QĐND - Đồng chí chỉ huy một đơn vị thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) quân sự (Bộ Quốc phòng) tâm sự với chúng tôi: Tuy bận rất nhiều việc nhưng hầu như buổi giao ban nào, cả đồng chí Giám đốc và Chính ủy viện cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan báo cáo tình hình thực hiện công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa, dân vận… đồng thời có những chỉ đạo hết sức cụ thể, quyết liệt để thực hiện tốt những việc làm ý nghĩa này. Chính tinh thần, thái độ của người lãnh đạo đã truyền đến mọi cán bộ, nhân viên tình cảm, trách nhiệm, ý thức làm việc thiện với cái tâm của mình…

Giải “bài toán” thiếu nước

Từ thị trấn huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) vào điểm trường Khau Khác thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Triệu Nguyên chỉ hơn 20km, nhưng để đến nơi, chúng tôi phải mất gần một giờ đi xe ô tô và hơn 30 phút leo đèo dốc. Điểm trường nằm chênh vênh trên một ngọn đồi cao, là nơi học tập của gần 90 học sinh, trong đó một nửa học bán trú. Đã quá quen với điểm trường nên Thượng tá Dương Nhật  Dân, Chính trị viên Viện Hóa học-Vật liệu (Viện KH-CN quân sự) không đợi “chủ nhà” giới thiệu mà thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống lọc nước, chứa nước sạch sinh hoạt-công trình mà các cán bộ, nhân viên Viện KH-CN quân sự dành nhiều thời gian, tâm huyết để thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vừa đưa vào sử dụng cuối tháng 9-2014...

Hệ thống cung cấp nước sạch do Viện Khoa học và Công nghệ quân sự tặng điểm trường Khau Khác tháng 9-2014.

Nhận ra người quen, thầy Đinh Văn Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường vồn vã nắm chặt tay Thượng tá Dương Nhật  Dân, cười: “Bây giờ gặp anh, chúng tôi vẫn áy náy lắm…”. Rồi thầy kể: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở điểm trường đã diễn ra nhiều năm. Cả trường chỉ trông chờ vào một “mỏ” nước dưới chân đồi (thực ra là một vũng nước nhỏ hình thành do nước từ trên núi chảy xuống). Hằng ngày, để có nước nấu ăn, các lớp phải phân công học sinh xuống núi “cõng” nước về. Hàng chục học sinh bán trú, nên lượng nước này tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ nấu cơm, còn tắm giặt, đánh răng rửa mặt thì… đành nhịn! Các thầy, cô muốn tắm thì phải xuống nhờ nhà dân. Nhưng dân cũng đâu có nhiều nước nên việc tắm cũng phải… hạn chế. Còn quần áo, thôi thì thầy cô đành chọn phương án cứ đầu tuần chở vào trường một… bao tải để dùng dần, cuối tuần lại chở quần áo bẩn về nhà giặt. Cũng có vài đoàn đến khảo sát để xây tặng nhà trường hệ thống cung cấp nước, nhưng đoàn thì “chào thua” vì điều kiện quá khó khăn, có đoàn cố gắng hoàn thành việc lắp đặt nhưng cuối cùng cũng không sử dụng được vì không có nước…

Chia sẻ với những khó khăn của nhà trường, Viện KH-CN quân sự đã cử cán bộ trực tiếp lên hiện trường khảo sát, thiết kế hệ thống cung cấp nước sạch. Sau một thời gian ngắn, phương án đã hoàn thành. Theo đó, hệ thống gồm 3 đường ống dẫn nước từ đỉnh núi với tổng chiều dài 4,5km; 2 hệ thống lọc 3 cấp; 2 túi cao su chứa nước với tổng dung tích 8m3. Hôm lắp đặt, theo hiệp đồng với nhà trường, khi đoàn công tác tới sẽ có phụ huynh học sinh giúp đỡ vận chuyển thiết bị… Đến ngày hẹn, các cán bộ của viện từ Hà Nội hành quân lên Cao Bằng từ sáng, 5 giờ chiều thì có mặt tại địa phương. Thế nhưng, chờ mãi, chờ mãi mà không thấy phụ huynh đâu, thế là các anh động viên nhau khuân toàn bộ hệ thống vượt dốc lên điểm trường. Không chỉ các bạn trẻ mà nhiều nhà khoa học đã có tuổi, như Đại tá, PGS, TS Chu Chiến Hữu, Phó viện trưởng Viện Hóa học-Vật liệu-người nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm túi trữ nước, mặc dù sức khỏe hạn chế, mắt cận nhưng vẫn nhiệt tình khuân vác, leo đèo mà không một lời kêu ca. Mãi đến 7 giờ tối, việc vận chuyển mới xong. Chính việc “lỡ hẹn” này khiến thầy Hiếu vẫn còn “áy náy” mãi…

Nhìn những túi trữ nước trong vắt, đầy ắp, những dòng nước từ sườn núi được dẫn qua hệ thống lọc vẫn liên tục chảy, thầy Đinh Văn Hiếu xúc động: “Vậy là ước mơ có nước sạch sinh hoạt của thầy trò nhà trường bao năm qua đã thành hiện thực. Nếu không có các nhà khoa học của Viện KH-CN quân sự thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới giải được bài toán thiếu nước”. Được biết, ngoài hệ thống cấp nước trên, trong hai năm (2013, 2014), Viện KH-CN quân sự cũng đã thiết kế, lắp đặt hai hệ thống cấp nước, lọc nước tặng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hoa Thám (xã Hoa Thám) và Trường THCS Tam Kim (xã Tam Kim) của huyện Nguyên Bình, giải quyết được tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở các trường này.

