QĐND - Những cánh rừng cao su xanh thẳm. Những bãi sắn, nương ngô ngút tầm mắt... Màu xanh no ấm ấy được xây nên bởi chính bàn tay của cán bộ, chiến sĩ Công ty 75 (Binh đoàn 15) và sự cố gắng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Vùng biên giới Đức Cơ đang hiện hữu một nhịp sống mới. Những người lính binh đoàn đã mang màu xanh trở về trên cao nguyên đỏ từng xơ xác trống vắng bởi cái nghèo, cái đói, bởi sự tàn phá của chiến tranh.

Hiệu quả từ cách làm mới

Đại tá Trần Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty 75 (Binh đoàn 15) tiếp chúng tôi ngay tại phòng làm việc. Ông kể về khoảng thời gian 33 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, trong đó có 16 năm lăn lộn với Binh đoàn 15.

Ngày mới thành lập, Công ty 75 là sự sáp nhập bởi 3 nông trường 705, 706 và 707. Buổi đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống cán bộ, công nhân vô cùng khó khăn. Giữa vùng đất đỏ ba-dan đầy nắng gió này mà chỉ có vài gian nhà tạm bợ. Buổi đầu gầy dựng còn nhiều gian truân, đến cái ăn cũng còn thiếu thốn, nhưng Ban giám đốc công ty vẫn kiên trì thuyết phục anh em công nhân làm “cuộc cách mạng” trên vùng đất đỏ cao nguyên là giải quyết miếng ăn hằng ngày trước.

Cán bộ Công ty 75 vui Trung thu với các cháu thiếu nhi huyện Đức Cơ. Ảnh: Quang Hồi

Hồi chuyển lên vùng đất mới, nhìn đâu cũng thấy núi rừng heo hút, cán bộ, chiến sĩ tỏ ra hoang mang, chiều nào cũng tựa cửa ngóng về dưới xuôi. Ban giám đốc phải động viên mãi anh em mới yên tâm. Từ đây, mọi người cùng chung sức, chung lòng tuyên chiến với đói nghèo. Người lính vốn quen cầm súng đánh giặc, nay chuyển qua làm kinh tế bước đầu tránh sao khỏi bỡ ngỡ. Ngày ấy, bom đạn địch vương vãi khắp nơi, chất độc hóa học tồn lưu thấm sâu vào lòng đất, luôn đe dọa cuộc sống con người và tiềm ẩn hiểm họa hủy diệt môi trường sinh thái. Buôn trên, làng dưới tiêu điều, xơ xác giữa những cánh rừng trụi lá. Cái đói, cái nghèo và những hủ tục lạc hậu cứ đeo bám lấy cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Thời đánh Mỹ, số cán bộ chủ chốt của công ty được đồng bào chở che, nuôi sống bằng những củ mài, củ sắn thay cơm... Ân nghĩa ấy theo họ suốt cuộc đời. Vì vậy thời hòa bình, chứng kiến cảnh người dân lam lũ, quanh năm đầu tắt mặt tối trên nương rẫy mà vẫn đói nghèo, điều đó khiến các anh suy nghĩ: “Phải tìm cách thay đổi cuộc sống cho bà con”.

Nói là làm, đã làm là đến nơi, đến chốn. Với phương châm: “Vườn cây đến đâu, tổ chức cụm dân cư đến đó”; “lấy ngắn nuôi dài”… Công ty chủ động sử dụng lực lượng lao động hùng hậu tại chỗ là đồng bào dân tộc thiểu số và người dân từ ngoài Bắc di cư vào, dưới xuôi lên, cùng lực lượng cán bộ, chiến sĩ của công ty làm nòng cốt. Thực hiện chủ trương: “Binh đoàn gắn với tỉnh; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn, làng”, Công ty chỉ đạo các đội sản xuất quy hoạch lại khu vực dân cư đáp ứng yêu cầu sản xuất gắn với mục đích quốc phòng, an ninh, từ đó hình thành nên các cụm làng xã biên giới, từng bước tạo vành đai bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Không chỉ gắn kết với 46 thôn, làng của hai huyện Đức Cơ và Ia Grai (tỉnh Gia Lai), công ty còn mở rộng sản xuất sang cả huyện Sa Thầy (Kon Tum) và tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia).

Theo Thượng tá Nguyễn Đức Đặng, Giám đốc Công ty, trước tình hình kinh tế khó khăn, để bảo đảm mức thu nhập ổn định cho người lao động, Công ty đã đề ra nhiều cách làm mới, có tính thiết thực, hiệu quả cao. Vấn đề có tính then chốt là chủ động điều tiết các khoản chi phí, giữ nguyên quỹ tiền lương, quản lý chặt chẽ các khâu trung gian; tích cực áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chuyên canh; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao tay nghề cho công nhân; khuyến khích người lao động hăng hái nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; bảo đảm nguồn cung ứng về số lượng, chất lượng phân bón cho bà con chăm sóc cây trồng. Để bảo đảm thu nhập đồng đều giữa công nhân người Kinh với công nhân người dân tộc thiểu số, năm 2013, công ty thực hiện cơ chế khoán mới là “giảm sản lượng trên cây, tăng đơn giá sản phẩm” đối với công nhân là người dân tộc thiểu số. Với cơ chế khoán này, số công nhân là dân tộc thiểu số được giảm mức khoán 1kg mủ/cây cao su, nhưng lại tăng đơn giá sản phẩm hơn 300đ/1kg mủ. Nhờ vậy, thu nhập của người lao động khá ổn định. Những cách làm mới nói trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người lao động ổn định đời sống, gắn bó với công ty.

Nhờ phát huy tính tự lực, tự cường và tinh thần khắc phục khó khăn, Công ty 75 đã vượt lên chính mình để khẳng định vị thế trên vùng đất đỏ cao nguyên. Với diện tích hơn 10.000ha cao su và cà phê, công ty đã tạo công ăn việc làm và thu nhập chính đáng cho 3.496 lao động (trong đó có 1.542 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số)…

Cán bộ Công ty 75 tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đức Cơ sâu nặng nghĩa tình 

 

Gắn bó máu thịt với nhân dân Đức Cơ từ những ngày gian khó nhất, nên ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, Công ty 75 thường xuyên coi trọng công tác dân vận và an sinh xã hội.

 

Thiếu tá Đặng Quang Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Công ty 75 cho biết, hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, chỉ tính trong năm 2013, Công ty đã đầu tư gần 9,7 tỷ đồng xây dựng 4,2km đường nhựa và 0,3km đường cấp phối; trích quỹ phúc lợi và vận động quyên góp xây dựng và bàn giao 9 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà mái ấm công đoàn (trị giá mỗi nhà 50 triệu đồng). Đáng chú ý, trong 2 năm (2013 và 2014), Công ty đã trích quỹ và các nguồn khác hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà rông văn hóa làng Dăng-Iao, nhà sinh hoạt cộng đồng, tôn tạo sửa chữa trụ sở các xã; sửa chữa hai giọt nước tại làng Krol-Ia Krêl và làng Sung; mua sắm cồng chiêng; thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động lúc đau ốm, tặng quà các đối tượng chính sách, trẻ em khuyết tật; mừng thọ các cụ cao tuổi; hỗ trợ các hoạt động của đoàn thể địa phương xóa đói, giảm nghèo…

Với phương châm: “Phát triển sản xuất, kinh doanh đến đâu xây dựng cơ sở hạ tầng, dân cư xã hội đến đó”, từ năm 2013 đến nay, Công ty đã mở 20 lớp bồi dưỡng đào tạo thợ cạo mủ mới cho gần 1000 công nhân, người lao động, đào tạo lại cho hơn 2.950 lao động, giúp cho bà con làm chủ vườn cây và kỹ thuật chăm bón; tham gia hơn 1.200 công nạo vét kênh mương; khám, cấp thuốc chữa bệnh cho 3.017 lượt người. Đối với những hộ gia đình công nhân còn khó khăn, công ty hỗ trợ cây giống, nguồn vốn và cử cán bộ tận tình hướng dẫn về khâu kỹ thuật, giúp họ tháo gỡ khó khăn trước mắt, từng bước phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Nhờ phát huy tốt vai trò tham mưu đúng và trúng của Ban giám đốc Công ty, nhờ tinh thần vượt khó của bà con, đến nay đã có 80% gia đình công nhân, người lao động trong công ty có vườn cây, ao cá, trang trại chăn nuôi… hằng năm cho thu nhập ổn định từ 50 đến 300 triệu đồng/hộ.

Hiện tại, công ty có trạm y tế, 20 giường bệnh với nhiều máy móc, trang bị y tế hiện đại và đội ngũ y sĩ, bác sĩ hơn 30 người được bố trí đến tận đội sản xuất, mỗi tháng khám, chữa bệnh miễn phí cho khoảng 230-250 công nhân, người lao động và nhân dân trong vùng. Để công nhân, người lao động yên tâm làm việc, công ty đầu tư xây dựng trường mầm non với 19 điểm trường và nuôi dạy gần 1.400 cháu, năm 2012, trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1. Tại đây, các cháu được chăm sóc chu đáo và được hỗ trợ thêm 5000 đồng tiền ăn mỗi ngày…

Đến thăm gia đình ông Kpui Chel, Đội phó Đội 10 (Công ty 75), chúng tôi thấy trong ngôi nhà khang trang có đủ các tiện nghi đắt tiền và xe ô tô đời mới. Sau khi rót nước mời khách, ông tâm sự: “Trước đây, đời sống của gia đình tôi và bà con trong làng còn cực lắm, suốt ngày lo cuốc xới trên nương rẫy nhưng cũng không đủ ăn, chủ yếu là khoai sắn trừ bữa. Trẻ em không được đến trường. Người già đau ốm không có thuốc chữa trị kịp thời. Giờ đây cái đói, cái nghèo không còn nữa. Có được cuộc sống no ấm như hôm nay là nhờ công ơn của Công ty 75 đó!”.

Có thể nói, với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, Công ty 75 không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn tích cực tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho lòng dân yên, biên giới vững. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế” thực sự là cầu nối trong hành trình mang niềm tin của Đảng, của quân đội đến với bà con buôn làng Tây Nguyên.

PHAN TIẾN DŨNG