“Ông bầu” của những "ca sĩ đặc biệt"

Ngày đầu tuần, nhận lời mời của ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi tới thăm Trường THPT Từ Sơn (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), nơi diễn ra hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ của một số NNCĐDC thị xã Từ Sơn với học sinh nhà trường. Buổi sáng thời tiết se lạnh, các em học sinh trong bộ đồng phục đã ngồi ngay ngắn thành hàng dưới sân trường. Theo lời giới thiệu của ông Nhân, chúng tôi hướng sự chú ý về phía cánh gà, gần với hàng ghế đại biểu, một người đàn ông lớn tuổi đang chỉnh lại trang phục, quần áo cho các "ca sĩ đặc biệt". Đó là ông Nguyễn Cao Bảo, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Từ Sơn và những "ca sĩ đặc biệt" đều là các NNCĐDC đang sinh sống trên địa bàn thị xã.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Cao Bảo (thứ hai, từ trái sang) trong buổi giao lưu văn hóa - văn nghệ cùng các nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Sân khấu chương trình được dựng dã chiến ngay trước khuôn viên dãy lớp học. Một tấm biển nền vàng nổi bật dòng chữ: "Chương trình giao lưu văn hóa-văn nghệ nhân đạo chung tay xoa dịu nỗi đau da cam". Chúng tôi chú ý đến tiết mục hát đơn ca của nạn nhân Trần Minh Thành. Minh Thành mặc trên người bộ quần áo đồng phục học sinh đã sờn cũ. Trông xa, thật khó nhận thấy sự khác biệt giữa em và những học sinh đang ngồi chăm chú nghe hát phía dưới. Minh Thành đứng giữa sân khấu, nhập tâm thể hiện bài hát "Lòng mẹ" do nhạc sĩ Y Vân sáng tác. Lời bài hát chất chứa những tình cảm của người con với mẹ. Mỗi khi lên những nốt cao, đôi mắt em phải nhướng lên rất khó khăn.

Qua giới thiệu của ông Bảo, chúng tôi được biết, do di chứng của chất độc da cam nên từ khi sinh ra, Minh Thành không được lành lặn như bao đứa trẻ khác. Em bị hỏng một mắt, mắt còn lại thị lực rất yếu. Khi vào lớp 1 thì cuộc sống của em hoàn toàn chìm vào bóng đêm. Hình ảnh người thân, đặc biệt là người mẹ chỉ còn lờ mờ trong trí nhớ non nớt của Minh Thành.

Nhạc vừa kết thúc, sân trường rộn vang tiếng vỗ tay tán thưởng cho tiết mục ấn tượng. Ngồi ngay hàng ghế đầu, em Đào Thị Ngọc, học sinh Lớp 12A không giấu được những giọt nước mắt. Em chia sẻ: "Em phải cảm ơn bác Bảo và các anh chị rất nhiều. Từ trước đến nay, em cũng không hề biết ngay tại nơi mình sống có nhiều NNCĐDC gặp hoàn cảnh khó khăn như vậy. Các anh chị thật sự là những tấm gương nghị lực giữa cuộc sống đời thường để chúng em học hỏi, noi theo".

Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động

Sinh ra tại vùng đất Từ Sơn, năm 1971, như bao thanh niên, Nguyễn Cao Bảo lên đường nhập ngũ, sau đó được biên chế vào Sư đoàn 1, Quân khu 9 chiến đấu tại chiến trường Tây Nam Bộ. Năm 1977, Nguyễn Cao Bảo được cử đi học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Sau khi ra trường, ông Bảo năng nổ trong công tác và giữ nhiều chức vụ, như: Chủ tịch Công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh. Năm 2013, ông vừa nhận quyết định nghỉ hưu thì được các đồng chí lãnh đạo thị xã Từ Sơn động viên làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin. Công việc mới có nhiều tính chất đặc thù, khác biệt với môi trường làm việc trước đây khiến ông không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nhưng cứ nghĩ đến đồng đội và con em họ đang chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi, ông Bảo lại có thêm động lực để làm việc. 

