QĐND - Đó là khu làng kiểu mẫu của đồng bào các dân tộc vùng biên giới Tây Nam thuộc tỉnh Tây Ninh. Phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, cung cách làm ăn… đều rặt chất làng. Ánh sáng của mô hình nông thôn mới với các thiết chế đồng bộ: Điện-đường-trường-trạm-dịch vụ thương mại… khép kín, đã tạo cho làng quê miền biên viễn mang dáng dấp của những khu phố văn minh vùng đô thị. Bà con tự hào gọi đó là “Phố làng”, như một cách để tri ân công lao, tâm huyết của Bộ đội Cụ Hồ trên đất Tây Ninh…

Trong sắc màu văn hóa Chàng Riệc

Từ thành phố Tây Ninh, đi ô tô theo đường 792, hướng biên giới Tây Nam non một tiếng rưỡi là tới Chàng Riệc. Quãng đường chừng 70 cây số ấy, bây giờ chả xa xôi gì. Nhưng hơn 5 năm trước, khi dự án lập làng cho cư dân vùng biên giới hình thành, thì đó là một khoảng cách rất xa. Xa vời vợi. Nhất là chặng đường từ trung tâm xã Tân Lập, huyện Tân Biên đến Chàng Riệc. Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, một trong những người gắn bó sâu sắc nhất với bà con ở Chàng Riệc (ấp Tân Khai) kể rằng, bức tranh nông thôn mới miền biên viễn này mới khởi sắc gần đây. Trước đó, nhắc đến địa danh này không ít người phải ngán ngẩm. Vùng này ngày xưa hoang vu lắm. Hút tầm mắt không một nếp nhà. Từ Chàng Riệc ra đến khu dân cư gần nhất cũng non dăm cây số. Con suối Cho chảy từ bên kia biên giới nước bạn Cam-pu-chia len lỏi qua những trảng cây dại um tùm khiến khu vực này trở thành nơi ẩn náu của nhiều đối tượng tội phạm. Nạn cướp bóc, trấn lột diễn ra thường xuyên. Vấn đề an ninh trật tự vùng biên giới là câu chuyện bức xúc của lãnh đạo, chính quyền địa phương kéo dài trong nhiều năm…

Bây giờ thì câu chuyện ấy chỉ là những mảng ký ức của những người như anh Hùng. Trước mắt chúng tôi bây giờ, khu dân cư Chàng Riệc hiện ra rực rỡ cờ hoa, rộn ràng kèn trống. Nơi đây được UBND tỉnh Tây Ninh chọn làm điểm, tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam vào trung tuần tháng 11. Bà con các dân tộc: Khơ-me, Mường, Chăm, Kinh, Nùng, Tày, Thái, Tà Mun… mang đến lễ hội những sắc màu văn hóa đặc trưng. Sau phần lễ ngắn gọn, trang trọng, bà con chia thành các đội, cùng tham gia giao lưu những trò chơi, thể hiện các bài hát, điệu múa dân gian của dân tộc mình. Ông  Nguyễn Mạnh Tường, Bí thư Chi bộ ấp Tân Khai nói: “Trước đây bà con sống du canh, quanh năm lo cái ăn nên chẳng có điều kiện để chăm lo văn hóa, học hành. Từ ngày an cư lạc nghiệp, bà con đã chú ý đến việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa. Bây giờ Chàng Riệc là nơi hội tụ 8 sắc màu văn hóa của 8 dân tộc anh em, tạo nên không gian văn hóa phong phú, đa dạng, 100% trẻ em đều được đến trường…”.

Một góc “Phố làng” Chàng Riệc. Ảnh: LẠI THẾ HIỀN

Chi bộ ấp Tân Khai hiện có 9 đảng viên. Bí thư Nguyễn Mạnh Tường là cựu chiến binh, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Năm 1983 xuất ngũ, ông ở lại vùng chiến trường xưa lập nghiệp. Cuộc sống vất vả khó khăn triền miên. Khi dự án Khu dân cư Chàng Riệc được triển khai, gia đình ông Tường nằm trong diện đối tượng chính sách, được chọn vào ở.

Đến nay, Khu dân cư Chàng Riệc đã có 340 hộ gia đình đến sinh sống. Đại tá Đỗ Văn Bảnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh cho biết, quá trình triển khai dự án, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp rà soát, lập danh sách, phân loại hộ dân. Các hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, được ưu tiên đưa vào làng. Mỗi hộ được cấp một căn nhà có diện tích xây dựng 60m2 và 1ha đất sản xuất. Khu dân cư được quy hoạch, thiết kế đồng bộ với những dãy nhà sát những trục đường nội bộ rộng thênh thênh. Cây xanh hai bên đường đã bắt đầu vươn cành. Với phương châm cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Khu dân cư Chàng Riệc nhận được sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, bảo đảm cho các hộ dân đều được “cấp cần câu và biết cách câu cá” để ổn định, phát triển đời sống kinh tế gia đình. Hiện nay, Khu dân cư Chàng Riệc đã có trường học, bệnh xá quân dân y kết hợp, nhà văn hóa, công trình cấp nước sạch, chợ… được xây dựng khang trang. Dự án còn một số hạng mục như: Công viên, hệ thống thoát nước, đường giao thông nội bộ… đang trên đà hoàn thành. Dự kiến, đầu năm 2015 sẽ hoàn thành 100% hạng mục cơ sở hạ tầng, bố trí tiếp nơi ở và sản xuất cho gần 200 hộ dân nữa.

 “Phố làng” và cách làm của bộ đội Tây Ninh

Khu dân cư Chàng Riệc nằm trong dự án xây dựng các khu dân cư trên tuyến biên giới bắc Tây Ninh. Ngoài nơi này, dự án còn có Khu dân cư Cầu Sài Gòn 2 ở Ngã ba Xe Cháy, huyện Tân Châu và Khu dân cư Cầu Sài Gòn ở xã Tân Hòa, huyện Tân Châu. Một trong những người đầu tiên hình thành ý tưởng này là Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7. Khi còn là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, đồng chí Trần Đơn rất đau đáu về việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân tuyến biên giới. Sau nhiều lần đi khảo sát, ông đã đề xuất UBND tỉnh Tây Ninh, Bộ tư lệnh Quân khu 7, lập dự án trình Chính phủ, quy hoạch xây dựng các khu dân cư sát biên giới. Ý tưởng đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và được Chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh Tây Ninh và Bộ tư lệnh Quân khu 7 giao cho Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư, được khởi động từ năm 2008. Năm 2011, chính thức khởi công Khu dân cư Chàng Riệc. Hiện hai khu dân cư còn lại đang trong quá trình quy hoạch, triển khai mặt bằng.

Khi triển khai dự án, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh đã ra nghị quyết chuyên đề, kế hoạch tổng thể, xác định rõ mục tiêu, giải pháp từng giai đoạn cụ thể. Rút kinh nghiệm một số dự án tái định cư ở các địa phương khác mà báo chí đã nêu, sau khi xây dựng dân không vào ở, hoặc ở một thời gian lại phải ra đi vì không có việc làm, thiếu dịch vụ bảo đảm; đội ngũ cán bộ chủ chốt của Bộ CHQS tỉnh đã phải “vắt óc” tính toán các phương án, kiên quyết không để lãng phí công sức, tiền của Nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của dân. Hơn 600 tỷ đồng Nhà nước cấp, đủ để xây dựng khoảng 1.200 căn hộ kèm một số công trình phúc lợi ở cả 3 khu dân cư. Nhưng bài toán cuộc sống của dân như thế nào sau đó thì không thể tính toán bằng tiền. Hiểu rõ điều đó, ngay sau khi bố trí những hộ dân đầu tiên vào Khu dân cư Chàng Riệc, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai ngay công tác chăm lo an sinh xã hội. Ban đầu mỗi tháng một lần, về sau khi dân đã ổn định thì mỗi quý một lần, Bộ CHQS tỉnh triển khai một hoạt động xã hội theo chủ đề riêng, có sự tham gia của những ban ngành liên quan, kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp; đến từng hộ dân hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ cả công sức, vật chất cho những hộ khó khăn, tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí; giao lưu văn hóa, thể thao… Định kỳ, đội chiếu phim lưu động của Bộ CHQS tỉnh đem phim lên chiếu phục vụ bà con. Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Biên phòng, Bệnh viện quân y 175 đưa y tế về cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Kinh phí chăm lo cho dân ổn định cuộc sống sau khi lập làng đều được Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh chủ động phối hợp, huy động từ nguồn xã hội hóa, hoàn toàn không sử dụng đến kinh phí dự án. Những người như Đại tá Nguyễn Thanh Hùng được đồng bào ở làng quý trọng như ân nhân. Tháng nào cũng vậy, nếu không bận việc đột xuất, các anh đều dành thời gian về với dân. Nói theo cách của Đại tá Đỗ Văn Bảnh thì an dân chính là lá chắn vững chãi nhất để củng cố thế trận quốc phòng, giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Ông Thắng, Trưởng ấp Tân Khai thổ lộ: “Thời gian đầu lên đây, một số hộ dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; nhưng sau đó thì ai cũng tự giác làm ăn, sống đoàn kết, hòa thuận. Với 1ha đất sản xuất, bà con được hướng dẫn trồng lúa, mì (sắn) cao sản, kết hợp hoa màu ngắn ngày gắn với chăn nuôi trâu, bò, heo. Mấy vụ vừa qua mì được mùa được giá, nhà nhà đều phấn khởi”. Ngoài các thiết chế kinh tế-văn hóa-xã hội, Khu dân cư Chàng Riệc còn có mô hình chốt dân quân biên giới gắn với Đồn Biên phòng Chàng Riệc, đảm nhiệm tuần tra, giữ gìn trật tự trị an.

Từ một vùng hoang vu, Chàng Riệc đã hiện diện một vùng văn minh, được UBND tỉnh Tây Ninh chọn là mô hình điểm của nông thôn mới, là điểm sáng văn hóa vùng biên giới. Trong tương lai không xa, khi các con đường trong khu dân cư được bê tông hóa, nơi đây sẽ mang dáng dấp của một đô thị nhỏ miền biên viễn. Còn bây giờ, hình ảnh nửa làng nửa phố ở đây đủ để tạo một không gian ấm áp, trù phú, yên bình, là điểm tựa, bàn đạp để Bộ đội Cụ Hồ trên đất Tây Ninh tự tin, chủ động triển khai tiếp những khu dân cư kiểu mẫu dọc dải biên cương Tổ quốc.

PHAN TÙNG SƠN