QĐND- Bỏ qua những mưu cầu hạnh phúc cá nhân, bất chấp mọi điều tiếng thị phi của người đời, nữ cựu tù kháng chiến Lê Thị Thanh (Sáu Thanh) dành hết tâm sức để chăm lo cho đứa con của bạn mình (cũng là một nữ tù, đã hy sinh) đến lúc trưởng thành. Việc làm của bà khiến người ta khâm phục lẫn kinh ngạc, nhưng cùng với đó cũng còn bao nỗi xót xa, chạnh lòng…

Tháng Mười, thời tiết ở miền Tây Nam Bộ hay diễn biến thất thường, sáng nắng, chiều mưa. Bà Sáu Thanh (hiện là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tiếp tôi trong căn nhà thuê nằm ở cuối con hẻm nhỏ quanh co, đầy bùn đất thuộc khu vực 3, phường An Khánh. Bà Thanh ngước nhìn sang bên kia con rạch nhỏ, chỉ mái nhà nhô lên, thì thầm: “Đó là nhà của tôi, nhưng đã bán cho người ta rồi. Nếu không có tiền bán nhà để chữa bệnh thì chắc Việt Tiến đã chết”. Việt Tiến là con của vợ chồng liệt sĩ Lê Quốc Việt và Lê Kim Tiến, được bà Sáu Thanh đưa về nuôi nấng từ lúc còn ẵm ngửa đến giờ.

Câu chuyện ở xà lim

Bà Lê Thị Thanh sinh năm 1942 ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Năm 16 tuổi, bà thoát ly gia đình đi kháng chiến. Đầu năm 1974, trên đường công tác từ Cà Mau lên Cần Thơ, bà bị địch chặn bắt. Khi ấy bà là Ủy viên Ban Chấp hành Nông dân khu Tây Nam Bộ, được cử đi triển khai Nghị quyết của Khu ủy về công tác phá kềm, chuẩn bị cho giải phóng miền Nam.

Hoạt động hợp pháp, giấy tờ tùy thân đều có đủ nhưng bà Thanh bị địch đưa vào dạng tình nghi Việt Cộng. Trước khi đưa vào Khám lớn Cần Thơ, chúng giữ bà lại Nha Cảnh sát để thẩm vấn. Bà bị tra tấn dã man, vào khám lớn, được chị em tù chính trị cùng phòng chăm sóc hai ngày sau mới tỉnh lại.

Trong tù, bà Thanh đặc biệt thân thiết với nữ chiến sĩ thuộc Ban Binh vận Khu 9 Lê Kim Tiến. Địch ở Khám lớn Cần Thơ biết mặt Kim Tiến vì nữ chiến sĩ này bị bắt nhiều lần. Do đó, Kim Tiến là người bị tra tấn tàn bạo, khốc liệt nhất. Bà Thanh nói: “Trước khi vào tù Tiến đang mang thai, mỗi lần bị địch gọi lên thẩm vấn, đánh đập, chị cố gắng đưa lưng ra chịu đựng vì sợ ảnh hưởng đến bào thai. Tiến “ốm nghén”, thèm ăn đủ thứ nhưng trong tù có gì mà ăn. Những lúc ra ngoài lao động, Tiến cứ quơ đủ thứ cây, cỏ cho vào miệng nhai ngấu nghiến”.

Bà Thanh quệt nước mắt kể: Phụ nữ mang thai, thèm ăn chảy nước dãi. Tiến nói em thèm ăn chuối già (chuối lùn), ước gì có chuối em ăn cả quầy cũng hết. Nhìn chung quanh xà lim lạnh ngắt, Tiến bảo nếu không có chuối trái thì em ăn cây cũng được, nhai hết nguyên cây và củ chuối luôn. Nghe Tiến nói, chị em trong tù nhìn nhau cười rồi ôm nhau bật khóc nức nở. Tiến sinh con, trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn, đứa bé bị suy dinh dưỡng nặng. Tiến cũng rất yếu, sinh con nhưng cũng không thoát khỏi đòn roi của giặc, bị đánh đập dã man, mỗi lần ho ra cả vốc máu; đi tiểu, tiêu đều bị xuất huyết nặng. Chị em trong tù thay nhau tìm bắt thạch sùng cho Tiến bồi dưỡng, Tiến nuốt sống từng con, ăn đến hết thạch sùng trên bốn vách xà lim. Biết chắc chắn Tiến sẽ chết nên địch thả về, sau này tôi mới biết ra tù được hơn một tuần thì Tiến mất, đó là ngày 17-4-1975.

Tôi còn nhớ như in, trước đó Tiến tâm sự mà như trăng trối: Chị đã nhận lời làm mẹ thứ hai của con em rồi, con ngoan thì mẹ vui lòng, con hư thì mẹ đau. Chị hứa với em đi, sau này có bề gì đi nữa xin chị đừng bỏ con em. Tiến khéo tay lắm, nó nhờ người lính gác tốt bụng mua chỉ về tự đan mũ cho con, rồi còn chuẩn bị cả khăn mặt, soong khuấy bột cho em bé nữa.

Bà Sáu Thanh với tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Kim Tiến (trên bằng ghi nhầm là Lê Kiễm Tiến).

Vẹn tròn lời hứa

Sau ngày TP Cần Thơ và toàn miền Nam được giải phóng, bà Sáu Thanh lao vào công tác đoàn thể. Một hôm ghé thăm cơ sở cốt cán ở thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang hiện nay), bà được nghe nói có người ôm một đứa bé ốm quặt quẹo đến tìm, nhưng mà tìm Tám Thương nào đó chứ không phải Sáu Thanh. Không gặp, người đó chỉ để lại lá thư và ẵm đứa bé đi, nhắn rằng mẹ nó đã mất.

Run rẩy mở thư, bà Thanh nhận ra ngay chữ viết của Kim Tiến. Lúc còn ở trong xà lim của giặc, bà Thanh được chị em đặt cho tên mới là Tám Thương. Thương là thương người, vì bà hay may vá quần áo cho mọi người; những đêm dài trong lao tù chật hẹp, bà cũng hay xung phong… ngủ đứng, để nhường không gian cho chị em đau yếu nằm. Hôm Kim Tiến ra tù, bà chỉ kịp nói địa chỉ cơ sở mà quên mất tên thường gọi của mình.

Lần theo địa chỉ trong thư, bà tìm gặp đứa bé. Lúc đó mới biết Kim Tiến đã mất, cha đứa bé là anh Lê Quốc Việt, cán bộ quân bưu và khu cầu đường Tây Nam Bộ cũng đã hy sinh trước ngày 30-4-1975. Người cưu mang mẹ con Kim Tiến là người bác họ, Kim Tiến vốn mồ côi cha mẹ.

Nhớ lời dặn của Kim Tiến, bà Thanh đặt tên đứa bé là Việt Tiến, ghép tên cha với tên mẹ. Từ giữa năm 1975 đến những năm đầu của thập kỷ 80, đi đâu bà Thanh cũng mang Việt Tiến bên mình, mặc cho người đời dị nghị không chồng mà có con. Thấy Việt Tiến yếu ớt quá, đầu bé như quả cam, thân hình tong teo xanh rớt, ai cũng khuyên bà cho đứa bé đi, có nuôi nó cũng không sống nổi. Theo bà Thanh, cũng may mà người trong tổ chức đều biết rõ mọi chuyện nên tạo điều kiện tốt nhất để bà an tâm nuôi con, công tác.

 “Hồi nhỏ Việt Tiến đau ốm liên miên, tôi thì bận công tác nông hội, thường xuyên đưa bà con đi các vùng kinh tế mới hết tỉnh này tới tỉnh khác nên gửi nó dọc đường là chuyện bình thường. Ít thì vài ngày, lâu thì vài tháng, hầu như đến tỉnh nào ở Đồng bằng sông Cửu Long tôi cũng gửi. Tôi nghỉ hưu năm 1997, từ đó có thời gian dành cho Tiến nhiều hơn. Tôi vốn không khá giả gì nhưng luôn cố gắng không để Tiến phải tủi phận vì thua kém bạn bè. Việt Tiến nó thương tôi, luôn quấn quýt bên mẹ, ít khi đòi hỏi, đua đòi”, bà Thanh nói.

Việt Tiến lớn lên, học hết lớp 12 thì được người của Bưu điện TP Cần Thơ tìm tới, nhận đỡ đầu con em liệt sĩ của ngành. Tiến được làm trong ngành bưu điện, đến năm 2010 thì lập gia đình. Chồng Việt Tiến cũng nghèo, nhưng hiền lành, chất phác. “Ngày Việt Tiến lấy chồng, sợ con tủi thân, tôi đứng ra tổ chức đám cưới khá rình rang, nhận hết hàng xóm láng giềng làm bà con bên ngoại”, bà Thanh tâm sự.

Ước vọng dở dang

Trong câu chuyện thân tình, bà Thanh nói với tôi ngày xưa bà cũng có nhiều người theo đuổi, người nào cũng đàng hoàng nhưng bà không nhận lời với ai. Bà muốn tập trung hết tình thương để chăm lo cho Việt Tiến.

“Tôi có một ước mơ từ thời con gái, đó là thống nhất đất nước tôi mới lấy chồng. Chồng tôi phải là nông dân, hằng ngày vợ chồng cùng dắt tay ra đồng chăm sóc ruộng lúa, mỗi chiều bồng con đứng ngắm đồng lúa rập rờn. Tiến lập gia đình, vì thương tôi, không muốn rời xa tôi mà nó không theo chồng. Ước vọng của tôi dồn hết sang con gái, tôi mong từng ngày có cháu ngoại để bồng, vậy mà…”.

Bỏ dở câu chuyện với tôi, hồi lâu sau bà Thanh mới kể: Năm 2012, bác sĩ phát hiện Việt Tiến bị bệnh tim, nhiều lần điều trị mà không thuyên giảm. Bác sĩ nói Tiến bị bệnh tim bẩm sinh, càng ngày càng nặng thêm. Bao nhiêu lần Tiến mang bầu đều sảy thai hết. Để bảo đảm sức khỏe sinh sản, Tiến phải xin nghỉ việc. Cơ quan Tiến chấp nhận cho nghỉ nhưng không giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội sau 12 năm công tác. Gần đây nhất, năm 2014, Tiến mang bầu được đến tháng thứ tám, háo hức chuẩn bị sinh con nhưng tai họa ấp tới. Đứa con trong bụng mẹ mất, Tiến cũng nguy kịch. Tôi khóc, van xin các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu giúp. Khi bệnh tình tạm ổn, Tiến được chuyển lên TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị. Viện phí quá lớn, tất cả hơn 200 triệu đồng nên tôi quyết định bán căn nhà để điều trị bệnh cho con.

“Những ngày Tiến nằm viện, tôi sợ con bỏ tôi mà đi nên không lúc nào dám rời xa. Thỉnh thoảng tôi lay nó dậy, tôi sợ nó ngủ luôn”, bà Thanh ngậm ngùi.

Còn Việt Tiến nói với tôi: Tôi nằm cấp cứu đến ngày thứ 21 bác sĩ mới chính thức khẳng định rằng tôi đã… sống. Tỉnh dậy, tôi thấy tóc mẹ đã bạc trắng nửa đầu. Trong tiềm thức, tôi không bao giờ muốn rời xa mẹ. Với tôi, mẹ là người tốt nhất trên cõi đời này. Quanh chúng tôi vẫn còn nhiều người tốt, lúc tôi lâm bệnh, cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng VietinBank Cần Thơ nơi chồng tôi là anh Võ Văn Hà làm bảo vệ đã vận động được hàng chục triệu đồng giúp đỡ trong lúc gia đình đang quẫn bách…

Hiện nay, bà Sáu Thanh và vợ chồng Việt Tiến phải ở nhà thuê, sống bằng nguồn thu nhập từ lương hưu và các khoản trợ cấp chính sách. Lương bảo vệ của chồng Việt Tiến chỉ tạm đủ lo thuốc thang mỗi tháng cho vợ. Hằng ngày, bà Thanh vẫn nơm nớp trông Việt Tiến, bà sợ con gái trở bệnh bất cứ lúc nào. “Nhìn con gái thế này, tôi có cảm giác mình vẫn chưa thực hiện tốt lời hứa với chị Kim Tiến”, bà tâm sự.

Bài và ảnh: HỒNG BÌNH HIẾU