Mới đây, cô giáo Đào Thị Hồng Quyên là giáo viên Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng “Power of Radiance-Tỏa sáng sức mạnh tri thức” (POR) trị giá 100.000USD (hơn 2 tỷ đồng), thông qua đề cử trực tiếp từ UNICEF. Đây là giải thưởng mỗi năm dành cho một cá nhân duy nhất trên thế giới vì những nỗ lực thúc đẩy giáo dục STEM (STEM là viết tắt của các từ: Science-khoa học, Technology-công nghệ, Engineering-kỹ thuật, Mathematics-toán học).

 Lớp học thú vị

Biết tin cô Đào Thị Hồng Quyên được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vinh danh, nhưng phải mất khá nhiều thời gian đặt lịch hẹn chúng tôi mới gặp được vì cô liên tục bận rộn với khá những ý tưởng, kế hoạch đang và sẽ thực hiện. Đến Hệ thống Giáo dục Genesis (Hà Nội), nơi cô Quyên đang làm việc, câu đầu tiên người bảo vệ hỏi chúng tôi là muốn gặp cô Quyên nào. Sau khi chúng tôi kể sơ qua, anh à lên: “Cô Quyên chuyên dạy trưa đúng không?”. Thì ra, ngoài giờ lên lớp, hằng tuần cô dành thêm giờ trưa để hướng dẫn cho các học sinh yêu nghiên cứu khoa học.

Trong “không gian sáng chế” của trường, chúng tôi gặp 7 - 8 cô cậu học sinh lớp 1, lớp 2 đang xúm lại làm các mô hình nhà để chống động đất. Bài học về động đất của cô Quyên nhẹ nhàng, sinh động và thú vị khiến học sinh đi hết từ tò mò này đến tò mò khác. Đáng nói là học liệu sử dụng cho buổi học lại vô cùng đơn giản. Chỉ là 2 chiếc khay inox, mấy vòng chun, 3 viên bi, ít que gỗ, tranh ảnh, đất nặn, 2 chiếc chai, cô trò họ đã tạo nên những vụ “động đất” và nhìn thấy những hậu quả của nó với con người rồi cùng tìm cách phòng tránh và xử lý hậu quả đó. Cô bé Nguyễn Phương Nhi, học sinh lớp 1 IPC (Chương trình tiểu học quốc tế-International Primary Curriculum), cho biết: “Cháu thích học lớp cô Quyên vì rất thú vị. Cháu đã được học về tên lửa, hệ sinh thái, sáng chế xanh...”.

Nói rồi Nhi kéo tay và đưa cho tôi xem bức ảnh một em nhỏ bị mắc kẹt trong đống đổ nát vì động đất: “Cô ơi, cô nhìn thấy bàn tay của bạn nhỏ kia không? Thật đáng thương”. Tôi cảm nhận, dường như học sinh của cô Quyên học khoa học nhưng thu hoạch nhiều hơn cả những kiến thức khoa học. Hỏi ra chúng tôi biết rằng, để dạy một đề tài, cô phải nghiên cứu khá kỹ những liên kết xung quanh đề tài. Chẳng hạn, về đề tài thủy chiến, cô đọc hết cả cuốn sách lịch sử về những trận đánh trên sông Bạch Đằng.

Cô cho rằng, dạy học sinh phải có không gian văn hóa, lớp lang của những câu chuyện học sinh mới thích. Thế nên về thủy chiến, học sinh phải biết đến Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Lê Đại Hành đánh quân nhà Tống, trận chiến với quân Nguyên Mông của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, học về thủy triều, về mặt trăng, trái đất đến nghiên cứu đóng cọc xiên hay cọc thẳng mới đâm được tàu giặc... Bài học về mạch điện cô lại cho học sinh làm đèn với công tắc và phải đi kèm một thông điệp ý nghĩa phù hợp với trang trí của bài làm. Yêu cầu của cô làm phải tối ưu hóa vật liệu vì thế nếu lãng phí vật liệu, nội dung không ăn nhập hình thức, làm chưa đẹp... đều bị trừ điểm. Vì thế học sinh cần chú ý nhiều yếu tố và dành tình yêu, sự chú ý mỗi khi làm ra sản phẩm.

leftcenterrightdel
      Cô giáo Đào Thị Hồng Quyên và học sinh Hệ thống Giáo dục Genesis (Hà Nội) tìm hiểu về động đất. 

Có lẽ chính điều này mà những ngày cô Quyên đi vắng trở về, cô nhận được hàng loạt thư, bưu thiếp của học sinh gửi lại. Có học sinh viết: “Con yêu cô Quyên. Cô là cả thế giới của con. Cô không đi đâu nữa nhé”; “Cô Quyên ơi, con cảm ơn cô vì đã dạy con môn khoa học ạ. Con cũng định làm nhà khoa học. Khoa học thật thú vị cô nhỉ”.

Học sinh cũ của cô giáo Quyên tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), một học sinh lớp 12A2-K101 ghi lại: Có một vài người giống như tấm thẻ đánh dấu trang trong cuốn sách cuộc đời bạn vậy. Chỉ cần nghĩ về họ, bạn có thể ngay tức khắc tìm được ký ức về những trang sách cũ mà ngày trước bạn đã từng trải, từng đọc lại đến thuộc lòng. Vẫn nguyên ở đó, cái tên đó, thanh xuân đó, đoạn đời đó... Với chúng tôi, những học sinh cuối cùng được cô truyền thụ tri thức dưới mái trường Lê Hồng Phong, mỗi khi nhớ đến cô, những cảm xúc phấn khởi xen lẫn bồi hồi sống lại trong tâm trí như mới ngày đầu được gặp cô. Dù bây giờ cô không còn dạy ở trường nữa, dù mới chỉ học cô một năm nhưng chúng tôi vẫn rất nhớ cô. Nhìn nụ cười rạng rỡ trên những tấm ảnh cô đăng trên trang cá nhân, chúng tôi biết rằng cô vẫn đang rất chăm chỉ để theo đuổi ước mơ của mình, và điều đó khiến chúng tôi cảm thấy hãnh diện vì đã được làm học sinh của cô”.

