QĐND - Khi chúng tôi có mặt ở thôn Dộc Yểng, xã Đồng Tâm-nơi tái định cư của 50 hộ dân từ vùng sạt lở khu vực vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình (Mai Châu, Hòa Bình), hàng chục cán bộ, chiến sĩ Kho K63 (Binh chủng Hóa học) đã vào đó được vài ngày. Thượng tá Trần Văn Đảm, Chính trị viên Kho K63 quần xắn móng lợn, đội mũ cứng tất tả ngược xuôi chỉ huy bộ đội giúp dân dựng nhà mới.
Chúng tôi được biết, bắt đầu từ ngày 26-8, cán bộ, chiến sĩ của Kho K63 đã hành quân vào Dộc Yểng để giúp dân dựng nhà. Sở dĩ có đợt công tác này một phần là do những đợt sạt lở liên tiếp ở khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình khiến hàng trăm hộ dân thuộc diện nguy hiểm, buộc tỉnh Hòa Bình phải có chủ trương di chuyển họ đến nơi an toàn. 50 hộ dân được di về tái định cư ở thôn Dộc Yểng, xã Đồng Tâm là số di dân đợt một trong tổng số 120 hộ dân của 2 xã Phúc Sạn và Tân Mai của huyện Mai Châu sẽ di dời về xã Đồng Tâm. Qua khảo sát thực tế của huyện Mai Châu năm 2007, số hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của lở đất, đá lăn và lũ quét trong mùa mưa lũ là 652 hộ, trong đó Tân Mai 249 hộ, Phúc Sạn 403 hộ. Hộ dân chủ yếu là người Mường, Dao, Thái và một số hộ người Kinh. Trong ký ức của bà con, cơn bão số 5 năm 2010 là kinh hoàng nhất, khi đó, cả một vùng sạt lở lớn ở Phúc Sạn và Tân Mai đã cướp đi sinh mạng của 4 người và gây ra thiệt hại rất lớn về nhà cửa, hoa màu, đặc biệt họ đã mất đất sản xuất. 3 xóm bị xóa sổ là Gò Mu, Bãi San và Suối Lốn. Thượng tá Trần Văn Đảm cho biết: Trong số 50 hộ dân tái định cư đợt một này đều thuộc diện khó khăn. 30 hộ là hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, số còn lại cũng chẳng khá hơn là bao.
 |
Bộ đội Kho K63 vận chuyển vật liệu dựng nhà giúp các hộ dân tái định cư.
|
Trăn trở của ông Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Trịnh Xuân Nghị khi tiếp nhận những hộ dân mới cũng là trăn trở của hàng trăm bà con khi phải rời quê cũ:
- Về nơi ở mới muôn vàn cái khó đối với bà con. Công ăn việc làm ra sao? Hòa nhập với nơi ở mới thế nào? Việc bảo tồn các giá trị văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào vùng cao… đều là những bài toán không dễ có lời giải trong ngày một ngày hai. Trong thời điểm bộn bề khó khăn, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, bà con rất cần sự chung tay giúp sức của các đơn vị bộ đội, những người “lính Cụ Hồ” chẳng quản khó khăn, vất vả luôn ở bên bà con lúc khó khăn, hoạn nạn. Công việc trước mắt là giúp bà con dựng lại nhà để ở.
Cùng với bộ đội Kho K63, các đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đưa bộ đội đến giúp bà con như: Kho K23 (Quân khu 3); cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lạc Thủy; dân quân tự vệ của huyện cũng có mặt để tham gia vào công việc ổn định cuộc sống cho bà con. Riêng Kho K63 đã thành lập hẳn “sở chỉ huy” tại Dộc Yểng để trực tiếp điều động lực lượng giúp dân. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để thực hiện công việc trong nhiều ngày.
Những ngày cuối tháng 8, khắp miền Bắc trời có mưa, khu vực miền núi Dộc Yểng của huyện Lạc Thủy cũng mưa liên tiếp nhiều ngày. Cứ mỗi chuyến xe chở bà con cùng các loại vật liệu về đến nơi là hàng chục cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lại bắt tay vào chuyển đồ giúp người dân. Họ làm không nghỉ tay, kể cả lúc trời mưa, quần áo ướt sũng. Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm Kho K63, quệt những giọt mồ hôi trên trán rồi phân trần: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để kịp dựng nhà cho bà con. Bà con từ xa đến đây, không người thân thích. Họ đã phải di chuyển một quãng đường miền núi tới gần 200km nên rất mệt mỏi. Họ chỉ còn biết nhờ cậy vào lực lượng vũ trang và chính quyền, nhân dân địa phương”.
Tiếng còi vang lên, đồng hồ chỉ 7 giờ sáng cũng là lúc công việc của các chiến sĩ bắt đầu. Họ vận chuyển đồ đạc, trong đó vất vả nhất là vận chuyển nguyên vật liệu để làm nhà cho bà con. Đồng bào vùng cao khi làm nhà thường chọn những cây gỗ tốt, rất nặng. Khi chuyển nhà thì các gia đình lại dỡ toàn bộ nhà cũ để xe ô tô vận chuyển về nơi ở mới. Có những cây cột nhà phải 7-8 chiến sĩ mới khiêng được. Từng nhóm bộ đội của các đơn vị chia nhau công việc. Những chiến sĩ giỏi nghề mộc thì ghép cột, lắp xà, đục mộng. Các bộ phận khác thì lợp mái, san nền, lắp đường nước sạch, kéo điện… Khu tái định cư như một công trường sôi động.
