Rong ruổi theo chân họ trên phố cổ Hà Nội chẳng dễ phân biệt họ với những vị khách du lịch khác đến từ phương Tây, thích thú ngồi vỉa hè nhâm nhi cốc trà đá, ngắm người bán hàng rong qua lại; hoặc xùy xụp ăn bún ốc, riêu cua cay xè cùng những gắp rau sống đủ mùi vị…Trong cái dáng vẻ thong thả, giản dị ấy của họ lại ẩn chứa những sáng tạo nghệ thuật không biên giới, để mỗi lần đến Việt Nam, họ lại được chào đón nồng ấm như trở về ngôi nhà thân yêu của mình với những người thân-đồng thời là bạn diễn trên sân khấu tuồng truyền thống. Họ là cặp vợ chồng nghệ sĩ: Alain Destandau và vợ là Bétina Schneeberger đến từ Nhà hát Monte Charge, Pháp.
Mối lương duyên giữa cơm và bít-tết
Cặp nghệ sĩ Alain Destandau và vợ là Bétina Schneeberger đến từ Nhà hát Monte Charge, Pháp.
Đến nay, sau 13 năm đi lại giữa Pháp và Việt Nam, nghệ sĩ Bétina bảo rằng chẳng hiểu sao đã xem rất nhiều loại hình truyền thống của Việt Nam như: Chèo, cải lương, xẩm, ca trù, chầu văn…nhưng lại chọn tuồng để gieo vào đó những sáng tạo nghệ thuật tưởng như vô tận. Mở đầu từ chuyến du lịch xuyên Việt năm 2003, thăm thú những vùng miền văn hóa, sức hút hơn cả đối với cặp nghệ sĩ người Pháp này chính là những mà trình diễn nghệ thuật dân gian của người Việt từ Bắc vào Nam. Ấn tượng với những tiết mục hát bội, hát tuồng dọc các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định…Trở về Pháp, như lời nghệ sĩ Bétina, những âm thanh, hình ảnh của nghệ thuật tuồng luôn xuất hiện trong đầu của cả hai nghệ sĩ, và đến một ngày của năm 2004, khi cả hai cùng trở lại Việt Nam để tìm hiểu tuồng của người Việt. Đề xuất kết hợp thử nghiệm giữa hai loại hình sân khấu kịch mặt nạ và tuồng của cặp nghệ sĩ đã nhận được ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), đặc biệt là sự cởi mở của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tuồng Trung ương, trong đó phải kể đến NSND Lê Tiến Thọ, NSND Hoàng Khiềm, nghệ sĩ Phạm Xuân Sinh, Đỗ Đức Long... “Ô, hay nhất lại là khi ngồi uống bia với các nghệ sĩ, rồi họ dẫn đi chơi ở các nơi, thì mối trăn trở về rào cản ngôn ngữ tan biến khi thình lình ý nghĩ ập đến, diễn viên Việt Nam nói tiếng Việt, còn chúng tôi vẫn nói tiếng Pháp để biểu đạt được câu chuyện đó. Vậy là chúng tôi bắt tay!”-nghệ sĩ Alain cho hay.
Tác giả bài viết này thật may mắn được chứng kiến những bước khởi nguồn của hợp tác giao thoa văn hóa giữa sân khấu tuồng Việt và kịch mặt nạ Pháp, được xem vở diễn “Vòng cát” và ghi nhận tiếng vang của vở diễn trên sân khấu Việt Nam trong sự kết hợp đầy sáng tạo, do chính Alain chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn kiêm diễn viên chính.Sau buổi công diễn đầu tiên trên sân khấu rạp Hồng Hà năm 2005, trình diễn tại Festival Huế năm 2006, rồi tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 2, tháng 12 năm 2006, “Vòng cát” được cho là mối “lương duyên” kỳ diệu giữa tuồng cổ và kịch mặt nạ (vở diễn đã nói được một thông điệp trừu tượng theo cách riêng của mình: Cuộc đời vốn phù du, mọi dục vọng rồi sẽ qua, cái còn lại mãi là vẻ đẹp của tình thương người, của cái thiện chiến thắng cái ác…).
Cặp nghệ sĩ Alain và Bétina vẫn nhớ như in hình ảnh 19 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát tuồng Việt Nam đã cùng trên chiếc xe nghệ thuật của Nhà hát Monte Charge rong ruổi trên các nẻo đường nước Pháp, Tây Ban Nha, Ma-rốc, Mô-na-cô…Đi đến đâu, sau kết thúc biểu diễn là những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả cùng những lời hô vang: Việt Nam! Việt Nam... “Chúng tôi cũng không thể ngờ vở diễn đã đạt được điều kỳ diệu đến như vậy. Từ “Vòng cát”, rồi sau đó là đến “Antigon Việt Nam” (2008), mỗi chuyến lưu diễn, chúng tôi như một gia đình lớn, cùng vào bếp nấu ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhau, chia sẻ mọi câu chuyện về văn hóa, về gia đình. Hầu hết các diễn viên Việt Nam đều xuất thân từ các địa phương, nên mỗi chuyến đi đến Pháp, họ mang theo cả nồi cơm điện để nấu cơm, họ còn mang cả rau muống, rau dền, rau bí, hành, tỏi…còn chúng tôi thì góp vào thực đơn món bò bít- tết, dần dần chúng tôi gọi vui với nhau đây là: Sân khấu kết duyên từ cơm và bít-tết”-nghệ sĩ Bétina sôi nổi kể.
Những đại sứ của tình hữu nghị
Mỗi khi đến Việt Nam, do điều kiện dàn dựng vở diễn tập trung tại rạp Hồng Hà (phố Đường Thành, Hà Nội), nên cặp nghệ sĩ Pháp thường chọn một ngôi nhà nhỏ trên phố Bát Đàn, để thuận lợi cho công việc thưởng thức các món ăn của phố phường Hà Nội. Bétina rất thích chụp ảnh, và phần nhiều những hình ảnh bà chụp, lưu trong chiếc Ipad nhỏ là những luống rau dền, rau muống, ngô, khóm tre…được đôi nghệ sĩ đưa từ Việt Nam trồng trong ngôi nhà ở miền Tây nước Pháp.“Khi chúng tôi bắt tay vào dàn dựng vở diễn, hoặc bắt đầu chuyến đi, các nghệ sĩ Việt Nam thường thắp hương để xin đoàn đi được bình an, gặp may mắn, họ giảng giải cho chúng tôi về phong tục thờ cúng Hùng Vương và thờ ông bà tổ tiên của người Việt. Ngay khi diễn thành công vở “Vòng cát” ở Pháp, chúng tôi đã lập bàn thờ trong ngôi nhà của mình. Một truyền thống rất hay và có giá trị tinh thần của người Việt mà không nhiều quốc gia có được, nhất là các quốc gia phương Tây chúng tôi. Thế nên, Tết cổ truyền của người Việt gần chục năm nay đã hiện diện trong gia đình chúng tôi, những ngày tết Bétina và các cháu gái mặc áo dài rất đẹp, buổi sáng ngày đầu năm mới chúng tôi thắp hương cầu khấn ông bà tổ tiên của mình phù hộ cho con cháu sức khỏe, sống yên vui hạnh phúc”-nghệ sĩ Alain cho hay.
Cảnh trong vở diễn “Vòng cát”
Những câu chuyện trong việc dàn dựng “Vòng cát” và “Antigon Việt Nam”còn là những ví dụ tiêu biểu của việc kết hợp và phát huy nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trong thời đại hội nhập, để Alain và Bétina làm những bài tham luận, phát biểu tại các cuộc hội thảo, triển lãm về văn hóa, nghệ thuật ở các kỳ cuộc tại Pháp và các quốc gia châu Âu khi có cơ hội được tham dự. Ngay cả bộ trang phục của nghệ sĩ, diễn viên trong vở diễn “Antigon Việt Nam” do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện sau khi hoàn thành xứ mệnh với vở diễn, đã được đưa đi trưng bày triển lãm tại Bảo tàng quốc gia của Pháp-đây là bảo tàng duy nhất ở châu Âu có khu vực trưng bày, lưu giữ những trang phục của nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng của các nước và châu Âu.
Sáng tạo nghệ thuật trong sự kết hợp xuyên biên giới cùng sự đóng góp không ngừng nghỉ của cặp đôi nghệ sĩ Pháp cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa năm 2008, sau sự thành công vang dội của vở diễn “Antigon Việt Nam”. Năm 2014, Alain và Bétina được Bộ Văn hóa Pháp tặng Huân chương văn hóa vì những cống hiến cho sự nghiệp văn hóa quốc gia và hợp tác giao lưu văn hóa quốc tế. Nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam có thời gian dài gắn bó với các dự án của nghệ sĩ Alain và Bétina, đã khâm phục sự nhiệt huyết đam mê của cặp nghệ sĩ này: “Nhiều lúc tôi nói vui rằng, Alain và Bétina đã bị Việt Nam hóa. Họ không phải là những nghệ sĩ giàu có hay là nghệ sĩ ngôi sao ở Pháp, nhưng tấm lòng của họ rất đáng trân trọng. Cùng với các nghệ sĩ của Việt Nam, họ đã đồng hành từ “thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn Hà Nội, đến các sân khấu dàn dựng trên thửa ruộng bậc thang của đồng bào vùng núi Sa Pa (Lào Cai), Huế, TP Hồ Chí Minh…và trên hết, họ đã đưa các vở diễn vươn xa khỏi biên giới, đi lưu diễn khắp nước Pháp, Ma-rốc, Mô-na-cô…với hàng trăm buổi diễn cùng nguồn kinh phí thu lại qua bán vé đã tạo nên sự bất ngờ cho cả chính những người sáng tạo và dàn dựng nên “Vòng cát” và “Antigon”. Họ chính là những đại sứ của tình hữu nghị”.
Và một điều thật bất ngờ trong những ngày cuối năm 2015, khi tác phẩm “Mùa lúa” của nghệ sĩ Alain đã được đích thân NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chọn lựa để đặt hàng dàn dựng vở diễn. Đây là tác phẩm được nghệ sĩ Alain tham gia trại sáng tác kịch bản của Hội tổ chức mùa hè vừa qua tại trại sáng tác văn học nghệ thuật Đại Lải. Tác phẩm kể câu chuyện về đất nước Việt Nam với bốn mùa: Xuân-hạ-thu-đông đã trải qua rất nhiều biến thiên của lịch sử, trong những cuộc đấu tranh chống quân xâm lược người Việt Nam luôn phát huy sức mạnh đoàn kết để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền văn hóa truyền thống…Điều đặc biệt mà nghệ sĩ Pháp muốn gửi gắm thông điệp đến khán giả, nhất là thế hệ trẻ của Việt Nam rằng, những mùa lúa luôn gắn liền với đất đai mà hàng nghìn năm qua được truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác, những người trẻ hôm nay phải biết gìn giữ, muốn xây dựng, phát triển cho tương lai thì không bao giờ được quên quá khứ… “Khi bắt tay làm việc với các bạn Việt Nam, tôi đã học ở họ rất nhiều điều. Sau 38 năm theo đuổi nghệ thuật sân khấu, đôi lúc tôi nhìn lại, cái tôi không có là đồng hồ Rolex-món đồ thường có trên cổ tay của những ngôi sao, nghệ sĩ hoặc người Pháp yêu thích, thể hiện sự giàu có, mà tôi thấy hài lòng là mình đang rất giàu có trong sự giao lưu, gặp gỡ cùng tình cảm với những người nghệ sĩ, diễn viên cùng có niềm đam mê sân khấu, nghệ thuật. Tôi đã có một cuộc đời sống đẹp!”.
Theo kế hoạch, “Mùa lúa” sẽ được nghệ sĩ Alain, Bétina và Nhà hát tuồng Việt Nam bắt tay dàn dựng sau những ngày Tết nguyên đán, để kịp thời công diễn dịp Festival Huế tháng 5-2016.
Bài, ảnh: VƯƠNG HÀ