Với truyền thống gia đình 5 đời làm nghề y và kinh nghiệm của mình, từ năm 1999 đến nay, lương y Hoàng Đình Ngũ đã chữa trị khỏi bệnh bướu cổ và cơ, xương khớp cho nhiều người quanh vùng và các địa phương. Không chỉ giỏi về y thuật, ông còn được nhiều người biết đến với việc chữa bệnh cứu người và hoàn toàn miễn phí với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

19 năm học để giữ nghề làm phúc

Trong một lần gửi bưu kiện tại Bưu điện xã Tân Mỹ, tôi tình cờ chứng kiến một người đàn ông nâng niu một túi hàng trong đó có nhiều túi nhỏ và cẩn thận đóng trong một chiếc hộp các-tông chắc chắn gửi vào Thanh Hóa. Tò mò, tôi dò hỏi nhân viên bưu điện thì được biết lương y Hoàng Đình Ngũ là người vẫn hay ra đây gửi thuốc cho bệnh nhân ở xa, lần này ông gửi thuốc miễn phí vào Thanh Hóa để chữa trị cho một bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn...

Tôi tìm về nhà lương y Hoàng Đình Ngũ trong những ngày cuối đông năm Ất Mùi, không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán Bính Thân làm cho mọi thứ dường như vội vã và gấp gáp hơn. Tôi đến nơi ông làm việc, đồng thời cũng là nhà ông ở vào thời điểm gần trưa. Sự vội vã và gấp gáp trong tôi bị xua tan khi chứng kiến sự điềm tĩnh, ân cần và tận tụy của ông đối với các bệnh nhân. Ông đón tiếp tôi vui vẻ và gần gũi khi đã thăm khám xong cho hơn chục người trong buổi sáng.

Ông Hoàng Đình Ngũ (bên trái) trong một lần thăm khám bệnh nhân. 

 

Qua câu chuyện cởi mở, tôi được biết: Ông Hoàng Đình Ngũ sinh năm 1963 trong một gia đình có truyền thống về y học cổ truyền. Ông tổ nghề trong gia đình là lương y Hoàng Đình Tư (1803-1869), chuyên chữa và điều trị hiệu quả các bệnh về bướu cổ và cơ, xương khớp. Y thuật và kinh nghiệm của gia đình được bồi đắp qua các thế hệ. Đến đời ông Hoàng Đình Ngũ là đời thứ 5. Tâm sự về quá trình đến với nghề thầy thuốc, ông cho biết: “Tôi là con thứ trong gia đình, lẽ ra y thuật sẽ được truyền lại cho bác trưởng, nhưng vì lý do cá nhân nên y thuật được các cụ truyền lại cho tôi. Ngày còn trẻ, tôi nuôi hy vọng làm kinh tế bằng kinh doanh, “phi thương bất phú” mà. Nhưng khi các cụ quyết định truyền nghề cho mình, thực sự ngay lúc đó tôi cũng không vui vì mình thích kinh doanh hơn. Sau khi được các cụ phân tích về tâm, đức của người thầy thuốc và trọng trách giữ nghề mà tổ tiên truyền lại, tôi đã toàn tâm toàn ý với nghề. Gìn giữ tinh hoa y học mà tổ tiên truyền lại, lấy tâm, đức để hành nghề tạo phúc cho đời. Trải qua 16 năm học với sự chỉ bảo của các cụ, tôi đã lĩnh hội được rất nhiều cả về y thuật cũng như cái tâm, cái đức trong nghề...”. Khi được hỏi về hy vọng làm kinh tế lúc trẻ, ông Ngũ cho biết: “Tôi làm thầy thuốc để giữ nghề, đem những gì mà tổ tiên truyền lại để chữa bệnh cứu người chứ không phải làm giàu. Chữa bệnh cho bệnh nhân là trách nhiệm của người thầy thuốc. Tiền thì ai cũng cần nhưng lúc nào cũng nghĩ đến tiền thì không nên làm thầy thuốc”.

"Ngoài học nghề từ gia đình, ông còn học từ đâu nữa không?"-Tôi hỏi ông. Ông Ngũ cho biết: “Ngoài kiến thức các cụ truyền lại, tôi còn học từ một thầy thuốc người Trung Quốc trong 3 năm. Và quan trọng là mình biết tích lũy kinh nghiệm qua việc cắt thuốc, chữa trị cho từng bệnh nhân...".

Tôi đề nghị được xem phòng khám, ông Ngũ không ngần ngại mời tôi tự nhiên như ở nhà. Căn phòng lớn được chia làm nhiều phòng nhỏ với các chức năng khác nhau như: Phòng mạch, phòng giác hơi, phòng châm cứu-bấm huyệt, phòng  thuốc… Trong các phòng có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ việc khám và điều trị. Khi được hỏi về thành phần các loại thuốc, ông Ngũ cho hay: “Tất cả các vị thuốc đều là thuốc Nam, có vị là cây nhà lá vườn, có vị phải lên tận rừng sâu mới có. Sau khi lấy về, các vị thuốc được sơ chế đúng cách. Từ những vị thuốc đó kết hợp lại tạo thành bài thuốc phù hợp để trị bệnh có hiệu quả”. Điểm qua sổ thăm khám bệnh trong năm 2015 vừa qua, số bệnh nhân đến thăm khám đã tới hàng nghìn người ở các vùng, miền, địa phương khác nhau. Xa thì có Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, gần thì có Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn…

Tại nhà ông Ngũ, ông Đoàn Văn Đông trú tại Trại Cháy, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang sau khi được ông Ngũ khám xong cho biết: “Tôi bị viêm khớp dạng thấp. Hậu quả là khớp đầu gối và các khớp ở tay bị sưng tấy không thể tự đi lại được. Khi điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tình chỉ đỡ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Qua một người bạn, tôi tìm đến và được thầy Ngũ chữa trị đến nay đã 6 tháng. Hiệu quả thì như anh thấy đấy, tôi đang ngồi đây nói chuyện với anh...", ông Đông cười trong hạnh phúc.

Giúp người đâu cần phải biết mặt

Hỏi lại chuyện gửi thuốc tại bưu điện xã Tân Mỹ, ông Ngũ cho biết, bệnh nhân là anh Phạm Minh Tám, sinh năm 1973, trú tại thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và là người quen của một bệnh nhân. Trước khi được ông điều trị, anh Tám được bệnh viện kết luận là đột quỵ não, biểu hiện ra ngoài là chân tay bị teo cơ, co quắp không thể đi lại được và thường xuyên bị co giật toàn thân.

Ông Nguyễn Văn Trọng, trú tại 95b Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội là bệnh nhân đã được ông Ngũ chữa trị khỏi bệnh viêm đốt sống cổ. Trong quá trình chữa bệnh, ông Trọng có kể với  ông Ngũ về bệnh tình của anh Tám, một người thân của gia đình quê ở tận Thanh Hóa, người bị bệnh sau tai nạn sặc thức ăn vào phổi... Từ lời kể về những biểu hiện cũng như quá trình dẫn đến tình trạng hiện nay của anh Tám, ông Ngũ kết luận bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn động kinh cần phải chữa trị ngay mới kịp. Khi biết anh Tám là trụ cột trong gia đình có mẹ già 85 tuổi đã bị lẫn và con còn rất nhỏ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ông Ngũ quyết định chữa miễn phí cho anh. Ông Ngũ xin số điện thoại, liên lạc với anh Tám nghe kể về tình trạng bệnh tình... Ông động viên anh Tám, hứa giúp đỡ điều trị cho anh miễn phí. Hằng tuần ông bốc thuốc, sắc gửi thuốc vào cho anh Tám, hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách sử dụng và thường xuyên thăm hỏi tình hình của bệnh nhân qua điện thoại để điều chỉnh liều lượng thuốc. Ông rất mừng là sau một thời gian uống thuốc, sức khỏe của anh Tám đã chuyển biến tốt. Khi được hỏi về chi phí cho mỗi lần gửi thuốc cho anh Tám, ông Ngũ chia sẻ: “Trong bài thuốc ấy, có vị tôi phải đi mua, có vị tôi tự lấy được cộng cả tiền gửi bưu điện thì hết khoảng hơn 300.000 đồng/lần, nhưng tôi chả mong gì hơn là bệnh nhân hồi phục sức khỏe. Đó mới là điều quan trọng”.

Từ khi được thầy Ngũ điều trị, đến nay đã được gần ba tháng, anh Tám đã dần hồi phục sức khỏe. Cơ tay, chân đã phát triển trở lại, tình trạng co giật đã thuyên giảm đáng kể, bệnh đang tiến triển theo chiều hướng tốt. Khi được hỏi qua điện thoại về cảm nghĩ đối với lương y Hoàng Đình Ngũ, anh Tám giọng xúc động: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi và gia đình không biết nói gì hơn, chỉ rất cảm ơn tấm lòng của lương y Hoàng Đình Ngũ cùng gia đình ông. Mong muốn được thầy Ngũ tiếp tục điều trị để tôi mau chóng khỏi bệnh.  Nhất định gia đình sẽ thu xếp trực tiếp ra tận nhà để cảm ơn thầy Ngũ”.

Qua tìm hiểu, tôi được biết không chỉ có trường hợp của anh Tám được chữa trị miễn phí mà còn rất nhiều bệnh nhân khác nữa như: Chị Nguyễn Thị Thuyết ở xóm Lò, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang bị bệnh bướu cổ; bà Dương Thị Xe trú tại xóm Tân Phượng, xã Tân Mỹ bị bệnh viêm khớp; anh Nguyễn Văn Quý trú tại xóm Đồng Giành, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bị bệnh bướu cổ… Cứ trường hợp có hoàn cảnh khó khăn là ông Ngũ đều chữa trị miễn phí.

Ông Lê Văn Tuyên hiện là Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang cho biết: “Ông Ngũ là người hiền lành, nhân hậu, sống rất tình nghĩa. Về nghề nghiệp, ông Ngũ có tiếng là giỏi và rất tận tâm với nghề. Cũng vì thế mà rất nhiều người tìm về nhà ông, người thì cảm ơn, người thì chữa bệnh. Nhà ông ấy lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Nhân dân trong thôn ai cũng kính trọng và nể phục tài, đức của ông ấy...".

Với sự tận tâm, tận lực trong nghề, lấy cái tâm, cái đức giúp người, giúp đời, tháng 11-2015, Tạp chí Môi trường và Sức khỏe đã phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Y học vì sức khỏe cộng đồng”. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng và vinh danh lương y Hoàng Đình Ngũ là một trong những bác sĩ, danh y, thầy thuốc tiêu biểu có nhiều thành tích trong sự nghiệp y học cứu người.

 

Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM