Bằng kinh nghiệm và vốn kiến thức tích lũy trong thời gian làm việc tại công binh xưởng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trở về đời thường, cựu chiến binh (CCB) Phan Chí Thành tạo dựng cơ nghiệp, trở thành nhà sáng chế máy gặt đập liên hợp đầu tiên của tỉnh Long An. Thành công trong cuộc sống, CCB Phan Chí Thành không quên giúp đỡ con em đồng đội, quân nhân xuất ngũ có việc làm ổn định, được đồng đội quý trọng, bà con nông dân tin yêu.

Luôn sáng tạo vì người nông dân

Một ngày đầu năm 2016, chúng tôi tìm gặp CCB Phan Chí Thành tại nhà xưởng của ông ở TP Tân An, tỉnh Long An. Đôi tay còn lem luốc dầu nhớt, ông cười đôn hậu: “Những việc chú làm có gì to tát đâu mà viết báo vậy mấy cháu”. Tuy nói vậy, nhưng người CCB này vẫn trải lòng “hết cả ruột gan” với chúng tôi quá trình lao động, phấn đấu, vượt qua khó khăn thử thách để trở thành doanh nhân thành đạt và là người bạn đồng hành cùng nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vài thập kỷ nay.

CCB Phan Chí Thành sinh năm 1954, quê huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Song thân của ông đều là cán bộ lão thành cách mạng. Hơn 10 tuổi, Phan Chí Thành đã theo cha mẹ vào vùng kháng chiến. Chiến tranh ác liệt, người cha đã hy sinh khi chàng thanh niên Phan Chí Thành chưa tròn 15 tuổi. Mùa xuân Mậu Thân 1968, Phan Chí Thành tình nguyện gia nhập quân ngũ để được trực tiếp cầm súng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Khi ấy, ông đang học ở Trường Trung học Hưng Khánh Trung. Nhờ có học vấn khá, lại thông minh, tháo vát, Phan Chí Thành được lãnh đạo các cấp đưa vào làm việc tại công binh xưởng của LLVT tỉnh Bến Tre. Tại đây, ông chuyên sản xuất trái nổ bằng vỏ hộp cá mồi, lựu đạn bằng vỏ bom bi lép và nhiều loại vũ khí khác. Các sản phẩm của ông và đồng đội tại xưởng đã đóng góp quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của LLVT tỉnh. Ông tâm sự: “Sản phẩm tôi làm ra có tính sát thương cao nhưng thật lòng, tôi chẳng bao giờ muốn chúng được sử dụng. Nghĩ về sự mất mát gia đình, tôi mong ước cuộc kháng chiến chống Mỹ nhanh kết thúc, để bà con quê hương được sống yên bình”.

Cái ngày mong ước của ông cũng đến! Cuối tháng 4-1975, quê hương của ông được giải phóng trong niềm vui mừng khôn xiết của những người con xứ dừa. Sau ngày giải phóng, ông cũng xuất ngũ, rồi tìm lên mảnh đất Long An làm thợ tiện cho một cơ sở cơ khí nhỏ. Vừa làm, ông vừa tranh thủ học thêm văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp về cơ khí để tích lũy cho bản thân. Năm 1978, CCB Phan Chí Thành mạnh dạn thuê một khu đất nhỏ ven Quốc lộ 1 ở Tân An (nay là TP Tân An), Long An mở xưởng sửa chữa cơ khí nông nghiệp. Ông sản xuất từ chiếc bu-lông, đai ốc đến cuộn ru-lô cho các loại máy bơm nước, máy cày... Thời gian đầu, công việc khó khăn do còn cơ chế bao cấp, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, nhân lực có tay nghề cũng khó tìm. Bằng ý chí của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ được rèn luyện trong kháng chiến, ông động viên gia đình, kiên trì thực hiện công việc và nuôi ý tưởng về một chiếc máy gặt lúa. Ông Thành chia sẻ: “Nhìn thấy người nông dân quê mình phải vất vả mỗi mùa gặt lúa, nhất là người dân vùng lũ. Mặt khác, tình hình lực lượng lao động trẻ ở vùng quê ngày càng ít do họ đổ ra thành thị tìm việc làm, gây ra sự thiếu hụt lao động phổ thông trong nông nghiệp. Vì vậy, nhiều đêm tôi suy nghĩ, tại sao mình không sản xuất ra một cái máy gặt lúa để giúp đỡ người dân và cũng góp phần cơ giới hóa nông nghiệp”.

CCB Phan Chí Thành hướng dẫn công nhân tại xưởng sản xuất.

Nghĩ và làm, năm 1995, CCB Phan Chí Thành cho “ra lò” chiếc máy gặt xếp dãy đầu tiên khổ cắt 1,4m sau nhiều năm “thai nghén” và trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại. Máy gặt đạt hiệu quả tốt, được nông dân đánh giá cao. Tiếng lành đồn xa, khoảng 10 năm sau đó, cơ sở của ông sản xuất, cung ứng cho thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng lân cận gần 1.000 máy gặt xếp dãy. Được đi học tập, tham quan nhiều nơi, CCB Phan Chí Thành thấy nước bạn đã sản xuất được loại máy gặt đập liên hợp, giúp nông dân gần như loại bỏ lao động thủ công trong quá trình thu hoạch lúa. Ông lại bắt đầu kế hoạch sản xuất một sản phẩm máy gặt đập liên hợp “made in Việt Nam”.

Với kinh nghiệm về cơ khí, sức sáng tạo của bản thân, cùng với sự trợ giúp của Trường Đại học Nông lâm (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), ông đã sản xuất thành công sản phẩm máy gặt đập liên hợp hiệu NT-130. Máy vận hành tốt, tính cơ động cao trong địa hình nhỏ hẹp và địa chất đồng ruộng của miền Tây Nam Bộ, nhất là tận dụng lượng rơm sau thu hoạch và không bị rơi vãi thóc. Năng suất một ngày làm việc của máy có khả năng thay thế 40 lao động thủ công. Ông cũng đích thân ra tận cánh đồng để quan sát, đúc kết kinh nghiệm hoạt động của máy NT-130 và tiếp thu ý kiến của nông dân để chỉnh sửa. Sau nhiều tháng nghiên cứu, đầu tư hàng trăm triệu đồng, năm 2006, ông tiếp tục cho ra đời máy gặt đập liên hợp thế hệ thứ hai mang ký hiệu NT-160. Sản phẩm này đã giữ lại những ưu điểm của máy NT-130 loại bỏ những khiếm khuyết mà người sử dụng yêu cầu. Khổ cắt của máy rộng 1,6m hoạt động trên nhiều loại địa hình khác nhau, tiêu hao 15 lít dầu/ha khi thu hoạch, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch thấp. Điều đặc biệt, những chiếc máy ông làm ra trước thời điểm dòng sản phẩm này được nhập từ Nhật Bản về. Máy của ông cũng được xuất khẩu sang Phi-líp-pin 12 sản phẩm. Một số nước và một số tỉnh trong nước cũng tìm đến cơ sở của ông để học tập kinh nghiệm. Nhờ 80% linh kiện sản xuất trong nước, giá thành mỗi chiếc máy không quá đắt, phù hợp với người nông dân.

Tạo điều kiện cho công nhân tự phấn đấu vươn lên lập nghiệp

Công việc thuận lợi, cơ sở của ông phát triển thành Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất, thương mại, dịch vụ Nhựt Thành, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, nhất là các thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ về địa phương. Ông chia sẻ: “Mình có cuộc sống hòa bình hôm nay để làm ăn cũng nhờ sự chiến đấu hy sinh của nhiều đồng chí đồng đội, sự che chở của nhân dân nên tôi nghĩ, khi có điều kiện, mình phải giúp đỡ anh em, con cháu của họ. Bất kỳ ai có nhu cầu, tôi đều thu nhận. Tôi không phân biệt tuổi tác, bố trí công việc phù hợp với từng người. Tôi cũng chăm lo bữa ăn, mua bảo hiểm đầy đủ cho họ”. Chính vì vậy, xưởng của ông, tuy mỗi người một nhiệm vụ nhưng họ luôn xem nhau như chung một gia đình. Ông kể, có một đôi vợ chồng gắn bó với cơ sở của ông rất lâu mà ông không tiện nêu tên. Gia đình họ khó khăn, ngoài bố trí công việc, ông giúp đỡ nhiều mặt khác trong cuộc sống, lo đăng ký kết hôn. Nhiều trường hợp khác, anh em công nhân có tay nghề vững, ông tạo điều kiện cho mở cơ sở riêng ở Tây Ninh, Bến Tre… để tự lập nghiệp. Khó có thể kể hết bao nhiêu trường hợp khó khăn mà CCB Phan Chí Thành đã giúp đỡ, vì với ông, đó là việc “không đáng kể”. Ông muốn giúp “cần câu” để người khó khăn, bộ đội xuất ngũ vượt qua khó khăn, tự phấn đấu vươn lên.

Anh Nguyễn Hoàng Minh Hiền sau khi xuất ngũ tháng 1-2015, đã về làm cho xưởng của CCB Phan Chí Thành. Anh Hiền tâm sự: “Chú Thành là người rất tốt. Là chủ nhưng chú luôn hăng hái làm việc cùng anh em, xem người lao động như con cháu trong nhà. Tôi học ở chú từ tay nghề chuyên môn đến đạo đức, lối sống. Tôi hy vọng bản thân sớm học vững về nghề để giúp đỡ gia đình và người khác theo gương của chú Thành”.

Nhận xét về CCB Phan Chí Thành, đồng chí Dương Văn Thương, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Long An, cho biết: Đồng chí Thành là tấm gương sáng, mẫu mực trong phong trào thi đua yêu nước của Hội CCB tỉnh. Ngoài tham gia nhiệt tình công tác hội, đồng chí Thành sống có tình thương, trách nhiệm với đồng đội, nhất là rất tâm huyết trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp nên chúng tôi thường giới thiệu mô hình của đồng chí Thành với các đơn vị bạn”.

Dù đã bước qua tuổi 62 nhưng CCB Phan Chí Thành vẫn hăng say lao động. Hằng ngày, ông đều vào xưởng làm việc cùng mọi người. Khi thì chỉ dạy, hướng dẫn công nhân, lúc thì tìm tòi nghiên cứu sản xuất ra phụ tùng mới. Ở xưởng của ông, ngoài tiếng búa, tiếng hàn tiện, là tiếng cười rôm rả của một gia đình lớn.

Bài và ảnh: TRẦN TUYẾT