 |
Một cảnh trong phim "Những hy sinh thầm lặng" (đạo diễn Phạm Huyên). |
Liên tiếp từ 2004-2005 đến nay, Điện ảnh quân đội nhân dân (ĐAQĐND) đầu tư sâu cho bộ phim tài liệu về Đường Hồ Chí Minh thời hiện đại, với sự cộng tác và hỗ trợ của Bộ Giao thông-Vận tải, của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn. Đến nay, nhiều tập phim đã hoàn thành. Diện mạo của con đường huyết mạch mang ý nghĩa chiến lược trong thời kỳ chống Mỹ đã được nhìn nhận, được miêu tả, phản ánh với tất cả sự tri ân (của con người với con đường) và sự khám phá, suy tưởng về tính quy mô, hoành tráng của công trình thế kỷ được gắn quyện với những hồi ức thiêng liêng, xúc động. Trong một hướng làm phim khác, loạt phim "Đông bắc-nỗi niềm người lính", "Sóng thức", "Những hy sinh thầm lặng", "Điểm tựa Kalăng"… tiếp tục biểu dương tinh thần say mê học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh quên mình vì nhân dân, đất nước của bộ đội thời kỳ mới với nhiều tìm tòi, phát hiện rất đáng trân trọng.
Trong năm 2007, kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2007), Điện ảnh QĐND đã có 2 bộ phim tài liệu (nhựa, màu): "Một bàn tay hai cuộc đời" (nói về vợ chồng một thương binh ở Bến Tre) và "Bức tượng đài vĩnh cửu" (nói về những tình cảm, suy tưởng xung quanh việc xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam) cùng một bộ phim truyện vi-đê-ô làm hợp tác với Cục điện ảnh Việt Nam "Mùa thu không cô đơn". Bộ phim nói về tình yêu, tình đồng chí, đồng đội giữa một chàng trai sau chiến tranh được đi học nước ngoài trở về làm bác sĩ ở một bệnh viện và cô gái vốn cùng chiến đấu với chàng trai trong những năm tháng chống Mỹ ở Trường Sơn, sau chiến tranh có chồng là thương binh đã mất, nay chị bị ung thư tụy ở giai đoạn cuối và vào nằm tại bệnh viện do chàng trai điều trị) với rất nhiều cố gắng, gây xúc động mạnh trong người xem.
Đặc biệt với dòng phim noi theo người đi trước, làm sáng mãi, sống mãi tuổi hai mươi, dựa theo các cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc và Vũ Tiến Xuân, trong phim "Lời nhắn tin" những người làm phim Điện ảnh QĐND đã dồn nén sự khâm phục, trân trọng của mình và tâm tình của những người lính trẻ trước suy nghĩ, hành động của những người đã khuất. Bộ phim tô đậm thêm vẻ đẹp, sự trong sáng và tinh thần sẵn sàng hy sinh, hy sinh hết mình vì đồng chí, đồng đội, vì đất nước, nhân dân của lớp người đi trước và quyết tâm sống đẹp, sống có lý tưởng, mong muốn được lập công, được cống hiến nhiều hơn cho nhân dân, đất nước của lớp trẻ hôm nay.
Các tập phim "Đất có tên người", "Câu chuyện thành trì" (giải Cánh diều bạc-Hội Điện ảnh Việt Nam 2006) và tới đây "Cuộc chiến không chiến tuyến"… trong bộ phim nhiều tập "Suy ngẫm bên dòng lịch sử" là một công trình sâu đậm, giàu suy tư, khám phá sáng tạo về nhân dân, cội rễ của niềm tin và sức mạnh, vốn tiềm tàng trong suốt chiều dài lịch sử, được Đảng, Bác Hồ khơi dậy và phát huy, làm bất tử thêm mọi giá trị nhân văn cao quý, giá trị tinh thần vật chất của dân tộc.
Sau các phim "Người Anh cả quân đội" (về Đại tướng Võ Nguyên Giáp), "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh", "Tử tù và danh tướng" (Đại tướng Văn Tiến Dũng), "Anh Hai Mạnh" (Đại tướng Chu Huy Mân), "Người cầm cờ trong 34 chiến sĩ" (Đại tướng Hoàng Văn Thái), "Người con làng Hào Kiệt" (Thượng tướng Song Hào), "Lê Trọng Tấn một đời trận mạc", "Lê Quang Đạo hành trình cùng cách mạng", tới đây, dòng phim này sẽ tiếp tục thực hiện mỗi năm chừng một đến hai chân dung về các danh tướng có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước.
Điện ảnh QĐND đang tổ chức xây dựng bộ phim truyện 2 tập "Trận đánh giả ở Hoàng Sơn", một bộ phim đề cập đến vấn đề kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng kết hợp với kinh tế trong thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập với rất nhiều tình huống, tình tiết sôi động, gay cấn, nhiều vấn đề khiến chúng ta phải quan tâm suy nghĩ. Các phim tài liệu như "Hành trình hội nhập" lại tập trung nói về các đơn vị quân đội làm kinh tế kỹ thuật thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Cục Kinh tế-Bộ Quốc phòng (Tổng Công ty Viễn thông quân đội, Tổng Công ty bay dịch vụ (Quân chủng Phòng không-Không quân, Công ty đóng tàu Hồng Hà) cùng nhiều phim khác đi sâu vào đời sống chiến đấu, sản xuất đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội thời kỳ mới là hướng đi, bước phát triển mới của cơ sở sản xuất phim của người lính.
Hy vọng trong bước đi mới này, Điện ảnh QĐND sẽ có nhiều phim hay, phim khá hơn và cơ sở làm phim của người lính sẽ ngày một phát triển vững mạnh hơn.
NGUYỄN THÀNH LẬP