QĐND - Ở khu vực thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội), bà con thường gọi Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Đỗ Duy Trung, Chủ nhiệm khoa Khám chữa bệnh Nhân dân, Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần) bằng cụm từ trìu mến “anh Trung từ mẫu”. Không chỉ có “đôi tay vàng” về phẫu thuật, bác sĩ Trung còn nổi tiếng với tính cách cương trực, liêm khiết, tận tụy với công việc, hết lòng yêu thương bệnh nhân, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y như từ mẫu”!
Những ca bệnh “đáng nhớ”
Tôi đến Khoa Khám chữa bệnh Nhân dân (Bệnh viện Quân y 105) tìm gặp BSCKII Đỗ Duy Trung đúng lúc anh đang ân cần hỏi thăm bệnh nhân tại phòng hậu phẫu. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp anh đó là gương mặt gầy, đôi mắt to, hiền từ và chiếc áo blouse loang lấm tấm những giọt nước mưa. Kiểm tra, dặn dò kỹ lưỡng bệnh nhân xong, anh mời tôi về phòng làm việc của mình, một căn phòng nhỏ xếp chật các chồng hồ sơ bệnh án và các loại văn bản, giấy tờ khác. Vừa sắp xếp lại chồng hồ sơ, anh vừa tâm sự: “Ở khu vực thị xã Sơn Tây và các khu vực lân cận, đời sống của bà con vẫn còn khó khăn lắm! Đến bệnh viện, họ đều có chung nguyện vọng làm sao vừa được sử dụng các dịch vụ tốt nhưng lại ít tốn kém nhất. Vì vậy, mỗi khi cầm bút kê đơn thuốc cho bệnh nhân, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ để tư vấn cho người bệnh sử dụng loại thuốc chất lượng, giá cả hợp lý, bảo đảm hiệu quả”.
 |
Bác sĩ Trung kiểm tra tình trạng tiến triển vết mổ của bệnh.
|
Ngồi chuyện trò một lát, tôi được anh Trung kể cho nghe rất nhiều câu chuyện về các ca bệnh “đặc biệt”, những hoàn cảnh éo le mà anh trực tiếp chứng kiến và xử lý. Điểm đáng khâm phục là dù các trường hợp này xảy ra đã khá lâu, song, anh đều nhớ rõ tên, tuổi, hoàn cảnh gia đình từng bệnh nhân mà không cần lật giở hồ sơ. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Khuất Duy Hùng, 17 tuổi, trú tại khu vực Đền Và (thị xã Sơn Tây), bị tai nạn lao động gãy hai xương cẳng chân, vào viện tháng 5-2014. Mặc dù hai mẹ con Hùng vào viện vài lần nhưng có điều khác thường là bệnh nhân chỉ nhờ khám xong rồi…về, dứt khoát không chịu nằm viện. Thấy lạ, anh Trung tìm hiểu và được biết, bố mẹ Hùng ly dị đã lâu, cậu đang ở với mẹ, điều kiện hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên không có tiền để lo chi phí điều trị. Trước tình cảnh đó, anh Trung động viên hai mẹ con ở lại để tìm phương án xử lý. Sau khi trao đổi với đồng nghiệp, được lãnh đạo bệnh viện ủng hộ, anh quyết định sử dụng phương án gây tê tại chỗ để nắn chỉnh theo phương pháp thủ công. Kết quả, hai xương cẳng chân của bệnh nhân đã được nắn lại mà không cần phải phẫu thuật. Không chỉ miễn toàn bộ chi phí nắn chỉnh cho bệnh nhân, anh Trung còn vận động cán bộ, nhân viên trong khoa quyên góp, giúp đỡ hai mẹ con tiền để lo thuốc men, bồi bổ sức khỏe.
Một trường hợp khác, đó là vào tháng 5-2015 vừa rồi, khoa tiếp nhận bệnh nhân Kiều Thị Mai, 47 tuổi, bị sai khớp háng trung tâm, vỡ trần ổ gối và cột trụ trước, phải phẫu thuật kết xương ổ gối. Đây là một trong những phẫu thuật lớn trong chấn thương chỉnh hình vì vết mổ vừa sâu, vừa khó, anh chưa từng gặp. Thấy bệnh nhân nghèo, sức khỏe yếu, xác định nếu chuyển lên tuyến trên sẽ gây đau đớn và tốn kém cho bệnh nhân, anh Trung thuyết phục lãnh đạo bệnh viện và phòng mổ giữ chị Mai lại để anh trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật. Với trình độ chuyên môn vững vàng, sự tự tin và lòng thương yêu người bệnh, sau gần 3 tiếng đồng hồ, anh Trung đã phẫu thuật thành công, tiết kiệm cho bệnh nhân hàng chục triệu đồng.
Bằng lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, sau mỗi ca khó, phức tạp, bác sĩ Trung đều xin số điện thoại, địa chỉ nhà riêng của bệnh nhân để chủ động đến thăm hỏi, kiểm tra tình trạng, mức độ tiến triển của người bệnh. Trước khi làm thủ tục ra viện, anh đề nghị tất cả các bệnh nhân đến gặp cán bộ khoa bày tỏ tâm tư, góp ý về thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên. Nhiều trường hợp khi được ra viện, gia đình bệnh nhân biếu quà cảm ơn, nhưng anh và đồng nghiệp đều từ chối.
Nêu gương để quản lý
Khi trò chuyện về vấn đề “y đức” và những tiêu cực của ngành y thời gian gần đây, anh Trung thừa nhận, ngay khoa của mình vẫn còn có cán bộ, nhân viên bị ảnh hưởng, tác động từ tiêu cực của xã hội. Vì vậy, để nâng cao y đức cho cán bộ, nhân viên trong khoa, anh xác định, chỉ huy phải luôn gương mẫu trong mọi lĩnh vực, cả chuyên môn lẫn đạo đức, tác phong công tác. Từ khi về công tác tại bệnh viện đến nay (hơn 10 năm), chưa ai thấy hoặc nghe thông tin về việc bác sĩ Trung đòi hỏi, vòi vĩnh, ra điều kiện với bệnh nhân. Các cá nhân, công ty dược phẩm bên ngoài nhiều lần tìm gặp anh để mời “hợp tác” đều bị từ chối thẳng thừng.
Sau giờ hành chính, về với gia đình, bác sĩ Đỗ Duy Trung vẫn luôn kè kè bên mình chiếc điện thoại có chức năng nhận tin nhắn hình ảnh để nắm bắt, chỉ đạo các hoạt động của khoa. Anh quy định các bác sĩ trực nếu gặp ca bệnh nặng phải chụp ảnh vết thương, phim của bệnh nhân rồi gửi vào tin nhắn điện thoại để anh kiểm tra. Nếu thấy vết thương nặng, anh sẽ trực tiếp vào xử lý. Kể đến đây, anh Trung mở điện thoại, “khoe” tôi tin nhắn hình ảnh mà cấp dưới gửi cho anh đêm hôm trước, thời gian nhận tin nhắn là 0 giờ 38 phút sáng. Chỉ vào ảnh chụp vết thương trật khớp mở của bệnh nhân, anh chia sẻ: “Đối với chuyên môn ngành y, thời điểm tác động rất quan trọng, chỉ cần chậm trễ hoặc xử trí ban đầu thiếu chính xác, hậu quả sẽ rất khó lường. Trường hợp này, nếu không xử lý nhanh, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng, điều trị vô cùng phức tạp và tốn kém”.
"Ngoài biện pháp “nêu gương” kể trên, anh còn “bí quyết” nào khác để quản lý cán bộ, nhân viên không?”-tôi tò mò hỏi. Người chủ nhiệm khoa cười, tiết lộ: “Tôi quan niệm rằng, quản lý “mềm”, theo kiểu “phòng ngừa từ xa” là cách quản lý hiệu quả nhất. Nếu để xảy ra sự việc mới vào cuộc xử lý sẽ vừa bị “mất” cán bộ, vừa giảm uy tín của khoa”. Thực hiện cách “quản lý mềm” của mình, anh Trung luôn gần gũi động viên, thăm hỏi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng người để có các biện pháp ứng xử phù hợp. Phát hiện cán bộ, nhân viên nào có biểu hiện bất thường, anh lập tức gặp riêng để tâm tình, động viên, khuyên nhủ. Anh luôn nhắc nhở cán bộ, nhân viên trong khoa: “Không được đòi hỏi, không được ra điều kiện với bệnh nhân. Ngay cả khi bệnh nhân cảm ơn, cũng phải xét từng đối tượng mà có hành vi ứng xử cho phù hợp”.
Ở Bệnh viện Quân y 105, bác sĩ Đỗ Duy Trung còn nổi tiếng với khả năng tự học hỏi, nâng cao trình độ. Trước đây, anh vốn là “dân” tiếng Pháp. Sau này, khi tìm tòi tài liệu, thấy sách về ngành y viết bằng tiếng Pháp không nhiều, anh Trung quyết tâm tự học thêm tiếng Anh. Từ chỗ chỉ “bập bõm” giao tiếp thông thường, sau vài năm, đến nay anh đã có thể thuyết trình, đọc, dịch được các tài liệu bằng tiếng Anh. Nhờ ngôn ngữ này mà anh đã tìm được nhiều tài liệu y khoa bổ ích trên internet, có khả năng áp dụng vào thực tiễn chuyên môn. Quan sát phòng làm việc của chủ nhiệm khoa, tôi tò mò khi thấy một khung tranh còn mới, bên trong treo một bài thơ. Thấy tôi chăm chú, anh Trung cười, giải thích: “Đó là bài thơ của một bác cựu chiến binh bị gãy xương cánh tay đầu trên, được tôi trực tiếp phẫu thuật gửi tặng. Lúc ra viện, bác có biếu quà nhưng tôi và anh em không lấy. Không ngờ khi về nhà, bác đã làm thơ, đóng khung rồi mang trực tiếp đến tặng”.
Câu chuyện của chúng tôi đang hào hứng thì phải tạm dừng vì anh Trung có ca bệnh cần xử lý gấp. Tôi bắt tay tạm biệt anh, vừa ra đến cửa thì gặp bệnh nhân Lê Văn Nghị, 40 tuổi, quê ở Đường Lâm, Sơn Tây đang ngồi nghỉ trước cửa buồng điều trị. Nhắc đến bác sĩ Trung, giọng anh Nghị hồ hởi: “Trước khi vào viện, tôi đã nghe kể nhiều về bác sĩ Trung có “bàn tay vàng”. Khi trực tiếp được bác sĩ điều trị, tôi càng thấy, đây đúng là người tài đức vẹn toàn. Đã từng đi nhiều viện, nhưng tôi chưa gặp bác sĩ nào chu đáo, gần gũi, giỏi chuyên môn như anh ấy”.
Nghe lời khen của bệnh nhân Nghị, tôi chợt nhớ đến “bảng thành tích” của Thượng tá, BSCKII Đỗ Duy Trung qua lời tóm tắt của Đại tá Đỗ Quang Mão, Chính ủy bệnh viện: Từ năm 2010 đến nay, bác sĩ Đỗ Duy Trung liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở; năm 2010, 2015, anh được Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần tặng Bằng khen. Hiện nay, anh đang được cấp trên đề nghị tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng. Khoa Khám chữa bệnh Nhân dân do anh phụ trách cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua của bệnh viện. Những thành tích đó càng thêm khẳng định, tên gọi “anh Trung từ mẫu” mà đồng đội và bà con nhân dân khu vực Sơn Tây dành cho Thượng tá, BSCKII Đỗ Duy Trung là hoàn toàn xứng đáng!
Bài và ảnh: VĂN CHIỂN