leftcenterrightdel
 Bác sĩ Vương Văn Thu (thứ hai, từ phải sang) cùng đồng nghiệp khám bệnh, cấp thuốc cho người dân huyện Pắc Soòng.
“Cảm ơn thầy thuốc quân y Việt Nam!”

Hôm đó, Thiếu tá Vương Văn Thu đi thăm bệnh nhân được chữa khỏi trong năm trước là cháu Vi-lay-nhot, 11 tuổi, ở bản Thông-xếch, huyện Pắc Soòng, tỉnh Chăm-pa-sắc. Ngôi nhà khá khang trang chứng tỏ chủ nhân là người làm ăn giỏi. Anh Bun-xạ-nỏn, bố cháu Vi-lay-nhot mừng vui ra tận cổng đón khách. Cậu bé thì vừa đi đá bóng về, tỏ tình cảm bằng cách đứng khép nép sát bên ân nhân của mình. Anh Bun-xạ-nỏn nói trong niềm vui: “Một năm trước đây, cháu nó làm gì đi lại được, hoặc đá bóng giỏi như thế này. Không có bác sĩ Thu cùng các bác sĩ Bệnh xá 206, đời nó không biết thế nào nữa. Cha con tôi cảm ơn bộ đội, thầy thuốc quân y Việt Nam nhiều lắm!”.

Ngày ấy, cậu bé Vi-lay-nhot đang khỏe mạnh bỗng dưng bị tê buốt không đi lại được. Gia đình đưa sang Thái Lan điều trị hơn một tháng không khỏi, đành đưa về nhà. Nghe tiếng Bệnh xá 206, cả nhà đưa cháu đi khám. Bác sĩ Vương Văn Thu chẩn đoán cháu bé bị viêm dây thần kinh và thiếu vi-ta-min. Kết hợp tiêm thuốc và châm cứu 3 đợt, cháu bé đã dần đi lại được. Bác sĩ Thu nhớ lại: “Cháu không chịu tiêm, cứ khóc thét. Chúng tôi phải dỗ dành cháu, cố gắng tiêm thật nhẹ nhàng rồi kiên trì giúp cháu tập luyện, vận động. Vi-lay-nhot là một trong nhiều trường hợp được Bệnh xá 206 cứu chữa bằng phương pháp kết hợp đông - tây y”.

Để có được tay nghề như hôm nay, bác sĩ Thu đã có một hành trình nhọc nhằn với nghề thầy thuốc. Từ y sĩ Đội Vệ sinh phòng dịch Quân khu 5, anh  được cử đi học tại Học viện Quân y. Năm 2008, Vương Văn Thu tốt nghiệp và nhận công tác ở Bệnh xá Đắc Mun, huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nơi Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào giúp bạn xây dựng cụm bản thuộc "Chương trình hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào ổn định và phát triển", theo thỏa thuận của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Lào. Anh sang nước bạn công tác khi chưa biết tiếng Lào, trong khi công việc nhiều, người ít, thời tiết khắc nghiệt, dự án cụm bản chưa hoàn thành, giao thông đi lại giữa các bản là những con đường mòn quanh sườn núi heo hút. Đi bộ cả chục cây số để đến với bà con đã là chuyện thường ngày. Có những lần trời mưa tầm tã, đi khám bệnh về, anh bọc thuốc và dụng cụ y tế vào bao ni lông và bơi qua sông.

Không thể chữa khỏi bệnh nếu không hiểu bệnh nhân. Vương Văn Thu kiên trì học tiếng Lào và tiếng Tà Riềng địa phương cho đến khi thành thạo. Làm cán bộ y tế, anh đồng thời là cán bộ dân vận, tuyên truyền vận động nhân dân điều trị bệnh bằng thuốc, loại bỏ dần hủ tục lạc hậu dựa vào thầy mo, thầy cúng. Thấy những gì anh nói và làm, bà con cụm bản dần dần tin tưởng bộ đội Việt Nam. Phụ nữ ở Đắc Mun theo tập tục khi sinh nở đều ở nhà, vậy mà gần đây đã có nhiều thai phụ đến bệnh xá. Bác sĩ Thu đều đỡ đẻ an toàn, dù đó không phải chuyên khoa của mình. Từ uy tín ngày càng lan tỏa, anh đã cùng anh em Đội xây dựng cụm bản của công ty vận động bà con nhân dân ra nơi định cư, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Khi việc chăm sóc sức khỏe của bà con địa phương đã vào nền nếp, anh đảm nhận cương vị Bệnh xá trưởng Bệnh xá 206, ở Pắc Soòng, tỉnh Chăm-pa-sắc.

