leftcenterrightdel
 Mẹ Tầm và em Dương Tiến Lâm tại Đại hội thi đua Vì nạn nhân chất độc da cam toàn quốc lần thứ 3 tại Hà Nội.
Người thầy thuốc-mẹ hiền mẫu mực

Bà Tầm là người gốc Huế, nhưng lớn lên trên mảnh đất cao nguyên bạt ngàn nắng gió. Năm 1983, bà tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Huế, dù thành phố nơi bà học tha thiết mong bà ở lại làm việc, nhưng bà kiên quyết từ chối, vì một lý do duy nhất: Người dân Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông-quê hương bà còn rất nghèo khó; họ cần bà nhiều hơn.

Thời điểm ấy, khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắc Nông nói riêng, dịch sốt rét đang hoành hành. Người dân đói nghèo, bệnh tật, trẻ em bị suy dinh dưỡng nên cơ thể gầy gò ốm yếu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Cùng lúc đó, bọn phản động PULRO hoạt động mạnh làm cho trật tự trị an rất phức tạp. Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm chùn bước người lương y mang trong mình tình yêu quê hương sâu nặng. Bà tâm sự: “Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng tôi vẫn yêu mến quê nhà, vẫn yên tâm công tác, thông cảm sâu sắc với người dân, với bệnh nhân ở đây. Vừa chữa bệnh, tôi vừa nghiên cứu điều kiện thực tế để tìm ra phác đồ điều trị tốt nhất ứng dụng vào lâm sàng, khảo sát tình hình bệnh tật ở địa phương để lập dự án điều trị và phòng tránh. Mỗi ngày qua đi là một ngày có ý nghĩa với tôi vì những việc mình làm đã mang lại thành quả”.

Tình yêu thương bà Tầm dành cho người dân địa phương cứ lớn dần theo năm tháng, để rồi sau gần 30 năm làm bác sĩ, bà đã dành tất cả tâm huyết để phục vụ người bệnh. Nhớ lại thời điểm những năm 1985-1988, dịch sốt rét hoành hành ở Tây Nguyên, với phụ nữ có thai lại càng nguy hiểm. Nếu điều trị sốt rét cho phụ nữ mang thai bằng phác đồ Chloroquin thì nguy cơ sảy thai rất cao. Vì vậy, bác sĩ Tầm đã tập trung nghiên cứu, tìm ra phác đồ điều trị Artésunat-Artémisinin, giúp phụ nữ có thai mắc bệnh sốt rét giảm nhiều lần nguy cơ động thai so với phác đồ điều trị Chloroquin. Nghiên cứu này đã được Hội đồng khoa học Sở Y tế tỉnh Đắc Lắc cho ứng dụng rộng rãi trong điều trị sốt rét... Và phác đồ điều trị sốt rét của bà thực sự giá trị đối với vùng đất Tây Nguyên nghèo khó lúc bấy giờ.

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu, nhưng bà Tầm vẫn dành thời gian, tâm huyết nghiên cứu đề tài: “Khảo sát thực trạng con đẻ cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến bị dị dạng, dị tật, bệnh tật do ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin trên địa bàn tỉnh Đắc Nông”. Mục đích của bà là thông qua đề tài, nhằm cung cấp số liệu cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ các nạn nhân, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin.

Mẹ của những mảnh đời lang thang, bất hạnh

Với lòng nhân ái, rộng mở như tiếng cồng chiêng rộn rã giữa đất trời Tây Nguyên, bà Tầm đã nhận nuôi nhiều trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ cũng như bảo trợ nuôi dưỡng các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Chính nhờ bàn tay tận tình chăm lo của “mẹ Tầm” đã làm thay đổi cuộc đời của không ít những con trẻ có quá khứ bất hạnh, nay trở thành người có ích cho đời.

Có thể kể đến trường hợp của em Nguyễn Gia Hoàn, sinh năm 1982, quê ở xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Hoàn mồ côi từ khi còn nhỏ, cuộc sống khốn khó, khổ cực. Bà Tầm đã đưa em về nuôi dưỡng, cho ăn học... Giờ đây, Hoàn đã là lái xe giỏi, sống hạnh phúc cùng gia đình nhỏ của mình tại tỉnh Lạng Sơn. Người con thứ hai được mẹ Tầm nuôi dưỡng là em Nguyễn Thị Bích Phụng, sinh năm 1985, quê ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Từ một cô bé mồ côi, nay chị Phụng đã trở thành cử nhân-nữ hộ sinh công tác tại Trường Trung cấp Y Đắc Lắc. Người con thứ ba của bà cũng là người khá đặc biệt-em Vũ Văn Hải, sinh năm 1988, quê ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hải là con một cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ; chất độc da cam đã làm chị của em bị tâm thần còn em thì bị mù mắt bên trái. Biết được hoàn cảnh khó khăn của Hải, bà Tầm đã nhận Hải về nuôi, cho em theo học lớp vừa học vừa làm để có thêm thu nhập gửi về phụ giúp gia đình. Sau khi trưởng thành, Hải đã trở về Thanh Hóa để chăm lo cho bố mẹ và chị gái...

Người cán bộ hội giàu lòng nhân ái

Năm 2013, được sự tín nhiệm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bà Tầm được giao chức vụ Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Đắc Nông. Từ đó, bà không chỉ tận tâm, tận lực tích cực tham gia đấu tranh đòi quyền lợi cho nạn nhân da cam, mà bà còn là tấm gương sáng trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, mang cuộc sống ấm no hạnh phúc đến những người chịu tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần sau chiến tranh.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam khẳng định: “Trong 3 năm đảm đương công tác của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, bà Tầm không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn luôn đi đầu, sẵn lòng mở rộng vòng tay nhân ái, đầu tư tiền bạc, đất đai, thậm chí là nhường cả nhà ở của mình để những nạn nhân chất độc da cam có cuộc sống tốt đẹp, hòa nhập với xã hội”.

Ông Nguyễn Văn Vương, 72 tuổi, ở tổ 7, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông là cựu chiến binh; từng bỏ học tham gia cách mạng khi đang là sinh viên của trường đào tạo thợ điện tại Sài Gòn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông chăm lo làm ăn, nhưng do bản thân ông và vợ con bị bệnh tật nhiều năm; gia đình bán hết nhà cửa, vườn rẫy để chữa bệnh và phải đi ở nhờ. Thấy gia cảnh ông Vương quá khó khăn, lại đã già yếu, bà Tầm đã thuyết phục gia đình mình hiến tặng một lô đất rộng 350m2, trị giá khoảng 120 triệu đồng để ông Vương làm nhà. Bà Tầm còn vận động chính quyền địa phương, Tỉnh Hội da cam, cùng cộng đồng thôn xóm ủng hộ để giờ đây ông Vương có một căn nhà khang trang. Ông Vương tâm sự: “Tuổi tôi đã vào giai đoạn xưa nay hiếm, lại ốm yếu liên miên. Có nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ mình lại có nhà cửa khang trang. Đất để xây nhà, gỗ để lót sàn, làm cửa, giếng khoan và đường ống nước đều do cô Tầm tặng. Ơn nghĩa này với tôi như trời như bể”.

Người thứ hai được bà Tầm cưu mang, đó là Dương Tiến Lâm, 31 tuổi, ở tổ 4, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông. Anh Lâm là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Tháng 10-2013, mẹ của Lâm bị ốm nặng rồi qua đời, đó cũng là thời điểm Lâm mất việc làm. Đang trong lúc bơ vơ, chẳng biết đi đâu về đâu thì Lâm được mẹ Tầm đưa về nhà nuôi dưỡng. Biết Lâm có nghề sửa chữa điện tử, mẹ Tầm bỏ tiền mua 20 máy vi tính, trị giá 78 triệu để Lâm mở quán internet. Vài tháng sau, mẹ nhận thêm em Chu Thế Nguyên, 21 tuổi về ở cùng Lâm, để Lâm dạy tin học, dạy sửa chữa điện tử cho Nguyên. Từ một đứa trẻ bị câm điếc, mồ côi cha lúc 3 tuổi và là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3; được sự dạy dỗ của Lâm, em Nguyên đã biết chữ và sử dụng được máy vi tính; biết giao tiếp và linh hoạt hơn trước rất nhiều. Còn với riêng Dương Tiến Lâm, mới đây em đã cưới vợ và dành dụm làm được ngôi nhà khang trang ở ngay cạnh nhà mẹ Tầm.

Chia sẻ với chúng tôi, Dương Tiến Lâm cho biết: “Người không trực tiếp sinh ra tôi, nhưng yêu thương tôi như con, chính là mẹ Tầm. Mẹ cho tôi ăn, cho tôi ở, cho tôi việc làm, cho tôi cuộc sống như ngày hôm nay. Noi gương mẹ, tôi mong muốn được giúp đỡ thật nhiều người có hoàn cảnh như mình để họ vươn lên hòa nhập và không là gánh nặng của xã hội”.

Điểm lại, sau 3 năm (2013-2015) số tiền mẹ Tầm giúp đỡ các nạn nhân là hơn 324 triệu đồng. Số tiền này là tương đối lớn, nhưng chẳng thể so sánh được với tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên của mẹ Tầm và gia đình dành cho các nạn nhân chất độc da cam.

Dù mang đến biết bao niềm vui, hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh, nhưng khi nói về mình, mẹ Tầm chỉ nhận: “Với tôi, điều ý nghĩa nhất là góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, mang đến cho những nạn nhân da cam tri thức, việc làm để họ tự tin hòa nhập cộng đồng”. Ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Nông khi đánh giá về mẹ Tầm chỉ nói một câu ngắn gọn: “Nỗi đau da cam đến nay vẫn hiện hữu tại nhiều gia đình cựu chiến binh và người dân Việt Nam. Xung quanh chúng ta còn rất nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ, do vậy, rất cần những con người giàu lòng nhân ái như bà Tầm để những số phận mang trong mình nỗi đau da cam, để những mảnh đời bất hạnh có nhiều cơ hội vươn lên trong cuộc sống”.

Bài và ảnh: TRỊNH DŨNG – ĐOÀN NAM