QĐND - Những năm chiến tranh, địa bàn tỉnh Quảng Bình là túi bom đạn của tuyến lửa. Đến nay, vẫn còn hàng vạn tấn bom, mìn, đạn pháo nằm trong lòng đất, gây ra nhiều tai nạn làm cạn khô nước mắt của biết bao gia đình. Bất chấp hiểm nguy, gian khổ, những cán bộ, chiến sĩ công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đang ngày đêm dò tìm, xử lý bom mìn, vật liệu nổ để mang lại màu xanh yên bình trên vùng "đất lửa".
Quảng Bình là một trong 6 tỉnh có lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh lớn nhất cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 159/159 xã, phường, thị trấn, với diện tích gần 225 nghìn héc-ta đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Số bom mìn, vật nổ còn lại đa dạng về mặt chủng loại, mức độ nguy hiểm cao. Các loại bom mìn, vật nổ thường nằm ở độ sâu từ 0,3 đến hơn 5m, trong đó các loại bom bi thường ở độ sâu từ 0,3 đến 0,7m, khi người dân cày, cuốc, làm đường rất hay gặp phải và đã xảy ra những tai nạn thương tâm...
Từ trung tâm xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), men theo đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi đến cánh rừng ở thôn Vĩnh Tri 2 (xã Vĩnh Ninh), nơi cán bộ, chiến sĩ Trung đội Công binh 17 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình) đang làm nhiệm vụ dò, gỡ bom, mìn. Chứng kiến buổi làm việc của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, tôi mới thấy hết những vất vả, hiểm nguy của họ.
 |
Bộ đội Trung đội Công binh 17 dò, gỡ bom mìn, vật nổ tại thôn Vĩnh Tri 2, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh.
|
Trước khi bước vào “trận chiến”, Thượng úy Thái Doãn Cường, Trung đội trưởng không quên động viên, nhắc nhở anh em phải hết sức cẩn trọng, tập trung cao độ cho công việc... Không gian cả một vùng rừng núi dường như chỉ có tiếng vi vu của gió, tiếng lá cây xào xạc cùng một thứ âm thanh là lạ được phát ra từ những chiếc máy Vallon. Bất chợt, từ chiếc máy Vallon trên tay Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Phương vang lên những tiếng rú liên hồi. Mặc cho những tiếng rú ấy cứ cất mạnh lên rồi lại rè rè êm đều, anh Phương vẫn bình tĩnh rà đi, rà lại từ trái sang phải, rồi lại từ trên xuống dưới để xác định tâm và cắm cờ đánh dấu vị trí chính xác của tín hiệu. Lúc này, Đại úy QNCN Võ Tiến Sỹ, thận trọng sử dụng dao găm, xẻng bộ binh lật từng lớp đất... Những giây phút hồi hộp trôi qua, một “vật thể lạ” lộ ra. “Bom bi Blu-3B hay còn gọi là “quả dứa” đấy. Ở đây loại “quả dứa”, “quả ổi” (bom bi Blu 24, 26) này nhiều lắm. Khi xử lý nó rất nguy hiểm, chỉ cần một tác động nhỏ hoặc làm thay đổi tư thế của nó cũng có thể gây nổ ngay. Gặp loại này chúng tôi thường phải xử lý tại chỗ...”-anh nói rồi gọi điện thoại báo cáo ngay với đồng chí Trưởng ban Công binh xin ý kiến chỉ đạo, rồi thông báo cho chính quyền địa phương để tiến hành xử lý...
Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Thái Doãn Cường cho biết: “Dò gỡ bom mìn, vật nổ là công việc rất nguy hiểm, sẽ không có cơ hội làm lại nếu để xảy ra sai sót, mất an toàn. Do đó, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi bộ đội phải được huấn luyện thuần thục, sát thực tế. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức huấn luyện chuyên sâu các nội dung về kỹ thuật rà, phá bom mìn, vật nổ cho từng cá nhân. Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ được giao, đơn vị đã lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn tốt, bản lĩnh vững vàng để đi làm nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối”.
Để hồi sinh cho vùng “đất chết”, những người lính công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình phải chịu muôn vàn vất vả, hiểm nguy khi làm nhiệm vụ. Đặc biệt những nơi xa dân, đơn vị phải dựng lán tạm để ở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề, song những cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ để bảo đảm an toàn cho người dân. Đại úy Võ Tiến Sỹ kể: Gần đây, đơn vị tôi đảm nhiệm rà, phá bom mìn, vật nổ để tăng dày và tôn tạo cột mốc quốc giới Việt Nam-Lào (từ cột mốc 516 đến cột mốc 530); có những nơi địa hình hiểm trở phải mất gần 5 ngày trèo đèo, lội suối mới đến nơi. Cán bộ, chiến sĩ phải hành quân bộ, mang theo quân tư trang, phương tiện, lương thực, thực phẩm vừa đi, vừa mở đường, vừa dò, gỡ mìn để lực lượng xây dựng cột mốc vận chuyển vật liệu vào thi công. Thế nhưng anh em vẫn cẩn trọng dò từng xăng-ti-mét, không bỏ sót vị trí nào. Thời điểm đấy, chúng tôi đã rà phá được 15 điểm mốc với diện tích dò, gỡ 48ha đất ô nhiễm bom, mìn và đã thu hồi, xử lý hơn 360 vật liệu nổ.
Cuộc chiến thầm lặng ấy hết sức ác liệt và gian khổ, nhưng những người lính công binh vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ để mang lại bình yên cho cuộc sống.
Bài và ảnh: HUY CƯỜNG