QĐND - Hơn mười năm qua, Thượng tá, CCB Nguyễn Đình Sin làm “thuyền trưởng” của Hội CCB Đoàn tàu Không số Nghệ-Tĩnh, đi gõ cửa từng cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm để xây dựng nhà tình nghĩa cho các đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống.
Chúng tôi được tiếp xúc với Thượng tá Nguyễn Đình Sin trong một lần dự lễ khánh thành nhà tình nghĩa cho một gia đình CCB hải quân tại tỉnh Hà Tĩnh. Khi ông đến, mọi người đều chào đón ông bằng những nụ cười rạng rỡ kèm theo cái bắt tay thân tình, cái ôm gần gũi như một người anh cả đáng mến.
Năm 1964, ông Nguyễn Đình Sin lên đường nhập ngũ vào Đoàn tàu Không số (Lữ đoàn 125 Hải quân) làm nhiệm vụ là một chiến sĩ báo vụ kiêm quân y. Gần 30 năm trong quân ngũ, trong đó có 10 năm gắn liền với tàu không số trên biển ở những giai đoạn khốc liệt nhất, ông Nguyễn Đình Sin đều nỗ lực hết mình với nhiệm vụ được giao. Sau khi nghỉ hưu, Thượng tá Nguyễn Đình Sin về quê Nghệ An, mở phòng khám Đông y cứu chữa người bệnh và tham gia thành lập Hội CCB Đoàn tàu Không số Nghệ-Tĩnh.
Lắng nghe những chia sẻ của ông Sin, chúng tôi mới biết rằng, đằng sau niềm vui của các gia đình có được căn nhà mới đều bắt nguồn từ những câu chuyện. Có một lần, ông đến thăm gia đình CCB Lê Văn Hòa vừa mới liên lạc được để gia nhập Hội CCB (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), có ba thế hệ bị nhiễm chất độc da cam, bốn người con dị tật. Nhìn cả gia đình chen chúc nhau trong một ngôi nhà xập xệ, mái ngói đổ mục, trời mưa phải lấy thau hứng nước, căn nhà chẳng có gì quý giá ngoài chiếc radio cũ khiến ông Sin không khỏi chạnh lòng.
 |
CCB Nguyễn Đình Sin (người thứ tư, từ phải sang) trong một buổi lễ cắt băng khánh thành Nhà tình nghĩa. |
Cũng sau đó không lâu, ông Sin cùng các anh em trong Hội CCB Đoàn tàu Không số đến chúc Tết gia đình thân nhân liệt sĩ Trần Thọ Thuyết thuộc Đoàn tàu Không số (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), chỉ còn hai cụ thân sinh hơn 90 tuổi già yếu, lủi thủi sống trong một căn nhà bốn bề chỉ làm bằng tre nứa và lá cọ. Chứng kiến những hoàn cảnh gia đình đồng đội và thân nhân liệt sĩ éo le như vậy đã thôi thúc ông Sin phải làm điều gì đó thật ý nghĩa để giúp đỡ các gia đình. Ông nảy ra ý nghĩ đi vận động tài trợ để xây dựng nhà tình nghĩa. Nhưng ở thời điểm ấy, mức sống xã hội còn thấp, kinh tế-xã hội cả nước đều khó khăn chung, ông nghĩ, vận động xây dựng một căn nhà với số tiền lớn như vậy là điều không thể. Cho nên, việc đầu tiên ông làm là đến các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để xin sổ tiết kiệm, học bổng cho các cháu và những suất quà nhỏ cho các gia đình CCB, thân nhân liệt sĩ Đoàn tàu Không số Nghệ-Tĩnh còn khó khăn. Nhờ có ông Sin đi vận động, hàng trăm suất quà, học bổng, sổ tiết kiệm đã được trao tận tay các gia đình. Những món quà tuy không lớn nhưng đó là nguồn an ủi, động viên các gia đình vươn lên trong cuộc sống.
Đầu năm 2005, khi đời sống kinh tế-xã hội đã khá hơn, ông mới bắt đầu đi vận động xây dựng nhà tình nghĩa. Biết rằng, tự mình đi vận động tài trợ xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa với số tiền lớn, rất khó, nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện.
Ông Sin nói: “Hội CCB Đoàn tàu Không số Nghệ-Tĩnh có gần 70 thành viên thì chỉ có 11 người có lương hưu và chế độ thương binh, bệnh binh. Cuộc sống của anh em sau khi trở về rất bấp bênh. Tôi nghĩ, bản thân mình được may mắn và có điều kiện hơn nên cần phải làm gì đó để giúp đỡ được mọi người”.
Nghĩ là làm. Hằng ngày, sau những ngày làm việc tại phòng khám, ông cùng các thành viên trong Ban chấp hành hội CCB Đoàn tàu Không số Nghệ-Tĩnh đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức để vận động tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Các ông tìm đến những nhà tài trợ có “tiềm năng”, đến những cơ quan, doanh nghiệp, liên hệ với chính quyền địa phương, những đơn vị trước đây các CCB chiến đấu để vận động. Khi gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà tài trợ, Thượng tá, CCB Nguyễn Đình Sin xuất trình những giấy tờ cần thiết, thuyết phục họ bằng lý, bằng tình.
Không ít lần ông lặn lội đường sá xa xôi, cách trở hàng trăm cây số để vận động và trình hồ sơ, thủ tục xây nhà tình nghĩa. Song song với việc tìm nhà tài trợ chính, ông còn liên hệ với chính quyền địa phương hỗ trợ và có thêm sự đóng góp để xây được một căn nhà thật khang trang cho các đồng đội. Mọi thủ tục, hồ sơ xin nhà tình nghĩa ông tận tình hướng dẫn cho các gia đình hoàn tất đến nơi đến chốn, không có gì sai sót. Cứ ngày qua ngày, ông thầm lặng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như thế. Ông Sin nhớ lại: “Ngày nhận được sự tài trợ đầu tiên không thể tả hết được sự vui mừng và xúc động trong tôi. Đó là đầu năm 2010, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh báo đồng ý tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho ông Lê Văn Hòa (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Lúc ấy, niềm vui trong tôi y như cái ngày còn chiến đấu trên biển cứu được đồng đội khi bị địch phá hủy tàu”.
Tháng 4-2010, căn nhà của ông Lê Văn Hòa được khởi công. Ngày cắt băng khánh thành, gia đình ông Hòa không cầm được nước mắt. Ngày chưa lo nổi ba bữa cơm, và thuốc men chạy chữa cho con cái nên chưa bao giờ ông Hòa mơ ước đến một ngôi nhà khang trang. Điều tưởng chừng như không thể ấy đã được ông Nguyễn Đình Sin “hiện thực hóa” cho gia đình ông Hòa. Năm 2012, niềm vui của ông Sin được nhân lên khi ông nhận được thông báo Cục Kỹ thuật Hải quân sẽ tài trợ xây dựng căn nhà cho thân nhân liệt sĩ Trần Thọ Thuyết (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Và trong năm ấy, căn nhà cũng được hoàn thành. Ông Sin dìu cụ Trần Hữu Nghi, 92 tuổi, thân phụ của liệt sĩ vào căn nhà mới. Bàn tay cụ run run, đôi mắt rưng rưng khi gần cuối đời cũng đã được sống trong một căn nhà tử tế. Cụ xúc động nói: “Vậy là con trai tôi dưới suối vàng cũng yên tâm được rồi. Con không phải lo lắng gì cho bố mẹ nữa đâu”.
Việc làm của ông Sin là việc nhân nghĩa, được rất nhiều đơn vị, tổ chức đồng thuận, ủng hộ. Tuy nhiên, có không ít lần đến các cơ quan, đơn vị xin nhà cho đồng đội họ còn hiểu sai, chưa tin tưởng nhưng ông không hề tự ái, không nản lòng vì lợi ích của đồng đội. Ông tin rằng, khi mọi người chứng kiến được những hoàn cảnh thật sự khó khăn họ sẽ cảm thông, và làm cho họ tin tưởng thì đơn vị nào cũng đều sẵn sàng tài trợ đúng nơi, đúng người. Đến nay, ông đã vận động xây dựng được 14 căn nhà cho đồng đội, và 6 căn cho gia đình các thân nhân liệt sĩ. Cứ vậy, nhiều đơn vị tài trợ đều biết đến ông Sin như một “sứ giả” trong việc xây dựng nhà tình nghĩa. Họ luôn luôn tôn trọng và quý mến con người CCB năng động và mực thước này.
Sau khi giúp đồng đội xây dựng được nhà, ông Nguyễn Đình Sin còn “hướng nghiệp” cho các gia đình phát triển kinh tế thoát nghèo. Ông Sin cho rằng, xây được nhà cho đồng đội chỉ có chỗ yên tâm sinh hoạt, về lâu về dài cần có công việc làm ăn, thêm thu nhập. Nếu không, nghèo vẫn hoàn nghèo. Như gia đình ông Lê Văn Hòa, ông Sin gợi ý cho ông Hòa mạnh dạn làm ăn, vay ngân hàng một số vốn, đấu thầu một bãi đất ven sườn núi của xã để trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Có khó khăn gì ông Sin giúp đỡ thêm. Nghe lời người “thuyền trưởng” nhìn xa trông rộng, ông Hòa mạnh dạn làm ăn. Đến nay, cuộc sống gia đình ông Hòa đã có một trang trại lớn, kinh tế gia đình khấm khá.
Thượng tá, CCB Nguyễn Đình Sin còn là một lương y, cứu chữa nhiều người bệnh và đồng đội. Đồng đội mắc bệnh, ông Sin đưa về phòng khám của ông chữa trị miễn phí, lo nơi ăn chốn ở, khỏi bệnh rồi đưa về nhà. Người nghèo, khó khăn đến khám, chữa bệnh, ông cũng không lấy tiền chữa trị. Ông Nguyễn Phi Anh (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), một thành viên trong Hội CCB Đoàn tàu Không số, hoàn cảnh khó khăn, vợ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm lâu năm không đi lại được phải nằm một chỗ, con bị bệnh tim và xoang. Ông Sin đến thăm khám, bốc thuốc, châm cứu thường xuyên. Đến nay, vợ và con ông Phi Anh đều không còn bệnh tật, rất khỏe mạnh.
Ông Phi Anh chia sẻ: “Thời chiến tranh, trong một lần bị địch bao vây, tôi bị thương đã được anh Sin mang lên tàu chữa trị. Nhưng khi trở về không còn giấy tờ nhập ngũ nên không làm được chế độ thương binh. Anh Sin đã hướng dẫn tôi làm các thủ tục, hồ sơ, đề nghị cấp trên và các cơ quan chức năng giải quyết chế độ thương binh cho tôi. Anh còn chữa khỏi bệnh cho vợ con tôi. Trên chiến trường, anh Sin là ân nhân của tôi, bây giờ hòa bình anh ấy cũng thêm một lần nữa cưu mang, giúp đỡ gia đình tôi… Em Phan Trung Thành bị liệt hai chân, gia đình hoàn cảnh rất khó khăn ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tâm sự: “Em đến chữa bệnh, bác Sin không lấy tiền. Sau khi chữa cho em khỏi bệnh, bác còn nhờ người quen giới thiệu cho em công việc làm bảo vệ tại Khu kinh tế Vũng Áng”.
Ngoài những công việc trên, ông Nguyễn Đình Sin còn nhận các em có hoàn cảnh khó khăn và con em đồng đội chưa có công ăn việc làm về nuôi dạy truyền nghề y. Không những truyền dạy cho các em kiến thức, thủ thuật y học, ông còn dạy các cách đối nhân xử thế, đạo đức làm người, đạo đức nghề nghiệp “lương y như từ mẫu”. Các thế hệ học trò của ông hiện nay đều là những người thành đạt, có công việc làm ổn định. Em Hoàng Ngọc Anh (thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một trong những học trò cưng của ông Sin. Sau mấy năm học nghề với CCB Nguyễn Đình Sin, Hoàng Ngọc Anh đi học lớp trung cấp y và về mở phòng khám Đông y. Ngọc Anh tâm sự: “Được bác Sin chỉ bảo tận tình, giờ em đã có một việc làm ổn định, không những cho bản thân, gia đình mà còn giúp ích cho mọi người”.
Nối tiếp những năm tháng làm nhiệm vụ trên những con tàu không số, giờ đây giữa “biển đời” ông Nguyễn Đình Sin lại giúp đỡ đồng đội và những người kém may mắn. Ông xứng đáng được gọi là người “thuyền trưởng” của con thuyền nghĩa tình, nhân ái.
Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