QĐND - Chuyện về lương y giàu tâm đức Nguyễn Thiệu ở Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình không chỉ nằm trong phạm vi quê lúa mà đã lan xa đến nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Khi đến phòng khám của ông, chúng tôi đã chứng kiến rất đông các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ngồi chờ khám, nhận thuốc miễn phí. Qua trò chuyện với họ, chúng tôi hiểu được phần nào về người lương y tuổi 80 giàu nhân đức này.
Đau cùng nỗi đau da cam/đi-ô-xin
Bằng tấm lòng thơm thảo, bấy lâu nay, lương y Nguyễn Thiệu đã tự nguyện làm công việc trị bệnh cứu người, cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và người nghèo khó trong vùng. Chúng tôi gặp ông khi ông vừa khám xong cho hàng chục bệnh nhân, chiếc máy đo huyết áp còn trên tay với những bước đi nhanh nhẹn ngược với tuổi, gương mặt hiền từ, nhân ái.
Trong câu chuyện, ông ít nói về mình, nhưng qua các bệnh nhân, chúng tôi cũng biết được đôi nét về ông. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề thuốc gia truyền, theo cha cùng ông nội làm nghề bốc thuốc từ nhỏ. Năm 2007, huyện Quỳnh Phụ thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, ông được tín nhiệm cử vào Ban chấp hành hội. Đây cũng là mong muốn của ông-vào Ban chấp hành để có điều kiện hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân tốt hơn. Ông làm đơn xin khám bệnh, điều trị, bốc thuốc miễn phí cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở quy mô toàn huyện…
 |
Lương y Nguyễn Thiệu khám bệnh cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. |
Sau một thời gian, nhiều nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và những bệnh nhân nghèo uống thuốc của ông đã phục hồi sức khỏe. Tiếng lành đồn xa, ngày càng đông người ở các huyện trong tỉnh cũng đến nhờ ông giúp đỡ. Nghĩ đường sá xa xôi, vất vả cho người bệnh, được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, ông đã tổ chức phòng khám ở nhiều nơi. Tính đến nay, trên địa bàn Thái Bình, TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, ông đã mở 20 phòng khám và điều trị cho các bệnh nhân là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và bệnh nhân nghèo. Hằng tháng, ông có lịch khám và điều trị cụ thể ở mỗi phòng khám. Mỗi tháng, mỗi phòng khám, khám và cấp thuốc cho 20 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân được tặng 5 thang thuốc trị giá 400.000 đồng. Ông cho biết: “Tôi may mắn có những người con luôn sát cánh bên mình, các cháu được thừa hưởng truyền thống tích thiện của tổ tiên, luôn yêu thương người nghèo khó. Đặc biệt, tôi có 2 con có kinh tế khá giả và giàu lòng nhân ái, hằng tháng các cháu chủ động chuyển tiền về cho tôi. Có lúc, số tiền các con chuyển để phụ vào cùng tôi mua thuốc lên tới hơn 100 triệu đồng, số còn lại là lợi nhuận chút ít từ việc khám, chữa bệnh cho người có điều kiện kinh tế...”. Bên cạnh đó, ông phát triển vườn thuốc Nam, đây là nguồn dược liệu quý góp phần không nhỏ vào công việc phát tâm từ thiện cứu người của ông.
Bà Nguyễn Thị Ty, ở thôn Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, là cựu thanh niên xung phong. Khi bà vừa đẩy cửa, bước vào phòng khám, ông Thiệu đã chia vui: “Mừng cho bà! Cơ thể của bà đã biết nghe từng mũi kim châm, thang thuốc của tôi rồi!”. Bà Ty vui mừng, kể: “Tôi bị bệnh thấp tim, phải ngồi xe lăn cả năm nay rồi, vậy mà thầy Thiệu còn cứu được. Tôi không biết lấy gì để trả ơn thầy…”.
