QĐND Online – Báo cáo thành tích tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX năm 2015, Thượng tá Mê Văn Đạt khiến nhiều người chú ý ngay từ đầu bởi cách phát âm còn lơ lớ tiếng đồng bào. Rồi người nghe thực sự bị cuốn hút bởi những việc mà anh đã làm trên mảnh đất biên cương Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Chính sức hút từ người cán bộ biên phòng cắm bản Mê Văn Đạt đã thôi thúc chúng tôi hướng về Đàm Thủy trong những ngày trung tuần tháng 6...
Càng khó, càng quyết tâm
Đường từ Cao Bằng về Trùng Khánh giờ đã đẹp, song để đi hết quãng đường khoảng 90 cây số vẫn cần khá nhiều thời gian bởi những đoạn cua tay áo, những con dốc cao ngất ngưởng cứ tiếp nối nhau. “Đường khó đi là một chuyện, nhưng vì địa phương cần mình, bà con cần mình nữa, nên cũng ít về thành phố Cao Bằng, nơi vợ con đang ở”- Thượng tá Mê Văn Đạt tâm sự như thế.
Từng làm Trưởng Ban Tổ chức (Phòng Chính trị) rồi đến Chánh văn phòng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng, năm 2007, Thượng tá Mê Văn Đạt được điều về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy đúng lúc muôn vàn cái khó đang đeo bám vùng đất này.
Ngày ấy, Đàm Thủy được biết đến là nơi diễn ra nạn khai thác quặng lậu ồ ạt, cuốn phăng hàng nghìn người dân vào vòng xoáy của nó, khiến nhiều người bỏ bê đồng ruộng; trẻ em bỏ học; người nghiện ma túy gia tăng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mất ổn định; rồi cả nạn tảo hôn cũng là vấn đề nhức nhối...
Nhớ ngày mới được điều về giữ chức danh ở địa phương, Thượng tá Mê Văn Đạt tâm sự: “Một trong những khó khăn đặt ra với mình lúc đó là làm thế nào để bà con ủng hộ mình. Rất nhiều người, trong đó có người già cho rằng, cả xã có đến hàng nghìn nhân khẩu, sao không chọn được cán bộ mà lại để bộ đội biên phòng về lãnh đạo bà con”.
Thêm nữa, yêu cầu đặt ra với một Bí thư Đảng ủy xã rất mới, rất khác so với yêu cầu đặt ra với một sĩ quan biên phòng. Vị trí này đòi hỏi anh phải có kiến thức tương đối toàn diện, nhất là kiến thức về quản lý kinh tế-xã hội...
 |
Thượng tá Mê Văn Đạt (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ Đồn Biên phòng Đàm Thủy xuống thăm, trao đổi tình hình sản xuất với một hộ dân xóm Lũng Phiắc. |
Những ngày đầu, Mê Văn Đạt đã có những “cú vấp” khiến anh nhớ mãi đến hôm nay. Anh kể lại: Theo đặc điểm canh tác ở địa phương, việc tiêm phòng cho trâu, bò thường được thực hiện vào khoảng tháng 6 đến tháng 7, hoặc sau tháng 9, để không ảnh hưởng đến sức kéo khi chính vụ. Vậy nhưng mình lại chỉ đạo bà con “tiêm chưa xong thì tiếp tục tiêm bất kể thời điểm nào”. Ngay sau khi chỉ đạo được phát đi, có bà con lên gặp anh và bảo: “Bí thư chỉ đạo thế không đúng rồi”. Tìm hiểu trên sách báo và cơ quan chuyên môn, Mê Văn Đạt biết mình chỉ đạo chưa đúng và “sửa sai” ngay. Sau “sự cố” đó, Mê Văn Đạt hiểu rằng, để đảm đương được vị trí Bí thư Đảng ủy, anh phải nỗ lực cố gắng không ngừng...
"Miệng nói, tay làm"
Lại nói về chuyện bà con nhân dân đổ xô đi đào quặng lậu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước đến năm 2006 ở Lũng Phiắc (một xóm của Đàm Thủy), để thấy được những cố gắng của Thượng tá Mê Văn Đạt cũng như các cán bộ biên phòng về cắm bản. “Cơn lốc” quặng lậu khi đó đã gây ra nhiều hệ lụy ở địa phương, buộc Tỉnh ủy Cao Bằng phải ra một chỉ thị riêng (Chỉ thị 15) để ổn định tình hình ở Lũng Phiắc. Theo đó, hàng chục cán bộ, trong đó có cán bộ biên phòng được “tung” xuống Đàm Thủy làm công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nhân dân phát triển kinh tế, đặc biệt là chăn nuôi và trồng trọt; tổ chức lực lượng chặn đứng "dòng chảy" của quặng lậu...
Năm 2007, ngay sau khi được điều về Đàm Thủy làm Bí thư Đảng ủy xã, Thượng tá Mê Văn Đạt xác định cần triển khai nhanh, mạnh, quyết liệt các giải pháp đồng bộ để tiếp tục phát huy kết quả đạt được sau quá trình thực hiện Chỉ thị 15 của Tỉnh ủy Cao Bằng.
Tại sao bà con lại đi đào quặng lậu? Tại sao bà con bỏ bê đồng ruộng? Tại sao bà con nghe kẻ xấu gây rối trật tự công cộng?...Thêm nhiều câu hỏi nữa cứ nhảy múa trong đầu Mê Văn Đạt. Nghiên cứu, phân tích kỹ, anh đặt ra những việc cần phải làm ngay là: Nhanh chóng kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đồng thời củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng; bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; có biện pháp hữu hiệu giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế, đặc biệt là sớm khôi phục hoạt động trồng trọt, chăn nuôi; đề nghị trên đầu tư kinh phí phát triển hạ tầng nông thôn, nhất là đường, trường, trạm, công trình thủy lợi...
Ngay sau đó, Bí thư Đảng ủy Mê Văn Đạt cùng cấp ủy, chính quyền xã Đàm Thủy lựa chọn các quần chúng tốt để bồi dưỡng, phát triển Đảng, xóa xóm trắng về đảng viên và chi bộ; củng cố Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên bằng cách lựa chọn những người có năng lực tốt, bầu khách quan, tránh tình trạng lợi ích cục bộ; cử cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn... Các nghị quyết chuyên đề về trồng trọt, chăn nuôi cũng lần lượt ra đời; địa phương cũng đề nghị cấp trên đầu tư xây dựng đường nội bộ kiên cố và gần 5km kênh mương nội đồng bảo đảm đủ nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Làm thế nào để bà con tin mình nói, có lẽ trước hết mình phải làm để bà con tin”, nghĩ vậy, Thượng tá Mê Văn Đạt xác định phải gắn trách nhiệm của mình với lợi ích của nhân dân. Mùa đầu tiên đưa giống lúa mới về trồng ở Đàm Thủy, anh khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Nếu năng suất không đạt được như tôi cam kết, tôi sẽ đền bù cho bà con”. Dám cam kết bởi anh đã tìm hiểu kỹ giống lúa mà công ty giới thiệu và họ cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc. Mùa đó, lúa bội thu, vượt cả năng suất Mê Văn Đạt cam kết với bà con. Niềm tin của bà con với Bí thư Đạt hình thành và ngày càng vững chắc từ đó. Tích cực tham gia các khóa đào tạo, trình độ quản lý của Bí thư Đạt ngày càng được củng cố, “lỗ hổng” kiến thức dần được lấp đầy; chăm nghiên cứu tài liệu và “lướt web”, Bí thư Đạt hiểu thêm nhiều giống cây, con cũng như cách trồng, chăm sóc; mở rộng quan hệ, anh tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con. Trong những năm qua, anh đã khuyến khích bà con trồng thêm nhiều loại cây cho năng suất và giá trị kinh tế cao như ngô, lạc, gấc...
Những tháng ngày đi đào quặng, bà con không chỉ bỏ ruộng mà bỏ cả chăn nuôi, hầu như mỗi nhà chỉ nuôi 1-2 con lợn để thịt dịp Tết. Nay, nhờ sự sâu sát vào cuộc và khuyến khích kịp thời của cán bộ các cấp, nhiều gia đình đã đẩy mạnh chăn nuôi, đặc biệt là việc phát triển đàn lợn. “Trước đây bà con thường dùng kỹ thuật nuôi truyền thống là đun cám, vừa mất nhiều thời gian, vừa tiêu tốn nguyên liệu đun nấu mà hiệu quả kinh tế lại thấp. Nay được hướng dẫn, bà con đã ứng dụng kỹ thuật nuôi thẳng-tức là cho lợn ăn thức ăn sạch không qua đun nấu nên hiệu quả được nâng lên rõ rệt”, Thượng tá Mê Văn Đạt tâm sự.
Nhờ cách làm quyết liệt của người Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh nên Đàm Thủy đã từng ngày "thay da đổi thịt". Hiện toàn xã không còn xóm trắng về đảng viên và chi bộ; hằng năm có hơn 80% chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, không có tổ chức đảng yếu kém; hơn 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; Đảng bộ xã Đàm Thủy 5 năm liên tục (2010-2014) đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Công tác bồi dưỡng cán bộ ở Đàm Thủy cũng đạt kết quả rõ nét: trong tổng số 23 cán bộ, công chức xã, có 6 người đạt trình độ đại học, 2 người có trình độ cao đẳng, 15 người có trình độ trung cấp, điều đáng nói là 100% cán bộ đều là người dân tộc thiểu số. Tình hình kinh tế, xã hội của địa phương cũng có nhiều khởi sắc, đến nay Đàm Thủy chỉ còn 35 hộ nghèo, trên tổng số 1.151 hộ; sản xuất nông nghiệp từ một vụ lúa bấp bênh giờ nâng lên một vụ lúa, một vụ màu vững chắc; hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn phát triển tốt, hiện mỗi gia đình thường nuôi 5-7 con, nhiều gia đình duy trì đàn lợn từ 30-50 con...
