QĐND - Giữa tháng 7-2014, tôi đi cùng đại diện lãnh đạo Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Bạc Liêu xuống ấp Cái Giá-cách TP Bạc Liêu khoảng 3km, trao gạo hỗ trợ hai hộ nghèo mà đơn vị nhận đỡ đầu. Đón chúng tôi là một người đàn ông tuổi ngũ tuần, dáng mập mạp, da ngăm, mặc chiếc áo màu xanh rêu. Đồng chí Phó trưởng Phòng An ninh xã hội giới thiệu với tôi đó là ông Lâm Thương, dân tộc Khơ-me, làm công an ấp liên tục hơn 30 năm nay.
Lối sống chân tình
Mấy hôm trước, tôi được ông Thạch Được, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Hưng Hội cho hay: Đồng chí Lâm Thương vừa được chuyển Đảng chính thức. Đó là niềm vinh dự của cá nhân, nhưng cũng là sự ghi nhận của Đảng đói với một con người đã gắn bó cả đời mình vì sự nghiệp an ninh Tổ quốc. Chính ông Thạch Được, khi đang là Trưởng ấp Cái Giá đã đề bạt ông Lâm Thương đảm nhiệm, Trưởng công an ấp vào ngày 20-4-1984.
 |
Ông Lâm Thương, Trưởng Công an ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
|
- Thấy anh Thương làm việc nhiệt tình, tích cực trong quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, đảm bảo an ninh trật tự nên tui giao làm công an viên phụ trách ấp - Ông Được nhớ lại.
Trò chuyện với chúng tôi về những ngày đầu được giao đảm nhiệm chức trưởng công an ấp, ông Lâm Thương, nói:
- Thời đó, cả ấp Cái Giá chỉ có 270 hộ. Từ năm 1983 đến 1988, người dân địa phương thường xuyên vượt biên trái phép qua Cam-pu-chia, thậm chí sang cả Thái Lan để làm ăn, nhiều người định cư luôn. Vì thế, công tác nắm tình hình người dân qua lại biên giới vừa khó, vừa hết sức phức tạp. Để nắm được tình hình, tui thường xuyên lui tới các quán nước; tìm đến từng nhà có người đi Cam-pu-chia để hỏi chuyện rồi tìm cách vận động người dân.
Cái cách hỏi chuyện của ông Lâm Thương không “đao to búa lớn” mà hết sức nhẹ nhàng. Ông trò chuyện như người trong nhà, khiến người được hỏi không cảm thấy khó chịu, mà ngược lại cả hai cùng cởi mở bên tách trà, ly cà phê. Nói một lần bà con chưa hiểu thì ông Lâm Thương nói lần hai, lần ba, đến khi nào người dân nhận ra thì thôi. Ông từng chứng kiến nhiều người, trước khi vượt biên trái phép đều có nương rẫy, ruộng vườn, nhưng sau một thời gian trở về thì trắng tay. Nghĩ đến mấy chuyện đó, nên ông Lâm Thương đã cố gắng thuyết phục bà con tu chí làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Cái công và tấm lòng ông Lâm Thương đã thu được kết quả xứng đáng. Số người vượt biên trái phép giảm dần, đời sống nhân dân ở ấp Cái Giá ngày càng khấm khá.
Cũng bằng cách rỉ rả tâm tình, nói với nhau như người trong nhà mà Trưởng công an ấp Cái Giá đã vận động nhân dân chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Ngày trước, cả ấp Cái Giá chỉ có vài chiếc xe gắn máy, bây giờ tăng lên nhiều, mỗi nhà có từ 2 đến 3 chiếc. Những lần đầu nghe ông Lâm Thương tuyên truyền, bà con phản ứng vì cho rằng đội mũ bảo hiểm rất đau đầu và khó chịu. Ông lắng nghe tất cả ý kiến của người dân rồi từ từ phân tích cái lợi của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nói ở quán, ở nhà, bà con chưa thông, ông lồng ghép nội dung tuyên truyền qua các buổi tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân xã, hoặc cuộc họp của Ban nhân dân ấp.
Tình hình chưa chuyển biến mạnh thì trưởng công an ấp tác động với nhà chùa để Hòa thượng khuyên giải Phật tử chấp hành quy định của chính quyền. Hòa thượng Tăng Sa Vong, trụ trì chùa Bo Pha Ram (chùa Cái Giá Chót) kể:
- Ông Lâm Thương trao đổi với nhà chùa để tìm ra cách nói cho bà con dễ hiểu, dễ làm theo. Tuyên truyền suông là chưa đủ thuyết phục, ông Thương và gia đình luôn đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy, dù là đi đoạn ngắn để bà con thấy mà noi theo. Với cách làm đó của ông Lâm Thương nên việc bà con trong ấp chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy đã có nhiều chuyển biến thực sự.