Trên chiếc xe máy cà tàng, ông Nguyễn Cao Bảo đến từng nhà nạn nhân thăm hỏi, rà soát lại danh sách nạn nhân trên địa bàn. Thống kê lại số lượng, ông khá bất ngờ vì có đến hơn 300 NNCĐDC đang sinh sống trên địa bàn thị xã Từ Sơn. Mỗi gia đình một hoàn cảnh khi phải gánh chịu không ít hậu quả quái ác do di chứng chất độc da cam. Ông Bảo nhớ mãi lần tới thăm gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Bách ở Đồng Nguyên (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông kể: "Ông Bách là thương binh, mang trong mình chất độc da cam từ chiến trường trở về. Di chứng từ chất độc da cam khiến người con đầu của ông là Nguyễn Văn Bạch chân tay bị teo nhỏ, co quắp, miệng ú ớ chỉ nói được đôi từ, cả đời quanh quẩn trong ngôi nhà chật chội hơn 30m2. Cầm bàn tay run run của cháu Bạch, tôi và các đồng đội đi cùng không cầm được nước mắt".

Sau khi rà soát lại cụ thể hoàn cảnh của từng nạn nhân, sắp xếp nhân sự, ông Bảo nhận thấy khó khăn lớn nhất với công tác của Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Từ Sơn là kinh phí hoạt động. Để giải quyết bài toán khó này, ông xác định chỉ có làm tốt công tác xã hội hóa thì Hội NNCĐDC/dioxin mới có thể duy trì hoạt động hiệu quả. Từ đó, ông Bảo cùng Ban chấp hành hội ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã, Hội Cựu chiến binh và Đài Phát thanh thị xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân. Ông còn tham mưu với chủ tịch UBND thị xã có thư gửi các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp… chung tay ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin. Đặc biệt, để các nạn nhân có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, ông Bảo tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ với các nhà trường, doanh nghiệp trên địa bàn. Hoạt động này theo ông Bảo có hai ý nghĩa tích cực, vừa để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, vừa để chia sẻ cùng các NNCĐDC, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Cao Bảo (ngồi đầu tiên, bên trái) và các đồng đội tới động viên, thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam.

Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, minh bạch hóa, các hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Từ Sơn đã có sức lan tỏa rộng, trở thành địa chỉ tin cậy và ngày càng có nhiều tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân. Ông Bảo vui mừng cho biết: "Qua hai năm hoạt động, hội đã vận động được số tiền và vật chất trị giá gần 1 tỷ đồng. UBND thị xã Từ Sơn hỗ trợ cho nạn nhân đi tẩy độc tại Thái Bình mỗi năm 60 triệu đồng". Ông Bảo còn nhắc đến những doanh nghiệp thường xuyên quan tâm, giúp đỡ công tác hội, như: Công ty Chăn nuôi Bắc Đẩu, CLB Nữ doanh nhân Đồng Kỵ, Chi nhánh Ngân hàng Công Thương thị xã Từ Sơn…

Đánh giá cao những đóng góp của ông Nguyễn Cao Bảo, ông Nguyễn Văn Nhân nhận xét: "Đặt trong điều kiện khó khăn chung của công tác hội, những nỗ lực, sáng tạo trong hoạt động của ông Nguyễn Cao Bảo rất đáng ghi nhận. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động điểm tại thị xã Từ Sơn, nơi ông Bảo công tác, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hội NNCĐDC/dioxin các cấp huyện, thị xã trong tỉnh".

Theo chúng tôi, việc ghi nhận những cống hiến trong công tác Hội NNCĐDC/dioxin của ông Nguyễn Cao Bảo không chỉ là những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương được các cấp trao tặng, điều ý nghĩa hơn chính là tên gọi thân mật "Ông Bảo da cam" mà người dân nơi đây tin yêu, quý trọng dành tặng ông. Dành trọn tình thương yêu và trách nhiệm đối với NNCĐDC/dioxin, nên cựu chiến binh Nguyễn Cao Bảo đang ấp ủ nhiều dự định mới trong công tác hội cho chặng đường sắp tới.

Bài và ảnh: ĐỨC HÀ - ĐÀO HIỆP