Chẳng quản gian khó

Nếu ai đã từng quan sát khi đi đọc triền đê sông Đáy thuộc địa phận xã Đông La, huyện Hoài Đức sẽ phát hiện ra một điều đặc biệt. Nếu đoạn đê chạy qua các thôn khác của xã cỏ mọc um tùm, phân gia súc bốc mùi hôi thối… thì đoạn triền đê của thôn Đông Lao lại rất sạch đẹp. Cả một triền đê dài gần 1km trước kia toàn cỏ cây dại, thì giờ đã thành những vườn hoa và thảm cỏ tươi đẹp xen kẽ nhau.

Đúng như lời thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Nhưng ở đây bàn tay của ông Phùng Văn Lộc không phải làm ra cơm gạo cho mình mà là làm đẹp, làm sạch cho thôn, xóm, cho đời. Ở Đông Lao ai cũng biết ông Phùng Văn Lộc thích “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Ngồi trong căn phòng nhỏ tâm sự với chúng tôi, ông Lộc cho biết: “Trước đây, cứ hôm nào rảnh bác lại đi lang thang trên triền đê sông Đáy ngắm cảnh, tập thể dục. Từ ngày đê được bê tông hóa đã khang trang hơn, đẹp hơn. Nhưng bác thấy có hai bên triền đê mọc um tùm, phân trâu, bò khắp nơi. Từ năm 2008, khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, bác nghĩ làng quê càng cần văn minh và sạch đẹp hơn”.

 Ông Lộc cần mẫn chăm sóc những khóm hoa ông trồng ở triền đê.
Từ suy nghĩ đó, ông Lộc đã tình nguyện mang dao, liềm ra triền đê thuộc thôn mình cắt tỉa cỏ, nhổ cây dại. Cứ một thân một mình làm hết ngày này sang ngày khác, nên một số người nghĩ ông bị gàn, hâm, thậm chí bị chứng bệnh thần kinh…

Những tâm sự rất thật của ông Lộc, chúng tôi nghe mà hơi buồn, bởi việc làm tốt đẹp cho môi trường, cho thôn xóm lại bị một số người nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm. Mặc kệ tất cả, ông nghĩ: “Mình thích thì cứ làm thôi, mà đất triền đê cũng chẳng phải của nhà ai”. Nghĩ là làm, ông Lộc miệt mài phát quang, làm sạch cả một đoạn triền đê thuộc thôn mình, dù chẳng ai cổ vũ, động viên.

Sau một thời gian cây, cỏ dại đã được phát quang, dọn dẹp, ông Lộc lại dùng các dụng cụ tự có để cần mẫn cắt, xén từng đám cỏ thành những thảm cỏ thẳng, bằng chẳng kém gì các thảm cỏ ở nội thành do công nhân công ty cây xanh làm hằng ngày. Ông đưa chúng tôi đi ngắm hoa trên triền đê ven sông Đáy, nơi ngày trước ông bỏ công sức mấy tháng trời mới làm sạch và đẹp được như vậy. Chúng tôi thật khó tin những thảm cỏ rộng, dài, bằng tăm tắp nơi triền đê ấy được tạo ra chỉ bởi một ông cụ năm nay đã 84 tuổi. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về Tết trồng cây, về bảo vệ môi trường, lại được trời phú cho sức khỏe, nên ông Lộc chẳng ngại bất cứ công việc hữu ích gì cho cộng đồng, cho làng xóm. Ông cứ lặng lẽ làm, từ những việc nhỏ như cuốc đất, tỉa cây, xin cây giống về trồng… Đến nay, ông đã trồng được hàng trăm cây đa, cây si, cây bàng và nhiều cây cảnh khác ở khu triền đê, khu sân bóng và cả quanh hội trường, nhà văn hóa của thôn.

Triền đê thành vườn hoa, thảm cỏ

Nhổ cây, cắt xén cỏ, quét rọn… vẫn chưa làm thỏa ý thích của ông Lộc. Chính vì thế ông đã quyết định đi khắp làng trên xóm dưới xem nhà nào có cây đa, cây si, cây bàng, cây trứng cá hoặc bất kỳ cây cảnh nào thừa để xin về ươm.

Trong khu vườn nhỏ của ông luôn có rất nhiều cây giống đang được ươm trong những thùng xốp. Ông cho biết: “Cứ lúc nào rỗi bác lại đi khắp nơi xin cây giống. Cây cảnh, cây hoa nào bác cũng mang về vườn ươm. Toàn bộ những cây mà các cháu đang nhìn thấy đây, bác dự định sẽ mang ra chân đê trồng trong dịp tới”.

Không ai bảo, chẳng ai thuê… cứ thích là làm, vậy nên ông Lộc còn quyết định trồng cả hoa ra triền đê. Chúng tôi ngắm những hàng thiết mộc lan chạy dài dưới chân đê đến tận quanh khu đình chùa của thôn. Khoảng gần một năm trở lại đây, rất nhiều loại hoa đã có mặt trên đoạn triền đê sông Đáy này. Ông Lộc cho biết: “Nhà bác có cô con dâu làm nghề bó hoa để bán, cứ hôm nào bán ế, bác lại đem về ươm vào thùng xốp, rồi sau đó đánh ra triền đê trồng”.

Sau một thời gian, đoạn triền đê thuộc thôn Đông Lao đã có đủ các loại hoa. Khung cảnh trước mắt làm ai cũng ngỡ như ở trên các con phố lớn của Hà Nội. Nào là hoa huệ trắng, vàng, rồi những luống hoa mười giờ được cắt xén thành hàng lối gọn gàng. Đặc biệt, chúng tôi thấy các cụm hoa bông phấn (hay còn gọi là bông bốn giờ) màu tím đua nở. Rồi còn có hoa hồng, hoa hòe, địa lan, thiết mộc lan… Nhiều người đi qua đây không biết chuyện về “ông lão gàn” và nghĩ rằng chính quyền địa phương ở Đông La vừa có quy hoạch trồng hoa, cây cảnh ven đường.

Nhiều người dường như xưa nay chỉ quan tâm đến luống rau, ruộng lúa hay vườn cây của nhà mình, ít ai quan tâm đến chuyện trồng cây, trồng hoa làm đẹp những nơi công cộng, đặc biệt lại là vùng nông thôn như khu vực ngoại thành thuộc huyện Hoài Đức này. Ông Lộc từ ý thích cá nhân, dần chuyển sang suy nghĩ rằng cần phải có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần làm đẹp cho bộ mặt làng quê mình.

“Chuyện không đơn giản, để có những vườn hoa trên triền đê, thì cần có bí quyết cả đấy các cháu à”- ông tâm sự như vậy, rồi hào hứng kể: “Khi bác đi các nơi, thấy có những cây hoa dại nào đẹp, ưng ý thì bác đem về ươm; khi cây hoa đã sống và sinh trưởng tốt thì mới đem ra trồng ở triền đê. Nếu đánh về trồng ngay ở triền đê thì rất khó sống vì đất ở đây khô cằn, xe cộ, bụi bặm nhiều, nếu cây hoa không được bảo vệ, tưới nước thì sẽ bị chết”.

Chuyện trồng hoa, cắt tỉa thành những thảm cỏ để làm đẹp cảnh quan, làm đẹp cho đời của ông Lộc cũng rất gian nan. Trồng xong lại phải mang nước ra tưới, rồi phải thường xuyên trông nom để bọn trẻ, hay trâu bò không phá hoại… Bà Lan, ở thôn Đông Lao nhà ở gần đê tấm tắc khen: “Từ ngày có ông Lộc trong xóm ra đây trồng hoa, bộ mặt của con đê thay đổi hẳn, sạch đẹp hơn nhiều. Ông ấy đúng là một tấm gương vì bà con, vì làng xã. Lũ trẻ con cũng không còn thả trâu bò vào khu vực này nữa”.

Dự định, ông Lộc sẽ còn trồng những khóm hoa mới dọc con đường vào nhà văn hóa, hội trường của thôn. Trồng hoa và hoa nở ven đê đối với ông là niềm vui bất tận, là hạnh phúc mãn nguyện. Với ông lúc cuối đời này thì niềm vui, sống khỏe, sống có ích là điều quan trọng nhất. Ông chẳng bao giờ đòi hỏi chuyện tiền bạc, thành tích… với chính quyền địa phương.

Không chỉ cắt cỏ, trồng cây, trồng hoa trên đê, ông Lộc còn là một ông lao công đặc biệt. Cứ sáng sáng ông lại vác chổi ra quét đường thôn. Những hôm nắng, đường làng xe cộ đi lại nhiều, ông Lộc còn mang nước ra té cho đỡ bụi. Trời mưa, giá rét ông vẫn ra quét đường, nhặt rác cho ngõ xóm thêm sạch, đẹp. Những việc làm bình dị mà hết sức ý nghĩa ấy của ông khiến dân làng nể phục, quý mến. Họ đã có ý thức hơn và bảo ban con cháu trong nhà giữ gìn vệ sinh công cộng sạch đẹp. Góp phần giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường cho mọi người cũng là một thành công và là “phần thưởng” lớn nhất mà ông Lộc thấy mình đã đạt được.

Box: Với những việc làm thiết thực đóng góp cho cảnh quan, môi trường ở nông thôn trong nhiều năm qua, ông Phùng Văn Lộc được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen "Người tốt, việc tốt".

Bài và ảnh: DƯƠNG VĂN HẢI