QĐND - Học xong đại học, đang có công việc cho thu nhập khá, nhưng hai chàng trai 9X là Trần Việt Anh và Đỗ Hùng quyết định nghỉ việc để thực hiện "dự án" thể hiện tình yêu đối với trẻ em vùng cao. Xuất phát từ Hà Nội, Trần Việt Anh quyết tâm đạp xe đi qua 63 tỉnh, thành phố để vận động thành lập quỹ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo miền núi Tây Bắc. Còn Đỗ Hùng thì ngày đêm miệt mài trên những cung đường đèo dốc, hoàn thành “dự án 10.000 bức ảnh chân dung” tặng các em nhỏ vùng cao. 

Vì các em nhỏ thân yêu!

Khi còn là sinh viên ngành kế toán, Trần Việt Anh, sinh năm 1991, quê Hải Phòng, đã tham gia thực hiện một số chuyến đi khám phá vùng cao Tây Bắc. Việt Anh tâm sự:

- Thiên nhiên và cuộc sống của đồng bào vùng Tây Bắc để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Sau mỗi chuyến đi, tôi thấy rất thương đồng bào, nhất là các em nhỏ vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Vì thế, suốt những năm qua, tôi luôn suy nghĩ mình phải làm một việc gì đó để giúp đỡ các em.

Chàng nhiếp ảnh nghiệp dư Đỗ Hùng với các em nhỏ miền núi.

 

Sau mỗi chuyến đi, sự đồng cảm và những trăn trở dành cho các em nhỏ vùng cao ngày càng lớn dần trong trái tim Việt Anh. Tham khảo ý kiến thầy cô, bạn bè và những người đi trước, Việt Anh quyết định xin nghỉ việc ở Tổ hợp giáo dục Topica, thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp trong thời gian 6 tháng.

 Đi với danh nghĩa cá nhân, nên cũng có nhiều ý kiến trái chiều, hoặc tỏ ra hoài nghi, không tin tưởng chuyến đi của Việt Anh. Ngay chính bạn gái của Việt Anh cũng không ủng hộ, vì lo sợ những hiểm nguy phía trước. Thậm chí, đưa câu chuyện về chuyến đi của Việt Anh ra bàn luận, một số bạn trẻ cho rằng: Chỉ những người thất nghiệp mới có thời gian đi như thế. Khi nghe được nhận định ấy, Việt Anh thẳng thắn nói rằng:

- Nếu ai đó có suy nghĩ như vậy là rất phiến diện. Những người bạn của tôi cũng từng đi xuyên Việt, chạy bộ xuyên Việt... đều đang có một công việc ổn định. Bản thân tôi trước khi đi cũng có một công việc khá tốt ở Tổ hợp giáo dục Topica. Tôi cũng làm freelancer cho một vài công ty du lịch. Sau khi quyết định nghỉ việc, có một vài lời đề nghị về việc làm với mức lương hấp dẫn, nhưng tôi từ chối và tạm dừng tất cả các dự án lại vì đã có kế hoạch cho chuyến đi này. Tôi nghĩ, trước hết là do mong muốn, khát khao chứ không phải do hoàn cảnh hay yếu tố nào tác động.

Sáng 15-8-2014, từ Hà Nội, Việt Anh chính thức bắt đầu cuộc hành trình xuyên Việt trên chiếc xe đạp cà tàng của mình. Việt Anh quyết tâm đi qua 63 tỉnh, thành phố. Theo Việt Anh, chuyến đi này không chỉ đơn thuần là thử sức mình mà quan trọng hơn là gửi đến mọi người thông điệp: Hãy chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo, khó khăn ở các tỉnh miền núi.

Sau gần hai tháng rong ruổi, điều khó khăn nhất với Việt Anh có lẽ là địa hình hiểm trở với những con dốc cao, đèo sâu. Chiếc xe đạp  đã  qua mấy đời chủ mà Việt Anh đang sử dụng cũng hỏng lên, hỏng xuống. Nhưng bù lại những khó khăn, mệt mỏi đó, Việt Anh đón nhận được nhiều niềm vui. Niềm vui lớn nhất là càng đi, càng có nhiều người tin tưởng và sẻ chia. Việt Anh tâm sự:

- Đi rồi mới thấy ở đời còn rất nhiều người tốt và chân thành. Một bạn sinh viên đạp xe ngang đường gặp tôi cũng muốn cho ngủ nhờ. Một chị bạn thì đón tôi như người thân. Chị chuẩn bị cho tôi từng hộp sữa, chiếc áo mưa. Thậm chí, có một em học sinh lớp 11 không hề quen biết cũng sẵn sàng cho tôi ở nhờ. Em ấy còn nấu cơm cho tôi ăn. Hay như anh chàng làm nghề trồng rau bên đường cho tôi nước, hoa quả để mang theo… Rất nhiều những con người như thế xuất hiện trên hành trình của tôi.

