QĐND - Thấm thía sự vất vả và nhiều hiểm họa của bà con trong thôn, xóm mỗi khi đi qua chiếc cầu tạm, cựu chiến binh (CCB) Bùi Xuân Đại (xóm Lai Đồng, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đã dùng toàn bộ số tiền 300 triệu đồng vợ chồng ông tích góp được xây dựng chiếc cầu vững chãi cùng một đoạn đường bê tông để bà con đi lại thuận tiện. Cầu xây xong cũng là lúc ông phát hiện mình mắc trọng bệnh...
Khi chưa gặp CCB Bùi Xuân Đại, chúng tôi cứ nghĩ gia đình ông phải có điều kiện kinh tế lắm mới bỏ ra một số tiền lớn như vậy để xây cầu giúp dân. Ngỡ ngàng thay, gia đình ông Đại sống trong căn nhà cấp 4 bình thường, vật dụng trong nhà giản đơn không có gì đáng giá. Ông Đại từng chiến đấu ở chiến trường Lào và sau đó về công tác tại Sư đoàn 350 (Quân khu 3). Từ những năm tháng dạn dày quân ngũ nên trong ông luôn toát lên phong thái nhanh nhẹn, quyết đoán của một quân nhân qua từng lời nói, cử chỉ.
 |
Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại bên cây cầu mới.
|
Thôn Lai Đồng có hơn 100 hộ dân, sống dưới triền núi. Mùa mưa lũ, nước từ trên núi dồn xuống các khe suối, đồng ruộng khiến bà con sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Trước nhà ông Đại có một con suối, mỗi mùa mưa lũ nước chảy xiết, nước dâng mấp mé sân nhà. Ông Đại cho hay, từ trước tới nay cầu được xây dựng tạm bợ bằng tre nên người dân đi lại bất tiện và thường xuyên xảy ra tai nạn. Dăm ba bữa lại có người đi qua cầu bị ngã xuống suối. Mùa thu hoạch, muốn chuyển nông sản vào nhà bằng phải khuân vác từng ít một. Xe gắn máy thì phải gửi ở những nhà dân bên kia suối bởi không thể đi qua chiếc cầu tre bé nhỏ này. Đặc biệt, các cháu học sinh đi học qua cầu rất nguy hiểm. Hơn nữa, cứ mỗi đợt mưa to, nước lũ về chảy xiết cuốn trôi cầu nên việc đi lại đều bị ngừng trệ.
Cuộc sống quá khó khăn, gia đình ông cùng mấy chục hộ dân sống bên con suối ngày này qua ngày khác vẫn cam chịu cảnh “cầu tre lắc lẻo”, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bà Nguyễn Thị Mai (xóm Lai Đồng, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ) cho biết: “Có lần tôi dắt xe đạp đi qua không may sảy chân, cả người và xe ngã nhào xuống suối. Cũng may, mùa hè nước suối cạn nên gọi người kéo lên được, chứ vào mùa mưa nước suối sâu thì không biết sẽ thế nào”.
Nhà ông Đại ở gần cầu, nhiều lần trực tiếp chứng kiến sự vất vả của người dân nơi đây nên ông đã ấp ủ ý định xây cầu từ nhiều năm trước. Nhưng thời gian đó, cuộc sống gia đình ông còn quá khó khăn, 3 người con đang tuổi ăn học, ông Đại lại đi công tác xa, một mình vợ ông là bà Phạm Thị Lan ở nhà cáng đáng mọi việc lớn nhỏ trong nhà.
Từ ngày ông Đại về nghỉ hưu và sống tại quê nhà, cứ đến mùa mưa lũ, ông chứng kiến nhiều trận lụt cuốn phăng chiếc cầu tre là lối đi duy nhất của mấy chục hộ gia đình. Cầu bị cuốn trôi lại phải dựng lại cầu mới. Bấy giờ con cái đã học hành xong và trưởng thành, ông liền bàn với vợ dùng số tiền tiết kiệm để làm chiếc cầu cho bà con lối xóm đi lại thuận tiện.
Ông Đại nghĩ, nếu trông chờ vào dự án thì chẳng biết đến bao giờ, bà con trong xóm toàn người già, người nghèo và neo đơn không có khả năng để xây cầu. Một buổi tối, khi ngồi bên mâm cơm, ông Đại bàn với vợ và các con dùng số tiền dự định sửa nhà để xây cầu. Bà Lan nghe đến số tiền hơn 250 triệu đồng để xây cầu thì hốt hoảng và do dự. Thông cảm với suy nghĩ của vợ, ông Đại kiên trì giải thích và thuyết phục bà Lan. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà Lan thấu hiểu rằng xây cầu trước tiên cũng là phục vụ cho gia đình, cho con cháu mình nên bà đồng ý dùng số tiền tiết kiệm cả cuộc đời của hai vợ chồng xây cầu theo ý nguyện của chồng. Ông Đại tâm sự: “Cũng phải thông cảm cho bà ấy, cả đời lam lũ vì gia đình, nay bỏ ra số tiền tích góp để sửa nhà và an dưỡng tuổi già ra xây cầu, ai trong hoàn cảnh ấy cũng đều có phản ứng như vậy”.
Được sự đồng thuận của vợ và các con, ông Đại lên báo cáo với UBND xã về việc xây chiếc cầu đi qua con suối. Khi nghe CCB Bùi Xuân Đại trình bày việc tự nguyện xây cầu, chính quyền địa phương xã Đức Đồng rất hoan nghênh và tạo mọi điều kiện huy động ngày công để giúp ông Đại một phần. Sau đó, ông Đại lên ngân hàng rút số tiền tiết kiệm 100 triệu đồng, huy động con cái góp 100 triệu đồng, số tiền còn lại ông Đại tính làm đến đâu xoay xở đến đó. Để cầu thi công bảo đảm chất lượng, sử dụng được lâu dài, ông nhờ kỹ sư thiết kế và tư vấn. Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi việc, tháng 4-2013, cây cầu được khởi công.
Ngày ngày, ông Đại xắn tay, hì hục dưới con suối từ mờ sáng. Bà Lan tất bật lo phục vụ nước cho đội lao động. Thấy được lòng nhiệt tình của ông bà, cả làng xúm tay cùng làm, người xách máy bơm từ nhà đi kéo nước, người chặt tre làm cốt pha, trộn vôi vữa… góp công sức xây cầu. Khó khăn nhất là việc vận chuyển nguyên vật liệu từ ngoài đường lớn để tập kết vào điểm xây cầu. Đường vào nhà ông Đại rất nhỏ, xe ô tô không thể vận chuyển vật liệu đến tận nơi, do đó ông Đại phải dùng xe gắn máy, xe kéo chở từng bao xi măng, từng viên đá về nơi để vật liệu. Hơn nữa, kinh phí xây cầu đều do gia đình ông tự túc, thiếu đến đâu xoay xở đến đó nên quá trình thi công nhiều lần bị gián đoạn. Những ngày xây dựng cầu, ông Đại luôn lo lắng, thấp thỏm, nhiều đêm mất ngủ vì chưa hoàn thành công trình đúng tiến độ bởi nhiều lý do như thời tiết và thiếu vốn.
Sau những ngày tháng vất vả chạy ngược chạy xuôi, cây cầu bằng bê tông, cốt thép vững chãi do ông Đại xây dựng cũng đã hoàn thành vào tháng 4-2014. Cây cầu có 3 nhịp, dài 11m, rộng 3,5m, cao 7m, có lan can an toàn hoàn thành trong niềm hân hoan của làng trên xóm dưới .
Bà Nguyễn Thị Thìn (xóm Lai Đồng, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ) kể: “Chúng tôi sống ở đây đã hơn nửa đời người, cam chịu với sự lắc lẻo của chiếc cầu tre bắc qua con suối. Nhờ có gia đình ông Đại bỏ tiền ra xây cầu, giờ đây chúng tôi đi lại rất thuận tiện, có thể kéo lúa, chuyển ngô khoai về tận nhà mà không phải khuân vác cực nhọc như trước”.
Ông Thái Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Đức Đồng cho biết: “Đây là cây cầu nông thôn đẹp nhất của xã, vừa thiết kế an toàn, kiên cố, vừa thể hiện được tinh thần hăng hái xây dựng nông thôn mới và tình đoàn kết của nhân dân. Với tấm lòng thơm thảo của ông Đại, cây cầu tạm đã được xóa bỏ. Việc đi lại của các hộ dân xóm Lai Đồng, nhất là các em học sinh đã thuận tiện, an toàn”.
Khi cây cầu hoàn thành cũng là thời điểm ông Đại phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư gan. Số tiền tích góp cả đời đã dùng vào việc xây cầu nên việc điều trị bệnh đều do các con ông lo liệu. Dù đang phải đối mặt với đau đớn của bệnh tật, nhưng ông vẫn hăng hái làm tốt nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch Hội CCB xã Đức Đồng. Có một điều ông vẫn trăn trở, đó là đoạn đường 100m từ cây cầu chạy ra đường liên thôn vẫn chưa làm được. Ông tâm sự: “Mặc dù cầu xây xong, việc đi lại khá thuận tiện nhưng đường chưa làm nên nhìn tổng quan chưa được đẹp mắt. Nghĩ mình cũng không sống được bao lâu nên tôi quyết định làm thêm đoạn đường nữa. Ngày nào đó, nếu tôi mất đi thì vẫn để lại điều tốt đẹp cho con cháu và bà con”. Vậy là, ông Đại lại bỏ ra gần 20 triệu đồng để làm đoạn đường 100m nối từ cầu ra đường liên thôn. Khi trình lên UBND xã, ông được hỗ trợ cấp xi măng theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, còn lại ông lo nguyên vật liệu cát, sỏi, nhân công... Thấu hiểu được tấm lòng của ông Đại, bà con cùng nhau tranh thủ mỗi người một tay, người góp trà nước, người chút hoa quả để động viên gia đình ông hoàn thành đoạn đường.
Đi cùng chúng tôi trên chiếc cầu vững chãi và đoạn đường bê tông cao ráo do mình đầu tư xây dựng, trong mắt ông Đại ánh lên sự mãn nguyện, mừng vui, dù ông đang phải đối mặt với những mệt mỏi và đau đớn của bệnh tật. Tấm lòng thơm thảo của CCB Bùi Xuân Đại là tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, và hơn hết, tấm lòng ấy đã nối nhịp bờ vui, đem lại sự yên bình cho bà con lối xóm.
Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