Để “xóa sổ” nạn khai thác quặng lậu, cùng với tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tài nguyên thiên nhiên của đất nước, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy cũng triển khai những biện pháp “mạnh tay” như tổ chức lực lượng, nòng cốt là dân quân, tiến hành tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng xử lý các đối tượng ngoan cố vi phạm. Đến nay, viêc khai thác quặng lậu đã trở thành “chuyện ngày xưa” ở Đàm Thủy.
Vẫn còn nặng nợ
Đã 8 năm gắn bó với Đàm Thủy song Thượng tá Mê Văn Đạt vẫn thấy còn nặng nợ với vùng đất này. Trở lại công tác ở thành phố Cao Bằng, gần vợ gần con, thích lắm chứ, nhưng anh vẫn muốn bám trụ địa bàn để có cơ hội triển khai những công việc mình đang ấp ủ.
Tiềm năm du lịch của Đàm Thủy rất lớn bởi nơi đây có danh thắng Thác Bản Giốc rất đẹp và nổi tiếng. Năm 2013, ước khoảng 50 vạn khách đến tham quan ở Đàm Thủy, năm 2014 là 61 vạn và 6 tháng đầu năm 2015 là gần 102 vạn. Vậy nhưng, Bí thư Mê Văn Đạt vẫn chưa thực sự hài lòng.
“Để du khách “vào nhanh, ở nhiều, ra chậm” thì địa phương còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, từ công tác quảng bá đến nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch”, Thượng tá Mê Văn Đạt chia sẻ.
Anh dự định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn người dân cách làm du lịch, tập trung vào những nội dung cơ bản như giao tiếp, phục vụ; sản xuất và cung cấp các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm nét văn hóa của địa phương; phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào trong hoạt động du lịch; đặc biệt là phát triển loại hình du lịch homestay (lưu trú tại nhà).
Để “mở đường” cho loại hình du lịch homestay, Đảng ủy xã Đàm Thủy xác định nhanh chóng triển khai nghị quyết chuyên đề, vận động bà con đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà, bởi hiện toàn xã Đàm Thủy vẫn còn hơn 400 hộ nuôi nhốt gia súc dưới gầm, sàn nhà. Khi chủ trương này được thực hiện triệt để, bà con sẽ ăn ở hợp vệ sinh, phòng ngừa được dịch bệnh, đồng thời giúp du khách an tâm hơn về vấn đề vệ sinh khi du lịch lưu trú lại nhà dân.
 |
Thượng tá Mê Văn Đạt (bên trái) tham gia làm cầu Pò Đan. |
Một nghị quyết chuyên đề nữa cũng được Bí thư Mê Văn Đạt và Đảng ủy xã Đàm Thủy xác định triển khai quyết liệt là phân chia từng đoạn sông Quây Sơn cho từng xóm quản lý. Quây Sơn là một con sông rất đẹp chạy qua địa bàn Đàm Thủy, có giá trị lớn về phát triển du lịch cũng như cung cấp nguồn nước cho sản xuất. Trước tình trạng ném mìn, xung điện đánh bắt thủy sản hoặc vứt rác và xác gia súc, gia cầm trên sông diễn ra phổ biến, nên Đảng ủy xã quyết tâm giao trách nhiệm cho từng xóm trong quản lý sông, nhằm bảo vệ nguồn nước, giữ vệ sinh môi trường và bảo vệ thủy sinh. Nếu xóm nào để xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý; ai phát hiện, tố giác vụ việc vi phạm sẽ được biểu dương, khen thưởng.
Trong Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX vừa qua, khi nói về Thượng tá Mê Văn Đạt, Đoàn chủ tịch giới thiệu anh là người cán bộ biên phòng “miệng nói, tay làm”. Trong ngày rời Đàm Thủy, qua công trình xây dựng cầu Pò Đan bắc qua sông Quây Sơn, hình ảnh của người Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh chợt gợi lại trong chúng tôi lời giới thiệu của Đoàn chủ tịch hôm nào. Sau khi “phát lệnh” đổ bê tông mặt cầu, Bí thư Đạt lúc xắn tay trực tiếp nhào trộn bê tông; khi kiểm tra, đôn đốc, động viên từng bộ phận tham gia thi công... Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào với bà con nhân dân trên mảnh đất biên cương Đàm Thủy, Thượng tá Mê Văn Đạt đã thực sự được bà con tin yêu, mến phục, từ đó cùng nhau đồng lòng, góp sức xây dựng mảnh đất phên giậu của Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, vững vàng...
Bài, ảnh: HÀ CƯỜNG DUYÊN THẮNG