Kế nghiệp… vun trồng việc thiện
Lương y Nguyễn Thiệu là đời thứ bảy làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Ông được thừa hưởng truyền thống Nho học, y học và giáo lý Phật pháp từ cha ông. Năm 1960, ông theo học một lớp trung cấp Đông y ở Hải Dương và lập nghiệp ở đây một thời gian khá dài. Đến năm 1982, bố ông mất, ông chuyển về quê Quỳnh Phụ sinh sống và nối nghiệp tổ tiên.
Bà con trong và ngoài vùng biết đến tài năng chữa trị của ông với các căn bệnh như: Tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh số 7, các bệnh về xương, khớp, các bệnh của nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin… Chị Nguyễn Thị Diên, ở Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình, bị liệt toàn thân, được ông chữa trị khỏi bệnh. Chị nhớ lại: “Tôi bị liệt nằm một chỗ khá lâu. Gia đình đưa đi chữa khắp nơi nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Sau khi trở về quê, người nhà đưa tôi đến với lương y Nguyễn Thiệu để thử vận may. Không ngờ, sau những mũi kim, thang thuốc của ông, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm rồi dần khỏi hẳn. Tôi luôn biết ơn và xem lương y là một ân nhân cứu mạng, sinh ra tôi lần nữa”.
Theo ông Nguyễn Thiệu, hơn ai hết, người thầy thuốc phải đặt chữ tâm làm đầu. Phải có tâm huyết, tâm phúc. Ông nhắc lại lời của Mã Phục Ba: “Chung thân hành thiện do bất túc” (cả đời làm việc thiện còn chưa đủ). Trong căn phòng được trang trí khá đẹp, nhưng những tấm huy chương, bằng khen, giấy chứng nhận phần lớn được lưu giữ khiêm nhường ở một góc riêng. Ông chia sẻ: “Phải giữ nó, giữ để xem nó mà giữ mình, để con cháu mình nhìn vào đó mà biết trân trọng gia đình, trân trọng chính mình. Tôi luôn mong muốn và răn dạy con cháu rằng, dù làm bất cứ nghề gì cũng không thể vẩn đục. Phải đặt chữ tín, chữ thiện làm đầu”. Ngoài những tấm bằng khen, huân chương, ông còn trưng dòng chữ “Lương y như từ mẫu”. Theo ông, thực hiện lời dạy của Bác là cơ sở để người thầy thuốc tránh được 8 tội mà đại danh y Hải Thượng Lãn Ông dạy: Tội lười, tội keo, tội tham, tội dối, tội dốt, tội ác, tội hẹp hòi, tội thất đức. Ông nhấn mạnh, khi thấy bệnh nhân ốm đau mà ngại đêm hôm, mưa gió không thăm khám, vẫn bốc thuốc cho qua loa là tội lười biếng; thấy cảnh nghèo túng của người bệnh, ngại uổng công mình mà không dốc sức cứu người là tội thất đức! Ông luôn tâm niệm rằng, người thầy thuốc được giao cho cái quyền cứu con người, họ nói sao thì bệnh nhân nghe vậy.
Hơn 60 năm thầm lặng cống hiến, thầm lặng hy sinh, lương y Nguyễn Thiệu đã được nhân dân tin yêu, ngưỡng mộ, được Đảng, Nhà nước, các địa phương, Bộ Y tế trao nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2013, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, Bộ Y tế tặng “Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông”, tặng Bằng khen vì tổ chức thực hiện dự án phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam và Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe cộng đồng”; Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam tặng Bằng khen; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng ghi nhận Tấm lòng vàng… Bên cạnh đó, ông còn được nước bạn Lào và Cam-pu-chia tặng Bằng khen về sự cống hiến vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin...
Cảm phục trước tấm lòng tâm đức của lương y Nguyễn Thiệu với cộng đồng, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Thái Bình đã tặng ông 4 câu thơ: “Xưa tổ tiên vun trồng cây đức/ Nay cháu con làm phúc cứu nhân/ Tài cao đức rộng sâu ân/ Ông người thầy thuốc mười phân vẹn mười”.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH