QĐND - Sau gần 40 năm liên tục cống hiến, gắn bó với địa bàn được mệnh danh là “Trường Sa cạn”, Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) Lý Xuân Trang kết thúc nhiệm kỳ công tác và nhận quyết định nghỉ hưu. Niềm vui lớn nhất của ông là luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ “công bộc” của dân, cùng tập thể mở hướng xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và bồi dưỡng, xây dựng được một lớp cán bộ có đủ năng lực, nhiệt tình gánh vác “việc làng, việc xã”, đẩy nhanh công cuộc đổi mới trên quê hương.
Nơi gian khó Tả Gia Khâu…
Biên giới Lào Cai cuối tháng chín, những tràn ruộng bậc thang nối nhau khoe sắc xanh vàng báo hiệu một vụ mùa bội thu. Trên các vạt nương cheo leo bên vách đá, những bắp ngô vàng đã theo người nông dân về nhà nằm yên ổn trên gác bếp, xà nhà, trong lù cở... Đâu đó, trên những triền núi, góc nương thấp thoáng đàn bò, đàn ngựa đua nhau gặm cỏ như để tăng cường sức khỏe chuẩn bị chống chọi với cái rét vùng cao sắp về…
Các tổ chức đảng ở Lào Cai đã hoàn thành đại hội đảng các cấp. Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu Lý Xuân Trang cũng kết thúc nhiệm kỳ làm “công bộc” của dân, nhận quyết định nghỉ hưu sau gần 40 năm liên tục công tác.
 |
Đồng chí Lý Xuân Trang và tổ công tác Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu trao đổi kinh nghiệm nắm địa bàn, vận động quần chúng.
|
Tả Gia Khâu quê tôi, “vùng đất khát” nằm ở phía Đông Bắc của huyện Mường Khương, "nơi con sông Chảy chảy vào đất Việt"-như người Phù Lá, người Mông, người Thu Lao nơi đây vẫn tự hào như vậy. Nhưng đây vẫn là xã nghèo nhất huyện. Theo tiếng địa phương, "Tả Gia Khâu" có nghĩa là cái "yên ngựa lớn". Quả đúng như vậy! Từ trên núi Tu Pa nhìn xuống, toàn bộ con đường đi qua thôn trung tâm Tả Gia Khâu xuống La Hờ, Thải Giàng Sán như một cái yên ngựa khổng lồ, mà đã là yên ngựa thì nó chênh vênh lắm. Ngồi lên yên ngựa đã khó, trụ vững trên yên ngựa lại càng khó hơn. Có đồng chí cán bộ khi lên thăm Tả Gia Khâu, chia sẻ khó khăn với bà con, cùng cán bộ, chiến sĩ, đồng chí động viên: "Chỉ cần bà con ở lại yên tâm sản xuất, giữ quê hương, biên giới với Bộ đội Biên phòng thì cũng đã xứng đáng là những anh hùng!".
Đất đai ở đây thật lạ, bình thường thì tơi xốp, trông có vẻ màu mỡ, nhưng khi mưa xuống, nước trôi tuồn tuột đi đâu hết. Bao quanh xã ba bề là sông biên giới Mã Lu và sông Chảy, nhưng thiếu nước lại là đề tài muôn thuở ở Tả Gia Khâu, vì thế mà không biết từ bao giờ, xã tôi được mệnh danh là "Trường Sa cạn". Nhiều đoàn công tác của Trung ương, địa phương đã lên khảo sát, tìm cách khắc phục tình trạng thiếu nước, nhưng tất cả đều đi đến một kết luận: Chỉ có tìm cách giữ nước ở lại với con người, chứ không thể tìm đâu ra nguồn nước!
Năm 18 tuổi, anh thanh niên Lý Xuân Trang theo bố (cụ Lý Vản Ly, bí thư chi bộ đầu tiên và có 30 năm làm Bí thư Chi bộ xã Tả Gia Khâu) ra làm "việc làng, việc xã", khởi đầu từ cán bộ đoàn thanh niên. Đất nước vừa thống nhất, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng quê hương được đặt lên hàng đầu, trong đó vai trò của đoàn thanh niên luôn xung kích. Cả tuổi trẻ của Lý Xuân Trang đã gắn bó với phong trào thanh niên cơ sở, xây dựng phong trào thanh niên khắp các thôn, bản biên giới, như các phong trào: Vận động thanh niên đi học bổ túc văn hóa; thanh niên tích cực sản xuất xây dựng quê hương, tự giác chấp hành pháp luật, không tảo hôn; thanh niên xã kết nghĩa với thanh niên đồn biên phòng… Lý Xuân Trang là “thủ lĩnh” thanh niên ở Tả Gia Khâu và phong trào thanh niên cụm Pha Long (huyện Mường Khương) ngày ấy. Tiếp đó, anh chuyển sang làm cán bộ công an xã, cũng là lúc chiến tranh biên giới nổ ra. Nhiều đêm anh thức trắng chỉ huy công an, dân quân xã trực chiến; rồi những ngày giữ chốt, buổi băng rừng cùng Bộ đội Biên phòng truy lùng biệt kích, thám báo; phong trào "Quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được phát huy tối đa. Tấm gương gan dạ, dũng cảm của Trưởng công an xã Lý Xuân Trang được đồn biên phòng luôn tin tưởng, đồng chí đồng đội và nhân dân mến phục.
Chiến tranh đi qua, Tả Gia Khâu từng bước vươn mình trong phong trào chung, màu xanh dần trở lại trên những vạt nương, cánh rừng biên giới; cuộc sống của người dân cũng bớt khó khăn, thiếu thốn. Trưởng công an xã Lý Xuân Trang trở thành Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, với bao lo toan, bộn bề công việc của người cán bộ vùng cao.
Anh có khí chất ngay thẳng của người Phù Lá, như cây sa mộc đứng giữa trời, không bao giờ ngại ngần sương sa, giá buốt; âm thầm, vững chắc vươn lên, góp sức cho làng, xã. Trước đây Tả Gia Khâu là "ốc đảo" về giao thông của huyện, nhưng từ năm 2000, đường nhựa đã về tận trung tâm xã, đi Bản Mế, Si Ma Cai…; đến nay, các thôn đều có đường bê tông, đường cấp phối…, xe gắn máy đi lại khá thuận lợi, nhiều thôn ô tô về tận nơi.
Nói là "ốc đảo" về kinh tế, bởi hơn 10 năm trước, xã có hơn 90% hộ nghèo, nay tỷ lệ đó chỉ còn 50%, mới thấy hết sự cố gắng của chính quyền và người dân nơi đây. Những thế mạnh về chăn nuôi bò cao sản của địa phương, trồng cây lê xanh, lê tai nung… phù hợp với thổ nhưỡng địa phương đang dần được khởi động. "Ốc đảo" về văn hóa xã hội là chuyện của những năm trước, còn bây giờ, toàn xã không có người nghiện ma túy, không còn nạn tảo hôn; người chết không để trong nhà quá hai ngày... Trẻ con ở Tả Gia Khâu bây giờ nhiều em đi học đại học. Điện thoại đi động đã phủ sóng toàn xã, mạng wifi cũng không còn xa lạ với người dân. Công lao đó chắc chắn là của tập thể, nhưng người dân Tả Gia Khâu cảm ơn Bí thư Trang nhiều lắm!
Hết lòng chăm lo việc làng, việc xã
Trong nhiệm kỳ cuối, trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy Lý Xuân Trang càng nặng nề, nhưng cũng đạt nhiều thành tích. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, đến với từng thôn, bản, ngõ xóm, đổi thay hẳn cuộc sống của nhiều hộ gia đình trong xã. Biết là xã nghèo, nên huyện cũng không đặt chỉ tiêu cao đối với Tả Gia Khâu trong xây dựng nông thôn mới. "Nhưng không vì thế mà chúng ta thụ động ngồi chờ, phải chủ động, tích cực, nếu không đạt mục tiêu về đích nhóm đầu thì cũng phải về đích trước thời hạn"-đó là câu nói đầy quyết tâm của Bí thư Lý Xuân Trang trong buổi lễ ra quân xây dựng nông thôn mới.
Nhưng bằng cách nào? Trước hết phải tìm ra hướng đi cho sản xuất nông nghiệp. Với tình trạng thiếu nước triền miên như Tả Gia Khâu, trồng lúa và hoa màu không phải là lợi thế. Những cánh ruộng bậc thang đẹp và thơ mộng, nhưng không đủ để nuôi sống người dân. Những nương ngô từ bao đời là nguồn lương thực chính của đồng bào, nhưng canh tác hết sức vất vả, giá trị kinh tế không cao, chẳng lẽ để dân ăn "mèn mén" mãi! Suy đi tính lại, cuối cùng Đảng ủy, UBND xã quyết định chủ trương chọn thế mạnh nuôi bò lấy thịt làm giải pháp chính xóa đói, giảm nghèo cho người dân, bởi bò là vật nuôi phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, thời tiết nơi đây, chịu được rét, ít uống nước, lại phàm ăn. Giống bò bản địa cũng rất độc đáo, u vai to như bò Ấn Độ, khi trưởng thành thường to gấp rưỡi bò thuần chủng dưới xuôi. Mỗi con bò bình quân cho hơn một tạ thịt, trị giá hơn 30 triệu đồng, lại dễ tìm đầu ra vì nhu cầu lớn, chỉ cần gọi điện là thương lái dưới huyện, thành phố lên tiêu thụ hết ngay...
