Đó là những “bông hoa đẹp” tỏa hương, khoe sắc được phản ánh sinh động qua hàng trăm tác phẩm gửi về Ban tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7 (2015-2016) do Báo Quân đội nhân dân (QĐND), Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản QĐND và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) phối hợp tổ chức.

Việc tốt thường ngày, gương sáng quanh ta

Trong số hàng trăm tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước gửi về tham dự Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi viết) lần thứ 7, ban tổ chức đã lựa chọn gần 120 tác phẩm, đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND và Báo QĐND điện tử; qua đó tôn vinh, làm lan tỏa nhiều gương sáng, những “bông hoa đẹp” trong cuộc sống thường ngày. Đó là những người lính từng đi qua chiến tranh, trở về đời thường vẫn đau đáu nỗi niềm giúp đỡ đồng đội, cộng đồng; là những cô giáo không kể tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, miệt mài mang cái chữ đến với trẻ em nghèo, lang thang cơ nhỡ (các tác phẩm: “Mẹ Côi!”; “Người gieo chữ ở xóm chài”). Đó là những tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ… nhiều năm tận tâm làm công việc “vác tù và hàng tổng” để mỗi gia đình, thôn xóm, khối phố có cuộc sống no ấm, tốt đẹp hơn. Bạn đọc cũng thực sự bị thuyết phục bởi có người dân bình thường nhưng đã hàng chục lần hiến máu cứu người; những công dân nước ngoài, Việt kiều ở xa Tổ quốc nhưng có tấm lòng vàng với đất nước, nền văn hóa và con người Việt Nam; những người mà bản thân đang gặp khó khăn, bệnh tật, không may mắn trong cuộc sống nhưng đầy khát vọng, nghị lực vươn lên và luôn quan tâm giúp đỡ cộng đồng (các tác phẩm: “Chuyện anh bộ đội cứu người như trong cổ tích”; “Người kết nối những tấm lòng vì biển đảo quê hương”; “Thầy Đồng ở Pò Háng”; “Người phụ nữ chỉ mong giúp được nhiều người”…).

 Đồng chí Phan Đông Hải, Trưởng phòng Quản lý cảng biển, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (ngoài cùng bên phải, nhân vật trong tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi) hỗ trợ hoa tiêu lai dắt tàu chở dầu thô vào bến phao của nhà máy. Ảnh: ĐỨC CHÍNH. 


Đặc biệt, một số lượng đáng kể tác phẩm tham gia Cuộc thi viết lần thứ 7 đã tôn vinh những cán bộ, đảng viên, công chức, doanh nhân, trí thức… luôn gương mẫu, đi đầu trên các lĩnh vực công tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người lao động, nỗ lực vì cộng đồng, thực sự là những “công bộc” của dân, được dân mến, dân tin (các tác phẩm: “Cây sáng kiến"-Bí thư chi bộ nói và làm”; “Ấp Chín có Bí thư Mười Trọng”; “Gương sáng công bộc ở Tả Gia Khâu”; “Vị giáo sư sở hữu hai “ngân hàng” đặc biệt"; “Anh Tám chính sách”, “Tổng giám đốc của nông dân”...).

Nhiều lần gọi điện thoại cho đồng chí Phan Đông Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Quản lý cảng biển, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (nhân vật trong tác phẩm “Cây sáng kiến"-Bí thư chi bộ nói và làm” của tác giả Nguyễn Đức Chính, đoạt giải nhất cuộc thi), tôi đều nghe giọng nói của anh hòa trong tiếng sóng, gió ầm ào của biển khơi. Anh cho biết: “Nhà máy Lọc dầu số 1 đang hoạt động hơn 100% công suất thiết kế. Phòng Quản lý cảng biển có nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm đủ nguồn cung nguyên liệu đầu vào (dầu thô) cho nhà máy qua phao rót dầu SPM ở ngoài khơi, trong điều kiện thời tiết khí hậu miền Trung khắc nghiệt, nhiều ngày sóng to, gió lớn. Hằng ngày, tôi luôn phải bám hiện trường, sát cánh cùng anh em tác nghiệp, bảo đảm vận hành, tiếp nhận nguyên liệu thông suốt, hiệu quả, an toàn tuyệt đối...”.

Qua tác phẩm của tác giả Nguyễn Đức Chính, tôi được biết và chia vui với anh Hải về thành tích trong công tác cùng những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị của anh. Các sáng kiến này đã làm lợi cho nhà máy nhiều tỷ đồng, được đối tác, chuyên gia trong và ngoài nước tin tưởng, đánh giá cao. Vậy nhưng, anh chỉ khiêm tốn chia sẻ: “Đó là trách nhiệm của bản thân tôi. Là trưởng phòng, bí thư chi bộ, tôi càng phải xốc vác, “đứng mũi chịu sào”, gương mẫu đi đầu, không ngại khó, ngại khổ, cùng anh em phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà máy giao, nhất là những khi khó khăn, nguy hiểm, bão gió, sóng lớn, biển động…”. Vốn kiệm lời và không muốn nói về mình, anh thiết tha đề nghị: “Mong các tác giả có thêm nhiều tác phẩm cổ vũ, động viên những nhân tố mới, các cán bộ, kỹ sư, công nhân trẻ, có thành tích, giàu sáng tạo của nhà máy chúng tôi…”.

Anh Nguyễn Đức Chính, công tác tại Văn phòng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (tác giả đoạt giải nhất Cuộc thi viết lần thứ 7), trải lòng: “Tôi rất cảm phục và cố gắng phản ánh chân thực những điều tốt đẹp, những gương sáng bình dị của các đồng nghiệp, cán bộ, công nhân nhà máy trong công việc hằng ngày. Anh Hải là một trong những kỹ sư lọc dầu kỳ cựu, “anh cả” nhóm kỹ sư hàng hải của nhà máy, góp phần quan trọng để sau gần 7 năm vận hành, phao SPM đã tiếp nhận gần 570 chuyến tàu dầu thô, với tổng sản lượng khoảng 43 triệu tấn, công ty xuất bán ra thị trường hơn 40 triệu tấn sản phẩm. Hình ảnh một trưởng phòng, bí thư chi bộ luôn hăng say trong công việc, sáng tạo, đi đầu trong bão gió miền Trung, đặc biệt là tác phong “nói đi đôi với làm” của anh, khiến tôi rất cảm kích và cố gắng thể hiện trong bài viết để tôn vinh anh, cũng chính là tôn vinh ý chí, bản lĩnh, sức sáng tạo của những người thợ lọc hóa dầu Bình Sơn. Anh là người tiếp lửa, “thổi” vào mỗi cán bộ, công nhân trẻ nơi đây nhiệt huyết, khát vọng cống hiến, tinh thần đoàn kết, lập công tập thể”.

Nhân lên những gương sáng bình dị

Trong số hàng trăm tác phẩm gửi tham gia Cuộc thi viết lần thứ 7, gần 120 tác phẩm được lựa chọn, đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND và Báo QĐND điện tử. Đó là những tấm gương-những “vì sao lấp lánh” giữa cuộc sống thường nhật còn không ít tiêu cực, xô bồ... Vậy nhưng, những tấm gương bình dị mà cao quý đó đều kiệm lời, không muốn nói về mình, về việc mình làm. Với tinh thần thiện nguyện, vì cộng đồng, nên dù ở đâu, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, họ đều gắng làm được nhiều việc tốt, coi đó là niềm vui, lẽ sống của mình…

Y sĩ Nông Quang Nghiêm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đường Hồng, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang (nhân vật trong tác phẩm đoạt giải ba cuộc thi) tuyên truyền về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Ảnh: KIM HUỆ.
Nhà báo Hồng Vân (TP Đà Nẵng), tác giả bài viết “Anh Tám chính sách”, bộc bạch: “Những năm qua, tham gia cuộc thi viết này, tôi thấy khó nhất là làm sao để nhân vật-những gương sáng giữa đời thường nói về mình, bởi người tốt thường khiêm tốn. Tôi được nghe về anh Tám "chính sách”, công tác ở Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận đã lâu, nhưng khi gặp, hỏi chuyện thì anh rất kiệm lời. Thấy tôi quyết tâm tìm hiểu để viết bài, anh nói: “Vậy thì hãy cùng tôi đi coi sóc, hương khói cho ngôi mộ của một mẹ liệt sĩ, bạn sẽ rõ hơn!”. Và thế là tôi đi cùng anh trong buổi trưa nắng gắt và cùng dọn cỏ ở một góc nghĩa trang. Bà mẹ liệt sĩ này, anh Tám chỉ biết đến khi giải quyết chế độ chính sách, nhưng vì mẹ không còn ai thân thích, nên anh đã bỏ tiền riêng xây mộ cho mẹ và thường xuyên coi sóc, hương khói. Chuyện về anh được tôi viết và đăng báo cũng bắt đầu từ những chi tiết, câu chuyện khi cùng anh “về bên mẹ” trong buổi trưa nắng gắt hôm ấy”.

Trung tá Nguyễn Trọng Mạch, cán bộ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai)-tác giả bài viết "Gương sáng “công bộc” ở Tả Gia Khâu", cho rằng: “Cuộc thi viết do Báo QĐND phối hợp với một số cơ quan phát động, duy trì hơn 7 năm qua có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng đến đông đảo bạn đọc và toàn xã hội. Chất nhân văn sâu sắc, nhân lên những tấm gương “người tốt, việc tốt”, những gương sáng bình dị, việc thiện, lòng nhân ái… để “cái tốt át cái xấu” trong xã hội, như tên gọi của cuộc thi "bình dị mà cao quý" đã nói lên tất cả”.

Đóng quân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lào Cai, các tác phẩm tham gia Cuộc thi viết luôn được Chính trị viên Nguyễn Trọng Mạch cùng đồng đội đón đọc và lựa chọn nội dung để triển khai đọc báo hằng ngày, đồng thời tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo các chuyên đề hằng năm.

Nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã nhiều năm tham gia Hội đồng giám khảo Cuộc thi viết. Ông đánh giá: Chất lượng của những tác phẩm tham gia cuộc thi lần này được nâng lên vì các tác giả đã tìm tòi, phát hiện nhiều nhân tố mới, tôn vinh và nhân lên những gương sáng bình dị. Họ lặng lẽ, kiên trì làm việc tốt, việc nhân nghĩa vì cộng đồng, không phải vì thành tích, hay để được nổi tiếng, mà làm với tấm lòng vì dân, vì nước, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ: Nhân hậu, hết lòng yêu thương con người. Chính điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh của cộng đồng, của dân tộc ta. Tác dụng, hiệu quả của cuộc thi, của những tấm gương bình dị mà cao quý không dễ thấy ngay, mà như “mưa dầm thấm lâu”, tác động sâu sắc, lâu dài, góp phần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ.

Nhiều đồng chí trong ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi và bạn đọc cũng cho rằng: Hơn 7 năm qua, hàng nghìn tấm gương bình dị đã được các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên phát hiện, giới thiệu, tôn vinh trên Báo QĐND và tại các lễ trao giải, các cuộc giao lưu nghệ thuật…, khẳng định thành công và sức lan tỏa của cuộc thi với “thương hiệu” và bản sắc riêng, thể hiện sự kiên trì theo đuổi một đề tài tưởng chừng không còn mới, nhưng luôn mang tính thời sự, bởi một xã hội, một đất nước muốn phát triển bền vững phải luôn có những con người biết xả thân vì lý tưởng cao đẹp, hành động luôn hướng đến mục đích vì cộng đồng và giá trị chân-thiện-mỹ. Trên tinh thần đó, ban tổ chức tiếp tục phát động Cuộc thi viết lần thứ 8 (2016-2017) trên Báo QĐND. Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục đồng hành với cuộc thi.

Tác giả Nguyễn Xuân Vui (tỉnh Quảng Bình), người nhiều năm qua tích cực tham gia Cuộc thi viết và từng đoạt giải cao, mong rằng cuộc thi sẽ tiếp tục được duy trì, bởi quanh ta còn rất nhiều người tốt, việc tốt, giàu lòng nhân ái, thầm lặng cống hiến cho cộng đồng. Mỗi bài viết tham gia cuộc thi không chỉ tôn vinh những tấm gương bình dị cao quý, mà còn mang lại những điều tốt đẹp, nét tươi sáng cho cuộc sống hôm nay. Đó cũng là mong muốn chung của nhiều tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trên khắp mọi miền đất nước trong việc quảng bá, tham gia và tạo sức lan tỏa của cuộc thi, góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, nhân lên nhiều gương sáng, việc tốt trong xã hội chúng ta.

 

15 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết  “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7

Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 15 tác phẩm xuất sắc nhất để ban tổ chức trao giải, gồm: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 9 giải khuyến khích.

Giải nhất được trao cho tác phẩm: “Cây sáng kiến”-Bí thư chi bộ nói và làm" (tác giả Nguyễn Đức Chính). 2 giải nhì gồm: "Chuyện anh bộ đội cứu người như trong cổ tích" (Đỗ Phú Thọ); "Mẹ Côi!" (Nguyễn Thị Hường). 3 giải ba gồm: "Ấp Chín có Bí thư Mười Trọng" (Trần Út-Bích Vân); "Thầy thuốc 25 năm bám bản vùng cao" (Nguyễn Kim Huệ); "Người kết nối những tấm lòng vì biển đảo quê hương" (Mỹ Hạnh). 9 giải khuyến khích gồm: "Người lính Viettel và ước mơ ngựa sắt" (Nguyên Minh-Nguyễn Hòa); “Chủ ký túc xá” đặc biệt ở miền Tây sông nước" (Đình Hùng); "Vị giáo sư sở hữu hai “ngân hàng” đặc biệt" (Hải Lý-Vương Thúy); "Gương sáng “công bộc” ở Tả Gia Khâu" (Nguyễn Trọng Mạch); "Người phụ nữ 32 năm chăm sóc thương binh tâm thần" (Thu Hương); “Thầy Đồng” ở Pò Háng" (Kim Anh); "Mưu trí, dũng cảm bắt giữ cướp biển" (Kiều Hoài Nam); "Tổng giám đốc của nông dân" (Mai Nam Thắng); "Người “gieo chữ” ở xóm Chài" (Phương Liễu).

Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 7 được tổ chức vào hồi 20 giờ 30 phút, ngày 11-6-2016, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cùng lễ tổng kết và trao giải, Báo QĐND phối hợp với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức Chương trình Giao lưu-nghệ thuật với chủ đề “Vững bước theo con đường Bác đi”, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân rộng những gương “người tốt, việc tốt”, những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam; phát thanh trực tiếp trên Hệ Thời sự-Chính trị tổng hợp (VOV1) Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

PHẠM QUÂN