QĐND - Cồn Đen ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình từng là vùng đất ven biển nghèo khó xơ xác một thời, đồng thời cũng là một điểm “nóng” nhiều người chết đói trước Cách mạng Tháng Tám-1945, nay đã trở thành một điểm du lịch mới, hấp dẫn, tấp nập người ghé thăm. Người mang đến sự đổi thay ấy là cựu chiến binh Vũ Trung Kiên, một người lính dám nghĩ, dám làm, tâm huyết với quê hương.
Cõng đá xây kè, lấn biển
Cồn Đen là khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, nhưng cũng là địa danh chứa đầy rủi ro, đen đủi theo quan niệm của người dân nơi đây. Thiên nhiên tàn phá, Cồn Đen xuống cấp, hoang sơ. Cồn Đen cách đất liền hơn 3km, trước kia là bãi cát dài ngút ngàn với diện tích hơn 400ha, nhưng đến năm 2006 có nguy cơ bị xóa sổ vì xâm thực biển, trở nên tiêu điều, xơ xác, rừng phi lao bạt ngàn vẻn vẹn còn 217 cây, diện tích cồn chỉ còn 70ha. Không chịu đứng nhìn món quà quý giá thiên nhiên ban tặng cho quê hương dần dần bị phá hủy, anh Kiên quyết định đầu tư, cải tạo “hòn ngọc” của Thái Bình. Anh đã bán hai tàu vận tải biển lấy tiền lấn biển trong thời điểm vận tải biển đang ăn nên làm ra.
“Thời điểm đó, ai cũng cho là tôi gàn, điên, không thể làm nổi nhưng tôi đã quyết là làm. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khi đó là ông Bùi Tiến Dũng nghe tôi trình bày đã quan tâm, động viên, đồng ý về mặt chủ trương nhưng cũng chưa tin tôi làm nổi”-anh Kiên kể.
Từng là đại đội trưởng chỉ huy cả đại đội thuộc Bộ CHQS tỉnh Thái Bình về cải tạo lại nông trường cói thuộc huyện Tiền Hải năm 1984, anh Kiên là con người "miệng nói, tay làm". Để chinh phục Cồn Đen, anh rời nhà, chỉ huy hơn 100 người thợ ra xây dựng. Ngay ngày đầu tiên, chỗ ăn nghỉ đã bị sóng biển đánh trôi, kể cả quần áo, lương thực, giày dép, nhưng anh không nản chí. Mất 8 tháng trời mới xong việc xây kè chắn sóng. Việc xây dựng hoàn toàn phụ thuộc vào con nước: Nước cạn thì làm, nước lên thì nghỉ, không phân biệt ngày đêm.
 |
Anh Vũ Trung Kiên bên công trình kè chắn sóng. |
Anh Ngô Văn Hải, một công nhân tâm sự: “Ban đầu tôi cũng định bỏ về nhưng ý chí, nghị lực của anh Kiên đã thôi thúc tôi. Những viên đá đầu tiên đặt xuống biển chẳng khác “dã tràng xe cát”, có khi cả một khối đá lớn, sau một đêm đã bị sóng đánh bay mất”.
Đến nay, anh Kiên đã đổ khoảng 100 vạn khối đá để lấn biển, làm đến đâu dứt điểm đến đó để tránh việc đá bị nước cuốn trôi. Ban đầu còn chưa có đường ô tô ra Cồn Đen, việc vận chuyển một khối đá ra đến biển có giá thành gấp tới 10 lần bởi phải thuê nhân công bốc đá lên thuyền, hoặc kéo bằng xe tay.
Sau này, anh Kiên cho tập kết đá ở bến Dâu, dùng thuyền chở từng chút một. Anh còn tích cực trồng cây phi lao, từ 217 gốc còn lại, hiện nay xung quanh Cồn Đen đã có hàng vạn cây, vươn cao che gió bão. Có thời điểm, anh Kiên thuê đến 400-500 nhân công làm việc.
Cồn Đen dần thành “hòn ngọc trắng”
Nguồn kinh phí xây dựng Cồn Đen chủ yếu anh lấy từ lợi nhuận của công ty thủy sản gia đình. Nhưng vốn đầu tư lớn, anh Kiên phải vay mượn khắp nơi, thế chấp cả sổ đỏ của gia đình và người thân để vay tiền ngân hàng đầu tư. Hiện nay, dự án đã hoàn thành phần lớn và đưa vào sử dụng một số hạng mục. Lấy ngắn nuôi dài, anh Kiên và gia đình kinh doanh công ty thủy sản, công ty giống ngao, mở dịch vụ tắm biển, vui chơi tại Cồn Đen để tiếp tục lấy kinh phí cải tạo cồn. Theo dự tính của anh Kiên, khoảng 2 năm nữa dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn diện.
Hằng ngày cùng ăn, cùng làm với công nhân, anh Kiên gắn bó với anh em lao động không chút phân biệt. Sau bữa ăn, ai tự rửa bát người đó, anh cũng không ngoại lệ. Vì đoàn kết, bảo đảm an toàn lao động và gắn bó, tiến độ công trình được đẩy mạnh, nhưng trong suốt 10 năm chưa hề xảy ra thiệt hại nào về người khi xây dựng.
Từ khi biển được kè đê, chắn sóng, nước không xâm thực vào nên rừng ngập mặn phát triển, cua, cáy hồi sinh đem lại nguồn lợi vô cùng lớn cho bà con nơi đây. Cũng nhờ Cồn Đen được chắn sóng mà hình thành một cồn cát khác có tên Cồn Mờ. Từ đây, người dân có được vùng nuôi ngao rộng hàng nghìn héc-ta.
Từ vùng biển với cồn cát hoang sơ, tiêu điều và có nguy cơ bị xóa sổ, đến nay Cồn Đen đã đem lại lợi ích kinh tế lớn cho một vùng, hình thành khu sinh thái biển. Anh Kiên tâm sự: “Tôi muốn đầu tư làm điều gì đó cho quê hương, chứ không muốn để tiền cho con cháu, cho chúng nó học hành bài bản và sức khỏe rồi ra đời tự làm ăn, phát triển”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khôi, Bí thư Đảng ủy xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, cho biết: "Chính quyền và nhân dân rất ủng hộ việc anh Vũ Trung Kiên dám bỏ tiền túi đầu tư vào Cồn Đen, mang lại sức sống mới, vừa tạo ra cảnh quan đẹp, vừa khôi phục được hàng phi lao chắn cát, chắn bão, vừa ngăn được nước biển xâm thực, lại tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Anh Kiên cũng là người thân thiện, hòa nhã và có mối quan hệ tốt với người dân địa phương”.
Bài và ảnh: BÙI TRÍ LÂM