Cụ Nguyễn Văn Tố (người đứng bên trái cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, năm 1946. Ảnh tư liệu

Bác Hồ và Chính phủ đón xuân Đinh Hợi-1947, là Tết kháng chiến đầu tiên, trên đường thiên đô lên Việt Bắc còn lao đao... nên coi như không có Tết. Đón Tết Mậu Tý 1948, Bác và Chính phủ kháng chiến trong niềm vui chung của cả nước sau chiến thắng thu-đông lừng lẫy, nên đây là cái Tết kháng chiến đầu tiên Bác và Chính phủ tổ chức “ăn Tết trong rừng”.

Phiên họp “tất niên” của Hội đồng Chính phủ diễn ra giữa núi rừng Việt Bắc khi rét đậm tràn về, nhưng các thành viên đều có mặt đông đủ. Trừ ông Đặng Phúc Thông vì ốm, còn các cụ Bùi Bằng Đoàn-Trưởng ban, Linh mục Phạm Bá Trực-Phó ủy viên Ban thường trực Quốc hội,... là những người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết của dân tộc, dù tuổi già sức yếu đều tới dự. Có người là chiến sĩ, có người là quan thượng thư, có người là đức giám mục, có người là trí thức, có người là Việt minh, những người tóc đã bạc bên những người mái đầu xanh tuổi mới ba mươi,... tất cả cùng chung một ý chí “Tổ quốc trên hết, Kháng chiến trước hết”. Nhưng khi bắt đầu khai mạc cuộc họp, Bác Hồ đã bật khóc cụ Nguyễn Văn Tố-người đại biểu nhân dân-vị Bộ trưởng cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời, Trưởng ban thường vụ Quốc hội được bầu trong kỳ họp thứ nhất ngày 2-3-1946 cho đến tháng 11-1946 (cụ Bùi Bằng Đoàn thay thế) lại giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ, vừa mới hy sinh khi Pháp tấn công lên Việt Bắc ngày 7-10-1947. Bác đã viết bài văn tế cụ Tố, để ra Tết sẽ tổ chức lễ truy điệu...

Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, đã tốt nghiệp trường thông ngôn và làm việc ở Học viện Viễn Đông Bác Cổ là cơ quan nghiên cứu lịch sử-văn hóa của người Pháp. Ông trở thành một học giả tên tuổi được đồng nghiệp Pháp kính trọng về kiến thức uyên bác, nhưng qua những công trình của ông viết về lịch sử và văn hóa còn hiện rõ tấm lòng yêu nước nồng nàn và có tính giáo dục, khích lệ, khơi dậy lòng người yêu nước bằng tấm gương lịch sử. Người học giả viết và nói tiếng Pháp rất giỏi, rất hay ấy cũng chính là một trong những người sáng lập ra Hội truyền bá quốc ngữ, cùng với những người yêu nước khác chịu ảnh hưởng của các chiến sĩ cộng sản hoạt động công khai đã hăng hái tham gia công tác xóa mù chữ cho nhân dân lao động. Vì vậy, lẽ tự nhiên, ông đã đón mừng Tổng khởi nghĩa thắng lợi, và sau ngày nước nhà giành được độc lập, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Bộ trưởng cứu tế xã hội của Chính phủ lâm thời...

Ngày 7-10-1947, mở đầu chiến dịch tấn công lên Việt Bắc, quân Pháp đổ quân nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn. Vì mắt kém, trong đêm tối không kịp chạy thoát ra rừng, ông bị quân Pháp bắt và giết hại. Hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn kể rõ: “... Ta biết rõ hôm ấy, bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín lớn. Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta...”.

Cụ Nguyễn Văn Tố, một nhà trí thức lớn, một nhân sĩ yêu nước, là một người đại biểu của nhân dân lao động... đã hy sinh vì cách mạng, vì nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày đầu còn non trẻ.

Phan Đắc