QĐND - Các cựu chiến binh (CCB) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là những người “khai sơn phá thạch” và từng bước chinh phục nguồn "vàng đen" của Tổ quốc giữa biển khơi bằng bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ. Đúng như điều mà ông Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội CCB tập đoàn, đã khái quát: “Chính phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã tỏa sáng và trở thành những phẩm chất cốt lõi của “người dầu khí”...
“Bảo bối” của ngành dầu khí
Có lẽ hơn ai hết, ông Phan Đình Đức hiểu được vất vả, gian truân và cống hiến của những người lính làm dầu khí bởi ông cũng từng là một người lính và cha ông-Thượng tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, được Chính phủ bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách dầu khí đầu tiên. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đã có hơn 8.500 người lính ở các đơn vị được huy động về thành lập Binh đoàn 318 xây dựng kinh tế dầu khí, với nhiều tướng lĩnh, sĩ quan ưu tú. Ngoài Thượng tướng Đinh Đức Thiện còn có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan ưu tú khác như: Trung tướng Nguyễn Hòa, Thiếu tướng Tô Ký, Đại tá Đặng Quốc Tuyển, Đại tá Phạm Văn Diêu, Đại tá Phan Tử Quang... Họ đã lao vào xây dựng ngành dầu khí với tinh thần "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua"; "khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực, thi hành nhanh chóng và chính xác", "hết lòng thương yêu đồng đội, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau"… Ông Đỗ Ngọc Ngạn, nguyên là Thư ký của Bộ trưởng Đinh Đức Thiện cho biết: “Chính phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành “bảo bối” giúp ngành dầu khí vượt qua những buổi đầu bộn bề gian khó”.
Theo nguyện vọng của các CCB, năm 2009, Hội CCB tập đoàn được thành lập. Đến nay, Hội CCB tập đoàn đã có 21 tổ chức hội trực thuộc với hơn 3.359 hội viên trong tổng số hơn 50.000 cán bộ, công nhân viên tập đoàn.
 |
Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trao 3,2 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.
|
Chất lính vẫn cháy trên hành trình "tìm lửa"
Mùa hè năm 2014, chúng tôi có dịp tham gia đoàn công tác của hơn 100 CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ra thăm quân-dân huyện đảo Trường Sa. Trực tiếp trò chuyện, chúng tôi phần nào hiểu thêm về việc phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ của họ. Ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên tập đoàn, cho biết: Đang tham gia nghiên cứu, khảo sát dầu khí ở Thái Bình, năm 1984, ông lên đường nhập ngũ, về Trung đoàn 957, Sư đoàn 431, Quân khu Tả Ngạn, được bổ nhiệm làm Trợ lý quân khí. Năm 1986, ông phục viên, trở về Tổng cục Dầu khí công tác. Theo ông, phẩm chất người lính có những nét ưu việt, phù hợp với đặc thù ngành dầu khí đòi hỏi những kỹ năng và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao.
Ông Vũ Quang Nam, nguyên Phó tổng giám đốc tập đoàn, kể: “Năm 1971, đang là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi lên đường nhập ngũ, vào Trung đoàn Pháo binh 24, Quân đoàn 4. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được về Tổng cục Dầu khí làm cán bộ giúp việc cho lãnh đạo tổng cục, nhưng chúng tôi vẫn phải tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Có năm, chúng tôi phải về huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cấy lúa tăng gia. Sự tiên phong của những người lính trong gian khổ là "mệnh lệnh không lời" giúp các anh em khác noi gương. Sau này, vươn ra biển lớn cũng vô cùng khó khăn, là những cuộc đấu trí, đấu lực. Có khi, một mũi khoan thăm dò chi phí cả chục triệu USD mà không ra dầu; có khi, đặt ra bài toàn đầu tư vào đâu, chọn công nghệ nào thì bản lĩnh người lính đã giúp đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng để ngành dầu khí nắm bắt được cơ hội, gặt hái thành công.
Những người lính đã từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật, thiết bị và từng bước vươn lên thoát khỏi sự phụ thuộc nước ngoài. Nhiều sĩ quan đã trở thành những nhà khoa học, tiêu biểu như: TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó tổng giám đốc tập đoàn, ông Vũ Quang Nam, nguyên Phó giám đốc... Mấy năm gần đây, Hội CCB tập đoàn đã có 15 đề tài khoa học, hơn 50 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của hội viên được áp dụng vào sản xuất. Đặc biệt, Hội CCB Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro đã có 6 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho tập thể nhiều tỷ đồng. Nhiều CCB có đề tài sáng kiến đạt giải cao như: Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Hữu Trung, Vũ Trọng Nháp, Nguyễn Văn Ngọ, Đinh Huy Hoàng...
Sâu nặng nghĩa tình người lính
5 năm qua, trong tổng số hơn 906 tỷ đồng dành cho các hoạt động an sinh xã hội của tập đoàn thì hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" của hội đã chi hỗ trợ gần 30 tỷ đồng; trong số gần 62.000 căn nhà trị giá 503 tỷ đồng của tập đoàn tặng gia đình chính sách có hơn 200 căn nhà nghĩa tình đồng đội do Hội CCB tập đoàn hỗ trợ. Hội cũng hỗ trợ tập huấn dạy nghề cho CCB vùng sâu, vùng xa của hai tỉnh Quảng Trị và Yên Bái; hỗ trợ cho hầu hết các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh cả nước; thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ; trao hàng nghìn suất quà, hàng trăm sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, con em CCB, cán bộ, chiến sĩ trong LLVT với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên Hội CCB của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu...
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, khẳng định: Hiện nay, tập đoàn đã là một ngành công nghiệp khép kín với 5 lĩnh vực cốt lõi. Các CCB giữ vai trò là nòng cốt trong mỗi đơn vị của tập đoàn, là nhân tố tích cực để đưa tập đoàn không ngừng lớn mạnh”.
Với những nỗ lực đạt được, Trung ương Hội CCB Việt Nam đánh giá: Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là đơn vị có số hội viên đông nhất, hoạt động mạnh nhất và hiệu quả nhất trong khối cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, là đơn vị hoàn thành xuất sắc Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CCB trong giai đoạn cách mạng mới.
Bài và ảnh: VĂN TOÁN - MẠNH HÙNG