Khác với ở Đắc Mun, Bệnh xá 206 quy mô hơn, với 20 giường bệnh, có khu điều trị nội trú và các thiết bị y tế chuyên dụng như máy X quang, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, huyết học, máy điện tim, ghế nha… Vốn kinh nghiệm được học chuyên khoa siêu âm và các ngành khác trước khi về bệnh xá công tác, giúp Vương Văn Thu dễ dàng tiếp nhận, sử dụng và hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên của mình để có thể giỏi một việc, biết nhiều việc. Có ngày hơn 100 người đến khám bệnh; số bệnh nhân nội trú duy trì gần 20 người, trong khi chỉ có 3 bác sĩ, 9 y sĩ, điều dưỡng viên và lái xe. Bác sĩ Thu vừa làm chuyên môn, vừa quản lý lực lượng phục vụ, đào tạo nhân viên từ trong nước mới sang, làm quen với công việc, có y đức và bản lĩnh chính trị, hiểu sâu sắc trách nhiệm của mình.

Khác với một số bệnh viện ở nước bạn, ở Bệnh xá 206 có đặc thù riêng, bởi kinh phí khám, chữa bệnh, điều trị được cấp từ nhiều nguồn. Trên cương vị mới, anh trở thành người đứng mũi chịu sào trong tổ chức khám bệnh, quản lý trang thiết bị hiện có, đưa hoạt động của bệnh xá vào nền nếp, kỷ cương; bảo đảm bệnh xá vừa hoạt động bao cấp, vừa hạch toán để có kinh phí thuốc mua thêm, trả lương nhân viên hợp đồng, trang trải duy trì hoạt động; có thêm nguồn kinh phí để làm công tác dân vận, với các đợt đi khám bệnh, cấp thuốc điều trị miễn phí vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào nghèo trên địa bàn 4 tỉnh Nam Lào…

Anh Thu còn được khen là “mát tay” xe duyên đôi lứa khi hiện nay, bệnh xá có 3 cô gái là điều dưỡng viên đều mới lấy chồng. Tạo sự hài hòa để nhân viên của mình vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa có hạnh phúc riêng nơi đất bạn là cả một vấn đề. Bác sĩ Thu tâm sự: “Các em mới ngoài hai mươi tuổi, rời Tổ quốc sang nước bạn làm nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn là quý lắm rồi. Mình chỉ bảo thêm, hướng dẫn các em không chỉ trong chuyên môn, mà cả lối sống. Đến nay, hầu hết các nhân viên của bệnh xá đều đã giao tiếp, hỏi bệnh bằng tiếng Lào khá thành thạo, được bệnh nhân quý mến”.

Tiếng thơm “hai linh sáu”

Thiếu tá Sẳm-lan-đuông Mạ-la, Tiểu đoàn phó quân sự Tiểu đoàn đặc công 429, Sư đoàn 5, Quân đội nhân dân Lào, bày tỏ niềm yêu mến Thiếu tá Vương Văn Thu bằng những lời khen: “Bác sĩ Thu như người cùng đơn vị. Anh em trong tiểu đoàn đau ốm ít xuống bệnh viện ở Pắc-xế mà cứ đến chỗ bác sĩ Thu - người không chỉ chẩn đoán bệnh giỏi, mà thuốc uống của anh cũng rất mau lành bệnh”. Còn ông Bun Ựa Xay-nha, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Pắc Soòng giải thích: “Không chỉ bệnh nhân ở huyện này mà các huyện khác, thậm chí tỉnh khác cũng đều đến Bệnh xá 206 khám, chữa bệnh. Ra ngoài đường, chỉ cần nói đến “Bệnh xá hai linh sáu” là lái xe tắc-xi, tuk tuk, xe đò… đều chở thẳng đến cơ sở này. Bệnh xá khám bệnh miễn phí, không thu tiền nội trú, chỉ phải trả tiền thuốc, với giá rẻ hơn so với bên ngoài”.

