QĐND - Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, các địa phương trên địa bàn Thành phố đang tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, chăm lo chu đáo cuộc sống cho nhân dân, nhất là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Nhiều tấm gương tiêu biểu lan tỏa trong cộng đồng, thiết thực đưa nghị quyết vào cuộc sống. Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là bà Đoàn Thị Muội, 73 tuổi, ngụ tại phường Tân Hưng, quận 7.

Chúng tôi đến thăm bà Muội vào lúc xẩm tối, khi bà đang tranh thủ thời gian may nốt chiếc mùng để kịp tặng một hộ nghèo ở xóm chài quận 7. Tay giữ vải, chân đạp máy may, cặp kính lão trễ xuống, mắt bà căng ra để giữ cho đường chỉ ngay ngắn. Bà bảo, phải làm thật cẩn thận, tỉ mỉ thì chiếc mùng mới vuông vức, không bị lệch. Chứng kiến công việc bà làm, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng, tình cảm của bà gửi trong từng đường chỉ. Ở cái tuổi "cổ lai hy", lẽ ra bà được nghỉ ngơi, nhưng bởi nặng nghĩa tình nên bà vẫn đều đặn, lặng thầm làm việc thiện với tâm niệm “giúp thêm một người nghèo thấy lòng mình vui hơn”. 15 năm qua, bà Muội lặng lẽ từng đường kim, mũi chỉ hoàn thành hàng trăm chiếc mùng trao tặng người nghèo. Tiếng lành đồn xa, có người ở tận Kiên Giang, Cà Mau khi lên TP Hồ Chí Minh cũng tìm đến nhà bà để xin mùng về cho con, cháu. Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, cán bộ Hội phụ nữ phường Tân Hưng, cho biết: “Mới đây, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi tới nhà nhờ bà giúp thêm nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, bà Muội sốt sắng nhận lời. Cả tuần bà thức suốt đêm may mùng với mong ước hạn chế tối đa người mắc bệnh. Việc làm của bà tuy nhỏ nhưng chan chứa tình yêu thương, nghĩa tình làng xóm”.

Bà Muội cẩn thận gấp những chiếc mùng vừa may xong để tặng người nghèo.

Cách đây ít lâu, bà Muội phải vào bệnh viện mổ mắt. Chưa đầy 2 tháng sau khi ra viện, bà lại tiếp tục cặm cụi may mùng, mặc dù bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng trong vòng 6 tháng. Con gái bà Muội kể: “Những ngày phải nằm trên giường bệnh, mẹ tôi cứ thắc thỏm không yên, đòi ra viện sớm. Khi mắt vừa nhìn lại được mẹ tôi đã tiếp tục may mùng. Chúng tôi cũng không dám can ngăn vì những lúc làm việc thấy mẹ tôi vui lắm, sức khỏe cũng như khá hẳn lên”.

Để có được một chiếc mùng thành phẩm, bà Muội phải thuê xe ôm chở tới chợ Soái Tùng Lâm (quận 5) để chọn vật liệu vừa rẻ, vừa tốt, rồi cắt vải, may mùng, khâu khuy, gấp xếp cẩn thận, rồi mang tới tặng người nghèo… Tất cả đều do bà tự đảm nhiệm. Theo suy nghĩ của bà: "Của cho không bằng cách cho. Mình phải chọn vải tốt, may mùng thật đẹp, tặng người ta với thái độ ân cần, đồng cảm, chứ không được làm cho qua chuyện theo kiểu ban phát, vì như thế bà con sẽ tủi thân, tự ái".

Những chiếc mùng trao đi, nghĩa tình ở lại, suốt 15 năm qua, bà đã giúp người nghèo ở nhiều tỉnh, thành phố có được giấc ngủ ngon sau một ngày mưu sinh vất vả. Nói về cách làm từ thiện rất riêng của mình, bà Muội tâm sự: “Nếu tặng gạo hay mỳ gói thì họ ăn vài bữa cũng hết, chẳng thấm tháp vào đâu; tặng tiền thì mình cũng chẳng khá giả gì, một vài trăm nghìn quá ít ỏi, họ cũng chẳng mua mùng mà sẽ làm việc khác; mà nếu có mua thì cũng khó được chiếc mùng như ý. Trong khi đó, mình có nghề may thì tại sao không giúp họ luôn, tặng bà con chiếc mùng bền, đẹp để dùng lâu dài. Nghĩ sao làm vậy…, cho đến nay tôi không nhớ đã tặng bao nhiêu chiếc mùng”. Con số cụ thể không đo đếm được, chỉ biết rằng, cuốn sổ bà ghi số cuộn vải, chỉ may, khuy mùng… lên tới gần trăm trang đã ố vàng theo năm tháng. Toàn bộ chi phí đều do bà tích góp từ tiền cho thuê phòng trọ và tiết kiệm chi tiêu hằng ngày. Cảm phục trước tấm lòng của bà, anh Phạm Văn Thanh, ngụ tại xóm chài quận 7, chia sẻ: “Gia đình tôi sống lênh đênh trên thuyền, cái gì cũng tạm bợ, thiếu thốn. Đúng vào đợt cao điểm dịch sốt xuất huyết, vợ chồng tôi lo lắng vì chẳng có mùng cho con ngủ thì dì Muội mang mùng đến cho. Chiếc mùng đẹp và rộng rãi giúp cả nhà tôi không còn lo bị muỗi đốt. Tối tối, mỗi lần giăng mùng,  tôi lại thầm cảm ơn dì Muội đã vất vả chăm lo cho phận nghèo chúng tôi”.

Cùng với việc may mùng tặng người nghèo, vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hàng năm, bà Muội đều dành hàng trăm phần quà, gồm các nhu yếu phẩm, bánh, kẹo tặng những hộ khó khăn và trẻ em nghèo hiếu học trên địa bàn. Đặc biệt, sau đám hiếu của gia đình, bà gom toàn bộ số tiền phúng viếng (được hơn 130 triệu đồng) để làm từ thiện, xây giếng nước cho nhân dân Buôn Hằng (tỉnh Đăk Lăk) và ủng hộ những gia đình bần hàn, cơ nhỡ, giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Hạnh, đại diện chính quyền phường Tân Hưng khẳng định: Bà Muội là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của địa phương, giai đoạn 2010-2015. Những đóng góp thầm lặng của bà đã làm lan tỏa tình cảm yêu thương, gắn bó, góp phần bồi đắp tình nghĩa láng giềng, nhân lên những nghĩa cử tình người trong khu phố. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Tân Hưng nhiệm kỳ 2015-2018 hướng tới. Việc làm của bà Muội là biểu hiện sinh động của giá trị nghĩa tình ở Thành phố mang tên Bác, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh "Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình" theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH