QĐND - Suốt 16 năm qua, học sinh và thầy, cô giáo trên địa bàn TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã quá quen với hình ảnh một ông lão đến các trường kể chuyện lịch sử, chuyện Bác Hồ, chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Dù đã ở tuổi 83, nhưng người cựu chiến binh (CCB) ấy vẫn không ngừng nghỉ bồi đắp kiến thức lịch sử, truyền thống dân tộc cho thế hệ tương lai của đất nước. Mọi người trìu mến gọi ông là “Bác Toản lịch sử”.
Duyên, nghiệp với kể chuyện lịch sử
Chúng tôi tìm đến nhà của người CCB già Nguyễn Quốc Toản trong con ngõ nhỏ ở tổ dân phố Vĩnh Ninh 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Vẫn luôn giữ cốt cách, nếp sinh hoạt của một người lính Cụ Hồ, nên chúng tôi thấy căn nhà ông toát lên vẻ giản dị, ngăn nắp. Có lẽ thứ nhiều nhất trong căn nhà ấy là sách, báo, các tư liệu lịch sử cùng huân, huy chương và bằng khen, giấy khen. Ông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bắc Giang giàu truyền thống cách mạng, nơi có người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Ông hồi tưởng lại quá khứ khi gặp những người trẻ đến từ phương xa: “Năm 16 tuổi (1948), tôi đã gia nhập quân ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1950, tôi là lính của Sư đoàn 308 anh hùng. Thật may mắn trong đời lính của mình, tôi đã làm anh chiến sĩ liên lạc, rồi chính trị viên tuyên truyền”.
Ông Toản từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Sau đó, ông tiếp tục làm công tác chính trị trong Văn phòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1975-1978) rồi trở về quê hương giữ chức Chủ tịch Hội CCB thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang) liền hai khóa.
Sau gần 50 năm chiến đấu, công tác trong quân đội, rồi Hội CCB, ông nghỉ hưu với quân hàm trung tá cùng 9 huân, huy chương các loại. Như một cái duyên, cái nghiệp, năm 1999, ông không muốn nghỉ ngơi mà quyết định tiếp tục tự nguyện tham gia vào công tác tuyên truyền. Ông mong được truyền thụ và bồi đắp một chút kiến thức lịch sử bổ ích cho các cháu học sinh và cả những chiến sĩ trẻ trong quân ngũ.
 |
Ông Toản cần mẫn tìm thông tin trên sách báo, tranh ảnh, tài liệu... |
Ông tâm sự: “Nhiều năm theo dõi qua báo, đài, tôi thấy việc dạy và học lịch sử ở các trường phổ thông còn nhiều bất cập. Một phần do giáo án và những bài giảng quá nặng lý thuyết, hình thức, không tạo được cảm hứng cho học sinh. Một phần nữa cũng do cách giáo dục trong gia đình chưa tốt và những luồng thông tin lịch sử sai lệch, xuyên tạc mà các cháu học sinh bị ảnh hưởng từ internet, từ ngoài xã hội”.
Nhận thức được thực trạng và nguyên nhân của vấn đề, ông đã chủ động đạp xe đến các trường học trên địa bàn TP Bắc Giang để làm việc, đề xuất ý kiến, mong muốn của mình. “Được kể chuyện-đúng hơn là nói chuyện lịch sử, nói chuyện Bác Hồ… với các cháu học sinh là tôi thích lắm. Chỉ cần nhà trường, các thầy, cô đồng ý chứ chẳng cần thù lao, công cán gì đâu”, ông cho biết.
Vừa là năng khiếu, vừa như cái duyên đứng diễn thuyết trước đám đông với nụ cười hóm hỉnh, cách kể chuyện dí dỏm nên ông luôn thu hút được người nghe. Đến với học sinh, rồi những người lính trẻ, ông luôn mặc bộ quân phục của người lính Cụ Hồ để tạo cảm giác gần gũi, giản dị. Chính hình ảnh, lời nói ban đầu của ông đã làm các em học sinh và mọi người có thiện cảm.
Ông kể về những tấm gương sáng, những trận đánh lịch sử của Quân đội ta, trong đó có cả những trận đánh mà ông đã trực tiếp tham gia; về tấm gương đạo đức, tấm lòng quý trọng, thương yêu nhân dân, đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của Bác Hồ; về 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng; những câu chuyện có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cho các cháu về lối sống, luân thường đạo lý, ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội…
Trong lần về Bắc Giang, chúng tôi cũng được biết ở đây có nhiều CCB cũng từng có ý định đi kể chuyện cho học sinh, nhưng tất cả đều không thực hiện được hoặc không thành công ở lần đầu tiên.
Chính vì vậy, biệt danh “Bác Toản lịch sử” chẳng thể lẫn vào đâu được. Mọi người trên địa bàn đều biết cái tên ấy, dù rằng ông bảo tên thật trên giấy tờ của ông là Nguyễn Văn Mùi. Với ông, đi kể chuyện lịch sử như đã trở thành cái duyên, cái nghiệp. Ông chẳng quản gian khó, mệt mỏi, đạp xe đến với các cháu học sinh, các chiến sĩ thân yêu. Nhiều lúc con cháu có ý chở ông đi, nhưng ông đều từ chối, vẫn cứ đạp chiếc xe cà tàng và coi đó như một thói quen để rèn luyện sức khỏe.
Kể sinh động và hấp dẫn các cháu mới nghe!
Sau 16 năm đi nói chuyện, kể chuyện lịch sử ở hàng chục trường học, đơn vị quân đội trên địa bàn, CCB Nguyễn Quốc Toản cho biết: “Kể chuyện cho các cháu học sinh, các bạn trẻ bây giờ ngày càng khó khăn. Thời buổi này, các cháu chỉ thích xem phim ảnh, nếu mình nói dai, nói dài là chúng mất trật tự, hoặc bỏ đi ngay. Phải làm sao kể thật ngắn gọn, sinh động, hấp dẫn các cháu mới nghe”.
Chính vì các cháu học sinh sống cách xa hoàn cảnh những câu chuyện lịch sử, nên ông phải biến cái của thời xưa thành những mẩu chuyện nhỏ, có ví dụ dẫn nhập khéo léo mang hơi hướng thời đại. Ở mỗi lần kể chuyện của mình, ông Toản đều có những câu hỏi giao lưu với các cháu học sinh. Thậm chí, ông còn bỏ một ít tiền lương của mình ra mua vài cuốn sách, cây bút, quyển vở, lọ mực để tặng những em học sinh có câu trả lời đúng trong cuộc giao lưu. Tuy rất nhỏ, nhưng theo ông, nó như một chất men kích thích các em học sinh ham tìm tòi, tư duy khi động chạm đến những kiến thức lịch sử.
 |
Ông Toản (người cắp cặp) kể chuyện tại nghĩa trang liệt sĩ. |
Ông Toản tiết lộ rằng, suốt hàng chục năm qua, bản thân ông đã phải kỳ công đạp xe đến cơ quan cũ của Hội CCB, các ban, ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Giang để mua hoặc xin lại sách, báo cũ về đọc. Như con ong chăm chỉ, ông cần mẫn tập hợp, chọn lọc, biên soạn từ những tài liệu, sách báo rồi ghi chép cẩn thận vào cuốn "Nhật ký học tập và làm theo tấm gương Bác". Sau đó, trong mỗi lần kể chuyện, ông lại khéo léo biến tài liệu của mình thành những câu chuyện ngắn, sinh động để kể trong khoảng 15 phút.
Để chuẩn bị cho những lần kể chuyện được thành công, ông còn sưu tầm, cắt xén nhiều tranh, ảnh minh họa sinh động. Còn những câu chuyện, đề cương của cuộc giao lưu, ông đều cẩn thận chép ra giấy rồi thuộc lòng. Khi đến các trường học, cơ quan, đơn vị… ông luôn có cách nói chuyện trao đổi tự nhiên chứ không phải như một người đứng đọc tài liệu cho học sinh, giới trẻ nghe.
Ông luôn có những đề cương cho các buổi kể chuyện lịch sử của mình như: Đề cương kỷ niệm 30-4; Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5 hay chuyện kể về Bác Hồ vào ngày 19-5… Ông không bao giờ để những câu chuyện năm sau trùng lặp với năm trước. Chính vì thế, mỗi năm tuy chỉ kể chuyện khoảng 10-15 lần vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm, nhưng ông phải chuẩn bị tài liệu, tư liệu suốt cả 365 ngày.
Nói phải đi đôi với làm, nếu chỉ kể cho học sinh và các bạn trẻ nghe thì đôi khi cảm thấy hơi lý thuyết, suông hoặc sáo rỗng. Nhận thức được như vậy nên rất nhiều lần ông đã đề xuất với nhà trường cho mình được dẫn các cháu học sinh đi tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử trên địa bàn. Thậm chí ngày 27-7, ông đã đưa học sinh ra nghĩa trang liệt sĩ để thắp hương và kể chuyện ngay chính tại nơi ấy. Nhưng một minh chứng thực tế và sinh động nhất là nhiều phụ huynh, giáo viên đã đưa con em mình đến tham quan, giao lưu tại chính nhà ông ở tổ dân phố Vĩnh Ninh 1.
Đến nhà ông, các em học sinh được xem hàng trăm hiện vật, kỷ vật kháng chiến và rất nhiều tranh, ảnh quý mà ông đã sưu tầm được. Em Hương Giang, học sinh lớp 8 Trường THCS Hoàng Hoa Thám, tâm sự với chúng tôi: “Qua những câu chuyện của bác Toản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, em đã học được tính giản dị, khiêm tốn và em sẽ cố gắng vận dụng vào học tập cũng như cuộc sống thực tế của mình”.
Còn với bà Nguyễn Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Dĩnh Kế-TP Bắc Giang nhận xét: “Bác Toản vẫn thường xuyên đến trường tôi kể chuyện ngoại khóa cho các em học sinh. Vào các dịp lễ mít tinh, kỷ niệm, chuyện kể của bác Toản luôn được học sinh trông đợi nhất. Bác có cách chọn lọc thông tin, xây dựng nên những mẩu chuyện lịch sử ngắn gọn và lấy dẫn chứng minh họa rất chân thực, sinh động”.
Bên cạnh đó, quãng thời gian từ năm 2005-2013, ông Toản đã hiến tặng Bảo tàng Bắc Giang gần 70 hiện vật quý giá như: Áo trấn thủ, mũ, ca uống nước… của người lính năm xưa để phục vụ công tác tuyên truyền. Ông cũng coi đó là nghĩa cử và điều tất yếu của một CCB nên làm.
Chẳng lúc nào nghỉ ngơi, ngoài công việc chuẩn bị tư liệu, đi kể chuyện, gặp gỡ học sinh… khi trở về khu phố, ông lại tích cực tham gia công tác xã hội khác như động viên, kêu gọi ủng hộ cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Ông đã giúp đỡ bà Nguyễn Thị Tại, người có con bị tật nguyền có cuộc sống tốt đẹp hơn, động viên các CCB nghèo phấn đấu làm ăn, vươn lên trong cuộc sống…
Làm tất cả những công việc tự nguyện không lương ấy, ông bảo với chúng tôi rằng bó hoa tươi thắm, tiếng vỗ tay phấn khích, cái bắt tay quý mến, cảm ơn của mọi người đã đủ làm cho ông vui rồi. Khi chuẩn bị tạm biệt chúng tôi, ông tự tin bảo rằng: “Đồng lương trung tá nghỉ hưu của tôi vẫn sống tốt, nên tôi sẽ cố gắng tiếp tục những việc mình đang làm đến khi nào sức khỏe cho phép. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ thì làm cả đời cũng không hết. Nhưng nếu mỗi chúng ta ở vị trí của mình làm hết sức cho dân, cho nước thì dù chỉ là những việc nhỏ thôi cũng tốt và ý nghĩa lắm rồi”.
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ HƯỜNG