Cái tâm của các nhà khoa học

Điều đặc biệt trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện công tác dân vận của Viện KH-CN quân sự là viện không chỉ dừng lại ở những việc làm được giao theo “kế hoạch” mà khi thấy đồng bào, địa phương cần gì mà đơn vị có khả năng là viện lại chủ động giúp đỡ hết mình. Những việc làm đó thực sự xuất phát từ cái tâm của đội ngũ cán bộ, nhân viên một viện nghiên cứu khoa học-công nghệ hàng đầu của quân đội.

Còn nhớ hôm theo Thiếu tướng Hoàng Bằng, Chính ủy và Thiếu tướng Đoàn Nhật Tiến, Giám đốc Viện KH-CN quân sự (cả hai đồng chí nay đã là Trung tướng) đi bàn giao nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách ở huyện Nguyên Bình, lúc đi qua chiếc cầu treo, thấy mặt cầu làm bằng gỗ, có nhiều lỗ thủng do sử dụng đã lâu, đồng chí Giám đốc quyết ngay: Viện sẽ giúp địa phương cải tạo lại cầu bằng cách thay mặt gỗ bằng vật liệu mới được viện nghiên cứu chế tạo thành công. “Theo phương án này, chi phí của viện sẽ lớn hơn, cán bộ, nhân viên cũng sẽ vất vả hơn nhưng có lợi cho bà con vì mặt cầu sẽ bền vĩnh cửu. Nếu tài trợ bằng tiền để thay lại mặt gỗ theo đề nghị của địa phương thì cầu cũng chỉ sử dụng được vài năm là hỏng”-Thượng tá Dương Nhật Dân, người có thâm niên nhiều năm làm công tác dân vận, giải thích với chúng tôi lý do vì sao viện quyết định trực tiếp thi công cải tạo cầu mà không tài trợ “một cục” theo đề nghị của địa phương...

Ngay sau đó, một nhóm các nhà khoa học do Đại tá, TS Nguyễn Trang Minh, Trưởng phòng Đào tạo-vốn là kỹ sư chuyên ngành công binh, dẫn đầu nhận lệnh lên thực địa khảo sát, thiết kế, đồng thời trực tiếp thi công giúp chủ đầu tư sửa chữa mặt cầu. Phương án cứng hóa mặt cầu treo Vằng Riểng (xã Tam Kim) và cầu treo Nà Chắn (xã Hoa Thám) bằng thép mạ kẽm và tấm nhựa composit được thông qua. Để thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, lãnh đạo Viện KH-CN quân sự đã huy động các đơn vị thành viên, tùy theo thế mạnh để cùng “vào cuộc”. Theo đó, Công ty Cổ phần Điện tử tin học hóa chất (ELINCO) thực hiện mạ kẽm, tạo nhám mặt cầu; Trung tâm Cơ khí chính xác chịu trách nhiệm về mặt cầu composit, thiết kế gông, đai… Cuối cùng, công trình cải tạo hai chiếc cầu treo đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong sự vui mừng, phấn khởi của đồng bào và chính quyền địa phương.

Nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm khoa học và huy động sự vào cuộc của các nhà hảo tâm là cách làm khá hiệu quả của Viện KH-CN quân sự trong công tác dân vận. Hầu hết các công trình mà viện giúp địa phương đều được ứng dụng các sản phẩm khoa học của viện. Điển hình như túi cao su trữ nước trong hệ thống cấp nước sinh hoạt do Viện Hóa học-Vật liệu sản xuất; thiết bị lọc nước là sản phẩm của Viện Công nghệ mới… Theo Thượng tá Dương Nhật Dân, việc ứng dụng các sản phẩm khoa học “cây nhà lá vườn” giúp nâng cao chất lượng các công trình, đặc biệt, nhờ đó viện có thể hỗ trợ địa phương trong công tác bảo trì, bảo dưỡng để sử dụng lâu dài, hiệu quả.

Phương châm làm việc thiện “tận tâm, tận lực, thiết thực, hiệu quả” của các nhà khoa học Viện KH-CN quân sự khiến nhiều nhà hảo tâm tin tưởng và chủ động liên hệ đề nghị được tài trợ để cùng viện thực hiện các dự án nghĩa tình. Thời gian qua, viện đã trao nhiều phòng học máy vi tính, nhiều phần quà… tặng các trường học và người dân một số địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng. Mới đây, được sự tài trợ của bà Phan Thị Tố Duyên (trú tại TP Hồ Chí Minh), Viện KH-CN quân sự đã chỉ đạo Công ty ELINCO triển khai khảo sát, thiết kế, lắp đặt thành công hệ thống chẩn trị y học từ xa (telemedicine) kết nối bệnh xá đảo Song Tử Tây với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đến nay, qua hơn hai tháng sử dụng, hệ thống đã khẳng định được chất lượng, độ ổn định, giúp công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trên đảo tốt hơn… Điều đáng nói là nhờ tự thiết kế, thi công, triệt để tiết kiệm trong thực hiện nên số tiền tài trợ vẫn “thừa” 200 triệu đồng. Lãnh đạo, chỉ huy viện đã chủ động đề nghị nhà tài trợ dành toàn bộ khoản tiền này để lắp đặt tặng Trường Tiểu học Hoa Thám (Nguyên Bình, Cao Bằng) một phòng học với 15 bộ máy vi tính để các em học tin học, ngoại ngữ.

 Nói về sự giúp đỡ của Viện KH-CN quân sự đối với địa phương, đồng chí Bế Xuân Tiến, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình khẳng định: “Các công trình của Viện KH-CN quân sự trao tặng địa phương hết sức có ý nghĩa, thiết thực góp phần cải thiện đời sống của người dân cũng như việc sinh hoạt, học tập của thầy cô giáo và các em học sinh. Tinh thần, thái độ cũng như những việc làm của các anh đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người dân nơi đây”.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN