Trong hàng ngàn tài liệu, hiện vật của bảo tàng lớn nhất cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thu Huyền, cán bộ Phòng Sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết, riêng tài liệu của Bác với nước Đức hiện nay bảo tàng có được chủ yếu từ những lần trao tặng của ông Trần Ngọc Quyên. Tiết lộ đó đã thôi thúc chúng tôi tìm gặp ông Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán-Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, hiện là Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Đức.
Bác Hồ từng hoạt động bí mật ở Đức
Ông Trần Ngọc Quyên cho chúng tôi biết, cơ duyên sưu tầm các tài liệu về Bác Hồ đến với ông chính vào thời gian cả nước Việt Nam đang đau buồn vô hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mãi mãi ra đi. Ông nhớ như in ngày hôm đó tại Trường TU Dresden (CHDC Đức). Nghe tin Bác mất, mọi người cùng lặng đi, một số người đã khóc! Họ lập bàn thờ Bác tại ký túc xá để lưu học sinh Việt Nam, sinh viên Đức và quốc tế, lãnh đạo trường đến viếng. Tại Lễ truy điệu Bác do Đảng ủy và Ban giám hiệu Trường TU Dresden tổ chức ông Quyên được cử là một trong hai người đứng gác danh dự bên bàn thờ Bác. Cảm nhận sự xót thương và yêu quý vô hạn của tất cả mọi người dành cho Bác kính yêu, ông nghĩ đến việc mình phải làm một việc gì đó. Ông chụp ảnh lại bàn thờ Bác, những người đến viếng, ông sưu tầm các báo chính của Trung ương, địa phương và Trường TU Dresden… ban đầu chỉ với ý nghĩ để làm kỷ niệm.
Ông Trần Ngọc Quyên đọc lại tư liệu về nước Đức.
Từ năm 1979, ông bắt đầu sưu tầm tư liệu một cách có hệ thống và liên tục ở những trung tâm chính trị của Đức nơi ông đến công tác. Ông mở rộng sưu tầm cả những hiện vật, sách báo, tư liệu viết, phim ảnh, tranh áp-phích, phù hiệu và tem bưu chính đoàn kết với Việt Nam, tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh… Ông tìm và lưu lại những bằng chứng về các đường phố, trường học, đơn vị quân đội, đội sản xuất của Đức mang tên Bác từ các trang web, bản đồ tới chứng minh thư nhân dân… Bản thân ông cũng từng đi chụp ảnh, quay phim Đường Hồ Chí Minh ở Berlin khi đường phố này chưa bị đổi tên hoặc nhờ người quen chụp ảnh lại đường phố từng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các thành phố khác… Về tình cảm của người Đức dành cho Bác, ông phát hiện những chi tiết thật thú vị. Chẳng hạn, ở Berg có con đường mòn chạy qua rừng nối giữa hai địa phương nhỏ là Rohrenstadter Tal và Sindbachtal hay con đường tắt nối Arzheim và Asterstein, không có tên chính thức nên nhân dân địa phương gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh” (phỏng theo tên Đường mòn Hồ Chí Minh tại Việt Nam). Hay như Đức có lẽ là nước duy nhất có “Huy chương Hồ Chí Minh” để tặng thưởng cho những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong đoàn kết chống đế quốc…
Lúc đầu, ông chỉ tìm hiểu về tình cảm của lãnh đạo, nhân dân Đức dành cho Bác Hồ và chuyến thăm chính thức CHDC Đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1957. Nhưng khi nói chuyện với người Đức, đặc biệt là các học giả, nhà báo nước này về Bác, ông phát hiện ra nhiều điều tâm đắc và quyết định đi sâu tìm hiểu thông tin. Theo dấu công trình nghiên cứu khoa học “Hồ Chí Minh và nước Đức” của GS, TS Lulei (nhà Việt Nam học và sử học người Đức) và ông Axel Friedrich (cũng là một nhà Việt Nam học và đã có nhiều năm công tác ở Việt Nam), ông thích thú với kết luận: Bác Hồ đã đến Đức lần đầu tiên tháng 10 năm 1919 và trong những năm 20 của thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều hoạt động tại Đức như viết báo, diễn thuyết, tham dự các cuộc tổ chức của lực lượng cánh tả tại Berlin và một số nơi khác, tiếp xúc với người dân lao động Đức, tham quan bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng ở Dresden… Kết luận này được đưa ra trên cơ sở hai nguồn: Lời kể của các nhân chứng được Bác kể lại chuyện khi tiếp các đoàn Đức sang thăm Việt Nam kết hợp với nghiên cứu tư liệu. Bản thân ông Trần Ngọc Quyên cũng có được bản lưu “Thư tín quốc tế” của quốc tế cộng sản xuất bản bằng tiếng Đức tại Viên (Áo) có bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết năm 1924.
Tuy nhiên, theo những điều đọc được từ Bảo tàng Hồ Chí Minh do nước bạn cung cấp, ông đã cùng các bạn Đức là Klaus Woinar (Phó chủ tịch Hội Đức-Việt), ông Axel Friedrich nhiều lần đến Cục Lưu trữ liên bang và Cục Lưu trữ bang Berlin tìm kiếm hồ sơ theo các từ khóa Chen Vang, Wang, Nguyen Ai Quoc… nhưng không tìm thấy thông tin nào cho biết trong những năm 20 của thế kỷ trước Bác Hồ đã ở đâu, gặp gỡ những ai, có những hoạt động gì… Nhờ các bạn Đức tìm tư liệu tại Cục Lưu trữ bang Berlin, các cơ quan lưu trữ chuyên ngành như: Lưu trữ của Bộ Nội vụ Đế chế Đức, Sở Ngoại kiều và Nha Cảnh sát hình sự Berlin, cơ quan lưu trữ tại các địa phương… ông có thêm tư liệu của mật thám Trung ương Đức chỉ đạo cho cấp dưới theo dõi một lãnh đạo cộng sản Áo từ Moskva (Liên Xô trước đây) đã trở về Áo chưa, có qua Đức không, nếu có phải bắt ngay. Tư liệu này chứng tỏ, mật vụ Đức theo dõi rất sát, đặc biệt lãnh đạo cộng sản nước ngoài. Hồ sơ, tư liệu được nước Đức lưu trữ rất khoa học và đầy đủ, vậy mà tư liệu về Nguyễn Ái Quốc dưới bí danh Chen Vang, Wang ở Đức vẫn không mảy may có thêm thông tin gì khác. Điều này chứng tỏ Hồ Chí Minh ẩn danh rất giỏi và luôn tránh được sự theo dõi sát sao của mật thám, cảnh sát Đức.
Dẫu vậy, ông và các bạn vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thông tin về hoạt động của Bác Hồ tại Đức thời gian này.
Mối lương duyên với những người bạn Đức
Để có tư liệu về những hình thức tôn vinh của bạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối thiện cảm mà người dân Đức dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam, ông tìm đến những kho tư liệu trên khắp nước Đức như Cục Lưu trữ liên bang, Cục Lưu trữ các bang,Trung tâm Tư liệu ảnh của Thông tấn xã ADN CHDC Đức, Viện Nghiên cứu Rosa Luxemburg của đảng cánh tả, Trung tâm Thông tin-Báo chí của Quốc hội CHLB Đức, Tổ chức Dịch vụ Đoàn kết quốc tế… Ông cũng tìm đến các nhà văn, nhà báo, đạo diễn phim tài liệu và các phóng viên ảnh, học giả người Đức quan tâm tới Việt Nam, đặc biệt là những người đã có nhiều năm công tác tại Việt Nam. Ông rất cảm kích về tấm lòng và tình cảm đoàn kết của họ đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà báo, nhà văn Hellmut Kapfenbeger, người đã viết sách “Hồ Chí Minh-Một biên niên sử” và nhiều cuốn sách khác về Việt Nam, đã giúp ông Quyên sưu tầm một số hiện vật quý như Huy chương Hồ Chí Minh hay các phù điêu đoàn kết với Việt Nam; phóng viên ảnh Thomas Billhardt, nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới qua những bộ ảnh tư liệu về chiến tranh, đã cho phép scan lại các ảnh của ông, trong đónhiều bức ảnh có giá trị lịch sử và đã tặng ông Quyên cả 9 cuốn sách ảnh về đề tài Việt Nam của ông...
Không chỉ sưu tầm để thỏa mãn riêng cho mình, ông sẵn sàng chia sẻ và đã mang những tư liệu có được để tặng lại nhiều cơ quan, tổ chức, bảo tàng của Việt Nam. Danh sách những nơi đã được ông tặng tư liệu như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà truyền thống Bộ Ngoại giao, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ… vẫn tiếp tục ngày một dài. Lúc đầu, tư liệu sưu tầm được từ các cơ quan lưu trữ và các trung tâm tư liệu của Đức, do chưa có kinh nghiệm, ông chỉ mang bản phô-tô về Việt Nam. Khi đem tặng các bảo tàng, được hướng dẫn cần lấy cả dấu chứng thực của các nơi đó, ông kỳ công mang lại Đức, nhờ bạn đóng dấu hoặc xin scan lại những tư liệu có giá trị đặc biệt để những tài liệu này có giá trị tư liệu cao nhất có thể. Cũng như nhiều người nhận xét, theo bà Chu Thu Phương, Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), người từng nhiều lần trao đổi thông tin với ông Quyên thì “kho tư liệu của ông đầy đủ, khoa học và công sức bỏ ra là không thể tính được”.
Tốn công, tốn sức, tốn tiền nhưng ông cho rằng, ông được nhiều hơn. Mối quan tâm và những điều tử tế giữa con người với con người, về tình bằng hữu giữa hai đất nước tưởng chừng xa xôi đã trở thành điểm gắn kết ông với nhiều người bạn Đức. Qua ông, qua những người Việt Nam như ông, họ hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam và dành tình cảm nhiệt thành, yêu mến cho Việt Nam. Ngoài những giúp đỡ thiết thực cho Việt Nam, họ dành cho ông những cử chỉ như với một người thân đầy trách nhiệm. Bà Sybille Weber, Tổng thư ký tổ chức "Hành động giúp đỡ Việt Nam" (HAV) mà bà là thành viên sáng lập là tổ chức và một trong những cá nhân đầu tiên ở CHLB Đức được tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước ta. Trước khi kết thúc thời gian công tác ở Đức, ông Quyên được bà Weber tin cậy giao cho bộ hồ sơ đầy đủ về toàn bộ quá trình thành lập, phát triển và hoạt động của HAV. Biết ông là người sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạn học của ông tại Dresden thời sinh viên, vợ chồng GS Drechler, đã gửi tặng ông bản scan chứng minh thư và bản đồ TP Dresden có ghi tên phố nơi ông bà sống mang tên Hồ Chí Minh, GS Lulei đã gửi cho ông bản scan hai bản đồ của thủ đô Berlin có vẽ Đường Hồ Chí Minh...
Ở tuổi 73, mỗi lần có dịp sang Đức, ông thường “trốn” người thân và dành nhiều thời gian để tìm tư liệu, ngồi miệt mài bên những chồng hồ sơ hoặc phim âm bản cho mãi đến khi mắt nhòe mờ... Đối ngược với hình ảnh ấy là hoạt động như con thoi của ông khi đem tư liệu, sách báo và hiện vật… đi liên hệ và tặng những nơi quan tâm với mong muốn thiết tha được góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt-Đức.
Bài và ảnh: MINH NHÃ