QĐND - Nhìn bà A Viết Thị Trào, 59 tuổi, xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, học sinh lớn tuổi nhất lớp đang đánh vật với con chữ bên ánh lửa hồng mới thấy hết nỗi khó nhọc của những người đi "gieo chữ". Những người “chân ướt chân ráo” mới đến giúp đồng bào nơi biên giới đâu đã biết bà con Cơ Tu, Tà Ôi nói gì, hiểu gì…

 

Chuyện của những người thầy “bất đắc dĩ”

 

Cô giáo Phan Thị Mỹ Lệ đang dạy học sinh lớp xóa mù chữ tập đọc, tập viết.

 

Lớp xóa mù chữ 1, 2, 3 cho bà con dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều… vùng biên giới phía Tây tỉnh Thừa Thiên-Huế do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 (KT-QP 92), Quân khu 4 phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện A Lưới tổ chức đã trở thành mô hình “điểm” về xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thượng tá Nguyễn Việt Yên, Phó đoàn trưởng, Trưởng ban quản lý dự án Đoàn KT-QP 92 cho biết: “Lúc đơn vị mới thành lập, nơi biên giới phía Tây này vẫn xơ xác. 5 xã Khu KT-QP A So do Đoàn KT-QP 92 phụ trách là A Roàng, A Đớt, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn (huyện A Lưới) đều trong diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Bà con Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều đa phần chưa biết chữ; không nhận thức được về cách hướng dẫn trồng, chăm sóc các loại cây nông sản ghi trên bao bì; không biết đâu là thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; hoặc tỷ lệ pha trộn thuốc khi dùng sao cho đúng... nên việc hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con cách phát triển kinh tế gia đình ở phương diện nào cũng khó”.

 

Chính vì vậy, việc đầu tiên được Đoàn KT-QP 92 xác định quan trọng cũng không kém công tác quy hoạch, phát triển kinh tế vùng dự án chính là việc "xóa mù chữ" cho đồng bào nơi đây. Tri thức chính là chìa khóa phát triển, con chữ chính là phương tiện truyền tải nên các cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện của đoàn đã không quản khó nhọc ngày đêm đến từng hộ gia đình để thuyết phục bà con đi học chữ. Chủ nhiệm lớp “xóa mù chữ” 1, 2, 3 Phan Thị Mỹ Lệ, một trí thức trẻ tình nguyện, quê ở Triệu Phong, Quảng Trị đã được Đoàn KT-QP 92 kể lại: "Buổi đầu nhận lớp học “bình dân học vụ”, đồ dùng giảng dạy không có. Giữa mênh mông, heo hút đại ngàn đến vị trí lớp học còn chẳng tìm ra nói chi đến sách vở. Đoàn KT-QP 92 phải phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện A Lưới để bảo đảm đồ dùng dạy học cho lớp, rồi vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp mua sách vở, đồ dùng dạy học cho học sinh".

 

Mượn được trụ sở UBND xã A Đớt làm phòng học rồi thì việc “chiêu sinh” mới là câu chuyện gian nan vô kể. Nhiều người khi cán bộ, chiến sĩ của đoàn đến vận động, đều nói: “Giờ ăn còn chẳng đủ no, mặc còn chẳng đủ ấm, nói gì đến học chữ”. Chị A Viết Thị Nhăng, 32 tuổi, thôn Chí Hòa, xã A Đớt, một trong những hộ gia đình tiêu biểu cho cảnh “3 không” thời đó là: Nhà không có chó, mèo; không trồng rau để vườn tược hoang vu cỏ mọc; không biết tiếng Việt. Khi giáo viên lớp đến vận động chị đi học chữ thì A Viết Thị Nhăng bảo: “Chồng mình không cho đi học đâu”. Hỏi “tại sao?” thì chị Nhăng nói: “Đi học rồi thì bỏ nương rẫy đó ai làm. Phải đi làm mới có thóc, có gạo bán đi để lấy tiền mua rượu cho chồng uống”. Đâu riêng trường hợp của chị Nhăng, đa phần các chị em ở đây đều chung hoàn cảnh như vậy. Thế là các thầy, cô giáo “bất đắc dĩ” của lớp lại tiếp tục đi “làm công tác tư tưởng” đối với các ông chồng “khó tính” kia để họ “xuôi” cái bụng. Theo như chủ nhiệm lớp Phan Thị Mỹ Lệ: "Nhiều bận, giáo viên phải ngồi đợi các ông chồng của các chị em tỉnh rượu để thuyết phục… Dần dần, lớp học mới có được học sinh. Hôm dăm bảy người, hôm vài ba chục người. Học sinh không có cùng nhận thức, trình độ, nhóm tuổi. Người thấp nhất là các cháu bé thường ngày vẫn còn đòi theo mẹ, chưa chớm ngưỡng cửa của lớp “vỡ lòng”. Người cao tuổi nhất thì trạc tuổi bà, tuổi ông, như bà A Viết Thị Trào, xã A Đớt, 59 tuổi. Thầy, cô phải soạn giáo án theo từng đối tượng dạy cho phù hợp. Mỗi cô phụ trách một nhóm trong lớp. Vậy mà chị em đâu đã ủng hộ cho…". 

 

Đại úy Nguyễn Trường Sơn, Trợ lý kế hoạch của Đoàn KT-QP 92, người được đoàn giao tổ chức và quản lý lớp cho biết: “Khổ nhất là những ngày mưa gió, đường xa, học sinh ở phân tán. Các cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện lại phải đến tận nơi để đưa đón học sinh, nhất là những mẹ cao tuổi. Cảnh “cô trẻ dạy các mẹ già” khó khăn vất vả đã đành. Đằng này nhiều thầy, cô giáo chưa “sõi” tiếng đồng bào. Mỗi khi truyền đạt vấn đề gì trên lớp là phải căng mắt nhìn vào miệng học sinh để đoán xem học sinh có nắm được bài không. Ban ngày học sinh học chưa thuộc bài thì tối đến, thầy, cô lại đến từng nhà giảng lại cho học sinh. Cứ thế, dần dần theo ngày, tháng, con chữ cuối cùng cũng “gieo” được trên giấy. Nét sổ, nét thẳng cũng nhập vào được đôi tay của người già. Dẫu người học có viết ngoằn nghèo như cây lúa bị xô trên giấy thì điều mừng nhất là bà con đã viết được họ, tên ông bà, cha mẹ, người thân của mình. Biết  “xác nhận” vào văn bản thay vì phải dùng dấu vân tay như trước. Chị Kăn Am, xã A Đớt, học sinh người dân tộc Cơ Tu, khi ghép xong các nguyên âm, phụ âm thành họ, tên của mình thì mừng lắm. Chị thổ lộ: “Ngày chưa đi học, chúng mình đâu đã biết viết, biết đọc. Giờ mình và cả cháu bé thường ngày vẫn theo mẹ đến lớp đều đã biết viết, biết đánh vần. Mình rất vui. Thầy cô dưới xuôi lên đây chịu vất vả. Ngoài cho chữ lại còn cho rau lang, rau mồng tơi, rau đay, rau cải. Dạy cách rào vườn cho gà khỏi vào bới. Trữ nước rửa để tưới rau. Bón lân, bón đạm cho cây ngô nó lên… Mình và bà con cảm ơn lắm”.

 

Hiệu quả từ lồng ghép 

 

Chị Kăm Lem, dân tộc Cơ Tu, trong bài phát biểu của mình trước các thầy, cô giáo và cán bộ Đoàn KT-QP 92 không giấu được hồ hởi. Bởi sau một thời gian đến lớp, chị đã đọc được cách hướng dẫn tỷ lệ pha trộn lân, đạm ghi trên bao bì sản phẩm; tự tay biết bón lúa, bón khoai cho cây nó tốt, nó đẹp… Theo Đại tá Võ Thanh Hà, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 92: “Chính quá trình tiếp thu kiến thức trên lớp, nhất là các kiến thức trồng trọt, chăn nuôi trong quá trình dạy chữ của các thầy, cô giáo mà nhiều đồng bào Vân Kiều, Tà Ôi, Cơ Tu đã biết cách trồng rau quanh bếp, quanh nhà không để cỏ mọc; cách che chắn chuồng trại mùa rét cho gia súc, gia cầm. Rồi Đại tá Võ Thanh Hà kể cho tôi nghe lần đầu khi anh về Đoàn KT-QP 92 xuống các bản làng Cơ Tu, Vân Kiều chứng kiến cảnh bà con gặt, tuốt lúa, phơi lúa. Khác với cách thức của bà con dưới xuôi, bà con Vân Kiều khi mang lúa về không phơi cho khô hạt mà lại mang thóc ra suối đãi rửa cho sạch trấu rồi mới đem phơi. Gặp ngày thời tiết thuận lợi, nắng ấm thì không sao, chứ trời mưa, lúa không phơi được thì thóc mọc mầm, mốc thối hết. Sau khi khuyên nhủ, hướng dẫn bà con phơi thóc, rồi lợi dụng sức gió hay dùng quạt để quạt cho sạch trấu trước khi đem cất bảo quản, bà con các dân tộc đã dần hiểu ra.

 

Dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ ở thôn Chí Hòa, xã A Đớt, nơi phương thức sản xuất cấy trồng, chăn nuôi mới đã dần tìm được chỗ đứng trong đồng bào người dân tộc thiểu số, thay cho tập quán canh tác lạc hậu xưa kia. Chủ nhiệm lớp xóa mù chữ 1, 2, 3 Phan Thị Mỹ Lệ cho biết: “Trước đây, cô cũng đã từng học trung cấp nông-lâm nghiệp, nhưng thực tế công tác trên Khu KT-QP A So này khác xa so với những gì cô được biết. Nhiều khi bí quá, cô phải điện về gia đình để hỏi ý kiến ba, mẹ. Sau bao vất vả nhọc nhằn khi thực hiện “3 cùng” với người dân, bà con các xã: A Roàng, A Đớt, Hương Phong, Hương Lâm, Đông Sơn vùng dự án cũng dần quen với kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mà cán bộ, chiến sĩ của đoàn hướng dẫn; nhất là cách chọn thóc giống, gieo cấy lúa, bón phân để cây sinh trưởng tốt; cách ủ rơm rạ cho đất xốp; cách đắp bờ trữ nước, phun thuốc trừ sâu; cách chăn nuôi, sinh hoạt hợp vệ sinh… Dần dần, phương thức sản xuất lạc hậu của đồng bào Cơ Tu, Vân Kiều trước đây được thay thế bằng phương thức sản xuất tiên tiến, cho sản lượng và năng suất cao hơn hẳn cách làm truyền thống. Hơn 60 hộ hiện đã chuyển đổi sang trồng lúa nước với các loại Khang Dân, HT1 cho  năng suất trung bình đạt 245kg/sào Trung bộ (cao hơn năng suất trung bình khi chưa học cách áp dụng kỹ thuật là 130kg/sào). Hàng trăm hộ cũng đã kết hợp chăn nuôi bò cái sinh sản với lợn thịt, lợn giống, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình. Chính cách làm mới mà thầy, cô giáo lớp xóa mù chữ 1, 2, 3 và cán bộ, chiến sĩ của đoàn áp dụng cho bà con vùng dự án trong chuyển đổi phương thức sản xuất, canh tác đã giúp nhiều gia đình bà con các dân tộc từ chỗ thiếu đói đã thoát nghèo, trở thành hộ kinh tế phát triển; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của bà con vùng biên giới phía Tây tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày càng được ổn định, nâng cao, thế trận quốc phòng ngày càng được củng cố vững chắc.

 

Bài và ảnh: HOÀNG GIA MINH