Phương pháp gần gũi
Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự ở ấp, ông Lâm Thương còn tham gia nhiều mặt công tác của địa phương. Ông đã cùng tổ hòa giải dàn xếp ổn thỏa nhiều vụ việc xảy ra ở địa phương. Gần đây nhất là vụ tranh chấp đường đi giữa hộ gia đình ông Trần Bupharốth với một ngôi chùa. Sự việc tranh chấp xảy ra khi UBND huyện Vĩnh Lợi chủ trương xây lò hỏa táng và làm đường dẫn đi vào lò nằm cạnh chùa. Vì thế, ông Bupharốth cho rằng nhà chùa bít đường vào chòi rẫy của gia đình ông. Dưới sự hòa giải của ông Lâm Thương, ông Bupharốth đã đồng ý hiến toàn bộ diện tích đất của gia đình cho nhà chùa để làm đường. Nói về cách làm của mình, ông Lâm Thương giải thích:
 |
Ông Lâm Thương (ngoài cùng, bên trái) cùng cán bộ Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Bạc Liêu đến thăm, tặng quà gia đình chị Sơn Thị Ly Na, ở ấp Cái Giá. |
- Là thành viên tổ tự quản trong chùa Khơ-me, tui lấy luật bổn đạo (giáo lý nhà Phật) ra nói cho người dân nghe. Hiến đất làm đường cũng là cách làm phước.
Sở dĩ ông Lâm Thương nói bà con nghe theo là bởi lối sống gần gũi, gắn bó và trách nhiệm của mình. Ông nắm rõ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng hộ dân, thậm chí biết đến cả năm sinh của từng chủ hộ. Đi trong ấp, thấy chuyện gì không phải là ông nhắc nhở luôn. Thấy thanh niên ngồi uống rượu trên cầu là ông dừng xe lại khuyên nhủ, sau đó đến nhà nói với cha mẹ của những thanh niên đó. Sau nhiều năm tham gia công tác, trực tiếp vận động, giáo dục nhiều thanh niên, ông Lâm Thương cho rằng, chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền với gia đình mới là giải pháp để quản lý thanh niên hiệu quả.
Không dừng ở quản lý mà ông còn động viên thanh niên, thiếu niên chuyện học hành. Cái Giá mấy năm qua nổi danh là vùng đất hiếu học. Các hộ dân trong ấp tích cực hưởng ứng phong trào cho con đi học. Đến nay, cả ấp đã có 43 người tốt nghiệp đại học trở thành luật sư, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… Hiện nay, ấp Cái Giá có hơn 90 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng. So với thời điểm năm 1985, cả ấp chỉ có khoảng 50 hộ cho con đi học, nhưng học cao lắm cũng chỉ đến lớp 9. Nhìn lại con số này mới thấy công sức trong tuyên truyền vận động nhân dân cho con đến trường của ông Lâm Thương. Trong số những gia đình tiêu biểu tích cực hưởng ứng phong trào cho con đi học phải kế đến gia đình ông Huỳnh Quên. Vợ mất sớm, tuy điều kiện kinh tế rất khó khăn, hằng ngày ông Huỳnh Quên phải làm thuê từ sáng sớm đến tối mịt, nhưng ông vẫn quyết tâm nuôi ba người con ăn học, trong đó có hai người đang học đại học. Nghe chúng tôi hỏi chuyện về việc học hành của con trẻ, ông Huỳnh Quên hào hứng:
- Cực nhưng vui lắm, tui sắp có đứa tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ rồi. Có được niềm vui này phải nhờ công của ông Lâm Thương cả đấy. Ông Lâm Thương không chỉ nói cho tui hiểu, mà còn giúp các cháu khi thì quyển vở, lúc lại cây viết. Ông ấy còn giúp tôi nạp hồ sơ dự thi đại học cho các cháu nữa. Đó, không có ông Lâm Thương giúp chắc mấy đứa nhà tui bây giờ cũng chỉ biết bám vào mấy công ruộng để sống qua ngày thôi.
Để phong trào học tập của ấp ngày thêm phát triển, ông Lâm Thương và một số người dân địa phương đã tự nguyện thành lập Câu lạc bộ Hiếu học của ấp. Mục tiêu hoạt động của câu lạc bộ là tích cực vận động, tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ giúp những em học sinh nghèo vượt khó. Mặc dù câu lạc bộ mới đi vào hoạt động vài tháng nay, nhưng đã thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương.
Làm trưởng công an ấp nên hầu như việc gì của địa phương ông Lâm Thương cũng tham gia, nhưng trong suốt câu chuyện của mình, không khi nào ông nói đến tiền phụ cấp hay thù lao. Ông tâm sự với chúng tôi:
- Tui làm với tinh thần nhiệt tình thôi, chứ đặt nặng lợi ích vật chất là bỏ việc lâu rồi. Khi làm việc, tui luôn nhớ đến câu nói của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Tui nhớ đó mà làm theo thôi.
Bài và ảnh: NGUYỄN QUỐC