QĐND Online - Cuối năm 1963, Kế hoạch Xtalây - Taylo của Mỹ hòng bình định miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng đã thất bại. Đế quốc Mỹ phải chuyển sang Kế hoạch Giônxơn - Mắc Namara, đưa thêm quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, đồng thời tăng cường các hoạt động do thám, thả biệt kích, gián điệp phá hoại và ném bom, đánh phá miền Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới. Giữa năm 1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh với biệt danh Sáu Di, được Trung ương Đảng điều động trở lại tham gia quân đội và được điều vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam. Mang theo “tư tưởng lớn của thời đại là không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết đánh Mỹ vì độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội”, thành công lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là luôn bám sát sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ để phát hiện được những vấn đề cơ bản, đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu của địch; đánh giá một cách biện chứng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, góp phần đề ra quyết tâm chiến lược đúng đắn và chính xác. Từ thực tế của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, đồng chí đã tìm tòi, khái quát, tổng kết thực tiễn, đúc rút bài học kinh nghiệm góp phần nâng lên thành lý luận chỉ đạo những vấn đề cơ bản về chiến lược quân sự, mà tư tưởng cơ bản là kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công; không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết đánh Mỹ, biết thắng Mỹ và nhất định sẽ đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.
 |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu.
|
Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam trực tiếp tiến hành chiến tranh. Với tầm nhìn chiến lược, bám sát và nắm chắc tình hình biến đổi trên chiến trường; với tư duy khoa học, sắc sảo và nhạy bén, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người phát hiện sớm việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968). Phát hiện đó đã được Bộ Chính trị chấp nhận và ra quyết sách mới. Ta chủ động về chiến lược, từ việc tăng quân từ miền Bắc vào miền Nam đến việc bố trí các quả đấm chủ lực, phân chia các chiến trường, xác định phương châm tác chiến, quyết tâm đánh thắng Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào miền Nam.
Dựa trên phương pháp luận của phép biện chứng duy vật: “Phát hiện mâu thuẫn của địch; đi từ hiện tượng đến bản chất; thấu suốt quan điểm thực tiễn; nắm vững quan điểm phát triển”, trong các bài viết: “Ai thắng ai thua?” (1964), “Bài nói chuyện trong chỉnh huấn cán bộ toàn miền Nam” (1965), “Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” - Bài nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất (1965), “Đập tan âm mưu chiến lược của Giônxơn ở miền Nam Việt Nam” (1965), “Chiến lược sai lầm và những sai lầm có tính chất chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam” (1965)... đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phân tích cụ thể những mạnh, yếu của quân Mỹ trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, kỹ thuật và con người, chất lượng - số lượng, chiến lược, cách đánh, phân tích thế và lực của ta... để từ đó đi đến kết luận: Mỹ không phải là bất khả xâm phạm; Mỹ có mặt mạnh hơn ta nhưng Mỹ tuyệt đối không có một sức mạnh nào là vô địch; chúng đang ở thế thua và bị động về chiến lược do thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; có nhiều mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng... do đó, không có những yếu tố cơ bản cho phép xoay chuyển được tình thế. Trái lại, cách mạng miền Nam đã có bước phát triển nhảy vọt; nhiều yếu tố mới đã xuất hiện cho phép phát huy quyền chủ động trên chiến trường, tiếp tục tiến công quân Mỹ. Đồng chí viết: “Vũ khí, cơm gạo, tiền bạc, chúng ta đều nghèo hơn Mỹ. Bọn Mỹ nhiều tiền lắm của. Nhưng nếu Mỹ là triệu phú tức là có bạc triệu đô-la, thì nhân dân chúng ta là triệu phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mỹ thua chúng ta ở chỗ đó, tức thua cái gan của dân tộc chúng ta”. Sự phân tích biện chứng và khoa học trên đây của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã làm cho cán bộ, đảng viên nhận rõ thực chất của tình hình trên chiến trường, giải quyết những nhận thức không đúng và thấy rõ phương hướng chiến lược của ta, tăng lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu để tìm ra và sáng tạo cách đánh thắng quân viễn chinh Mỹ. Thắng lợi của những trận thắng Mỹ như Núi Thành, Vạn Tường, Đất Cuốc, Plây - me, Bầu Bàng... ngay từ năm 1965 đã chứng minh tính đúng đắn của nhận định này.
Sau khi đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966 và 1966 -1967) của gần một triệu quân Mỹ, quân chư hầu và quân đội Sài Gòn, trong các bài viết: “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn, Mỹ và ngụy thua to trong mùa khô 1965 - 1966?” - Đăng trên Tạp chí Quân đội nhân dân (1966), “Đông Xuân thắng lớn” - Đăng trên Báo Quân đội nhân dân (1967), “Chiến thắng Đông Xuân 1966 - 1967 và năm bài học thành công về chỉ đạo chiến lược quân sự” - Đăng trên Tạp chí Quân đội nhân dân (1967), đồng chí đã kịp thời tổng kết, phân tích rõ nguyên nhân thắng lợi của ta, thất bại của địch, rút ra năm bài học thành công về chỉ đạo chiến lược quân sự, những kinh nghiệm phong phú về công tác chính trị, công tác tư tưởng... góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta phát triển lên một bước mới. Những bài học tổng kết đó đã khẳng định thêm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một con người “văn - võ song toàn”, một vị tướng có tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự - chính trị sắc sảo, một người chỉ huy quân sự quyết đoán và tài năng.
Trong chỉ đạo cách đánh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã góp công lớn vào việc đặt cơ sở lý luận cho cách đánh của chiến tranh nhân dân, vạch rõ tính hơn hẳn của nó, qua đó động viên, tổ chức các lực lượng vũ trang ta quán triệt tinh thần cách đánh đó theo tư tưởng quân sự của Đảng. Là người trực tiếp lãnh đạo trên chiến trường, từ sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương, từ kinh nghiệm thực tiễn và thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, đồng chí đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người, lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam như: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”; “Ở gần đánh gần”; “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”; lập các “Vành đai diệt Mỹ”, thi đua phấn đấu trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”... Đồng chí còn đề xuất: Ta không bị động đánh theo cách đánh của Mỹ, mà phải buộc Mỹ đánh theo cách đánh của ta, làm cho chúng “chéo giò” như “ăn cháo bằng đĩa”. Những bài viết “nẩy lửa” của đồng chí trên báo Nhân dân và Quân đội nhân dân với bút danh Trường Sơn, Bến Tre đã góp phần khắc phục tư tưởng ngại Mỹ, sợ Mỹ, khơi dậy và cổ vũ toàn quân, toàn dân tinh thần dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, truyền đến cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang một ý chí chiến đấu mới, tạo nên một sức mạnh vượt lên trên sức mạnh vũ khí kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Những cống hiến có giá trị nói trên của đồng chí Nguyễn Chí Thanh chẳng những góp phần làm cho tư tưởng, đường lối chính trị, quân sự của Đảng ta được quán triệt sâu sắc và ngày càng giành được những thắng lợi vẻ vang, mà còn làm giàu thêm kho tàng lý luận quân sự của Đảng ta.
QĐND Online
(Còn nữa)
Bài 4: Người góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Bài 3: Người tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên
Bài 2: Một người cộng sản kiên trung
Bài 1: Tiểu sử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lý luận chính trị-quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng của quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường
Chú Sáu Di là người thầy lớn
Triển khai thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ký ức không quên nơi chiến trường Đông Nam Bộ
Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”
Nhớ mãi lời khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh