QĐND - Chứng kiến bao cảnh đời cơ cực, thất học, với nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau của các em nhỏ nơi “xóm bụi” gần nhà, 18 năm qua cô giáo Phạm Thị Huyền ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã miệt mài đem tình yêu thương của mình giúp các em có thêm kiến thức, ý chí nghị lực, vươn lên biết lo cuộc sống cho mình, cho gia đình và góp phần xây dựng xã hội lành mạnh.

Mở lớp tại nhà

Tuy không sinh ra ở Hà Nội, nhưng cô Phạm Thị Huyền đã có gần 20 năm gắn bó với mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Sau những năm tháng vất vả mưu sinh và khởi nghiệp ở một trường vùng cao thuộc huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang), với nhiều lý do khác nhau, năm 1997, cô Huyền cùng gia đình quyết định chuyển về Hà Nội sinh sống.

Cô giáo Phạm Thị Huyền và các em học sinh ở lớp học tình thương.

Hằng ngày, trong căn nhà nhỏ hướng ra mặt đường, gần “xóm bụi”, cô Huyền chứng kiến bao cảnh đời cơ cực của các em nhỏ. Chúng đến “xóm bụi” với nhiều lý do khác nhau và cũng dựa vào “xóm bụi” để kiếm sống qua ngày. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô Huyền bàn với chồng mở lớp dạy học giúp các em nhỏ nơi “xóm bụi”. Được chồng và các con ủng hộ, lớp học tình thương của cô Huyền bên “xóm bụi” ra đời từ đó.

Trước khi mở lớp, cô Huyền đứng hàng giờ nhìn các em nhỏ nhặt ve chai, sắt vụn trong cái “xóm bụi” ấy. Rồi để có học sinh đến lớp, cô tiếp cận vận động các em. Những ngày sau đó, cô Huyền đến từng gia đình vận động phụ huynh cho các em đến lớp. Tuy vậy, những ngày đầu, cũng chỉ có một vài em đến lớp theo học. Vì thế, cô trò “vận dụng” những khoảng không gian có thể trong căn nhà để làm lớp học. Thời gian trôi đi, tiếng lành đồn xa, nhất là bà con “xóm bụi” đã đến xin cô cho con vào học. Sĩ số lớp học bắt đầu tăng, bàn ăn, phòng khách không đủ để các em theo học. Thế rồi, cô Huyền quyết định dành hẳn một phòng trong căn nhà của mình làm lớp học tình thương. Có lớp, có trò, cô duy trì thời gian giảng dạy cho các em trong suốt cả tuần (trừ chủ nhật). Kể từ ngày mở lớp cho tới nay, học sinh của cô Huyền không chỉ được học miễn phí, mà những em có hoàn cảnh quá khó khăn còn được cô trợ giúp giấy bút. Không chỉ dạy các em về kiến thức, cô Huyền còn đặc biệt quan tâm đến việc dạy các em cách làm người, rèn luyện tính kiên trì và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống... Những câu chuyện, những đề văn về đạo hiếu, nghĩa làm người thường là những nội dung được cô ưu tiên trong quá trình giảng dạy. Trò chuyện với tôi, cô Huyền tâm sự:

- Thương các em đều là con nhà nghèo, nên tôi mở lớp. Học sinh của lớp đa dạng lắm, em thì biết vài chữ, em thì chưa biết chữ nào. Vì thế, gọi là lớp nhưng trong một buổi tôi phải dạy vài ba chương trình liền. Lớp học của tôi bây giờ cũng giống như một số lớp ở vùng cao trước đây. Tuy có vất vả, nhưng điều làm tôi vui nhất là hằng ngày thấy các em trưởng thành rất nhiều. Chính sự trưởng thành, ngoan ngoãn của các em tạo cho tôi thêm động lực và quyết tâm “bám lớp”.

Trước nghĩa cử cao đẹp của cô Phạm Thị Huyền, được sự trợ giúp của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, những học sinh “tốt nghiệp” tại lớp học tình thương được cô hoàn chỉnh hồ sơ gửi về Trung tâm Giáo dục thường xuyên của quận tiếp tục theo học. Cứ thế, năm này qua năm khác, tính đến hết năm 2014, cô giáo Phạm Thị Huyền đã trực tiếp dạy 140 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Mẹ Huyền!

“Mẹ Huyền” là cách gọi thân mật của các em học sinh trong lớp học tình thương của cô giáo Phạm Thị Huyền. Nghe các em gọi cô Huyền một cách trìu mến, thân thương, tôi chợt thấy mắt mình nhòa lệ. “Mẹ Huyền ơi, con chưa hiểu chỗ này”. "Mẹ Huyền ơi, con làm được bài rồi"… Tan lớp, tôi tìm gặp và trò chuyện với một vài học sinh của cô giáo Huyền. Tống Đức Hiệp, Trần Hoài Nam, bố mẹ đều ly hôn. Lê Văn Phong, bố mẹ đều đang trong thời gian đi cải tạo… Mỗi em một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng khi đến lớp, tất cả đều có chung một nguyện vọng: Học giỏi để sau này trở thành người có ích.

Nói về những học trò của mình, cô giáo Phạm Thị Huyền tâm sự:

- 18 năm trôi qua, nhiều học sinh của tôi giờ đã trưởng thành. Điều này làm tôi vui lắm. Mới rồi, tôi nhận được điện thoại của Nguyễn Văn Thành (học sinh từ 2001 đến 2003). Thành hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Qua điện thoại, Thành cho tôi biết: Em vừa được tôn vinh là nhà tạo mẫu tóc cho các ngôi sao. Hoặc Nguyễn Thùy Dương, học sinh của tôi từ 2002 đến 2005. Sau một thời gian theo học tại lớp của tôi, em chuyển sang theo học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân. Học hết lớp 12, Dương thi đỗ vào trường trung cấp nấu ăn. Bây giờ, Thùy Dương đã trở thành một đầu bếp có tiếng ở Hà Nội.

Nói rồi, cô Huyền cho tôi xem danh sách những học trò của lớp. Tôi đặc biệt quan tâm đến một em học sinh với cái tên đặc trưng miền núi: Chẻo Chẳn Đôi. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, cô Huyền giới thiệu:

- Chẻo Chẳn Đôi năm nay 13 tuổi. Em là người dân tộc Dao đen. Quê Chẳn Đôi ở xã Huổi Luông (Phong Thổ, Lai Châu). Mẹ em mất sớm, nhà nghèo, lại đông anh em, nên Chẳn Đôi được gia đình xin về học ở Làng Hòa Bình. Biết tôi mở lớp dạy chữ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo Làng Hòa Bình giới thiệu Chẳn Đôi sang đây theo học. Hiện, em đang học lớp 4. Chẻo Chẳn Đôi rất chăm chỉ học tập.

Tìm hiểu, tôi được biết, lớp học của cô Huyền còn rất nhiều trường hợp đáng thương. Chị em Nghiêm Thùy Linh, nhà ở phố Đội Cấn (Hà Nội) là một ví dụ. Nghiêm Thùy Linh, năm nay đã 15 tuổi, nhưng giờ mới theo học để làm quen với những phép tính cộng, trừ đơn giản. Em trai của Linh là Nghiêm Huy Đức, 13 tuổi, hiện đang theo học lớp 2. Chị em Linh có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ mất sớm, bố thiếu quan tâm, nên việc học hành của các em đành lỡ dở. Vì thế, chị em Linh xin vào học lớp tình thương để được cô Huyền dạy dỗ. Ngoài ra, lớp học của cô Huyền còn nhiều học sinh lớn tuổi theo học. Hiện có hai học sinh lớn tuổi đã có gia đình, vừa nuôi con, vừa đi học nên được cô Huyền cho phép học theo một khung thời gian đặc biệt.

"Được dạy học là tôi vui rồi"-đó là tâm sự của cô giáo Phạm Thị Huyền khi nghe tôi gợi chuyện. Gần 20 năm qua, bằng tình yêu nghề và thương các em học sinh nghèo, nên tất cả kinh phí, vật chất, sách vở phục vụ việc dạy học cho các em, hầu như cô Huyền đều đảm nhiệm cả. Nói về sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền các cấp đối với lớp học tình thương của mình, cô Huyền tâm sự:

- Sau một thời gian mở lớp, chính quyền phường Hạ Đình biết tin cũng đến kiểm tra, rồi sau đó quyết định bồi dưỡng, giúp đỡ tôi mỗi tháng 400.000 đồng. Khi lớp học ngày càng đông học sinh, UBND phường Hạ Đình tiếp tục hỗ trợ cho tôi với mức kinh phí cao hơn. Nhờ khoản hỗ trợ này nên tôi cũng đỡ vất vả trong cuộc sống và có điều kiện để mua thêm sách vở giúp các em học tập tốt hơn. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, lớp tình thương của tôi được "biên chế" vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên của quận. Vì thế, mỗi tháng tôi cũng nhận được 2.027.000 đồng gọi là tiền lương.

Tôi chia tay cô giáo Phạm Thị Huyền khi những con phố ở Hà Nội đã sáng đèn. Một ngày lại qua đi, dưới bàn tay dạy dỗ của cô Phạm Thị Huyền, những đứa trẻ nghèo lại có thêm một chút kiến thức để mai sau lớn lên biết lo cuộc sống cho mình, cho gia đình và giúp ích cho xã hội.

Bài và ảnh: LÊ LANH