Trong tâm trạng khá mệt mỏi sau khi phải di chuyển một quãng đường xa, chị Phạm Thị Ngọc, một trong 6 hộ người Kinh được tái định cư trong đợt này tâm sự: “Gia đình tôi đến đây lạ nước lạ cái. Tất cả phải nhờ vào các anh bộ đội. Nếu không có các anh, chúng tôi chẳng biết dựa vào đâu trong những ngày đầu bỡ ngỡ thế này”. Trong sáng 28-8, ngôi nhà của chị Ngọc đã được dựng xong những phần cơ bản. Gia đình chị Ngọc có hoàn cảnh khá đặc biệt. Trong số 3 người con của chị thì người con lớn là Đoàn Văn Đức đã nhập ngũ được 6 tháng. Tuy nhiên, chị cũng chỉ biết Đức đang là bộ đội, chứ chẳng biết con mình thuộc đơn vị nào, đóng quân ở đâu. Con út của chị là Đoàn Văn Kiên, hiện đang học lớp 12 ở trên huyện Mai Châu. Gia đình đành gửi cháu lại nơi ở cũ để học hết lớp 12, chứ về đây tất cả đều mới mẻ, chị sợ cháu phải nghỉ học. Dù gia đình phải chuyển nhà rất khó khăn nhưng trong thâm tâm của chị Ngọc, khó khăn đến mấy thì cũng phải cho con được đi học.
- Cháu Kiên cũng rất muốn sau này được trở thành anh bộ đội như anh trai của nó. Còn anh nó chẳng giúp được gia đình trong đợt chuyển nhà này, nhưng nếu nó biết rằng có rất nhiều anh bộ đội đã hết lòng giúp gia đình chắc nó sẽ vui và yên tâm lắm đấy-chị Ngọc tự hào về người con Đoàn Văn Cạnh hộ nhà chị Ngọc là gia đình chị Đinh Thị Len, một hộ người dân tộc Mường. Vợ chồng chị có 2 con và ở chung với mẹ chồng. Bà Hương, mẹ chồng chị Len, cho biết, đây là lần thứ 8 gia đình bà phải chuyển nhà. Gần cuối đời người nên với bà Hương, lần thứ 8 chuyển nhà bà cũng chỉ mong đó là lần cuối. “Bao lần trước cứ ngập chỗ này tôi lại chuyển đi chỗ khác. Tất cả đều tự tay làm hết. Nay được về chỗ ở mới, được Nhà nước cho đất, được các anh bộ đội giúp đỡ tận tình thế này chúng tôi cảm động lắm. Cảm ơn các anh bộ đội nhiều lắm”- Mắt bà Hương ngấn lệ.
Đối với bà con vùng cao, nếp sinh hoạt theo tập quán của đồng bào đã ăn sâu thành thói quen nên để họ thay đổi, hòa nhập với nếp sống nơi ở mới cũng không dễ. Thượng tá Nguyễn Hồng Quân mới tiếp xúc với bà con được vài ngày, nhưng trong suy nghĩ của anh thì vận động để bà con thực hiện nếp sống văn hóa là điều rất cần thiết. Khi dựng nhà cho người dân, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất chú ý đến làm nhà vệ sinh. Tuy nhiên, bà con lại không mấy quan tâm đến việc đó, thậm chí có những hộ đồng bào cương quyết không làm nhà vệ sinh. Chỉ đến khi được các anh bộ đội giải thích cặn kẽ, rằng đó là biện pháp để bảo đảm vệ sinh ăn, ở, phòng chống bệnh tật… họ mới chịu làm.
- Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác dân vận ở làng mới của bà con tái định cư, trong đó tuyên truyền về nếp sống văn hóa mới là trọng tâm của đơn vị để giúp bà con bỏ dần các hủ tục - Thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho biết.
Theo kế hoạch, các hộ dân tái định cư từ vùng sạt lở huyện Mai Châu về xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy là 120 hộ. 50 hộ lần này là đợt di dân đầu tiên. Khi họ ổn định sẽ tiếp tục có 70 hộ về tái định cư. Tại nơi bà con tái định cư, chính quyền các cấp của tỉnh Hòa Bình đã hoàn thiện xong cơ sở hạ tầng. Đường đi được làm kiên cố, đường điện đã được đấu nối tới từng gia đình, đường nước cũng được xây dựng xong. Trường học, chợ chỉ cách vài ki-lô-mét. Khu sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang. Ông Triệu Văn Đan, Trưởng phòng Quy hoạch dân cư, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: Nhà nước hỗ trợ các gia đình thuộc khu vực sạt lở tái định cư đến nơi ở mới 23 triệu đồng/hộ. Địa phương cũng bố trí cho mỗi hộ từ 300 đến 350m2 đất ở, 0,5ha đất sản xuất. Các hộ dân còn được hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt trong 2-3 tháng đầu và lương thực, thực phẩm ăn trong ngày đầu dọn đến ở.
Chúng tôi được biết, Kho K63 là đơn vị đã kết nghĩa với xã Đồng Tâm. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, đơn vị luôn giúp sức đắc lực cho địa phương, từ các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới… đều có mặt của đơn vị. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Kho K63 càng tô thắm thêm tình đoàn kết quân dân. Nói như bà Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Phạm Thị Hương: “Địa phương có chuyện vui, chuyện buồn mà không có bộ đội K63 thì chúng tôi cứ thấy chưa trọn vẹn. Đợt giúp người dân tái định cư ở Dộc Yểng càng chứng minh điều đó”. Bà Hương cũng chính là người đi đầu trong xây dựng tình quân dân bền chặt khi cả con rể, con trai bà giờ đang là bộ đội K63.
Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN