QĐND Online - Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đóng quân, làm nhiệm vụ trên địa bàn Tây Nguyên. Gần 30 năm gắn bó với bà con đồng bào các dân tộc, trong mỗi căn nhà, mỗi vùng đất nơi bộ đội sư đoàn đặt chân đến, hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 trở nên gần gũi và thân thương như những người con của vùng đất Tây Nguyên.

Các anh về, rừng núi thêm xanh

An Khê, Đắk Pơ, nơi Sư đoàn 2 đứng chân, mấy chục năm trước là hai huyện nghèo và thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và những người đi xây dựng kinh tế mới. Đây là vùng đất khô cằn sỏi đá, lại bị tàn tích nặng nề của chiến tranh, đời sống của người dân vô cùng khó khăn với lối canh tác lạc hậu. Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia về nước, chưa kịp nghỉ ngơi, những người lính sư đoàn lại bước vào xây dựng đơn vị chính quy và cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế, ổn định chính trị. Ông Vũ Văn Đoái, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 2 hồi tưởng: Ngày đó vất vả lắm, khi bộ đội về, đồng bào còn bị các phần tử xấu kích động, gây khó khăn cho việc đóng quân. Sư đoàn phải cử cán bộ, chiến sĩ về từng nhà, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, trước hết là cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền giải thích để bà con hiểu, rồi giúp bà con dựng lại nhà. Tuy là những căn nhà bằng tre, nứa, nhưng bộ đội có khi phải đi bộ vào tận trong rừng sâu, cả chục cây số mang vật liệu về; rồi làm vườn, hỗ trợ kỹ thuật, giống và ngày công, tư vấn các loại cây trồng phù hợp. Những vùng đất khô cằn dần được thay bằng những nương mía, nương ngô xanh mướt, nhà tranh vách đất cũng được thay bằng những ngôi nhà xi măng, lát gạch men, trẻ em được đến trường…

Bộ đội Sư đoàn 2 về với buôn làng.

Trên những đồi cao, không trồng được cây nông sản, sư đoàn tư vấn với chính quyền và bà con trồng cây lấy gỗ cho hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu, bà con còn do dự, vậy là bộ đội sư đoàn trồng thí điểm. Thấy đơn vị làm hiệu quả, bà con làm theo, ban đầu là mấy hec-ta, rồi nhân lên hàng chục héc-ta, phủ xanh đồi trọc bằng cây lấy gỗ. Chỉ tay về phía những dãy đồi xanh ngát, ông Hoàng Văn Thế ở xã Thành An, thị xã An Khê bộc bạch: “Công của bộ đội Sư đoàn 2 nhiều lắm đấy! Không ai nghĩ sỏi đá như vậy mà có thể trồng cây được. Vậy mà không quản nắng mưa, bộ đội Sư đoàn 2 luôn đồng hành cùng bà con và chính quyền địa phương để có được màu xanh này”.

Trung đoàn 95 ( trước đây thuộc Sư đoàn 307) khi được điều về đội hình Sư đoàn 2, đóng quân ở khu vực đèo Hà Lan (tỉnh Đắc Lắc) cao 1000m so với mực nước biển, không một bóng nhà dân, chỉ lưa thưa những bụi cây xấu hổ. Cuộc sống của người lính vốn khó khăn càng khắc nghiệt hơn khi đối mặt với bài toán thiếu nước sinh hoạt. Chỉ huy sư đoàn phải trực tiếp đi khảo sát và chỉ đạo đào giếng để có nước dùng. Những giếng nước sâu tới 20-30m, có giếng sâu tới 40m, bộ đội đào cả tháng mà đành phải lấp lại vì không có nước, nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn không nản. Khi những gầu nước đầu tiên từ giếng nước sâu thăm thẳm được múc lên, mát rượi, cả đơn vị như vỡ òa vì vui sướng. Với bàn tay của bộ đội, không chỉ có nước sinh hoạt, mà cả chục héc-ta đất trống đồi trọc dần được phủ xanh bằng cây cà phê, cao su, cây ăn quả, cây lấy gỗ…Người dân cũng dần về sống quanh ngọn đèo này. Bà H’BLa, Phó chủ tịch thị xã Buôn Hồ nói: “Bộ đội Sư đoàn 2 giỏi lắm, không ai nghĩ đèo Hà Lan từng là vùng đất trống đồi trọc, nay những ai qua đây đều muốn dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp, màu xanh no ấm”.

Những người con của buôn, làng

Với truyền thống “gắn bó với nhân dân, dựa vào dân đánh giặc”, những năm gần đây, truyền thống đó luôn được Sư đoàn 2 phát huy và được làm sâu sắc thêm. Đóng quân trên địa bàn chiến lược Tây nguyên, nơi các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng hoạt động chống phá, hình ảnh của người lính Sư đoàn 2 luôn gần gũi thân thương như những đứa con của nhiều làng, xã. Năm 2011, khi trận lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn các huyện Kbang và Krông Chro, người dân vẫn còn truyền nhau chuyện về người lính sư đoàn hàng chục lần lao mình xuống dòng nước xiết của dòng sông Ba để cứu người dân mắc kẹt. Trong mưa lũ, người dân luôn thấy hình ảnh quen thuộc của người lính Sư đoàn 2 xông pha nơi gian khó, hiểm nguy.

Gặp chúng tôi bà Đinh Thị Oi, người làng Chay, xã Yang Bắc, huyện Krông Chro, tỉnh Gia Lai, được trao tặng nhà tình nghĩa, xúc động nói: “Cảm ơn bộ đội Sư đoàn 2 nhiều lắm! Ở trong ngôi nhà mà mình cứ nghĩ đây là giấc mơ. Bộ đội còn hướng dẫn mình cách chăm sóc bò, làm vườn; tụi nhỏ nhiều đứa có quần áo và sách vở đến trường, bản mình quý mến và biết ơn bộ đội nhiều lắm!”. Còn bố của anh Đinh Chung, ở huyện Kbang, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 1 thì chia sẻ: “Từ ngày thằng Đinh Chung và mấy đứa trong xã đi bộ đội Sư đoàn 2, rồi xuất ngũ trở về, xã mình có thêm nhiều thanh niên đăng ký đi bộ đội. Bà con bảo: “Đứa nào đi bộ đội về cũng trưởng thành, chững chạc và biết làm ăn. Mình sẽ vận động bà con và thanh niên trong bản đi bộ đội, thực hiện nghĩa vụ quân sự, mình muốn bản mình có thật nhiều bộ đội, có thật nhiều thanh niên mang màu áo Bộ đội Cụ Hồ”. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Huyện ủy An Khê chia sẻ: “Quê hương An Khê từ ngày có bộ đội Sư đoàn 2 về, xóm làng thêm vui, đường sá nhiều nơi được mở mang khang trang, sạch sẽ; an ninh trật tự được giữ vững. Đối với bộ đội Sư đoàn 2, chính quyền, nhân dân coi như người nhà. Các anh là niềm tự hào, niềm tin yêu và là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương”.

Bài và ảnh: LÊ THỊ HOA