Lan tỏa tình yêu tới cộng đồng giảng dạy

Hơn 10 năm làm nghề, từ giảng dạy ở trường quốc tế, Trường THPT Mỹ Lộc (Nam Định), Trường Wellspring (Hà Nội), Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cô giáo Đào Thị Hồng Quyên được ví như người có “bàn tay vàng” vì nhiều dự án cô triển khai đã giành được giải thưởng trong và ngoài nước như: Giải Ba cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin với dự án "Nói không với thuốc lá"; Giải Khuyến khích sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ VII; Giải Nhất cuộc thi Sông sạch biển xanh nhằm giảm thải ô nhiễm rác thải nhựa khu vực Nam Định; hướng dẫn học sinh đạt giải Nhì, giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh (năm 2018, 2019); hướng dẫn học sinh trong “Dự án Mycelium Brick and Foam”-“Vật liệu sinh học từ nấm” giành chiến thắng trong lĩnh vực “Công nghiệp và sản xuất” tại Cuộc thi SEAMEO - STEM-ED COMPETITION & EXPO của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á... Cô giáo trẻ sinh năm 1990 này cũng là thành viên tham gia Chương trình tập huấn giáo viên STEM tại Trung tâm tên lửa và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA); giành học bổng Fulbright Teaching Excellence Award (Hoa Kỳ)...

Hiện nay, cô Đào Thị Hồng Quyên vẫn đang tiếp tục triển khai các dự án bước đầu đã có thành quả như STEM cho khu vực nông thôn; Nhựa sinh học từ vật liệu hữu cơ; Rừng ngập mặn và phát triển bền vững... Với sự nhiệt  huyết bền bỉ cùng những kế hoạch hành động khả thi, không khó hiểu tại sao Hội đồng trao giải lần này chọn cô khi mỗi năm, UNICEF đề cử từ 3 đến 5 ứng viên và giải thưởng POR chỉ trao duy nhất cho một cá nhân trên toàn thế giới.

Dạy những lớp học, truyền tình yêu tri thức tới các cô cậu học trò nhỏ nhưng ưu tiên lớn hơn cô giáo Đào Thị Hồng Quyên muốn hướng tới là xây dựng một cộng đồng giáo viên dạy STEM yêu nghề. Lý do là vì với cô giáo dục STEM là cách tốt để thay đổi thế hệ tương lai. Càng nhiều giáo viên truyền lửa đam mê với STEM thì tương lai đó càng rõ ràng hơn. Cô Quyên đã nhiều lần giảng về giáo dục STEM cho các thầy cô là hiệu phó phụ trách chuyên môn của hơn 20 trường THCS của huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định); tập huấn giáo dục STEM cho các hiệu trưởng và thầy cô chủ chốt của tất cả các trường tiểu học và THCS ở một số huyện thuộc tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định... Cô tham gia dẫn chương trình, điều phối và quản trị diễn đàn Cộng đồng Giáo viên STEM có hàng vạn thành viên với tâm niệm để các giáo viên, những người quan tâm tới STEM có nơi giao lưu, trao đổi và học hỏi khi thực tế không phải ở đâu họ cũng có thể hỏi những kiến thức chuyên môn vẫn còn khá mới mẻ này ở Việt Nam.

Có lẽ đây cũng là lý do UNICEF chọn cô, một giáo viên không ngừng nỗ lực thúc đẩy giáo dục STEM chứ không phải các đề án thiên về nghiên cứu. Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, thành viên tích cực của Liên minh STEM đánh giá: “Dự án Phát triển giáo dục STEM dành cho nhóm trẻ em yếu thế của cô Hồng Quyên được đánh giá có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng, đặc biệt góp phần thúc đẩy truyền thông về giáo dục STEM. Chúng tôi hy vọng rằng các hoạt động này sẽ như một cú huých cho nhiều hành động được triển khai rộng rãi hơn nhằm hỗ trợ tiếp cận và phát triển giáo dục STEM, mang lại hiệu quả tích cực trong học tập và cuộc sống cho các em nhỏ”. 

Cô Đào Thị Hồng Quyên cho biết: “100.000 USD tiền giải thưởng được sử dụng để tập huấn cho giáo viên trực tiếp dạy STEM ở các địa phương thay vì cách làm hiện nay nhiều nơi vẫn triển khai là tập huấn cho một vài giáo viên đại diện ở các địa phương rồi họ tiếp tục hướng dẫn lại cho giáo viên các trường. Dự kiến chương trình tập huấn này được thực hiện ở 16 huyện rất khó khăn đã sẵn sàng tiếp nhận. Bên cạnh đó, chương trình cũng hỗ trợ kinh phí hoạt động thẳng cho giáo viên tại các câu lạc bộ STEM của các trường học, mở cuộc thi nhỏ về STEM”. Những ngày này, cô đang khẩn trương triển khai dự án với mong muốn sử dụng hiệu quả nhất số tiền thưởng của mình cho hoạt động khuyến STEM.

Nhìn những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô giáo Đào Thị Hồng Quyên, chúng tôi chợt nhớ đến bản di chúc người cha là bộ đội pháo binh, quê xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đã gửi cho cô với mong muốn con gái cống hiến hết mình vì sự giàu đẹp của quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: THÀNH PHONG