Mấy năm gần đây, chương trình 30a, các chương trình vay vốn xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là Chương trình "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới" do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phát động đã gần như bảo đảm cho các hộ nghèo ở Tả Gia Khâu mỗi hộ có một con bò giống khoảng 15 triệu đồng. Chỉ cần mỗi năm một gia đình bán được từ một đến hai con bò thịt, thu được 30 đến 50 triệu đồng, số tiền đó với người dân dưới xuôi có thể không lớn nhưng với người Tả Gia Khâu thì cuộc sống của họ đã được cải thiện đáng kể. Hộ anh Hồ Si Chín, ở thôn La Hờ, hiện có 5 con bò trị giá gần 200 triệu đồng. Anh tâm sự: "Trước kia chỉ nuôi một con bò cho có theo kiểu "mỗi thứ một tí", nay nhờ Bí thư Trang và xã bày cho cách làm ăn, chăn nuôi, tôi thấy nuôi bò hiệu quả hơn đi làm nương nhiều, vậy mà bao lâu nay cái đầu của bà con nghĩ mãi không ra. Sắp tới tôi sẽ chuyển một số nương ngô sang trồng cỏ voi để nuôi bò, vừa đỡ vất vả mà hiệu quả cao hơn".
Mới đây, Thượng tá Lê Xuân Tý, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (1999-2007) khi về thăm lại đơn vị và bà con, chứng kiến sự đổi thay của Tả Gia Khâu, chính anh cũng phải thốt lên: "Thật khó tin!". Tỷ lệ hộ nghèo của xã trước năm 2010 là 90%, nay còn 50%-một sự đổi thay rất ấn tượng, bởi để có được thành tích đó ở các xã khác phải cố gắng một thì ở Tả Gia Khâu cần cố gắng gấp đôi, thậm chí gấp nhiều lần. Nhưng điều quan trọng hơn là Bí thư Lý Xuân Trang cùng bà con đã tìm ra hướng đi xóa đói giảm nghèo phù hợp, hiệu quả và khá bền vững.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn an ninh-trật tự nơi biên giới, nhiệm vụ xây dựng Đảng luôn là khâu then chốt. Sau nửa nhiệm kỳ đại hội, cả xã Tả Gia Khâu không còn thôn “trắng” đảng viên, đến cuối nhiệm kỳ, tất cả thôn, bản trong xã có chi bộ độc lập. Gần đây, mô hình Ban Tuyên vận xã, Tổ Tuyên vận thôn đi vào hoạt động ở Tả Gia Khâu thực sự là cầu nối giữa dân với Đảng, với chính quyền; là kênh thông tin quan trọng để Đảng hiểu dân, dân thông tin với Đảng những vấn đề ngay từ thôn, bản, ngõ xóm, gia đình. Người vui nhất có lẽ là Bí thư Trang. Vui vì ông đã có thể yên tâm giao lại nhiệm vụ cho lớp kế cận. Cả một đời phấn đấu vì quê hương, niềm vui lớn nhất của ông là đã góp phần cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã bồi dưỡng, giúp đỡ, tạo nên một lớp cán bộ kế tiếp, kế cận đủ sức thay ông và các đồng chí lớp trước gánh vác "việc làng, việc xã". Đến thăm nhà Bí thư Đảng ủy Lý Xuân Trang, thấy tấm Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cùng nhiều bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng... là minh chứng cho công lao của ông với quê hương, thôn, bản. Trong buổi chia tay, bàn giao chức vụ Bí thư Đảng ủy xã mới đây, ông Trang chỉ băn khoăn một điều: "So với các xã dưới xuôi, xã mình vẫn còn nhiều người nghèo lắm!".
Trên núi Tu Pa khô hạn từ bao năm nay vẫn có những cánh rừng sa mộc xanh tốt. Cho dù thân sa mộc sần sùi vì thiếu nước, cành lá có khi xơ xác vì mưa đá, sương mù, gió lốc..., nhưng sức sống của loại cây này thì không gì cản được. Giữa "Trường Sa cạn" Tả Gia Khâu, Lý Xuân Trang là một “cây sa mộc” như thế!
Bài và ảnh: NGUYỄN TRỌNG MẠCH