QĐND -   Nhìn tấm hình ông xắn quần lội ruộng sâu cấy lúa với bà con Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Lý Ninh, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (tháng 1-1962), hay hình ảnh ông cần mẫn cuốc đất, trồng rau như một người lính tại khu tăng gia cơ quan Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh, năm 1966)… mọi người đều cảm động, thương nhớ một vị tướng tài đức.

Qua cánh cổng gỗ, vừa bước vào ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở số 47A, Phan Đình Phùng (Hà Nội), tôi cảm nhận rất rõ không gian ấm áp như tỏa ra từ bức tượng Đại tướng được đặt trang trọng giữa tầng 1. Bức tượng toát lên thần thái vừa oai phong, vừa bình dị của một con người được nhân dân yêu mến. Hai bên bức tường là bức ảnh lớn của Đại tướng chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu nói nổi tiếng của ông đã được lịch sử ghi nhận như: “Nắm thắt lưng địch mà đánh” (Chiến khu D, năm 1965); “Mất đất chưa phải là mất nước. Mất dân mới là mất hết. Chúng ta không thể mất dân, chết cũng không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng”  (Bình Trị Thiên, 25-3-1947).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham gia tăng gia ở cơ quan Trung ương Cục miền Nam-Tây Ninh, năm 1966. Ảnh chụp lại.

Với hai màu chủ đạo là trắng và đỏ, không gian bài trí của Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được thể hiện ở 3 phòng chính: Phòng trưng bày ảnh, Phòng trưng bày các kỷ vật và Phòng ban thờ. Với khoảng 200 bức ảnh tư liệu đen trắng và hàng chục hiện vật, công chúng có thể tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng qua các chủ đề như: Quê hương và tuổi thơ; Với Đảng bộ và nhân dân Bình-Trị-Thiên; Trong Chiến khu Việt Bắc; Trong chiến trường miền Nam; Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp; Trong công tác công nghiệp và văn hóa, giáo dục; Trong công tác đối ngoại; Hoạt động trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước; Với cán bộ, chiến sĩ quân đội; Vị Đại tướng giữa đời thường.

Qua mỗi chủ đề, mỗi bức ảnh và hiện vật, công chúng không những hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn về quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi của một vị tướng tài ba, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một người con ưu tú của dân tộc, mà còn hình dung về một chặng đường lịch sử đầy gian khổ mà hào hùng của đất nước và quân đội ta. Với những người đồng đội, người cùng thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sống về tinh thần tận tụy vì dân, vì nước, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân và gia đình. Với thế hệ hôm nay, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại một hình mẫu cao đẹp về nhân cách người chiến sĩ cộng sản chân chính.

Nhìn tấm hình ông xắn quần lội ruộng sâu cấy lúa với bà con Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Lý Ninh, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (tháng 1-1962), hay hình ảnh ông cần mẫn cuốc đất, trồng rau như một người lính tại khu tăng gia cơ quan Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh, năm 1966), hay cảnh ông ra đồng thăm ruộng, đến trại chăn nuôi kiểm tra đàn bò sữa… mới cảm nhận được hết tấm lòng, tình cảm của  ông với công việc, với cách mạng. Nhờ những ngày gần dân, trăn trở cùng bà con, tận tụy chăm lo cho dân như thế đã giúp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khởi xướng, phát động phong trào "Gió Đại Phong" làm náo nức lòng người.

Người dân và bộ đội tham quan Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Là học trò gần gũi, thân cận của Bác Hồ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã học được tác phong giản dị của Bác, từ mang mặc đến những vật dụng sinh hoạt thường ngày đều rất mực đơn sơ. Nhìn chiếc ghế mây bình dân, cái đài bán dẫn cũ, bộ quần áo bà ba màu nâu sờn bạc, chiếc bi đông sắt đã bị bong sơn… mà Đại tướng đã sử dụng trong những năm tháng ở chiến trường miền Nam, mới thấy hết cái chất lính mộc mạc, hồn hậu của “Vị tướng du kích”-tên gọi trìu mến mà Bác Hồ đã dành tặng riêng ông. 

Trong Phòng trưng bày ảnh có một tấm ảnh ghi lại một khoảnh khắc đặc biệt. Đó là vào chiều 5-7-1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tấm bản đồ trước mặt để cùng nghiên cứu, xem xét tình hình tác chiến, bàn bạc về những chuyển biến và cách đánh sắp tới ở chiến trường miền Nam. Nhưng vào sáng hôm sau, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đột ngột ra đi ở tuổi 53. Như vậy, Đại tướng đã trọn đời cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đến phút cuối đời! Thương tiếc một vị tướng tài đức, trong ngày tang lễ 6-7-1967, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết đôi câu đối ca ngợi công lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Định hướng lo dân, ba ngọn cờ hồng tài trị nước/ Quyết tâm thắng địch, một lời sấm dậy thế ra quân”. Một ngày sau đó (7-7-1967), nhà thơ Tố Hữu đã xúc động viết bài thơ “Nhớ Anh”, trong đó có đoạn phác họa về chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Ở đâu nghèo đói, gọi xung phong/ Lon nước mo cơm, lội khắp đồng/ Ở đâu tiền tuyến, kêu Anh đến/ Tay súng tay cờ, lại tiến công”! Trước đó 3 năm, vào tháng 9-1964, trong bài thơ “Tiễn đưa” tặng Đại tướng, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đã hay đâu cũng say tiền tuyến/ Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường/ Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”.

Câu đối và hai bài thơ trên còn nguyên vẹn bút tích của hai tác giả, hiện được treo trang trọng tại Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Bài và ảnh: THIỆN VĂN