Với mong muốn có thể giúp đỡ trẻ em nghèo miền núi, Việt Anh tự đặt ra mục tiêu cho chuyến đi: Cố gắng vận động, gây quỹ được khoảng 50 triệu đồng để mua quần áo, sách vở tặng hơn 200 trẻ em nghèo ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Mục tiêu trước mắt là thế, nhưng Việt Anh còn ấp ủ những "dự án dài hơi" giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở miền núi. Cùng với việc tổ chức chuyến đi, Việt Anh còn kêu gọi bạn bè, người thân qua facebook và các trang mạng xã hội ủng hộ. “Vài bộ quần áo, sách vở chỉ là giải pháp nhất thời, không mang lại lợi ích lâu dài. Tôi muốn tạo động lực để khuyến khích các em chăm học hơn. Tôi cũng sẽ có gắng tìm người dạy học, dạy nghề cho các em”-Trần Việt Anh tâm sự.

Để tránh sự hiểu lầm, Việt Anh khẳng định chuyến đi của mình không nhận bất kỳ đồng tiền ủng hộ nào. Mọi sự đóng góp, ủng hộ xin gửi về địa chỉ: Thầy giáo Mai Đình Nhường, Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng 2, tỉnh Bắc Giang. Nói về việc làm của Việt Anh, thầy giáo Mai Đình Nhường cho chúng tôi biết:

- Tôi đã tiếp xúc với Việt Anh qua một vài lần tham gia hoạt động từ thiện ở Bắc Giang. Sau một thời gian thân thiết, tôi thấy Việt Anh đã nói là làm. Cậu ấy sẽ đi tới cùng. Vì thế, tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Anh sẽ thực hiện thành công ước mơ của mình.

Một vạn bức ảnh và nhiều hơn thế…

Khác với Trần Việt Anh, chàng cựu sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội Đỗ Hùng (sinh năm 1990) lại chọn cách thể hiện tình yêu thương với trẻ nhỏ vùng cao khá lạ: Chụp ảnh, rửa tặng các em ngay tại chỗ. Để làm được việc này, Đỗ Hùng đã bỏ ra gần hai năm làm việc ở Xin-ga-po và dạy tiếng Việt cho học sinh Thái Lan trên đất Thái… Trong quãng thời gian lang thang làm thêm, thực tập sinh ở các nước Đông Nam Á từ giữa năm 2012 đến đầu 2014, Hùng đã tiết kiệm  để mua được chiếc máy chụp ảnh hiệu Canon 60D và hai chiếc máy in ảnh.

Trần Việt Anh và các trẻ nhỏ vùng cao.

 

Chúng tôi thắc mắc, tại sao Hùng lại chọn con số một vạn bức ảnh chụp để tặng trẻ nhỏ vùng cao. Hùng cười tươi cho biết:

- Đây là con số ngẫu nhiên sau khi tôi xem bộ phim “Việt Nam-cuộc chiến tranh 10.000 ngày”. Tuy nhiên, để có được một vạn bức ảnh quả thực là con số lớn, vì thực hiện ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa rất khó khăn.

Tháng 3-2014, Đỗ Hùng quyết định về nước, bắt đầu thực hiện ý tưởng rong ruổi các tỉnh miền núi phía Bắc chụp ảnh tặng các em nhỏ. Đến nay, Đỗ Hùng đã thực hiện "dự án" của mình với thời gian gần 7 tháng. Đỗ Hùng đã đi qua rất nhiều vùng đất gian khó như: Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì (Hà Giang), Hữu Kiên (Lạng Sơn), Sìn Hồ (Lai Châu), Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc (Hòa Bình)… Để có được những bức ảnh sinh động và đẹp nhất dành tặng các em, Đỗ Hùng đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách. Toàn bộ kinh phí phục vụ việc thực hiện “dự án” Đỗ Hùng đều phải tự thân vận động. Khó khăn là vậy, nhưng chưa bao giờ Đỗ Hùng có ý định bỏ cuộc và anh quyết tâm đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành dự án.

Khó khăn chồng chất khó khăn, thời tiết và địa hình là thử thách cho việc di chuyển thiết bị máy móc. Nhiều hôm trời mưa to, đường trơn lầy lội, nhưng đã hẹn thầy cô và các em từ hôm trước nên Hùng vẫn quyết đi. Không chỉ gặp khó khăn do hoàn cảnh tự nhiên, mà câu chuyện về điện cũng là trở ngại đối với việc thực hiện “dự án” của Đỗ Hùng. Nhiều lần, chụp xong, Hùng lại hành quân về nơi ở để in ảnh, rồi lại trở vào điểm trường tặng các em nhỏ.

Dự án chụp một vạn bức ảnh của Đỗ Hùng mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Tuy nhiên, càng đi, Đỗ Hùng càng thấy người dân sinh sống ở vùng cao còn quá nhiều khó khăn. Vì thế, cùng với các đội tình nguyện, Đỗ Hùng sẵn sàng làm bất cứ việc gì để giúp đồng bào miền núi như chung tay làm đường, gặt lúa, cắt tóc và dạy các em nhỏ học chữ... Hùng đã cùng các nhóm từ thiện thực hiện các chuyến quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... tặng các em học sinh nghèo. Đặc biệt, Đỗ Hùng đang ấp ủ dự án mở thư viện ở một số địa điểm trên các tỉnh miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: THƯƠNG GIANG