lại đi đánh nhau, dấn thân vào chỗ chết, bom đạn như vậy mà cứ như đi trảy hội. Mà có được cái đó là cũng nhờ cái anh “văn nghệ văn gừng” các cậu ạ! Theo tớ, giờ phải phát động phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Dân mình thích ca dao hò vè nhất thế giới!

- Có phải về sau phong trào “tiếng hát át tiếng bom” chính do Bút Tre đề xuất?

- Không chỉ có phong trào ấy đâu, Bút Tre còn làm được nhiều việc lớn về văn hóa. Là trưởng ty, ông luôn chỉ đạo văn hóa phải hướng về cơ sở. Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ông chủ trương thực hiện “bảo tàng gánh”, cho cán bộ gánh hiện vật văn hóa đi các làng quê, đơn vị bộ đội để trưng bày, giáo dục truyền thống. Ông phát động phong trào nông dân vẽ tranh đả kích giặc Mỹ. Khi dự hội nghị tổng kết của Bộ Văn hóa, nghe Bộ trưởng Hoàng Minh Giám nói: “Các tỉnh nên tìm ra sáng kiến về văn hóa thời chiến để Bộ đúc rút chỉ đạo”, ông đã tổ chức một đoàn cán bộ do chính mình dẫn đầu đạp xe vào tận tuyến lửa Quảng Bình tìm hiểu. Ông rút ra một điều: “Văn hóa thời chiến là phải “tiếng hát át tiếng bom”! Về tỉnh, ông cho phát động xã, làng nào cũng phải có một đội văn nghệ xung kích và yêu cầu các đoàn văn công phải chia nhỏ đi vào các trận địa! Đặc biệt, ông còn có công rất lớn trong việc làm rõ vấn đề các vua Hùng dựng nước. Từ câu nói của Bác Hồ khi thăm đền Hùng và các sử liệu về thời đại Hùng Vương, ông đã nhiều lần đạp xe về Hà Nội làm việc với các nhà khoa học như: Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Huy Thông, Trần Huy Liệu… đặt vấn đề nghiên cứu và chỉ đạo, tổ chức nhiều cán bộ đi khảo sát ở các vùng Phong Châu, Cẩm Khê, Thanh Sơn. Nhờ đó, chúng ta đã phát hiện ra các di chỉ văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu… những cơ sở quan trọng để chứng minh thời đại các vua Hùng dựng nước không chỉ là truyền thuyết!

- Sự nở rộ của các “hậu duệ Bút Tre” ngày nay càng chứng minh những đóng góp của Bút Tre với văn học và xã hội. Theo tôi nghĩ, đóng góp ấy cần được xã hội ghi nhận?

- Đó cũng là điều tôi trăn trở từ lâu. Nỗi oan của anh Kim Ngọc thì đã được sáng tỏ. Còn công lao của Bút Tre, tôi nghĩ cũng đáng ghi nhận lắm chứ. Nhà nước nên có một danh hiệu gì đó truy tặng cho ông, phải “hoan hô… đồng chí Bút Tre” mới phải! Nhưng thật ra thì với công chúng, Bút Tre vẫn sống. Bằng chứng là thơ của các “hậu duệ Bút Tre” đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước: đã có Bút Tre non, Bút Tre xanh, Bút Nứa, Bút Cọ, Bút Dừa, Bút Lau, Bút Sậy, Bút Đước… Cái hay là “bút” nào cũng được bạn đọc yêu thích và hưởng ứng. Đúng như một nhà thơ đã viết: “Bao nhiêu bút sắt mòn rồi/ Hôm nay còn mãi với đời Bút Tre”!

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Văn Minh (thực hiện)