QĐND Online – Giữa trưa hè nóng bức hay những ngày đông giá rét, hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của Thượng tá QNCN Trần Thị Oanh Lan, nguyên cán bộ thuộc Cục Chính trị, Binh chủng Tăng-Thiết giáp (T-TG) vẫn đều đặn suốt gần 20 năm qua. Chị mong muốn sẽ là sợi dây kết nối đoàn tụ cho các gia đình liệt sĩ đến trọn đời.
Duyên và tâm với liệt sĩ
Năm 17 tuổi (tháng 2- 1975), Trần Thị Oanh Lan nộp đơn tình nguyện nhập ngũ theo lời kêu gọi của Thành đoàn Hà Nội với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” trong thời điểm chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đang ở giai đoạn cao trào nhất. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống binh nghiệp, bố và 4 chị em đều là bộ đội nên chị rất tự hào và cảm thấy vinh dự được đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Gắn bó cuộc đời mình với quân ngũ và các công việc chính sách, chị luôn cảm thấy mình may mắn và có duyên. Vì vậy, chị tự nhủ, phải cố gắng phấn đấu để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một người lính mà còn đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc đền đáp, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh - liệt sĩ, có công với nước. Trong thời gian tại ngũ, hằng năm, chị cùng với cơ quan chức năng của Binh chủng đi thăm hỏi, tặng quà cho 35 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng mà Binh chủng nhận phụng dưỡng suốt đời.
Thấu hiểu sự mất mát của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha. Vì vậy, khi về nghỉ hưu, chị tiếp tục giữ cương vị là Giám đốc Trung tâm thông tin liệt sĩ đến tháng 4-2013.
Nhìn khuôn mặt hiền hậu, dáng người mảnh mai của chị, ít ai nghĩ rằng, nữ quân nhân Trần Thị Oanh Lan lại làm được nhiều việc mà theo chị phải có duyên và có tâm mới làm được. Bước chân nhỏ bé của người phụ nữ này đã in dấu ở hơn 50 nghĩa trang trong cả nước. Có những chuyến đi thành công nhưng cũng có những chuyến đi không đạt được kết quả như mong muốn nhưng với chị, công việc đi tìm mộ liệt sĩ sẽ không bao giờ kết thúc.
 |
Thượng tá QNCN Trần Thị Oanh Lan (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp thăm nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
|
Không vụ lợi, mảy may suy tính thiệt hơn, chị đến với công việc tìm mộ liệt sĩ với tâm thế của một người đã từng rơi vào hoàn cảnh phải nhiều năm lặn lội khắp nơi để tìm mộ ông ngoại là liệt sĩ Ngô Thế Lục, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946. Năm 2013, gần 70 năm sau ngày nhận được giấy báo tử, gia đình chị mới tìm thấy mộ của ông. Lúc ấy, cảm xúc của chị là vui mừng xen lẫn lo lắng bởi phần mộ của ông ngoại đã chôn quá lâu nên không thể giám định AND được nữa. Mặc dù không thể xác định chính xác được hài cốt của ông bằng phương pháp khoa học nhưng trong lòng chị vẫn tin rằng, ở nơi chín suối, ông ngoại cảm thấy an lòng vì con cháu đã được biết phần mộ của ông để hương khói. Hiện nay, liệt sĩ Ngô Thế Lục được yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Nam Sơn, huyện Quế Võ (thành phố Bắc Ninh).
Trọn đời đồng hành cùng liệt sĩ
Mặc dù kinh tế gia đình không khá giả, mọi chi phí chỉ trông vào đồng lương hưu nhưng chị luôn sẵn sàng giúp đỡ tận tình các gia đình có hoàn cảnh, sát cánh cùng họ trong hành trình tìm lại người thân đang nằm đâu đó trên dải đất hình chữ S.
Tháng 8-2011, chị nhận được mảnh giấy do một cựu chiến binh mang đến, trong đó ghi lời nhắn của một cán bộ nữ công tác tại huyện ủy huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nhắn tìm đơn vị thân nhân của 4 liệt sĩ hy sinh ngày 29-4-1975. 4 liệt sĩ là thành viên một kíp xe tăng thuộc Quân đoàn 1 hy sinh ở hướng Đông Bắc khi tiến vào cửa ngõ Sài Gòn giải phóng miền Nam. Dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, phần mộ của các liệt sĩ này vẫn chưa có đơn vị hay thân nhân nào đến nhận. Do quy hoạch và phát triển của địa phương nên phần mộ của các anh phải di dời vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Nhận được thông tin trên, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ giao cho chị trực tiếp thực hiện công việc tìm thân nhân của 4 liệt sĩ trên. Vốn là một cán bộ của Binh chủng T-TG, lại có kinh nghiệm và quen với công việc này nên không khó khăn để chị tìm ra địa chỉ của 4 liệt sĩ đó. Được biết, các anh là cán bộ, chiến sĩ thuộc Đại đội 1, D66, E202, F390 (Quân đoàn 1), gồm các liệt sĩ: Nguyễn Duy Nhân ở xã Chí Sơn, Kim Bảng, Hà Nam; Nguyễn Văn Hành ở Ngọc Liên, Cẩm Giàng, Hải Dương; Phạm Ngọc Thản ở xã Hồng Hưng, Gia Lộc, Hải Dương; Nguyễn Văn Bính ở xã Bạch Đằng, Kinh Môn, Hải Dương.
Sau khi xác định tên tuổi, địa chỉ cụ thể từng liệt sĩ, chị gọi điện về UBND xã của từng liệt sĩ nhờ thông báo tới các gia đình.
Khi đã liên lạc được với các gia đình liệt sĩ, chị đã mời cơ quan Chính sách của Quân đoàn 1 lên gặp gỡ, động viên các gia đình. 4 liệt sĩ đã được trả lại tên thông qua kết quả giám định AND. Ngoài ra, chị còn tham gia ý kiến đề nghị Bộ Tư lệnh Tăng-Thiết giáp hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 hỗ trợ 3 triệu đồng để đón các liệt sĩ về quê. Hiện nay, 2 liệt sĩ Nguyễn Duy Nhân và Nguyễn Văn Bính đã được an nghỉ tại quê nhà sau hơn 40 năm kể từ khi các anh đi chiến trường. Chứng kiến niềm vui đoàn tụ của liệt sĩ với gia đình, trong lòng chị trào dâng niềm xúc động bởi việc làm của mình đã mang lại niềm vui lớn cho nhiều người.
“Tâm của tôi với các liệt sĩ quá sâu sắc, ngày đêm lúc nào cũng hướng đến các anh. Nếu một ngày mà không làm việc gì cho liệt sĩ, tôi cảm thấy day dứt, như mắc lỗi với những đồng đội đã khuất, đêm đó sẽ không bao giờ ngủ được”, Chị Oanh Lan tâm sự.
Tự chọn một công việc không nhẹ nhàng nhưng chị luôn cảm thấy hài lòng bởi làm được một việc nghĩa thì cuộc sống sẽ thú vị hơn. Chị đã giúp đỡ gia đình liệt sĩ Phạm Đức Tuấn ở xã Yên Sở, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tìm được phần mộ đã thất lạc nhiều năm. Do thông tin về liệt sĩ Phạm Đức Tuấn chưa đầy đủ, chỉ biết nơi hy sinh là mặt trận phía Nam nên gia đình mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của đi tìm ở khắp tỉnh Quảng Trị mà không có kết quả, trong khi đó liệt sĩ lại chiến đấu và hy sinh tại chiễn trường tỉnh Quảng Nam.
Với kinh nghiệm nhiều năm đi tìm mộ liệt sĩ, chị đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho hàng nghìn thân nhân gia đình liệt sĩ, tiếp xúc với hàng trăm cựu chiến binh của các Trung, Sư đoàn, đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường trong nước và các nước bạn Lào, Campuchia. Chính vì vậy, hồ sơ là giấy báo tử, bản trích lục thông tin do BCHQS tỉnh cấp, chị đều tìm hiểu, thu thập các thông tin để khi có kết quả chính xác thì thông báo cho gia đình liệt sĩ.
Không chỉ có gia đình liệt sĩ Tuấn, chị Oanh Lan cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2014 đến tháng 8 này, chị đã kết nối và tìm được 20 phần mộ liệt sĩ giúp các gia đình ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc (không kể đến 4 liệt sĩ xe tăng đã được giám định AND qua Hội HTGĐLSVN). Chị cho rằng, công việc đầu tiên để tìm mộ liệt sĩ là phải trực tiếp gặp các gia đình để tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn họ những thủ tục cần thiết. Để có kinh nghiệm trong công việc tìm mộ liệt sĩ, hàng ngày chị phải tìm hiểu thông tin về các liệt sĩ, gặp gỡ các cựu chiến binh, tiếp nhận thông tin, trực tiếp hoặc qua điện thoại của các gia đình liệt sĩ để tư vấn, giúp đỡ họ hoàn thiện các thủ tục... tìm kiếm, thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê nhà…
 |
Thượng tá QNCN Trần Thị Oanh Lan trao quà cho các gia đình liệt sĩ dịp 27-7 vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
|
Nhiều việc là thế, nhưng đôi vai gầy của chị dường như chưa bao giờ biết mệt mỏi. Nhìn nụ cười thân thiện, cử chỉ thân mật của chị khi tiếp xúc với thân nhân các gia đình liệt sĩ, tôi hiểu rằng, chị dành trọn tâm huyết của mình cho một công việc ý nghĩa. Chị coi tình cảm của các gia đình liệt sĩ dành cho mình là món qùa quý giá trong cuộc đời binh nghiệp.
Anh Trần Văn Hải-anh trai liệt sĩ Trần Văn Hảo, xã Nghĩa Hải, Nghĩa Hưng, Nam Định rất xúc động khi được sự giúp đỡ tận tình của chị Oanh Lan trong quá trình xác định phần mộ liệt sĩ Trần Văn Hảo tại xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Liệt sĩ Trần Văn Hảo thuộc Đại đội 5, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, hy sinh ngày 10-3-1975 khi chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi thống nhất đất nước, gia đình liệt sĩ Hảo được một đồng đội cùng quê thông báo và dẫn gia đình vào nơi mai táng các liệt sĩ lúc ban đầu. Người đồng đội này không nhìn thấy liệt sĩ Hảo lúc hy sinh, không trực tiếp mai táng mà chỉ nghe qua một người đồng đội khác báo đó là mộ của liệt sĩ Hảo.
Ông Trần Văn Toản, bố liệt sĩ cho biết, năm đó, bố mẹ liệt sĩ đau buồn vì con đã hy sinh nhưng được tin có người biết phần mộ của con nên ông bà tất tưởi vào thắp hương cho con và nếu được thì đón con về. Khi vào đến nơi thì tại đó có 4 ngôi mộ (lúc này chưa có chủ trương quy tập), gia đình đã cất bốc đón liệt sĩ về quê từ năm 1977.
Trong một lần chị Lan vào nghĩa trang Tiên Mỹ, Tiên Phước, Quảng Nam tìm liệt sĩ, chị đã ghi lại thông tin của liệt sĩ Trần Văn Hảo để tra cứu, so sánh trong danh sách liệt sĩ Sư đoàn 2 để biết chính xác đầy đủ quê quán của liệt sĩ Hảo. Sau đó, chị nhờ thân nhân một liệt sĩ báo cho gia đình liệt sĩ Hảo. Nhận được tin, gia đình liệt sĩ Hảo đã vào nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Mỹ. Mặc dù ngôi mộ chưa đầy đủ thông tin như các ngôi mộ khác nhưng gia đình có cảm nhận ngay ngôi mộ đó mới đúng là của liệt sĩ Trần Văn Hảo.
Gia đình đã được chính quyền địa phương xã Tiên Mỹ cho biết, phần mộ liệt sĩ Trần Văn Hảo được CCB, chính quyền địa phương cất bốc đúng tại nơi được ghi trên bản trích lục hồ sơ liệt sĩ đã quy tập về nghĩa trang.
Dự kiến vào tháng 8 (âm lịch) năm 2014, gia đình sẽ vào Quảng Nam đón liệt sĩ Hảo về quê cha đất mẹ. Dẫu biết rằng, gia đình liệt sĩ Hảo vẫn thờ cúng liệt sĩ bị đón nhầm nhưng chị Lan vẫn trăn trở và tự nhủ phải tìm bằng được thân nhân liệt sĩ này.
Làm việc nghĩa với cái tâm trong sáng nên trong các chuyến đi tìm mộ liệt sĩ với các gia đình, chị luôn tự bỏ kinh phí mặc dù nhiều gia đình tha thiết mời đi và lo toàn bộ chi phí, đi lại, ăn ở nhưng chị không bao giờ mảy may tư lợi cho cá nhân từ những việc làm nghĩa tình. Đi đến đâu, chị cũng được các cơ quan chức năng tận tình giúp đỡ và cung cấp thông tin liên quan đến các liệt sĩ. Tháng 5 vừa qua, chị và thân nhân gia đình liệt sĩ Vũ Văn Đến ở Hiệp Hoà, Tân Hưng, Quảng Yên, Quảng Ninh vào Đà Nẵng để tìm mộ liệt sĩ. Tự nhận mình là nhịp cầu nối các cuộc đoàn tụ của những gia đình liệt sĩ nên dẫu có khó khăn, vất vả vì nhiều lúc sức khỏe không đáp ứng cho những chuyến đi dài ngày nhưng được nhìn thấy những giọt nước mắt đoàn tụ của các gia đình liệt sĩ, chị cảm thấy ấm lòng.
Vì nghĩa tình sâu nặng, duyên nợ với các liệt sĩ, hiện nay, chị về làm việc tại Công ty CPDV Thương binh Thành Đô và tiếp tục là người kết nối để "dẫn đường" liệt sĩ về quê nhà. Ngày 22-7 vừa qua, Thượng tá QNCN Trần Thị Oanh Lan nhận thêm nhiệm vụ mới là Trưởng Ban Biên tập website http://triandongdoi.vn của Công ty CPDV Thương binh Thành Đô. Đây là trang thông tin điện tử nhằm giúp đỡ những gia đình liệt sĩ tìm người thân, diễn đàn để nối dài sợi dây đoàn tụ của các gia đình liệt sĩ và nghĩa tình đồng đội.
KHÁNH HUYỀN