Theo bác sĩ Thu, bệnh nhân ở đây rất đa dạng, nên các anh phải nắm vững chuyên môn và tiên liệu bệnh tốt để không xảy ra sự cố đáng tiếc. Thường ở các bệnh viện, bác sĩ có ngày trực, ngày nghỉ, còn ở Bệnh xá 206 ngày nào cũng là ngày làm việc. Nhiều bệnh nhân đến trong trạng thái nguy kịch, như tràn dịch màng phổi, xơ gan, hen phế quản, xuất huyết dạ dày, đột quỵ, chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, bị rắn độc cắn… buộc các thầy thuốc phải chạy đua với thời gian. Vẫn biết bệnh xá không có đủ phương tiện để cấp cứu những ca bệnh nặng, vậy mà bà con vẫn tin tưởng đưa đến. Có trường hợp anh chị em xử lý tại chỗ, có trường hợp sơ cứu rồi dùng xe đơn vị chuyển lên bệnh viện tỉnh. Vì nơi nghỉ của cán bộ, nhân viên bệnh xá gần sát khu khám bệnh, nên nhiều đêm, có những ca bệnh nặng, mọi người đều thức dậy để cùng xử lý, cấp cứu.

Với đặc thù ở Bệnh xá 206, bệnh nhân nội trú được bố trí bếp ăn, củi lửa để có thể nấu ăn tại chỗ. Nhiều trường hợp, khi đi kiểm tra thấy bà con hết gạo, anh Thu liền bàn với đơn vị tặng gạo và thức ăn. Người dân vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhớ hình ảnh bác sĩ Thu không chỉ lặn lội đến bản mà còn về tận nhà bà con thăm khám bệnh tận tình, nhiều trường hợp anh đề nghị đưa ra bệnh xá để có phương tiện trị bệnh. Từ năm 2012, Bệnh xá 206 được Sở Y tế tỉnh Chăm-pa-sắc ký quyết định đưa vào hệ thống y tế cộng đồng của tỉnh, thường xuyên phối hợp với sở tổ chức các đợt tiêm chủng, phòng bệnh, tuyên truyền về y tế trong cộng đồng.

Thượng tá Nguyễn Đức Bình, Chính ủy Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào nhận xét: “Bác sĩ Vương Văn Thu là một cán bộ rất tâm huyết. Trên cương vị là Bệnh xá trưởng, Phó bí thư chi bộ, anh đã cùng cấp ủy, chi bộ thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, giúp cán bộ, nhân viên trau rèn y đức, trách nhiệm, tự tu dưỡng, rèn luyện, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân nước bạn, nâng cao uy tín của bệnh xá và công ty. Chi bộ bệnh xá 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu; bệnh xá 5 năm liền đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tặng bằng khen, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước bạn Lào tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Cá nhân bác sĩ Vương Văn Thu được Nhà nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng ba vì đã có những đóng góp to lớn giúp đỡ các đơn vị LLVT trên địa bàn 4 tỉnh Nam Lào và nhân dân tỉnh Chăm-pa-sắc khám, điều trị bệnh”.

Tôi hỏi anh: “Cứ xoay như chong chóng như vậy, có lúc nào anh nản không?". Thiếu tá Vương Văn Thu bộc bạch: "Khó khăn còn nhiều, nhưng tôi luôn quyết tâm vượt qua để anh chị em trong đơn vị làm theo. Cứ nghĩ đến đất nước mình còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn cử lực lượng sang đây giúp bạn, hỗ trợ bạn phát triển mọi mặt, tôi lại thấy trách nhiệm lớn lao trước Tổ quốc và phải làm sao góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào”.

Giao hai đứa con còn nhỏ cho vợ hiền chăm sóc ở TP Đà Nẵng, cứ vài ba tháng, anh Thu mới được về thăm gia đình vài ngày. Nhiều cái Tết Nguyên đán xa nhà, anh rất nhớ và mong có những phút giây cùng vợ con chờ đón Giao thừa, xem bắn pháo hoa bên cầu sông Hàn. Nhưng anh tự hào mình có thêm Tết Bun-pi-may của nước bạn Lào đã vô cùng thân quen. Anh biết rằng, năm xưa trên cao nguyên Bô-lô-ven này, bao người lính tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng người lính Pa-thét Lào chống kẻ thù chung và hiện nay, thế hệ thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ như các anh lại tiếp tục đồng hành cùng bạn trên nhiệm vụ mới, xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc ngày càng sâu đậm.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN