QĐND - Cách đây 5 năm, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) được thành lập. Những người lính trên mặt trận mới đã lên đường, khắc phục khó khăn trong ngày đầu đi mở đất để góp phần tri ân người dân vùng căn cứ Khu V và các huyện miền núi Quảng Nam.

Những “khuyến nông viên” áo lính

Nơi đến của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 207 là: La Ê Ê, Chà Vàl, Chơ Chun… thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, những địa danh cách Đà Nẵng chừng 150km nhưng địa hình rừng núi hiểm trở, việc đi lại vô cùng gian nan. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Cơ Tu, Giẻ Triêng, Tà Riêng, Ve, Nùng, B’Nong từ bao đời nay vẫn quẩn quanh với đói nghèo, lạc hậu trong tình trạng “không đường, không điện, không sóng điện thoại”, thời tiết thì thường lạnh thấu xương mỗi khi đông về và nóng như nung vào những ngày hạ tới. Đến với đồng bào, những người lính tiên phong đã phải vượt qua con đường với bao ngầm thác, có lúc phải lội bộ hàng chục cây số trong bùn đất nhão nhoét hoặc oằn người đẩy xe trong những trận mưa tầm tã để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ngày đơn vị bàn giao tuyến đường tại xã Chà Vàl (huyện Nam Giang) và Phước Mỹ (huyện Phước Sơn), bà con vô cùng phấn khởi, bởi con đường đã giúp họ đi lại thuận tiện vào mùa mưa, giảm bớt phần nào khó khăn trong vận chuyển sản phẩm và sinh hoạt hằng ngày. Để giúp bà con xóa nghèo bền vững, đoàn thực hiện liên kết “ba trong một”: Sản xuất chăn nuôi tập trung, phát triển kinh tế vệ tinh, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đoàn tạo ra những mô hình mẫu, thành lập các đội nông lâm, tổ chức hội nghị đầu bờ, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ trưởng thôn, bản và nhân dân. Các “khuyến nông viên” Đoàn 207 còn trực tiếp giúp 250 hộ nghèo chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ 100% giống, phân bón, vật tư sản xuất. Đặc biệt, từ mô hình nuôi heo thí điểm cho 20 hộ ban đầu, đến nay đã có 170 hộ dân được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng nuôi heo.

Đoàn KT-QP 207 khánh thành và bàn giao Nhà văn hóa cho người dân thôn Pa Lan (xã La Ê Ê, Nam Giang).

 

Ông Chơ Rum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang kể lại một công việc ý nghĩa mà bộ đội Đoàn 207 vừa làm được trong những năm qua, đó là việc tổ chức và duy trì mỗi tuần một chợ phiên. Từ bao đời nay, người dân Cơ Tu xã Chà Vàl vốn quen sống theo tập tục tự cung tự cấp, không có chợ để tập trung kinh doanh buôn bán. Thực phẩm được tư thương chở xe gắn máy từ thị trấn lên từ mờ sáng và bán với giá gấp đôi, thậm chí gấp ba so với đồng bằng. Thấu hiểu nguyện vọng của bà con, Đoàn 207 phối hợp với UBND huyện Nam Giang khai mạc chợ phiên tại các xã vùng cao biên giới. Phiên đầu tiên mở vào ngày 22-3-2014. Từ đó, vào mỗi thứ bảy hằng tuần, các phiên chợ được duy trì,tạo cơ hội cho đồng bào tới mua, bán, giao lưu văn hóa, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.Ngoài ra, Trung tâm thương mại dịch vụ của Đoàn 207 được thành lập cũng góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa và tiêu thụ nông sản cho nhân dân trong vùng dự án.

Dấu chân trên dải biên cương

Đại tá Trần Văn An, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 207, người gắn bó với đơn vị từ ngày đầu đi mở đất, tâm sự: “Với chủ trương lo cho đồng bào trước khi lo cho mình, 3 năm đầu, chúng tôi ở tạm nhà dân và hai năm sau mới hoàn chỉnh doanh trại”. Theo anh, trong số những khó khăn, vất vả của đơn vị thì việc không có sóng điện thoại để liên lạc là “cực” nhất. Anh em chỉ còn cách tranh thủ về phép năm để gặp vợ con. “Chúng tôi chỉ về được vào mùa khô, bởi mùa mưa sẽ không thể vượt qua được đoạn đường dài bùn đất và các ngầm thác sâu. Có lần, chỉ huy đoàn về Đà Nẵng họp, do việc gấp nên đành bơi qua ngầm khi nước lũ trên nguồn bắt đầu đổ về. Qua rồi, chúng tôi mới thấy mình... liều thật!”.

Đồng bào vẫn không quên những ngày đầu, bộ đội 207 từng phải gùi vật liệu vượt 7km đường rừng để xây dựng Trường Tiểu học thôn A Sò, xã Chơ Chun cách biên giới 1km; rồi chuyện về Phòng khám đa khoa khu vực Chà Vàl đã có từ lâu, nhưng do thiếu bác sĩ và trang thiết bị nên nhiều người ngại đến, khi đau ốm thường mời thầy lang tới cúng tại nhà. Đoàn 207 đã tiếp nhận và nâng cấp Phòng khám thành Bệnh xá quân dân y kết hợp và tổ chức 9 đợt về các xã trong vùng dự án khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; mỗi năm, bệnh xá khám và điều trị cho hơn 10.000 lượt người dân. Có trường hợp bị bệnh tâm thần lang thang trong rừng, Đoàn cử cán bộ đi tìm, đưa ra chữa trị ở Đà Nẵng, khi người bệnh về, đơn vị lại tiếp tục tới thăm hỏi, hỗ trợ gia đình... Trên dải biên giới phía tây, Đoàn 207 còn phối hợp cùng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam tham gia hai đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 lượt người và tặng gần 300 suất quà tới người dân các huyện Kà Lừm và Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào).

Đường lên biên giới hôm nay đã rộng mở. 10 xã của huyện Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn đang thực sự hưởng lợi từ các dự án. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 207 đã trở thành dòng suối mát lành chảy qua từng buôn làng, tạo niềm tin để bà con góp phần xây dựng vùng căn cứ cách mạng ngày càng thêm vững mạnh.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN