QĐND - Ông già hơn so với tuổi 59. Nước da nâu và nhiều nếp nhăn. Mái tóc để dài trùm kín gáy và luôn đội mũ tai bèo. Trên vai ông lúc nào cũng khoác chiếc máy ảnh, túi dết trông có vẻ hơi… lãng tử. Trong túi thì không thể thiếu những tờ giấy A4 đã in sẵn khuông nhạc. Và trong “lưng vốn” của ông, đầy ắp những khúc ca về biển đảo, về người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió…
Người khai sinh và nâng tầm Sao Biển
Mới gặp ông trên con tàu 996 ra với Trường Sa và nhà giàn DK1, tôi cứ ngỡ Nguyễn Ngọc Quang là thợ ảnh, hay phóng viên ảnh, sau mới biết ông là nhạc sĩ, mà lại là một nhà quản lý văn hóa, từng giữ cương vị Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Phú Yên, hiện tại ông là Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Phú Yên, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Yên.
Ông kể, ông yêu âm nhạc từ khi còn học phổ thông dưới chế độ cũ. Khi đó, ông đã sáng tác và biết dùng măng-đô-lin để tấu lên những ca khúc cộng đồng. Sau giải phóng, ông say mê sáng tác những ca khúc chính trị. Ông từng có nhiều bài được giải thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
 |
Nhạc sĩ Ngọc Quang hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ học bài hát do ông sáng tác.
|
Ở Phú Yên, nhiều người biết đến ông như là người có công khai sinh ra Đoàn Ca múa dân gian Sao Biển. Dạo đó, vào đầu năm 1990, đang làm Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sơn Hòa (quê ông), có lẽ vì cái sự đam mê sáng tác nhạc nên ông được điều lên sở để gây dựng một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp do mới tách tỉnh. Ông là Trưởng đoàn mà bắt đầu gây dựng đoàn từ con số không. Ban đầu là chọn lựa những hạt nhân xuất sắc từ phong trào văn nghệ quần chúng, rồi đến tuyển sinh người có năng khiếu gửi đi đào tạo để về đoàn… Sau ba năm mới ổn định “thương hiệu”: Đoàn Ca múa dân gian Sao Biển. Không chỉ biểu diễn trên địa bàn tỉnh, Trưởng đoàn Ngọc Quang còn cả gan “đem chuông đi đấm xứ người” cả trong và ngoài nước. Năm 1994, dù còn rất non trẻ, Sao Biển đã không ngần ngại làm một đợt diễn tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô. Tưởng chừng “cái sự liều” đó có thể sẽ thất bại, bởi tổ chức một đợt diễn ở nơi trung tâm Hà Nội với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường âm nhạc và nhiều ca sĩ nổi đình nổi đám, những dòng nhạc “mì ăn liền” câu khách… Nhưng bất ngờ là dòng người đến xem Sao Biển lại đông nườm nượp. Và gần như “định vị”, mỗi năm, Sao Biển lại quyết tâm làm một đợt diễn như thế ở đây, và vẫn có lượng khán giả “mơ ước” của nhiều đoàn nghệ thuật, nhất là với một đoàn nghệ thuật cấp tỉnh. Mười năm gắn bó với đoàn, ông đã từng tổ chức lưu diễn ở Xin-ga-po, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan… Những chuyến lưu diễn như thế đã góp phần làm cho âm nhạc Việt Nam, nhất là dòng âm nhạc dân gian, cách mạng… hòa nhập với âm nhạc quốc tế, quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè…
Nặng lòng với biển, đảo
Khi rời Sao Biển, làm quản lý văn hóa với cương vị Giám đốc Sở, rồi Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật, nhiều công việc sự vụ, ông vẫn sáng tác đều. Có ca khúc từng đoạt giải cao cấp toàn quốc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như: “Hồn đá”, “Thạch Bi Sơn”, “Về Phú Yên quê anh”, “Oan khúc Lệ Chi viên”… Ông cũng giành giải thưởng sáng tác các tác phẩm văn học-nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với “Khắc ghi lời Bác dạy”. Bài “Hồn đá” với nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng, biểu diễn đoạt Huy chương vàng trong nhiều mùa liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc…
Mùa hè năm ngoái, ông đã cảm hứng sáng tác liền bốn ca khúc: “Lời thương gửi đảo xa”, “Tiếng biển”, “Đứa con người lính đảo” và “Điện Biên Phủ trên Biển Đông”. Ông bộc bạch: “Mình rất ham mê sáng tác những ca khúc mà ngày trước thường gọi là “ca khúc chính trị”, bây giờ, mình lại thấy trong lòng mình như nợ với đề tài biển, đảo. Phải làm sao sáng tác được những ca khúc hay về biển, đảo? Đó là nỗi trăn trở khôn nguôi".
Và ông hát, bập bùng tiếng gõ ghi-ta: Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Nay chúng ta cùng gìn giữ non sông/ Cùng đứng lên đi, đoàn kết bên nhau ta làm nên sức mạnh… Những ca khúc này được các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa dân gian Sao Biển (Phú Yên) biểu diễn nhiều lần trên tàu, trên các đảo trong chuyến công tác. Ca sĩ Khánh Trang, diễn viên Đoàn Ca múa dân gian Sao Biển, người được ông chọn để lần đầu tiên thể hiện ca khúc “Lời thương gửi đảo xa” tâm sự: “Bài hát mới thường khó hát, bởi cả ca từ và âm nhạc chưa đi vào lòng người, mỗi lần tập bài hát mới thường rất… ngại. Nhưng em hiểu và cảm nhận ở những ca khúc của Ngọc Quang giàu chất thơ, giàu chất dân ca, nhất là dân ca Nam Trung Bộ. Khi được nhạc sĩ tin tưởng giao cho thể hiện, em đã nghe ông kể rõ những cảm xúc tình cảm của mình vào từng con chữ, dấu nhạc. Nhất là với những người lính biển, em và đồng nghiệp của em đều hiểu, với họ, đời sống tinh thần là vô cùng quan trọng. Những ca khúc về người lính biển vì thế mà bao giờ cũng nồng nàn yêu thương. Mỗi lần hát, dù trên sân khấu, hay hát “thô” không có âm thanh, đặc biệt là hát trên tàu, trên đảo cho bộ đội nghe, em như thêm một lần trào dâng cảm xúc…”.
Tặng mỗi đảo một “đảo ca”
Một buổi, khi đoàn công tác đến đảo Phan Vinh, tôi thấy ông say sưa dạy hát cho bộ đội trên đảo. Thì ra, đó là sáng tác ngẫu hứng vừa nảy ra, ông còn chưa kịp điền vào khuông nhạc, chưa kịp đặt tên. Ông vừa đệm đàn ghi-ta vừa hướng dẫn anh em lính trẻ từng câu một. Bài hát mới thường khó hát, khó thuộc, nhưng ngược lại, có lẽ vì cái chất thơ trong ca khúc mới và giai điệu như nhịp bước hành quân nên anh em hát được ngay, và ông hài lòng lắm… Cũng tại đảo này, từ một câu chuyện thì thầm của một người con gái trong đoàn với anh lính đảo, ông đã cảm hứng dạt dào mà cho ra đời ca khúc “Thương lắm Trường Sa ơi” với những ca từ đậm chất thơ chảy tràn trên khuông nhạc: Mai em về, anh có nhớ em không? Nhớ đất liền chiều chiều em ngóng đợi/ Hướng về Biển Đông dáng anh sừng sững/ Canh giữ biển trời Tổ quốc thiêng liêng/ Mai em về chắc sẽ không quên/ Chiều Trường Sa biển rì rào câu hát/ Đi bên anh dưới tán lá bàng xanh ngát/ Em thì thầm “Thương lắm Trường Sa ơi"…
Rồi hai hôm sau, đi với ông trên đảo Núi Le, ông lại “khoe” rằng, ông vừa hoàn thành ca khúc “Hẹn nhé đất liền ơi”: Đứng trước biển mênh mông/ Tóc em như ngọn sóng/ Khiến lòng anh xao động/ Giữa mênh mông biển trời… Cho lòng anh xao xuyến/ Hẹn nhau nhé đất liền/ Mai sóng yên biển lặng/ Anh lại về bên em. Đến điểm cuối cuộc hành trình là Nhà giàn DK1/21, mọi người khuyên ông không nên lên đó, vì sóng to, lại leo trèo rất nguy hiểm, nhưng có lẽ những ai khuyên ông điều đó sẽ thấy áy náy, bởi nếu không có cái quyết tâm lên tận nơi với nhà giàn, thì khó có thể để ông cảm xúc dâng trào cho ra đời ca khúc mang tên “Lính nhà giàn hát Quốc ca”. Và trong chặng về, ngồi trên tàu khi sóng xô biển động, ông lại say sưa hát cho tôi nghe bài này. Vừa hát, hai khóe mắt ông đỏ hoe: … Lính nhà giàn đang hát Quốc ca/ Hồn đất nước trập trùng trên cánh sóng/ Nhà giàn nghiêng chúng tôi đứng thẳng/ Vẫn nghiêm trang màu đỏ lá Quốc kỳ… / Tổ quốc tôi như một con tàu đang rẽ sóng ra khơi/ Đạp cuồng phong hướng về phía trước/ Biển căng ngực hát lên đất nước/ Bốn nghìn năm vang vọng tiếng cha ông/ “Nam quốc sơn hà” đây núi, kia sông/ Mỗi tấc biển cũng nhuộm dòng máu đỏ/ Tổ quốc linh thiêng nơi đầu mây ngọn gió/ Ở nơi nào cũng vọng tiếng cha ông...
Ông chia sẻ: “Ra với Trường Sa, với nhà giàn, thấy anh em mình ngoài đó về vật chất cũng đỡ nhiều rồi do cả nước chung sức giúp đỡ. Nhưng vấn đề là làm sao cho anh em nâng cao đời sống tinh thần mới khó. Tôi sáng tác những ca khúc về Trường Sa, về nhà giàn với tâm nguyện như thế. Tới đây, kết hợp những tư liệu và thực tế ở đảo, tôi sẽ cố gắng sáng tác tặng mỗi đảo một bài, để anh em hát chính bài hát về mình, về đảo mình. Nếu mà được coi như “đảo ca” của anh em thì tốt. Hiện tôi đã sáng tác được gần 10 bài cho từng đảo, nhà giàn”. Tôi nhìn ông với sự cảm phục và tin rằng, ngày nào đó sẽ được nghe ông hát, hát lần lượt những “đảo ca” mà ông đau đáu trong tim mình…
Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀNG SÁU