QĐND - Hơn 8 năm qua, có một người thầy đã tự nguyện bỏ công sức để miệt mài, bền bỉ dạy bơi miễn phí cho hơn 200 học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở các xã ven sông Hồng như Cao Đại, Thượng Trưng, Tân Cương... thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, đó là anh Đặng Quang Khắc, giáo viên môn Thể dục, Trường THCS Phú Thịnh, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường.

Ám ảnh những cái chết thương tâm

Theo giới thiệu của đồng chí Đặng Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tôi tìm đến Đội 9, xóm Sông Hồng, xã Cao Đại. Bước đến đầu ngõ, tôi gặp một tốp trẻ đang chơi bắn bi chừng chín, mười tuổi. Khi nghe hỏi thăm đến nhà thầy Khắc, một cháu bé trong nhóm nhanh nhảu:

- Nhà thầy Khắc dạy bơi hả chú? Chú đi theo cháu ạ!

Cậu bé dẫn tôi đến trước một ngôi nhà ngói có chiếc cổng sắt cũ kỹ, ra mở cổng là một bà cụ lưng hơi còng, tóc bạc trắng. Hỏi ra mới biết, bà là Phùng Thị Tuyết, 73 tuổi, mẹ của người thầy dạy thể dục nổi tiếng khắp vùng. Bà cụ vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa chỉ tay ra phía bờ sông:

- Mấy thầy trò chúng nó lại kéo nhau đi bơi rồi. Hôm nào chẳng thế. Hết dạy học trên trường lại về dạy bơi ngoài sông. Tôi ở nhà lo cơm nước cho hai vợ chồng nó, để nó đi bơi về là có cơm ăn ngay. Anh ra ngoài ấy mà hỏi chuyện, ngồi đây đợi phải đến tối.

Theo tay bà cụ chỉ, tôi tìm ra khu vực “huấn luyện bơi” của thầy trò Đặng Quang Khắc. Đó là một con lạch giáp bờ sông, rộng chừng vài trăm mét vuông, nước trong đến mát mắt. Từ lâu, con lạch này đã trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên, là “khoảng trời riêng thân thuộc” của thầy Khắc và lũ trẻ trong vùng. Trừ những ngày mưa bão thì thầy trò mới nghỉ tập, còn lại đều đặn chiều nào thầy trò cũng gặp nhau. Dường như dạy bơi, học bơi đã thành nhu cầu, thói quen vận động không thể thiếu đối với thầy trò Đặng Quang Khắc.

Vừa hướng dẫn một cháu gái chừng bảy, tám tuổi động tác bơi ếch, thầy Khắc vừa bảo: “Thầy trò mình không có điều kiện đến các bể bơi ngoài thành phố nên đành lợi dụng con lạch này để học bơi. Được cái nước trong con lạch này khá sạch”. Chị Hoàng Thị Thao Ly, trú tại thị trấn Vĩnh Tường, chia sẻ: “Trông chờ vào mấy sào ruộng chẳng đủ ăn, nên vợ chồng tôi thường xuyên phải chạy chợ kiếm thêm đồng ra đồng vào. Vì vậy, mấy đứa nhỏ đều cậy nhờ ông bà trông nom giúp. Các cụ thì mắt mờ chân chậm, quanh nhà thì toàn là ao với hồ, chỉ sơ sẩy một tý là các cháu gặp nguy hiểm ngay. Vì vậy, nhân lúc nghỉ hè, tôi quyết định đến nhờ thầy Khắc dạy bơi cho cháu. Mới học được gần một tuần mà cháu đã biết bơi rồi đấy, mừng quá chú ạ!”.

Thầy Đặng Quang Khắc hướng dẫn một cháu học sinh trên địa bàn học bơi.

Khi được hỏi về lý do mở lớp dạy bơi miễn phí này, nét mặt của thầy Khắc bỗng trở nên trầm buồn, ánh mắt nhìn xa xa phía mặt sông nước đang cuồn cuộn chảy. Thầy Khắc chậm rãi kể: Cách đây khoảng hơn chục năm, địa bàn xã mình và mấy xã lân cận liên tục xảy ra trường hợp trẻ con bị đuối nước. Nhiều cái chết vô cùng thương tâm, nó ám ảnh mình đến tận bây giờ. Mình nhớ nhất là trường hợp cách đây tròn mười năm, có hai gia đình cùng xóm với mình đều bị mất con do đuối nước. Đặc biệt, một trong hai gia đình ấy có tới ba đứa trẻ bị chết cùng một lúc. Tìm hiểu mình được biết, lúc nô đùa giáp bờ sông, một cháu sơ ý ngã xuống nước, hai cháu còn lại lao xuống cứu nhưng do không biết bơi nên thảm cảnh đau lòng đã xảy ra. Đến bây giờ, dù sự việc xảy ra đã lâu, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp người mẹ của ba đứa trẻ tội nghiệp ấy ra phía bờ sông lẩn thẩn gọi tên con mình…

Mở lớp dạy bơi miễn phí vì thương yêu trẻ

Qua chuyện kể của thầy Khắc, chúng tôi được biết, sau vụ việc đau lòng trên, thầy nghĩ ngay đến việc phải làm gì đó để giúp trẻ con trong làng, ngoài xã biết bơi để có thể tự bảo vệ bản thân mình. Cơ hội đã đến khi năm 2007, thầy Khắc được nhà trường cử đi tập huấn lớp cứu hộ, cứu nạn và phòng chống đuối nước ở tỉnh Thái Bình. Tại đây, thầy được huấn luyện tất cả các kiểu bơi, các cách ứng cứu dưới dòng nước. Đợt tập huấn kết thúc cũng là lúc lớp dạy bơi của thầy ra đời. Ban đầu, lớp học chỉ có 1, 2 em, dần dần tiếng lành đồn xa, bà con trong vùng ai cũng tin tưởng mang con đến nhờ thầy dạy bơi. Vì vậy, lớp học của thầy ngày càng đông học sinh với đủ mọi lứa tuổi, trong đó có những cháu chỉ mới 5-6 tuổi. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn và chất lượng, mỗi một lớp thầy chỉ nhận 2-3 em, dạy đến khi biết bơi rồi mới nhận tiếp.

Thầy Khắc tâm sự: “Mặc dù dạy các em học bơi ở sông, hồ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, chỉ cần sơ suất, không để ý một chút có thể xảy ra sự việc đáng tiếc. Tuy nhiên, cái hay khi bơi ở sông, hồ là sát tình huống thực tế, có tính ứng dụng cao. Để tránh các nguy cơ rủi ro, với những em mới học bơi, mình bắt buộc các em phải mặc áo phao. Quá trình dạy, mình luôn theo sát học sinh, vừa giúp các em vững tâm, vừa phát hiện sai sót để kịp thời chỉnh sửa, rút kinh nghiệm. Học bơi vốn không dễ dàng, bơi ở sông, hồ lại càng khó hơn, nên yêu cầu đầu tiên đối với các em là phải có sức khỏe và ý chí tốt”.

Cũng theo thầy Khắc, lứa tuổi để học bơi thích hợp nhất là ở độ tuổi học sinh tiểu học, bởi ở độ tuổi này, các em có đủ điều kiện về thể chất và sức khỏe. Em Đỗ Việt Nhật, học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường cho biết: “Cháu học thầy Khắc được gần một tháng rồi. Ban đầu cháu sợ lắm, còn không dám xuống nước cơ, nhưng thầy lúc nào cũng động viên rồi hướng dẫn cháu từng tý một, thế là sau hai tuần cháu đã biết bơi đấy!”. Nói đoạn, cậu bé nhảy ùm xuống nước, bơi một mạch ra đến giữa con lạch rồi quay lại tủm tỉm cười, hồn nhiên khoe: “Đấy, chú thấy cháu bơi có giỏi không?”.

Quan sát kỹ quá trình thầy Khắc hướng dẫn các cháu nhỏ học bơi, chúng tôi không khỏi cảm phục trước sự gần gũi, chu đáo, tận tâm của thầy dành cho những học trò của mình. Không cần những trang giáo án cầu kỳ, thầy Khắc dạy bơi cho các học trò bằng việc phân tích nhanh lý thuyết, kết hợp với động tác thực hành là chủ yếu. Tuy nhiên, quy trình dạy bơi của thầy cũng hết sức khoa học, không kém gì các huấn luyện viên chuyên nghiệp tại các trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, tỉnh.

Nói về quy trình này, thầy Khắc cho biết: Bước đầu tiên của việc dạy bơi là phải hướng dẫn cho trẻ cách tập nhịn thở trên cạn, nhịn thở dưới nước; tiếp theo là tập động tác bo gối, giang tay, giang chân, nổi bồng bềnh và tập lướt trên mặt nước… cuối cùng là bài tập tổng hợp trên cạn, dưới nước. Khi các em đã biết bơi, thầy sẽ dạy các trò nhiều kiểu bơi khác nhau. Đầu tiên là bơi ếch, tiếp đó là bơi sải, bơi ngửa, bơi tự do… Theo thầy Khắc, nếu thực hiện đúng các quy trình như trên, với những đứa trẻ có năng khiếu và kiên trì thì chỉ một, hai ngày là có thể biết bơi. Tuy nhiên, cũng không ít cháu tâm lý rất nhút nhát, chóng nản, dễ bỏ cuộc. Với trường hợp này, thầy Khắc kiên trì thuyết phục, nhẹ nhàng hướng dẫn, thường xuyên khích lệ, động viên tinh thần để các cháu có thêm quyết tâm học bơi. Nhờ đó, 100% các cháu học sinh được bố mẹ đưa đến nhờ thầy hướng dẫn đều vượt qua mặc cảm, học bơi thành công.

Bồi dưỡng thêm kỹ năng sống cho các em

Theo thầy Đặng Quang Khắc, nếu chỉ dạy cho các em nhỏ biết bơi thôi thì chưa đủ, mà còn phải dạy các em biết cách phòng chống đuối nước, cách tự cứu mình và cứu người khác khi gặp nguy hiểm. Thực tế cho thấy, một nguyên nhân dẫn đến đuối nước không thể không nhắc đến đó là bị “chuột rút”. Gặp phải tình huống này, nhiều người dù bơi giỏi đến mấy, nhưng nếu không có kỹ năng thì cũng dễ thiệt mạng. Có đến hơn 90% những người bị “chuột rút” trong quá trình bơi cầm chắc cái chết nếu không được cứu kịp thời. Để đối phó với tình huống này, ngoài việc dạy các em học sinh biết bơi các dạng khác nhau, thầy Khắc còn hướng dẫn các em biết cách bơi nguyên tay, hoặc bơi nguyên chân. Với kiểu bơi này, nếu không may gặp tình huống “chuột rút”, các em có thể bình tĩnh tự bơi vào bờ, hoặc chờ được ứng cứu.

Nhân lúc giải lao, như để “sát hạch” kiến thức và kỹ năng sống của học sinh trước sự chứng kiến của tôi, thầy Khắc ra một tình huống giả định: “Khi các em đang đi trên đường, bỗng phát hiện một em bé bị ngã xuống ao, nguy cơ sẽ bị đuối nước. Các em phải làm những động tác gì?”. Không phải suy nghĩ lâu, cháu Nguyễn Châu Anh, học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Vũ Di, huyện Vĩnh Tường xung phong trả lời: “Dạ thưa thầy, theo em, lúc ấy mình phải thật bình tĩnh tìm một cây sào hoặc một sợi dây chắc chắn ném ra cho bạn ấy bám vào ạ!”. Ngồi cạnh Châu Anh, một cậu bé khác cũng sôi nổi tham gia ý kiến: “Theo tớ, mình phải khẩn trương bơi ra kéo bạn ấy vào bờ, vì sợ lúc tìm được mấy thứ đó quay lại thì bạn ấy đã… chìm nghỉm rồi!”. Các học sinh khác trong lớp cũng thi nhau giơ tay xin phát biểu, khiến buổi ngoại khóa càng thêm sôi nổi.

Đợi các em học sinh trình bày xong ý kiến của mình, thầy Khắc mới ôn tồn giảng giải: “Cách làm của các em đều tốt cả, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình với người bị hoạn nạn. Như thế là rất tốt. Theo thầy, biện pháp tốt nhất là sử dụng cây sào, hoặc sợi dây dài như cách của bạn Châu Anh. Vì các em bơi chưa giỏi mà đã vội lao ra cứu bạn, mà lại cứu không đúng cách rất dễ bị nạn theo bạn. Cách nữa, các em phải thật nhanh chóng chạy đi gọi người lớn đến cứu người, các em rõ chưa nào?”.

Chia tay thầy trò Đặng Quang Khắc, tôi nhớ mãi những lời gan ruột của đồng chí Chủ tịch UBND xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường khi nói về người thầy giàu lòng nhân ái này: “Trẻ con trong xã Cao Đại giờ không cháu nào là không biết bơi. Lâu lắm rồi bà con ở địa phương này không còn bị ám ảnh bởi những cái chết thương tâm do đuối nước. Tất cả những điều đó đều nhờ công thầy Khắc đấy! Không chỉ có việc làm tốt đẹp đó, thầy Khắc còn là một giáo viên dạy giỏi và 8 năm liền được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG