QĐND - Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ban CHQS huyện Lang Chánh, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa bằng những mô hình, việc làm thiết thực, hiệu quả, như: “Búp măng vàng”-phục tráng rừng luồng nghèo kiệt và làm đường bê tông giúp các em đến lớp…

“Nước mắt” rừng luồng

Ấn tượng ban đầu của tôi khi đặt chân lên vùng biên Lang Chánh là màu xanh của luồng. Luồng phủ khắp các ngọn núi, ngọn đồi. Luồng mọc ven các con đường, mọc đầy trong vườn các gia đình bà con dân bản. Đó là kết quả sự vận động, thuyết phục và giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lang Chánh trong suốt những năm qua. Bởi trước đây, bà con trồng luồng hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên; đồng thời khai thác một cách cạn kiệt.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào công việc, Trung tá Trần Bùi Hoan, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện, kể: "Đầu năm 2012, khi xuống địa bàn, tôi nhận thấy bà con khi khai thác các vườn luồng rất thiếu khoa học. Vì thế, những rừng luồng bị tàn phá hết sức nặng nề, không có khả năng khôi phục. Tôi suy nghĩ, cần phải làm gì để thay đổi cách nghĩ của bà con. Cây luồng là cây chủ đạo trong phát triển kinh tế của huyện, nếu khai thác không đi kèm với chăm sóc thì đến măng cũng không mọc kịp, nói gì đến việc cây luồng sinh trưởng, phát triển”.

Từ suy nghĩ ấy, kết hợp với triển khai, thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, sau khi họp bàn thống nhất, lãnh đạo, chỉ huy Ban CHQS huyện Lang Chánh quyết định làm điểm mô hình “Búp măng vàng”-phục tráng rừng luồng nghèo kiệt kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nếp nghĩ của bà con trong khai thác, chăm sóc cây luồng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Cán bộ Ban CHQS huyện Lang Chánh cùng người dân chăm sóc rừng luồng.

Đối tượng được Ban CHQS huyện Lang Chánh lựa chọn thực hiện mô hình điểm là rừng luồng nghèo kiệt hơn 1,5ha của gia đình cựu chiến binh Hà Văn Sính, có hoàn cảnh khó khăn ở làng Cui, xã Đồng Lương. Trong gần một tuần lễ, với nguồn kinh phí 15 triệu đồng (được huy động từ sự đóng góp của cán bộ, QNCN và lực lượng dân quân, dự bị động viên trên địa bàn), Ban CHQS huyện mua phân NPK và phối hợp với cán bộ khuyến lâm trực tiếp đến tận gia đình hướng dẫn kỹ thuật phòng bệnh, vệ sinh khóm, tạo rãnh sâu quanh gốc với kích thước hợp lý để bón thúc phân NPK cho cây luồng phát triển đều. Kết quả, đến nay, sau hơn hai năm chăm sóc đúng kỹ thuật, chất lượng cây luồng của gia đình ông Sính được cải thiện đáng kể, như: Đường kính bình quân của cây luồng tăng từ 7,5cm lên 8,25cm, chiều dài hàng hóa tăng từ 7,7m lên 8,5m; tỷ lệ măng mọc hoàn chỉnh thành cây tăng từ 75% lên 96%. Theo anh Lê Văn Thưởng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đồng Lương, hiện tại, xã có 4 hộ gia đình đã áp dụng kỹ thuật từ mô hình điểm “Búp măng vàng” của Ban CHQS huyện, bước đầu các rừng luồng đang phát triển tốt, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Con đường nâng bước em đến trường

 Không chỉ có mô hình “Búp măng vàng” bước đầu phục tráng những rừng luồng bị khai thác quá mức, Ban CHQS huyện Lang Chánh cũng đã huy động và đầu tư hơn 13 tấn xi măng cùng nhân dân thôn Húng, xã Giao Thiện, bê tông hóa đoạn đường đến điểm Trường Mẫu giáo và Tiểu học Giao Thiện 1, tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh đến trường.

Tôi ngược 18km đường rừng từ trung tâm huyện Lang Chánh đến xã Giao Thiện và từ đây tiếp tục hành trình 8km với những dốc cao, vực thẳm mới đến được thôn Húng-thôn xa nhất và nghèo nhất của xã Giao Thiện và cả huyện. Vừa gặp chúng tôi, ông Ngân Hồng Tâm, Phó bí thư Chi bộ thôn Húng, nói ngay: “Bà con thôn Húng cảm ơn bộ đội nhiều mà không biết nói lời nào để tỏ hết cái bụng. Thôn Húng nghèo khó từ xưa tới nay! Bộ đội đi từ xã vào thôn đường khó một thì đoạn đường từ thôn đến hai điểm trường chỉ dài 200m, còn khó khăn gấp bội. Đoạn đường này thường xuyên bị lầy lội, nhất là mùa mưa, nước chảy xiết, các cháu không đến lớp được nên việc học nhiều hôm bị ngắt quãng”.

Nói rồi, ông Tâm dẫn tôi đi trên đoạn đường mới được bê tông hóa. Tuy nhiên, điều tôi thấy lạ đó là đoạn đường không được bằng phẳng như bao con đường bê tông khác. Như hiểu được thắc mắc của tôi, ông Tâm giải thích: Đường ở thôn làm bằng xi măng của bộ đội, còn cát, sỏi lấy ở dưới khe nên kích thước không đều, bởi vậy mà đường gồ ghề. Nhưng cái được là bà con không phải mất tiền cát, sỏi mà vẫn có đường bê tông để đi”.

Là người hằng ngày đi trên con đường bê tông do cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện giúp sức, anh Đỗ Ngọc Thành, giáo viên điểm Trường Tiểu học Giao Thiện 1, cho biết: “Giờ thì cả thầy, trò của hai điểm trường đều không ngại những ngày mưa gió nữa. Con đường bê tông do Ban CHQS huyện hỗ trợ thực sự đã giúp các em vùng cao thôn Húng được đến trường thuận lợi hơn rất nhiều”.

Bài và ảnh: DUY THÀNH