QĐND - Gần 30 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, già làng Lầu Xây Phia đã vận động nhiều người cai nghiện, bỏ cây thuốc phiện, bỏ tập quán du canh, du cư; vận động bà con xuống núi ổn định cuộc sống, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, vận động bà con đi học chữ… Cả cuộc đời già Phia gắn bó với Nậm Càn giờ đây đã xanh màu cây lúa, cây rừng…

Tiếng nói của già Phia

Chúng tôi được tiếp xúc với già làng Lầu Xây Phia trong buổi gặp mặt già làng, trưởng bản tiêu biểu trên địa bàn Quân khu 4. Già làng Xây Phia năm nay đã gần 70 tuổi mà đôi mắt vẫn sáng như mắt con chim cắt, bắp chân vẫn cứng như cây lim, cây táu.

Già làng Lầu Xây Phia làm Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn từ năm 1976 đến 2005. Giờ tuy đã nghỉ hưu nhưng ngày ngày, già Phia vẫn vượt con suối, con khe, đi khắp làng trên xóm dưới để nói cái lẽ phải cho dân nghe. Gia đình ông có 6 đảng viên, 5 người con học đại học. Ở Nậm Càn, ông là người có uy tín nhất, ông nói gì bà con đều “ưng cái bụng”.

Già làng Lầu Xây Phia (người đầu tiên, hàng thứ nhất bên trái) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân khu 4. Ảnh: LÊ ANH TẦN

Những ngày mới là một cán bộ xã, bản thân già Phia luôn băn khoăn, trăn trở tại sao bà con nhân dân vẫn bị cái đói, cái nghèo hoành hành, con cháu thường bỏ học giữa chừng, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, nghe kẻ xấu lôi kéo, xúi giục và tiếp tế, bán thuốc men, lương thực, thực phẩm cho bọn phỉ, di cư trái phép của đồng bào Mông vẫn còn diễn ra làm cho an ninh chính trị trên địa bàn diễn biến phức tạp. Già Phia đã tìm ra nguyên nhân chủ yếu là do trình độ nhận thức của bà con còn thấp, kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, dẫn đến nghe và tin kẻ xấu xúi giục. Già Phia tìm cách gần gũi bà con, để tuyên truyền và vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần chưa hiểu thì nói hai, ba lần.

Già Phia ngậm ngùi nói: “Vài chục năm trước, Nậm Càn hầu như không có người đi học chữ. Học chữ để làm gì? Không ai trả lời được. Con gái 12-13 tuổi đã bị bắt làm vợ. Con trai 13-14 tuổi rủ nhau đi bản nọ, bản kia thổi khèn, chọc vách để tìm cách bắt vợ. Cuộc sống cứ theo mãi cái vòng luẩn quẩn. Cái nghèo cứ nối nhau từ các gia đình trẻ với con đàn cháu đống”. Từ đó, ông đã tích cực vận động nhân dân và con cháu đến trường học lấy cái chữ để sau này làm cán bộ, không để thất học, mù chữ, nhằm nâng cao trình độ nhận thức, hiểu được cái đúng, biết được cái sai để không bị kẻ xấu xúi giục, lừa gạt. Ông cũng vận động bà con đóng góp công sức cùng Nhà nước xây dựng trường học, trạm xá cho con em Nậm Càn đến trường học chữ. Cùng với bộ đội giúp tiền, giúp gạo cho các em ăn trưa, các giáo viên tận tình nên phong trào học tập được mọi người trong bản nhiệt tình hưởng ứng, tất cả con em trong độ tuổi đến trường đều được đi học. Nậm Càn bây giờ tự hào vì có nhiều con em đã trở thành giáo viên, kỹ sư.

Để xóa được cái nghèo, già Phia bắt đầu bằng việc tuyên truyền bà con tránh xa cây thuốc phiện. Khó khăn nhất là trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế, trong khi đây là thói quen, tập tục bám rễ ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con nên không ít lần già Phia thất bại. Ngày đó, mọi người không tin là vì bố đẻ của ông cũng là một người nghiện, thậm chí nghiện lâu năm. Già Phia cũng chẳng biết rõ ông cụ nghiện từ bao giờ, chỉ biết rằng cụ đã 84 tuổi và có hơn 40 năm sống bên bàn đèn thuốc phiện. Trước sự phản ứng của bà con đối với việc xóa bỏ cây thuốc phiện, ông đã có quyết định táo bạo là phải vận động người trong gia đình mình cai nghiện rồi mới mong vận động được mọi người.

Vậy là già làng Lầu Xây Phia thuyết phục bố mình xuống núi cai nghiện. Ban đầu, bố ông phản đối ra mặt nhưng lòng kiên trì của già Phia đã chiến thắng. Già Phia vẫn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, khi sương mù còn bao phủ núi rừng, già Phia đã đưa bố mình xuống Mường Xén (thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) để cai nghiện. Có người thông cảm nhưng có người cho rằng Nậm Càn đã bị “động rừng”. Một thời gian sau, thấy bố của già Phia trở về, da dẻ hồng hào hơn trước, bà con mới tin, nhiều người cũng theo đi cai nghiện. Tuy nhiên, người Mông xưa nay vẫn có thói quen sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng cuối nguồn để trồng cây thuốc phiện, do đó già Phia lại nghĩ đến việc vận động bà con xuống núi để ổn định cuộc sống.

Việc vận động bà con xuống núi, xóa bỏ cây thuốc phiện không phải chuyện dễ dàng bởi tập quán du canh, du cư đã có từ ngàn đời. Già Phia đến từng nhà vận động, tổ chức họp đảng viên, quần chúng, trong đó lấy người cao tuổi làm nòng cốt, gương mẫu làm trước, sau đó từng bước vận động bà con làm theo. Ông đã vận động anh em, con cháu trong gia đình mình di chuyển nhà từ núi cao xuống vùng thấp trồng lúa nước, trồng cỏ voi chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê… những điều trước đây đồng bào Mông chưa từng làm. Nhiều bà con trong bản đã làm theo, hiện nay, các hộ dân đã ổn định nơi ở, đã khai hoang được 20ha ruộng nước, khoanh nuôi 200ha rừng, bình quân mỗi hộ nuôi 5-10 con dê, 3-5 con trâu, bò…

Bằng sự hiểu biết, kinh nghiệm và uy tín của mình, già Phia đã chia sẻ những gì mình biết với bà con mọi lúc, mọi nơi như khi hội họp, lễ hội hoặc trò chuyện trong cuộc sống hằng ngày. Già Phia đã khéo léo tuyên truyền, vận động nhân dân làm kinh tế và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình theo cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4, Tổng đội Thanh niên xung phong 10, Bộ đội Biên phòng, cán bộ kỹ thuật huyện như mô hình trồng gừng, dong riềng, chè tuyết san, chăn nuôi lợn, gà đen trở thành hàng hóa giá trị kinh tế cao, đời sống kinh tế phát triển, giảm bớt tình trạng di cư tự do sang Lào. Đến nay, trên địa bàn đã xóa được 100% diện tích trồng cây thuốc phiện trước đây, không trồng lại và thay vào đó là vườn gừng, vườn dong riềng, chè, ruộng lúa nước và các mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. 100% con cháu đủ tuổi đi học được đến trường đầy đủ, từng bước nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân.

Bây giờ, mọi người đã có cái chữ nên nói gì bà con cũng dễ hiểu hơn, việc vận động đỡ vất vả hơn. Người dân đã biết thực hiện các phong trào vệ sinh phòng bệnh, người ốm được đi chữa bệnh không còn tin vào thầy mo, thầy cúng đuổi con ma để chữa bệnh nữa. Đến nay, Nậm Càn có 4/7 bản đạt bản văn hóa, 125/371 hộ đạt gia đình văn hóa.

Ông Lầu Tồng Pó, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn, cho biết: “Già làng Lầu Xây Phia là người góp phần trong việc giúp dân bản có cuộc sống ổn định, ấm no như hôm nay. Mỗi khi gặp khó khăn trong công tác dân vận, chúng tôi đều nhờ tiếng nói của già Phia để bà con tin, hiểu và làm theo”.

Việc làm của già Phia

Xã Nậm Càn có đường biên giới dài 24km, trong một thời gian dài là “điểm nóng” về buôn bán ma túy, vũ khí nóng và vượt biên trái phép. Vào năm 2005, bên kia bên giới vẫn còn nhóm phỉ người Mông do hai tên Xái Phia Gia và Nhìn Hờ Vang cầm đầu, bọn chúng luôn tuyên truyền xúi giục bà con di cư sang nước Lào để được “vua Mèo” chu cấp đầy đủ, sung sướng. Chúng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con để truyền tà đạo Vàng Chứ, xúi giục bà con vượt biên trái phép gây xáo trộn cuộc sống của người dân và tình hình an ninh biên giới. Với trách nhiệm là một đảng viên, ông cùng các già làng, trưởng bản trong xã đến từng nhà vận động bà con không nghe theo lời của kẻ xấu tuyên truyền, ông đã 3 lần phối hợp với bộ đội Đồn Biên phòng 547 viết thư và gửi băng cát-xét sang vùng phỉ để vận động bà con quay về làm ăn. Đến nay, hầu hết bà con trong vùng phỉ đã nhận thấy việc làm sai trái, quay về bản làng yên ổn làm ăn, người dân đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, các hiện tượng như buôn bán ma túy, truyền đạo trái phép đến nay đã chấm dứt hẳn.

Khi Nhà nước có chủ trương giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, ông cũng là “hạt nhân” nòng cốt giúp bộ đội và chính quyền hoàn thành nhiệm vụ. Đây là việc rất khó khăn vì đồng bào xem khẩu súng săn là một vật dụng không thể thiếu bên mình khi đi rừng, lên nương rẫy, khẩu súng còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh, là vật để xua đuổi tà ma, khẩu súng còn để thể hiện sức mạnh của trai bản. Việc lấy đi khẩu súng chẳng khác nào lấy đi sức mạnh của họ. Bằng sự kiên trì, ông và bộ đội đã thuyết phục đồng bào giao nộp 43 khẩu súng kíp và 45 nòng súng kíp cho lực lượng chức năng trong thời gian ngắn.

Thượng tá Phạm Hữu Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 547 (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), cho biết: “Chúng tôi cùng với già Phia đã nhiều lần phối hợp với nhau trong các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào phát triển kinh tế và các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự và an ninh biên giới. Già Phia là người có uy tín, nên nói gì, làm gì dân bản đều nghe theo. Già Phia giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi vùng biên”.

Già Phia nói với chúng tôi, ông còn chút sức lực sẽ còn cống hiến giúp đồng bào mình sáng cái dạ, biết phân biệt cái xấu, cái tốt, chăm lo đời sống ổn định. Có thể nói, già Phia như cây đại thụ đem sự tươi mát, gieo yên vui về cho Nậm Càn.

HOÀNG HOA LÊ